Bình Phước: Nỗi lo của người dân thôn Bình Hòa
Những ngày qua, người trồng tiêu ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) đứng ngồi không yên vì những vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Có vườn tiêu chết chậm, có vườn chết nhanh. Một số nông dân xót của, mua đủ thứ thuốc về phun theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”. Có hộ bỏ mặc vì cho rằng, tiêu đã nhiễm bệnh thì không thể cứu chữa. Cây điều bị sâu bệnh gây hại chưa khắc phục được, nay lại đến cây tiêu chết hàng loạt khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu 2 ha của gia đình đang bị thối rễ, chết nhanh, anh Nông Văn Táy không giấu được nỗi buồn rầu vì toàn bộ vườn tiêu đang úa vàng từ gốc lên ngọn, từng chùm trái héo rũ. Anh Táy phát hiện tiêu bị bệnh hơn 10 ngày qua, một số cây đã trút cả lá và trái non xuống gốc, dây tiêu đang khô dần. Anh Táy cho biết: Mỗi năm gia đình trồng một ít, chủ yếu là giống tiêu Vĩnh Linh, nọc trồng bằng cây mum và lồng mức. Trước khi trồng tôi đều ủ phân hoai mục, khử trùng để phòng tránh nấm bệnh. Mấy ngày qua, những cây đã chết tôi nhổ gốc để tại chỗ, không dám mang đi tiêu hủy chỗ khác vì sợ lây lan và không chôn lấp vì sợ ủ bệnh. Hiện tôi chưa biết phải xử lý như thế nào?
Cách nhà anh Táy 300m, vườn tiêu 2,7 ha 8 năm của hộ ông Phạm Văn Dân số tiêu chết đã lên tới trên 1.000 nọc. Năm 2016, vườn tiêu của gia đình ông Dân cũng bị bệnh nhưng số lượng ít, năm nay chết hàng loạt. Đa số vườn tiêu của hộ ông Dân đang trong thời kỳ cho thu hoạch, những cây tiêu chết khô chỉ còn dây bám vào cây keo khiến vườn tiêu từ màu xanh tươi tốt nay bao phủ một màu đen. Ông Dân cho biết: “Khi phát hiện tiêu nhiễm bệnh, xác định nguyên nhân là do mưa nhiều, úng nước dẫn đến thối rễ, tôi đã thuê máy múc loại nhỏ vào vườn múc đất tạo mương thoát nước. Vợ tôi quá sốt ruột nên nghe ai tư vấn dùng thuốc gì thì mua ngay thuốc đó về xịt nhưng cũng không có kết quả”. Hiện toàn bộ vườn tiêu của gia đình ông Dân có nguy cơ mất trắng. Tuy tiêu còn non, hạt lép, kém giá trị, nhưng vợ chồng ông vẫn đi từng gốc lượm những chùm tiêu rụng với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Luật ở đối diện nhà ông Dân có 6 ha tiêu từ 2-8 năm. Vườn tiêu đang bị nhiễm bệnh khoảng 20% và 15% trong số đó đã chết. Anh Luật cho biết: Trồng tiêu nhiều năm nên tôi nghiên cứu khá kỹ về kỹ thuật trồng, những bệnh thường gặp cũng như cách phòng trừ. Từ trước đến nay, tiêu ở địa phương chưa từng xảy ra bệnh nặng và nguy hiểm như vậy. Biết đã thành dịch lan rộng sẽ không thể chữa trị nên tôi không dùng biện pháp nào hết, cũng không chăm sóc để khỏi tốn kém thêm một khoản nữa.
Người dân nơi đây cho biết, khoảng 3-4 năm trước, tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao lại được giá nên đời sống của nông dân ổn định. Với giá 200 ngàn đồng/kg thì số hộ có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/vụ không hiếm nên người dân đồng loạt thay đổi cây trồng, ồ ạt trồng tiêu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thôn Bình Hòa hiện có khoảng 100 ha tiêu, chiếm 75% diện tích toàn xã. Số hộ và số diện tích bị nhiễm bệnh tăng hằng ngày nên thôn cũng chưa có con số thống kê chính xác. Lãnh đạo xã đã kiểm tra hiện trạng, nắm bắt tình hình và động viên, chia sẻ khó khăn với người dân. Hiện không chỉ ở Bình Hòa mà một số hộ ở thôn Bình Minh cũng đã phát hiện tiêu nhiễm bệnh.
Kỹ sư Huỳnh Giang, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Bù Đăng cho biết: “Tiêu chết nhanh là do nấm tấn công vào các bộ phận từ lá, đốt, chùm trái, rễ ngầm trong đất thông qua các vết thương hở do quá trình canh tác hoặc các vết đốt của rệp sáp. Trong vòng 5-7 ngày, nấm và vi khuẩn sẽ phá hủy bộ rễ, quá trình dẫn nước và chất dinh dưỡng lên thân tiêu bị ngừng hẳn làm tiêu chết đột ngột. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa hoặc sau một đợt hạn kéo dài gặp mưa lớn. Bệnh chết nhanh lây lan qua dòng nước hoặc các dụng cụ như: kéo cắt cành, cuốc, xẻng… Khi tiêu bị bệnh chết nhanh, gần như không thể cứu chữa”.
Kỹ sư Huỳnh Giang khuyến cáo: Tiêu là cây trồng khó tính, khá nhạy cảm. Người trồng tiêu vất vả hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác bởi dễ mắc bệnh, do vậy biện pháp phòng bệnh vẫn là chính. Theo đó, người trồng tiêu phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh, có biện pháp tưới, tiêu hợp lý; tăng cường chăm sóc bằng các loại phân bón hữu cơ, cải tạo đất, đặc biệt là không được lạm dụng phân NPK. Những vườn đã bị nhiễm bệnh, nông dân cần phải khử trùng, tẩy rửa làm sạch đất. Nếu canh tác thì nên thay đổi cây trồng khác. 3 năm sau mới tiếp tục trồng lại cây tiêu.
22 phản hồi cho bài "Bình Phước: Nỗi lo của người dân thôn Bình Hòa"
Tôi thường không hay nói, nhưng bài báo có nhiều vấn đề không thể không nói. Tạm thời coi những nội dung phản ánh trên là chính xác, tôi có ý kiến bình luận:
-Trong khi Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) đang xúc tiến thành lập những “bệnh viện cây trồng” cho hồ tiêu ở các tỉnh, nhằm chữa những bệnh phỏ biến trên cây hồ tiêu. Nhưng bài báo dẫn lời kỹ sư Huỳnh Giang, trưởng trạm TT & BTTV Bù Đăng cho rằng “gần như không thể cứu chữa”. Như vậy, việc thành lập “BV cây trồng” của VAAS và CABI là việc bất khả thi, chỉ nhằm để kinh doanh phân thuốc không có tác dụng hay lời của ông trưởng trạm là nói tào lao ?
-Mỗi ha tiêu kinh doanh hiện có giá trị tương đương 1 tỷ đồng. Có thể anh nông dân Nguyễn Thanh Luật tích lũy nhiều năm đã dư ăn để nên đành chấp nhận bỏ mặt, buông xuôi. Nhưng với những nông dân đang đầu tư, còn vay nợ… thì sao, có thể bỏ mặt, buông xuôi được không? hay là tuyệt vọng như 1 số trường hợp trong bài báo này http://www.giatieu.com/gia-lai-ung-thu-giai-doan-cuoi-vi-ho-tieu/8784/
– Phòng bệnh không đúng cách, chăn bón thiếu khoa học, sử dụng phân thuốc kém chất lượng, tiền mất tật mang… không chỉ lỗi hoàn toàn ở người nông dân trong khi bản thân họ cũng chưa chịu khó học hỏi, cứ ỷ lại vào tự nhiên, nhờ vào sự may mắn hay “nhờ trời”… Ai trồng tiêu giỏi cho bằng dân Chư Sê và ai khóc nhiều vì tiêu như dân Chư Sê, vì sao ?!
-Nhìn trên hình xem. Tiêu chết, không kéo xuống đem đi tiêu hũy… Cứ để dây tiêu vật vờ theo gió đưa bào tử nấm bệnh bay khắp vườn, bay sang các vườn kế cận, bay khắp làng khắp xóm… Tôi còn nghe kéo dây tiêu chết ra ngả ba ngả tư đường thôn đổ thành đống mặc kệ. Ý thức như vậy thì tiêu không thành dịch, không chết mới là lạ…
Nhiều trường hợp dây tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm được nhà vườn kéo ra vứt tùm lum ở các bãi rác hay ngả ba ngả tư như anh @ Thắng Lợi nói sẽ làm cho dịch bệnh lây lan không lường trước được. Tại sao chính quyền địa phương không ra tay giúp dân phòng dịch, tiêu hũy tiêu bệnh như tiêu hũy heo gà bị dịch ?
Quan sát nhiều vườn tiêu mới chớm bị bệnh, khuyến cáo bà con mua thuốc đổ ngay, có hai trường hợp phổ biến tôi thường gặp là:
1.Khuyến cáo bà con mua thuốc này nhưng ta hiệu thuốc bvtv nói sao lại rinh về cả đống, thậm chí cả nhưng loại không ăn nhập gì với bệnh. Cũng pha trộn phun xịt lung tung theo “kỹ sư” bán thuốc khuyến dùng, cuối cùng… nản !
2.Tiêu bệnh, không khẩn trương dùng thuốc ngay mà cứ …từ từ để xem sao đã. Khi hiện tượng vàng lá, thối rễ, héo lá, cháy lá, lá rụng nhiều rồi mới đi đổ thuốc. Lúc này thì chỉ tốn thêm tiền chứ làm sao còn cứu kịp được nữa. Khác nào bị ung thư để tới giai đoạn 3-4 rồi mới chịu vô thuốc thì có… thuốc thánh ! Cứu cây còn sống chứ không ai cứu cây sắp chết cả…
Nhìn cách làm của các bác nông dân này chưa ổn tí nào cả.
Nên chăm sóc lấy 5 sào thôi cho khỏe và có năng suất.
Cái việc nên làm khi mới có ít trụ chết thì nên bỏ công kéo xuống cho nó mồi lửa là xong để hạn chế bệnh bùng phát rộng. Loại bệnh này khi đã có hiện tượng chết nửa trụ mà cố cứu chỉ tốn thuốc thôi.
Bạn nói đúng. Phải chữa trị khi mới có dấu hiệu chớm bệnh.
Để tiêu bắt đầu thối rễ, vàng lá … thì gần như bó tay rồi chứ làm gì được nữa !
Quan trọng nhất là sau mưa dầm không vội vàng bón phân nhất là phân hóa học.
Để theo dõi xem tiêu có biểu hiện gì lạ không đã rồi tính sau.
Chào bác Vịnh.
Con tên Bảo ở Long Khánh Đồng Nai.
Con mới làm tiêu 2 năm nên chưa có kinh nghiệm, bác cho con hỏi. Tro bếp có cãi tạo đất được không, có nâng được độ pH cho đất không ạ.
Tro bếp chủ yếu là mùn hữu cơ, giúp đất tơi xốp, có chứa 1 ít muối kali.
Muốn nâng pH phải dùng các loại vôi, dilomit hoặc lân Văn Điển…
Theo kinh nghiệm của mình thì tiêu ta chỉ chú trọng hữu cơ hạn chế NPK. Mùa khô lên tạo mùn giữ ẩm cho đất giúp đất tơi xốp để phòng trừ bệnh dịch. Chứ đổ thuốc bvtv + axít là phá hủy môi trường đất và các thiên địch có lợi.
Nhìn tiêu là bệnh chết chậm rồi. Thành dịch thì xem lại đất canh tác đã quá cỗi và nhiểm độc, có cứu chữa sống năng suất cũng kém.
Theo mình được biết thì tất cả các loại tro, mùn mía đều làm pH tụt nhanh. Để tăng pH nhanh bạn dùng canxi dạng nước hoặc vôi, về lâu dài thì dùng hữu cơ và lân Văn Điển.
Giá tiêu như vậy, cộng với giá công và công phòng dịch bệnh thì thôi ta làm cái khác chờ.
Nhà nhà cứ theo tiêu thì khó quá.
Giá tiêu có nguy cơ xuống tới 70k không bà con ơi !
Tất cả những ý kiến của người trồng tiêu điều sai lầm hoàn toàn cả. Không ai hiểu hết về đất và môi trường cũng như về cây tiêu nói riêng. Trồng trong tự nhiên không có con nấm nào ăn cây sống cả mà trời đất sinh ra nó để giải quyết những loài cây đã chết trước đó rồi. Đất là một thực thể sống nhưng ta làm đất chết thì không có gì còn sống trên mảnh đất đó nữa kể cả ta.
@Nguyễn bơm chỉ mới thấy 1 phía là nấm có lợi, giúp phân hũy xác bả hữu cơ để làm tăng độ phì cho đất đai. Loại nấm có hại thì ký sinh, lấy dinh dưỡng của ký chủ để sống và phát triển, có thể khiến ký chủ chết vì enzyme do nấm tiết ra nên còn gọi là nấm độc, nấm ăn thịt. (Nên có loại được lấy làm thực phẩm nhưng có loại phải biết tránh xa)
Bản chất của nấm là thực vật ký sinh chứ chẳng phải là con gì cả… Enzyme của nấm trichoderma tiết ra có khả năng gây độc với các loại nấm ký sinh nên mới gọi trichoderma là nấm đối kháng. Nếu ta lạm dụng hóa học thì môi trường bị hũy hoại làm cho mọi sinh vật khó có thể tồn tại. Trong tự nhiên chúng tồn tại cân bằng nhưng vì con người tác động nên loại có hại phát triển nhiều hơn như cỏ dại. Ta cần bổ sung thường xuyên mới giúp môi trường cân bằng trở lại.
Vi sinh vật cũng có loại có lợi (EM) và loại có hại… cùng tồn tại cân bằng trong tự nhiên. Do con người khai thác tự nhiên không hợp lý làm môi trường thay đổi dẫn đến loại nào phù hợp hơn với môi trường mới sẽ phát triển mạnh hơn. Bản thân con người cũng vậy, họ thường tìm đến những vùng có thời tiết khí hậu thuận lợi môi trường phù hợp để sinh sống đông đảo hơn.
Nguyễn bơm nói có nhiều ẩn ý, nhiều nông dân khó hiểu nội dung bình luận của bạn
Ẩn ý gì thì tùy. Nhưng phủ nhận tất cả người trồng tiêu đều sai lầm và không ai hiểu hết về đất và môi trường cũng như cây tiêu là bạn đã phủ nhận mọi tiến bộ KHKT, cần xem lại…!
Tất nhiên có những vấn đề thực tế con người chưa hiểu được hết. Nhưng không vì thế mà buông xuôi không làm gì cả, để phó mặc cho tự nhiên.
Bà con nên gom những trụ tiêu bị bệnh đã chết đi tiêu hủy ngay chứ cứ để vậy thì dịch bệnh ngày càng lan rộng. Còn nói đến các loại thuốc bảo vệ thực vật đi mua thì chẳng thấy loại nào hiệu quả cả. Mang nhãn hiệu thuốc đi mua các đại lý toàn nói có bán loại khác tốt hơn nhưng thực tế toàn loại thuốc không ra gì, dùng tốn tiền không à.
Bán loại thuốc tốt tiêu hết bệnh thì sang năm nhà tui ăn cám à…
Có vị bán thuốc khi cãi nhau… đã nói như vậy !
Ai cũng muốn có lợi cho mình, nhưng quan trọng là cần có tâm…
Theo tôi thấy thì bây giờ các đại lý thường thông đồng với nhau về mỗi đợt có đoàn kiểm tra của của nhà nước để tẩu tán hàng giả hàng nhái.