Gia Lai: “Ung thư giai đoạn cuối” vì… hồ tiêu

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 43

Những năm trước, giá hồ tiêu có lúc lên đến 230.000 đồng/kg, nhiều người ở thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh, Gia Lai đã đổ xô đi trồng loại cây được cho là vàng đen này. Trong cơn sốt đó, nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng chỉ sau một vài mùa vụ, xây cất được nhà đẹp, sắm ô tô xịn cùng những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền khác. Giờ đây, khi đất đai ở đây đã quá “ô nhiễm”, giá cả loại nông sản này không chỉ xuống thấp mà cây tiêu còn hay bệnh, chết đã khiến nhiều gia đình lâm cảnh không còn nhà để ở, không có gạo để mà ăn…

Ngán tiêu đến tận cổ

Đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pưh, điều gây ngạc nhiên đó là có rất nhiều căn nhà đẹp nhưng để hoang, treo biển bán. Hỏi thì được biết, người dân vay tiền ngân hàng để trồng hồ tiêu, giờ tiêu chết và giá thấp nên họ treo biển bán nhà để trả nợ. Ngặt nỗi, ở đây ai cũng đang trầy trật vì hồ tiêu nên gia chủ dù đã treo biển từ lâu nhưng không bán được.

Nhiều gia đình treo biển bán nhà lấy tiền trả ngân hàng

Đến thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, được nghe người dân kể về hành trình làm giàu cũng như suy sụp vì cây tiêu của gia đình bà Lê Thị Vui (sn 1957). Thời vàng son, gia đình bà sở hữu gần chục ha đất trồng hơn 20.000 trụ tiêu. Những năm ấy, bà Vui luôn được xếp vào diện nông dân sản xuất giỏi, hễ có chương trình điển hình tiên tiến nào là bà đều được chính quyền nêu tên, đài báo đến quay phim chụp ảnh ầm ầm, các ngân hàng ở địa phương luôn trong tâm thế ân cần trải thảm đỏ… Ngày ấy, gia đình bà sở hữu 2 căn nhà đắt tiền, con cái có ô tô xịn để đi lại. Giờ đây, dù đã bước vào cái tuổi 60 nhưng bà vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau tự trồng trong vườn để mưu sinh qua ngày, con cái vì chán đời nên chẳng tha thiết mần ăn. Bà Vui kể, những năm trước, trồng tiêu dễ như trồng dây khoai lang. Gia đình bà chỉ trúng vài vụ là đã có tiền mua đất, cất nhà. Tiêu thì cứ hàng ngày tăng giá, thế là gia đình bà cứ lấy tiền lợi nhuận thu được của năm trước, vay thêm ngân hàng để tập trung mua đất xuống trụ, cho đến khi được 20.000 gốc. Ba năm nay, vườn tiêu bệnh chết liên tục, gia đình bà Vui đã đổ vào đấy không biết bao nhiêu là thuốc thang nhưng vẫn không chữa khỏi. Khi tiền mặt trong nhà không còn thì cũng là lúc từng chiếc bìa đỏ lần lượt vào ngân hàng nhưng đáng buồn là tiêu vẫn bệnh. Đến khi nợ lên đến con số 4 tỷ đồng thì cũng là lúc 20.000 trụ tiêu chết sạch. Giờ đây, hàng tháng bà phải gồng số lãi hơn 30 triệu đồng trong khi cả gia đình chẳng có bất cứ nguồn thu nào khác. Để trả tiền lãi đến hạn, gia đình bà đã phải cực chẳng đã nhổ 12.000 trụ tiêu bằng gỗ lên bán với giá 80.000 đồng/trụ. “Đau đớn lắm chú à, lúc mua là gần 300.000 đồng/trụ, giờ bán tháo không bằng 1/3 số vốn, nhưng cũng phải bán chứ biết lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng”, bà Vui đau đớn kể.

Cũng theo bà Vui, số còn lại là 8.000 trụ xi măng, không ai mua nên vẫn còn trên rẫy chứ không thì cũng bán chứ để làm gì bởi bà đã chán ngấy cây tiêu đến tận cổ, giờ có ai cho thêm tiền bà cũng kiên quyết lắc đầu. Bà Vui cho biết muốn bán tất cả nhà đất để trả ngân hàng cho rảnh nợ nhưng khổ nỗi dù treo biển đã lâu nhưng chẳng có ai mua. “Tôi đã già rồi, sống chẳng được mấy năm nữa nhưng phải mang số nợ quá lớn nên không thể yên lòng. Mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để gia đình thay đổi cây trồng, có cơ hội trả nợ ngân hàng”, bà Vui mong mỏi.

Cũng như bà Vui, trước đây, bà Hồ Thị Sinh (sn 1942) cũng trở thành ‘đại gia’ ở thị trấn Nhơn Hòa nhờ hồ tiêu. Dân trong vùng một thời chép miệng khen về cuộc hôn phối giữa con cái hai gia đình bà Vui và bà Sinh vì cho rằng rất môn đăng hộ đối. Bà Sinh kể, sau khi dựng vợ gả chồng và chia đều vườn tiêu cho các con, bà vẫn còn giữ được 2ha đất với gần 3.800 trụ tiêu để dưỡng già. Ba năm nay, vườn tiêu bị bệnh, bà Sinh cũng đã đổ vào đó không biết bao nhiêu tiền thuốc nhưng vẫn không hiệu quả. Trong cơn túng quẫn, bà Sinh đã cầm cố nhà đất vay ngân hàng 900 triệu đồng để chữa bệnh cho vườn tiêu nhưng kết quả là 3.800 trụ chết sạch. Đến hạn đóng lãi, không có nguồn nào khác, bà Sinh buộc phải nhổ 3.800 trụ gỗ lên bán được 220 triệu đồng. Bà Sinh bảo số tiền trên chỉ gồng tiền lãi được một thời gian, giờ sắp đến kỳ nữa rồi mà nhà đang thiếu ăn thì biết xoay đâu ra. Khi chúng tôi hỏi vì sao các con bà không phụ cha mẹ trả nợ, bà Sinh buồn rầu nói: cả 4 đứa con cũng đang nợ ngân hàng gần 9 tỷ đồng, có đứa đã bị niêm phong nhà, ai cũng khốn khổ như nhau. Hiện tại, dù đã ngoài thất thập cổ lai hi nhưng hàng ngày bà Sinh vẫn phải một mình lội vào làng dân tộc bán từng chiếc bánh, que kẹo để mua gạo về nấu cho mấy đứa cháu ăn. Bà đang rất lo lắng cho các con, các cháu bởi cái án mất nhà ra đường ở đang treo lơ lửng, rồi chuyện thất học, tương lai chẳng biết đi về đâu…

Người dân nhổ trụ tiêu đem bán để đóng lãi ngân hàng

Bỏ nhà tha phương

Hay tin chúng tôi về phản ánh, hơn ba chục hộ dân ở các thôn Hòa Thắng, Hòa Bình, Hòa An… đã kéo đến gửi gắm lời kêu cứu đến các cơ quan Nhà nước nhờ can thiệp, giúp đỡ. Trong số này, người nợ ít thì ở con số 100 triệu, người nhiều lên đến 4,6 tỷ đồng, tất cả đều đang trong tình trạng ‘ung thư giai đoạn cuối’, không còn khả năng thanh toán thậm chí là tiền lãi. Ai cũng đều như đang ngồi trên đống lửa, đang hết sức lo lắng về tương lai phải ra đường ở, con cái sẽ thất học. Ước tính sơ sơ, chỉ một nhóm nhỏ này mà số nợ ngân hàng đã đến vài chục tỷ đồng, trộm nghĩ, chẳng biết cả huyện Chư Pưh, rồi huyện Chư Sê và cả tỉnh Gia Lai sẽ là bao nhiêu tỷ?

