Xuất khẩu hồ tiêu: Bài học điều tiết thị trường

Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu năm nay có thể sụt giảm khoảng 10%, dự kiến chỉ đạt 108.000 tấn so với trên 124.000 tấn năm 2011, nhưng giá trị kim ngạch lại đạt trên 800 triệu USD (năm 2011 là 730 triệu USD). Như vậy, cùng với cà phê, hồ tiêu là mặt hàng nông sản xuất khẩu hiếm hoi tăng giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay.

Nhỏ nhưng không bé

Hồ tiêu là mặt hàng nông sản xuất khẩu dù chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với cà phê, cao su, gạo, kể cả nhân điều khi kim ngạch xuất khẩu đều từ 1 tỉ USD trở lên, trong khi hồ tiêu vẫn phấn đấu để đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trong những năm tới. Năm 2012, ban đầu dự kiến xuất khẩu 850 -900 triệu USD, nhưng do sản lượng xuất khẩu sụt giảm do sâu bệnh làm năng suất nhiều nơi không như mong muốn nên chỉ đạt hơn 800 triệu USD. Tuy mới tham gia thị trường xuất khẩu, nhưng Việt Nam nhanh chóng vào tốp những nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới và nhiều năm qua là quốc gia chiếm trên 50% sản lượng giao dịch hồ tiêu trên thị trường thế giới, bỏ xa Ấn Độ – quốc gia từng xuất khẩu lớn nhất, Brazil, Indonesia… Năng suất hồ tiêu Việt Nam cách biệt khá xa so với các nước khác, 3-5 tấn/ha, vượt hơn Ấn Độ, Indonesia 3-5 tạ/ha.

Trong nước, hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp, nhưng hồ tiêu lại chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu, tức khoảng 6.800 USD/ha, gấp 4 lần cao su; 3,8 lần hạt điều; 2,6 lần cà phê; 6  lần trà (chè). Có thể nói năng suất giữa hồ tiêu và cà phê tương đương nhau nhưng giá bán hồ tiêu lại gấp 3-4 lần so cà phê. Mỗi hescta hồ tiêu có thể lãi 200-250 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, thu nhập của người trồng hồ tiêu vào loại cao so với nhiều loại cây trồng khác nên đời sống của bà con trồng hồ tiêu nhìn chung thuộc loại khá giả, nhà cửa khang trang, có của để dành. Và đó là lý do làm cho diện tích hồ tiêu tăng rất nhanh, năm 2011 lên 55.400ha (gấp 8 lần năm 1995), sản lượng cao gấp 12 lần năm 1995.

Điều tiết thị trường xuất khẩu

Cà phê robusta, nhân hạt điều, cao su, gạo và hồ tiêu là những mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam đang ở mức nhất, nhì thế giới. Trong đó cà phê robusta Việt Nam chiếm tỉ trọng trên 50% lượng giao dịch như hồ tiêu, chưa kể mặt hàng nông sản khác là cá tra phi lê xuất khẩu Việt Nam chiếm trên 90%, gần như độc chiếm thị trường thế giới. Về lý thuyết, khi chiếm tỉ lệ áp đảo sẽ làm chủ thị trường và giá. Nhưng thực tế, để gọi là chủ động điều tiết thị trường xuất khẩu, qua đó giữ giá không bị biến động xuống dưới giá thành… thì chỉ mới có mặt hàng hồ tiêu làm được điều này.

Trong kinh doanh, nông sản là mặt hàng có sự biến động rất lớn, vì thế mới có điệp khúc “được mùa, mất giá”. Hồ tiêu cũng không thoát khỏi tình trạng này khi khởi đầu. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), chu kỳ biến động giá của hồ tiêu thế giới khoảng 3-5 năm. Thế nhưng liên tục nhiều năm nay, giá hồ tiêu trong nước bán được tăng dần, tất nhiên có thời điểm nào đó giá giảm, thậm chí giảm sâu, nhưng vẫn trên giá thành và nếu nhìn chung cả năm thì năm sau tăng hơn năm trước. Để có được điều này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex kiêm Chủ tịch VPA cho biết, nhờ có của ăn của để nên người trồng giữ lại hồ tiêu tại nhà khi giá thế giới xuống thấp, chỉ bán ra khi giá lên ở mức nào đó.

Nói thì đơn giản là vậy, nhưng đó là cả một quá trình nhiều năm mới có được sự đồng thuận cao về mức giá để bán ra. Có thể nói, bà con trồng hồ tiêu đã vượt qua ngưỡng tâm lý phổ biến của nông dân Việt Nam là khi thấy giá cao thì giữ hàng chờ cao hơn để bán, nhưng khi giá xuống thì lo sợ, ồ ạt bán ra và lại đồng loạt nên giá thị trường càng đi xuống. Giờ đây, người trồng hồ tiêu làm ngược lại, không bán ra khi giá xuống quá thấp, mà giữ lại chờ giá lên đến một mức thống nhất nào đó mới bán ra. 4-5 năm qua, bài học và kinh nghiệm này đã được bà con áp dụng ngày càng thuần thục và đồng bộ. Để có được điều này, nhiều hộ trồng hồ tiêu lớn đăng ký mua tin của các hãng thông tấn nước ngoài, trang bị internet để lên mạng nắm thông tin hàng ngày. Vì vậy, những biến động của thị trường đều được bà con nắm chắc.

Trong vấn đề này, vai trò của VPA đã có những đóng góp đáng kể. VPA khuyến cáo những hộ trồng hồ tiêu có sản lượng lớn nên giữ lại, không vội bán ra khi vào đầu vụ thu hoạch hoặc thời điểm giá thế giới giảm mạnh, khi nhà nhập khẩu tìm cách ép giá như cách làm từ bao lâu nay với các mặt hàng nông sản khác. Năm đầu, số hộ tham gia chưa nhiều, nhưng khi nhìn lại những hộ giữ hàng, bán ra từ từ sau này đều có giá tốt là niềm tin để những hộ khác có động lực để làm theo. VPA ghi nhận, năm 2008, mức giá thống nhất để bà con có thể bán ra là khoảng 20.000 đồng/kg trở lên, năm 2009 lên 30.000 đồng/kg, rồi 50.000 đồng/kg năm 2010. Đến năm 2011 là 80.000 đồng/kg và năm nay khoảng 120.000 đồng/kg. Sự đồng lòng và tự đưa ra mức giá bán là do bà con đưa ra dựa trên những thông tin thị trường kết hợp dự báo của VPA.

Diện tích hồ tiêu gia tăng qua từng năm đến nay đã vượt quá quy hoạch (năm 2010 là 50.000 ha), đặc biệt là Tây Nguyên. Khu vực này chiếm 50% sản lượng hồ tiêu của cả nước (khoảng 52.000 tấn). Năm nay, các tỉnh Tây Nguyên trồng mới thêm 3.200 ha, nhiều nhất ở Đắk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk, nâng diện tích toàn vùng lên 24.800 ha. Do không phải ai cũng có kiến thức nên nhiều trường hợp bà con trồng hồ tiêu ở những nơi không phù hợp như đất trũng, tiêu thoát nước chậm… bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Quan ngại hơn là giống tiêu không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân. Khảo sát mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năng suất bình quân hồ tiêu giảm xuống còn 2,4 tấn/ha.

Nguồn SGGP
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *