Bà Rịa – Vũng Tàu : Hồ tiêu chín sớm, giá bán ở mức thấp

, Thị trường hạt tiêu, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 10

Bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2023, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi giá bán đang ở mức thấp, trong khi đó tình trạng thiếu nhân công, giá thuê cao vẫn diễn ra khiến cho việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

Đọc thêm: >> Việt Nam: Xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2022 giảm về lượng nhưng giá tăng so với năm trước.

Tiêu chín sớm, giá thấp trong khi nhân công khan hiếm khiến người trồng tiêu đang phải chạy đua với thời gian để thu hoạch. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc).

Giá tiêu giảm thấp

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức bước vào cao điểm vụ thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, sản lượng và giá thành đều không mấy khả quan. Hiện nay, giá tiêu rớt xuống mức thấp, chỉ từ 58-59 ngàn đồng/kg, trong khi đó nguồn nhân công thuê để thu hoạch khan hiếm nên giá thuê từ 280-300 ngàn đồng/người/ngày, khiến cho nguồn thu không đủ chi phí thuê nhân công.

Bà Lê Thị Hoàn (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang canh tác 1,3ha hồ tiêu cho biết, từ mùng 7 Tết, gia đình bà đã phải huy động hết bà con họ hàng để kịp thu hoạch do hồ tiêu chín rộ. “Ngoài chín sớm, năm nay hồ tiêu mất mùa, sản lượng chỉ đạt hơn 1 tấn; giá bán cũng đang ở mức thấp, chỉ 58-59 ngàn đồng/kg, vụ này lỗ hơn 10 triệu đồng/ha”, bà Hoàn cho hay.

Cũng trong tình cảnh tương tự, vườn hồ tiêu 1,1ha của ông Lê Xuân Liên (ngụ ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) chín đỏ rực và rụng đầy gốc. Để tránh thất thoát, ông phải bỏ tiền mua lưới về rải khắp vườn để hứng trái hồ tiêu rụng xuống khi không kịp thu hoạch. Mặc dù năm nay sản lượng ổn định hơn năm ngoái, song với giá bán giảm, cộng với chi phí đầu tư tăng cao nên lợi nhuận mang lại không như mong đợi.

Ông Lê Xuân Liên (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) phải đi tới các tỉnh lận cận để tìm kiếm nhân công thu hoạch tiêu.

Khó thuê nhân công

Dạo quanh các vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh cho thấy, mặc dù đang bước vào chính vụ thu hoạch, hồ tiêu chín đỏ nhưng không còn cảnh nhộn nhịp nhân công thu hoạch như những năm trước. Thông tin từ các hộ trồng hồ tiêu cho biết, tìm khắp nơi nhưng vẫn không kiếm được nhân công để thuê thu hoạch dù giá thuê tăng cao từ 280-300 ngàn/người/ngày.

Ông Lê Xuân Liên (xã Hòa Bình) cho biết thêm: “Để kịp thu hoạch vườn tiêu đã chín đỏ, nhiều ngày qua, tôi đã phải chạy đôn chạy đáo ngược xuôi để tìm kiếm nhân công hái tiêu từ các tỉnh lận cận. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn đang vụ thu hoạch mủ cao su, nên đa số lao động đã được thuê cạo mủ từ trước Tết. Với 4 công hái tiêu này, chắc khoảng 1 tháng rưỡi nữa gia đình tôi mới thu hoạch xong”.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh đang canh tác gần 10.700ha hồ tiêu, giảm hơn 800ha so với đầu năm 2022. Trước thực trạng giá hồ tiêu lên xuống thất thường nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc trồng mới mà chú trọng chăm sóc, phục dưỡng những diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Đối với những diện tích tiêu già cỗi, năng suất thấp, bà con nông dân nên nghiên cứu để chuyển đổi cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất.

10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Ai không sợ rủi ro thì chờ tới tháng 4/2023 hãy mua tiêu trữ, nếu tới tháng 4 này giá còn dưới 60k mua vào chờ 1 năm tới tháng 4/2024 thì khả năng nhân đôi số tiền (lợi nhuận 100%, hơi cao). Chuối cấy mô, sầu riêng và một số cây trồng khác đang mang lại lợi nhuận khá tốt, tôi tin phải có trên 50% bà con nông dân trồng tiêu còn lại sẽ chuyển đổi cây trồng nếu giá tiêu cứ thấp như hiện nay. Người giàu nhiểu tiền người ta có thể trữ tiêu chờ 2-3 năm chứ người nông dân tiền đâu mà chờ cây tiêu nữa.
    Ở Đồng Nai tôi giờ toàn chuối cấy mô, vườn tiêu nào còn cũng xơ xác chẳng có năng suất, không biết các vùng khác thế nào. Giá nhân công làm chuối dao động từ 300-500k/ngày, vì thế giá công hái tiêu ở Đồng Nai cũng tăng cao theo giá công làm chuối, mà tìm cũng khó vì người ta thích làm chuối hơn. Riêng ở Đồng Nai giá cho thuê đất cũng giao động từ 70-90 triệu/ha/1 năm. Với 1 héc-ta tiêu hiện nay chỉ thu được tầm trên dưới 1 tấn, vì nông dân bỏ bê không chăm sóc, trừ hết chi phí phân bón, điện nước, công hái thì gần như từ huề tới lỗ. Vì thế việc xóa sổ cây tiêu ở Đồng Nai gần như là sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới.
    Tôi sẽ bòn tiền chờ hết mùa thu hoạch sẽ mua tiêu trữ !