Vợ chồng chị Lương Thị Bích Phượng (sn 1977) trước đây được người dân khen ngợi là hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ hai bàn tay trắng, họ đã từng bước tạo lập được một cơ ngơi vững vàng nhờ cần mẫn trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ tiêu đã để lại cho gia đình chị Phượng số nợ ngân hàng 4,6 tỷ đồng. Chị Phượng cho biết, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng thêm tiêu với hi vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 4 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày bở hơi tai chạy đôn chạy đáo, chầu chực vay nóng đảo nợ ngân hàng, vay nguội trả nợ vay nóng, vay ngân hàng An Bình để trả nợ ngân hàng Nông nghiệp… Và đến giờ này thì gia đình chị Phượng đã bất lực trước món lãi hơn 40 triệu đồng/tháng. Theo người dân ở đây, sau khi dùng hạ sách là nhổ bán hết trụ tiêu, họ đã trồng các loại nông sản ngắn ngày nhưng thu nhập chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng. Nhiều người từng ngồi ô tô tiền tỷ nhưng giờ phải đi làm thuê để có cái ăn, nhưng giữa thời buổi khó khăn này, chẳng ai có việc cho họ làm. Một số bất đắc chí thì buông xuôi, bỏ nhà, bỏ cha bỏ mẹ dắt díu nhau vào các tỉnh miền Nam kiếm việc làm, mặc cho ngân hàng xử lý tài sản như thế nào cũng được. “Ở thị trấn Nhơn Hòa đã có bốn người vì chịu không nổi áp lực ‘nợ trong nợ ngoài’ nên đã uống thuốc độc tự tử”, người dân đồng loạt kể.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh, phó Phòng NN&PNNT Chư Pưh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha đất trồng hồ tiêu. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 300 ha tiêu ở các xã Ia Blứ, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Hrú… bị chết hoàn toàn. Trước đây, vì Chư Pưh là đất mới nên trồng tiêu dễ như trồng khoai lang. Giờ đây, đất đã bị ô nhiễm quá nặng nề, không thuốc nào có thể trị được dịch bệnh của cây tiêu nên chuyện người dân trắng tay, nợ nần chồng chất vì chuyện này là có thật. Theo ông Khánh, dân luôn cho rằng giá tiêu có thể ổn định mãi mãi nên đã tập trung tiền lợi nhuận những năm làm được để mua đất, ồ ạt xuống trụ. Mà để trồng 1.000 trụ tiêu, phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng bao gồm cả tiền mua đất, đó là suôn sẻ, chứ tiêu bệnh thì còn tốn kém hơn nhiều. Bên cạnh đó, những năm đó, các ngân hàng rất khuyến khích nông dân vay vốn trồng tiêu nên giờ dân Chư Pưh nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều người nguy cơ phải ra đường ở khi đến hạn mà không có tiền trả lãi. Rất nhiều người đã rao bán đất song giờ đây chẳng ai có tiền để mà mua.

Cũng theo ông Khánh, Chư Pưh có 80% dân số là nông dân, mà hiện tại họ không có tiền tiêu xài nên đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của huyện như chuyện kinh doanh, buôn bán, dịch vụ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ thuế dẫn đến thu ngân sách không đạt và nhất là ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. “Để giải quyết khó khăn, huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã tham mưu huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại nông sản khác để tạo đầu ra ổn định, tránh cho nền kinh tế của huyện phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu”, ông Khánh nói.

43 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bức tranh hiện thực của các nông hộ trồng tiêu ở Tây nguyên hiện quá ảm đạm. Biết trách ai bây giờ… Đất tui tui trồng, can cớ chi nhà nước khuyến cáo. Diện tích trồng tiêu liên canh quá nhiều nên không thể ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong khi ý thức phòng bệnh chưa được trang bị đầy đủ. Thuốc BVTV thì lạm dụng, thay đổi xoành xoạch, không theo một quy trình nào cả. Không chỉ cây cối mà cả người cũng không thể sống trong môi trường ô nhiễm quá mức đó nổi, bỏ đi à phải. Nhà vườn thì chăm sóc cây trồng theo chủ quan, bỏ ngoài tai mọi lời khuyến cáo. Các nhà chuyên môn thì bận rộn với việc quảng cáo phân thuốc… Nói gì vào lúc này cũng bằng thừa với tham vọng làm giàu bất chấp hậu quả…
    Khi cây hồ tiêu phát triển thì cơ quan chức năng nào cũng có công, còn những lúc như thế này thì chẳng thấy ai lên tiếng.

  2. Những thương lái tiêu cũng sắp sửa chung số phận với nông dân.

    Khi giá hạ, nhiều bạn hàng ôm vào đầu vụ giá cao 90k-100. Khi giá giảm dần về mức như hiện nay, thay vì bán cắt lỗ, nhiều người mua vô thêm để “bình giá” hy vọng rằng nếu giá bật lại thì họ sẽ bán cả mới lẫn cũ và vẫn có lời.

