Xuất khẩu tiêu quý I: Giảm về lượng nhưng tăng về giá trị
Tính chung trong quý I, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 57 nghìn tấn, trị giá 236 triệu USD, giảm 25% về lượng, nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3 đạt xấp xỉ 25,9 nghìn tấn, trị giá 111,6 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng 105% về trị giá so với tháng 2, so với tháng 3/2023 giảm 27,5% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá.
Tính chung trong quý I, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 57 nghìn tấn, trị giá 236 triệu USD, giảm 25% về lượng, nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 3, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.305 USD/ tấn, tăng 6,3% so với tháng 2 và tăng mạnh 44,5% so với tháng 3/2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.153 USD/tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái đã giảm đến 95,8%, chỉ đạt 1.083 tấn so với 25.919 tấn của cùng kỳ. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức 2.138 tấn đạt được vào quý I/2022, thời điểm Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam.
Giá hồ tiêu trong nước ngày 19/4 tăng thêm 1.000 – 2.500 đ/kg, qua đó đưa mặt hàng nông sản này trở lại mức 95.000 đ/kg.
Hiện tại, vụ thu hoạch của nước ta cơ bản kết thúc. sau khi thu hoạch, chuyên gia cảnh báo, cây hồ tiêu thường sẽ bị “kiệt sức”, lại rơi vào thời điểm mùa khô. Do đó, bà con nông dân nên chú trọng vào khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây hồi phục. Thời tiết đang gây ra nhiều mối lo sản lượng tiếp tục sụt giảm đẩy giá tiêu trong nước tăng trở lại tuần này.
Trước thực trạng giá hồ tiêu phục hồi, nhiều hộ trồng hồ tiêu đã và đang dự định tái cơ cấu lại vườn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, bà con nông dân nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay để chạy đua mở rộng diện tích.
Nguồn Tạp Chí Công Thương (link bài viết gốc)