  2. Thế bạn không tính đến trường hợp sản lượng của Việt Nam giảm nhưng các nước khác tăng lên à? Với đà này chỉ khoảng 5-10 năm nữa thôi là Brazil họ sẽ soán ngôi Việt Nam về sản lượng và xuất khẩu tiêu. Ngành tiêu có thể sẽ giống như ngành điều bây giờ, đó là nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất.

    • Bà con thận trọng với việc thổi giá để bán hàng chưa xuất trong mấy ngày qua !

  3. Có người nói Trung Quốc mua tiêu để ở VN giờ muốn đẩy giá lên bán ra? Trung Quốc muốn bán giá bao nhiêu mà đẩy giá lên? Nếu không đẩy lên tới giá họ mong muốn họ có bán không? Đầu cơ đã mua trước đây có ai muốn bán ngay trong vụ thu hoạch không? Đầu cơ đang chuẩn bị mua thì mua lúc nào là tốt nhất có phải là trong vụ thu hoạch không?
    Tổng hợp các tình huống trên tôi chỉ thấy trong vụ thu hoạch này chỉ có nông dân bán ra, đầu cơ đang mua, tôi nghĩ các công ty cũng phải mua để giao hàng mỗi tháng. Năm nay người ta nói sản lượng tăng so với năm ngoái nhưng nhận định này đã bị bác bỏ bởi chính những người nông dân trồng tiêu, họ khẳng định năm nay mất mùa hơn năm ngoái, và diện tích thì ngày càng bị thu hẹp, đó chính là khẳng định của người nông dân làm tiêu. Các bác ấy hãy hành động và quyết định theo những gì mắt thấy tai nghe của các bác, chứ đừng vì lời hù dọa của một số người mà sợ. Giá tiêu hiện nay chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm, vì thế các bác căn cơ mà bán cho hợp lý… Còn ai năm nay muốn mua đầu cơ thì căn mà mua chứ chờ đợi khéo phải mua giá cao chứ không có giá thấp 50k đâu nhé các bác.

  4. @ Tran Van Tại sao không nghĩ rằng dân buôn TQ cũng thất bại, họ cố đưa giá lên để bán cắt lỗ? Họ lỗ cả năm 2022 rồi.

    XH không đơn giản, rất nhiều người nghe theo những lời hô hào giá tăng, vay nóng để ôm hàng với hy vọng gỡ gạc. Chính việc đóng lãi vay khiến họ mệt mỏi, bán ra cắt lỗ khiến giá giảm trong suốt năm 2022. Lấy gì đảm bảo là điều đó không lặp lại trong năm 2023? Nếu như những người đánh lên chứng minh được rằng họ có thực lực, họ có đủ sức bền để chịu đựng được ít nhất 6 tháng ngân hàng tăng lãi suất, lúc đó tự khắc họ sẽ có thêm đồng minh.

    Không gì nguy hiểm bằng việc đồng hành với những người nợ như chúa chỗm. Thực tế nguyên năm 2022 đã nói lên điều đó.

  5. Quan điểm của mình thì giá tiêu phụ thuộc khá nhiều yếu tố nhưng yếu tố ít ảnh hưởng nhất là người nông dân trồng tiêu. Cơ số nông dân thu tiêu thì bán, trữ một ít xem như để dành, giá cả cơ bản họ không quản nỗi. Lắm lúc giá hạ, lỗ vẫn bán vì đáo hạn tiền vay, cần tiền tái đầu tư, nhà nào mạnh tài chính thì trữ luôn nhưng mấy ai được thế. Còn phía thương mại như tôi thì giá lên bán lên, giá hạ bán hạ, giá tốt là làm. Hiện tôi cũng cần nhà máy/kho tiêu cung cấp hàng ổn định, giá cả biến động cân đối vừa phải để đầu ra khỏi phải sốc giá. Có thể liên hệ tôi 0918515078. Cảm ơn

Gửi phản hồi mới

(?)