    Nếu giá không tăng trở lại mà còn giảm tiếp, nhiều người sẽ mất nhà, gia đình ly tân.

    Buồn, nhìn thấy trước cảnh đó mà không khuyên can được ai.

  3. Không có cách nào khác, không chỉ nông dân Việt Nam mà cả thế giới phải quay về lối canh tác nông nghiệp bền vững lấy chăm bón hữu cơ làm chính.
    Bà con trồng tiêu hiện nay không chỉ đối diện với giá giảm vì nguồn cung thế giới tăng nhanh. Không chỉ nông dân nước ta gia tăng diện tích khi giá cao mà cả nông dân ở khắp nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Đất đai, môi trường canh tác của họ thuận lợi, bền vững còn ta thì chạy theo năng suất, lạm dụng phân thuốc hóa học. Đề cập vấn đề này thì bà con cứ khăng khăng mà không ai có quyền can thiệp. Bà con ở Chư Sê, Chư Pưh đang trả giá và sẽ còn nhiều vùng khác nữa… Hãy chuyển đổi lối canh tác, đừng để khóc hận, thậm chí rơi vào bế tắt như một số hộ đã gặp phải.
    Giatieu.com và chú Nguyễn Vịnh có quan niệm canh tác bền vững từ đầu nhưng bà con mình vẫn bỏ ngoài tai… Bản thân tôi cũng muốn vào diễn đàn giatieu.com góp ý nhưng thực sự cũng thấy nản nên chỉ muốn đứng nhìn…
    Bài báo đã nêu lên một sự thật đắng lòng, nhưng cũng chưa muộn !

  4. Bài báo rất hay và đặc biệt rất thiết thực trong thời điểm này. Mong nhiều người sẽ đọc được bài báo này để ý thức được đó là những kinh nghiệm xương máu thậm chí đã phải đổi cả tính mạng và cuộc đời của mấy thế hệ.

  5. Cho phép tôi chia sẻ cùng hai bác Vui và bác Sinh cũng như bà con ở Chư Pưh về sự thiệt hại này. Trong thực tế ai cũng muốn làm giàu, làm giàu từ phát triển nông nghiệp là cách làm giàu tôi cho là chân chính nhất. Nhưng ai ngờ đâu những người chân chính lại nhận cái kết đắng thế này. Trong việc tiêu chết hàng loạt một phần do chúng ta thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, một phần phải kể đến do ảnh hưởng của phân thuốc. Mà nói đến phân thuốc thì phải nói đến trách nhiệm của các nhà chức trách. Do đó khi người làm tiêu bị thiệt hại thì chính quyền cần phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ để mọi người vượt qua được cơn khủng hoảng này. Vì trước đây những người này khi làm ăn được chắc hẳn đã đóng góp cho xã hội không nhỏ. Xin cảm ơn các bác đã quan tâm.

  6. Đất nhà tôi đất đen chỉ trồng cây tiêu là đạt. Trồng các loại trái cây khác năng suất kém. Rất thích đất đỏ bazan để trồng sầu riêng… nhưng không có. Còn nhiều nhà đất thích hợp với các loại trái cây cho thu nhập cao thì lại đi trồng hồ tiêu…

  7. Nhà mình có mấy người bà con ở Chư Pưh ai cũng nợ ít nhất 500 triệu, tiêu thì chết sạch rao bán rẫy không ai mua. Cũng vì mong đổi đời không ai có lỗi cả chỉ vì nông dân quá lạm dụng phan thuốc bvtv để tăng năng suất mà không biết hậu quả tồn dư để lại. Đây chính là bài học quá đắt, nhiều nhà làm lụng mấy chục năm để có cơ ngơi để rồi…lại bắt đầu. Mong là nhà nước có chính sách hỗ trợ dân qua cơn hoạn nạn này để nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

    • Nếu bà con quyết tâm chuyển đổi thì không khó. Cộng đồng Giatieu.com sẽ tư vấn giúp mọi người, nếu bà con cần. Chỉ e là thói quen lạm dụng phân thuốc hóa học không chịu từ bỏ, rồi ngựa quen đường cũ mà thôi…

