Bất chấp khuyến cáo, nông dân Ðăk Nông ồ ạt trồng tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 1

Nông dân Đăk Buk So ồ ạt trồng tiêu

Nhiều năm qua, giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao, hiện nay đang dao động từ 118 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, nhiều cây trồng chủ lực khác ở Tây Nguyên như cà-phê, điều, cao-su… giá cả không ổn định và hiện đang ở mức thấp, cho nên trong những tháng mùa mưa năm nay nông dân tỉnh Ðăk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch diện tích cây trồng, gia tăng tình trạng phá rừng, nhất là nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu…

Nông dân ồ ạt trồng tiêu

Những ngày đầu tháng 8, trên con đường liên xã dài khoảng 40 km nối từ quốc lộ 14 vào các xã Quảng Tân, Ðăk R’tíh, Quảng Tâm đến xã Ðăk Búk So, huyện Tuy Ðức, hàng chục nông dân đang chở tiêu giống đi trồng. Dọc hai bên đường, một số nông dân đang chặt bỏ cây điều xanh tốt chuyển sang trồng tiêu. Tại thôn 5, xã Quảng Tân, gia đình ông Nguyễn Ðình Tùng chặt bỏ hết vườn điều, đang đào hố trồng tiêu. Ông cho biết: “Gia đình có 2 ha điều, 3 ha cà phê. Trước đây, bình quân mỗi năm thu được 5 tấn cà phê nhân và 2,5 tấn hạt điều. Gần đây, vườn điều ra hoa thường gặp sương muối và mưa trái mùa nên năng suất thấp, mỗi ha chỉ thu được vài tạ. Gia đình đã chặt bỏ toàn bộ điều chuyển sang trồng tiêu”. Do người dân đổ xô trồng tiêu cho nên giá trụ gỗ, tiêu giống tăng cao gấp 2, 3 lần so với năm trước nhưng vẫn không có để mua. Theo ông Tùng, hiện nay để trồng 1 ha tiêu phải đầu tư hết 350 triệu đồng tiền mua trụ, tiêu giống, phân bón…

Trước lợi nhuận lớn mà cây tiêu mang lại, nhất là giá tiêu đang ở mức cao cho nên trong mùa mưa năm nay nông dân xã Đăk Buk So đã ồ ạt trồng tiêu.

Hộ anh Ðậu Văn Ðức ở thôn 3, có 3 ha đất sản xuất. Những năm qua anh đầu tư trồng 2 ha cà phê, 1 ha còn lại anh trồng khoai lang Nhật Bản. Ðầu mùa mưa năm nay, thấy nhiều người mua trụ về trồng tiêu, anh đã gom hết 100 triệu đồng tích cóp được và vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng đầu tư mua trụ gỗ và tiêu giống về trồng. Anh cho biết, do nguồn tiêu giống khan hiếm nên nhiều nông dân đã lên Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên tại Ðăk Lăk để mua tiêu giống, nhưng vẫn không đủ. Do đó, tại một số địa bàn trong huyện đã xảy ra tình trạng cắt và nhổ trộm tiêu giống, gây thiệt hại nặng nề.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Ðức Ðặng Văn Cương cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay toàn huyện trồng mới gần 300 ha tiêu, nâng tổng diện tích tiêu toàn huyện lên 1.000 ha. Việc bà con tự phát mở rộng diện tích tiêu khiến cho ngành nông nghiệp huyện lúng túng, mặc dù trong thời gian qua phòng đã khuyến cáo không nên ồ ạt trồng vì diện tích cây tiêu tăng quá “nóng”, lại trồng không bảo đảm kỹ thuật, dễ dẫn tới phát sinh dịch bệnh chết hàng loạt. Đồng thời phải ba năm nữa cây tiêu mới cho thu hoạch, lúc đó không biết giá cả còn cao như hiện nay hay không. Bất chấp khuyến cáo của Phòng, nông dân vẫn ồ ạt trồng tiêu, làm cho tình trạng phá rừng, mua bán trái phép lâm sản, đất rừng trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp và đang trở thành  “điểm nóng”.

Những hệ lụy

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Ðăk Nông, từ đầu mùa mưa đến nay toàn tỉnh đã trồng mới được gần 1.000 ha tiêu, trong đó nhiều nhất là huyện Ðăk Mil 360 ha, Tuy Ðức 300 ha… và hiện nay diện tích trồng mới vẫn tăng từng ngày. Do nhu cầu tăng cao đã dẫn tới tình trạng “sốt” giá. Ðối với trụ tiêu ở thời điểm tháng 4 có giá 180-200 nghìn đồng/trụ nay tăng lên 250-300 nghìn đồng/trụ. Ðối với tiêu giống có giá 20-25 nghìn đồng/bịch nay đã tăng lên 35-40 nghìn đồng/bịch nhưng vẫn không có để mua.

Lợi dụng sự khan hiếm tiêu giống, tại xã đã xuất hiện tình trạng bán tiêu giống “di động” kém chất lượng, thậm chí tại một số địa phương của huyện Cư Jút và Tuy Ðức còn xảy ra hiện tượng cắt và nhổ trộm tiêu giống, gây lo lắng và thiệt hại nặng nề cho nông dân. Anh Lê Văn Nam, ở thôn 2, xã Ðăk Sin, huyện Ðăk R’lấp mua 500 dây tiêu giống từ một xe bán rong, được quảng cáo là tiêu Vĩnh Linh đọt đỏ chất lượng cao. Sau một thời gian chăm sóc, gần 400 cây chết không rõ nguyên nhân, anh phải bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua giống mới trồng lại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Gấm cho biết: Cây tiêu đã giúp nông dân trong tỉnh xóa được đói, giảm được nghèo, nhiều người còn vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, diện tích tiêu tăng quá “nóng” dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo quy hoạch, Đăk Nông giữ ổn định 6.000 ha tiêu nhưng đến nay đã tăng lên 7.769 ha. Việc phát triển diện tích tiêu ngoài quy hoạch và trồng, chăm sóc không bảo đảm  kỹ thuật dễ phát sinh các loại dịch bệnh làm tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chỉ trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 177 ha rừng tự nhiên bị chặt phá để lấy gỗ làm trụ và đất trồng tiêu. Hiện nay, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra hết sức nóng bỏng và có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, việc nông dân ồ ạt trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, mất giá. Ðiệp khúc “trồng – chặt, chặt – trồng” vẫn là bài học chưa muộn đối với nông dân Ðăk Nông.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
1 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nếu bất chợt có nguồn sáng mạnh phát ra thì ai cũng nhìn về phía đó. Giá hồ tiêu lúc này cũng vậy, hấp dẫn hơn bất kỳ loài nông sản nào. Vì vậy người dân đã đổ xô trồng loại cây này, ngày qua ngày diện tích cứ tăng lên. Có lẽ đến một ngày nào đó mọi người mới nhận ra rằng trước thì “trồng” sau thì “tiêu”…

Gửi phản hồi mới

(?)