  8. Xin chia buồn cùng bà con nông dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh hồ tiêu do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thương nên cây tiêu rất dễ nhiễm bệnh. Đây cũng là một điển hình của một vùng chuyên canh cây tiêu hiện nay, ý thức về phòng bệnh cho cây tiêu bằng các biện pháp sinh học là rất ít.
    Hiện giờ ai còn canh tác theo lối cũ là hầu như không thành công. Cần áp dụng tiến bộ khoa học vê công nghệ sinh học. Cũng nói thêm khi diện tích hồ tiêu tăng thì các công ty thuốc về cây tiêu cũng đếm không xuể đủ các loại thuốc, thật giả chỉ có trời mới biết. Mất tiền mua thuốc phun, tưới không hiệu quả tiêu chết. Càng phun nhiêu tiêu càng chết, đến khi vỡ nợ chẳng biết kêu ai. Thật tội cảnh người nông dân.

  9. Lúc giàu lên nhờ hồ tiêu thì lại muốn giàu thêm nữa. Không suy nghĩ kỹ, cứ vay mượn cho nhiều vào bất chấp để làm giàu. Chi tiêu thì chủ quan. Giờ tiêu chết vỡ nợ lại than khổ, phải chăng chúng ta nên xem lại cách sống của riêng mình.

    • Những lúc đó mà ông trời có nói thì cũng chẳng thèm nghe đâu…

  10. Nhâ báo cũng khéo dùng từ, khi hưng thịnh thì báo nói, vua hồ tiêu, đại gia, vàng đen, tỷ phú,… Còn lúc sa cơ lỡ thế thì gọi ung thư, bán nhà, tự tử,… Thật cay nghiệt cho người nông dân, bán lưng cho trời bán mặt cho đất, vì miếng cơm manh áo cả mà thôi. Nếu là người nông dân thực thụ, thì ai cũng làm vậy thôi, để khỏi mang tiếng thằng đần.

  11. Tôi sống tại huyện Chư Pưh, Gia Lai. Bài báo viết chỉ thể hiện thực trạng của tầng lớp khá giả nhưng lại không có kiến thức về cây tiêu. Còn hộ nông dân nghèo thì sao? Vì họ không có nhiều vốn nên làm theo lối ăn chắc mặc bền. 5 sào cà, 5 sào tiêu năm nào cũng thu đều đủ trang trải cho cuộc sống. Một nghịch lý là giới nhà giàu bể nợ đang phải đi làm thuê cho những hộ nghèo nhưng canh tác bền vững. Vậy mà họ vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm. Gần đây bà con đã chuyển đổi không ít cây trồng khác, nhưng cũng chạy theo phong trào thấy cây gì đang có giá thì trồng ồ ạt. Rồi đây cũng sẽ gây hệ lụy cung vượt cầu. Phải chăng nông dân không còn lối thoát ?

    • Chưa muốn nhìn thẳng vào sự thật thì ngựa sẽ quen đường cũ. Có mà chuyển hộ khẩu…
      Hãy đợi đó mà coi…

  12. Báo họ viết bài vậy cũng có và cũng đúng nhưng cũng phải trừ hao bớt. Nhà báo viết cả huyện tiêu chết hầu như sổ đỏ đã nằm trong ngân hàng hết cả rồi. Giã sử giờ có một cơn bão đi ngang qua, mọi người sẽ được nghe tiêu ngã hàng loạt cho mà xem. Tôi nói vậy có đúng không mọi người ơi !

  13. Năm nay lại mưa nhiều, hồ tiêu lại mất giá mất mùa, buồn thật. Nhưng chổ em trồng đa canh, cái này mất còn có cái khác mà sống. Vườn em năm nay cắt hẳn đạm, chỉ có phân chuồng hoai mục là nguồn phân bón chính cho tiêu. Sau thu hoạch chỉ rửa vườn 1 lần, cây nào bệnh nặng là tiêu hủy luôn. Hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp thêm một ít phân bón lá hữu cơ nữa, dù năng suất không cao nhưng nhìn cây rất khỏe. Những năm tới phân chuồng cũng vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho tất cả các loại cây trong vườn nhà mình.

  14. Không ai tự biết cả, tất cả đều phải học: học từ sách vở, từ những người đi trước, từ những hàng xóm chung quanh và từ thất bại của chính mình….

    Trong số những người rơi vào cảnh nợ nần do tiêu chết hiện nay thì:

    – 30% biết rõ là lạm dụng phân thuốc hóa học thì cây sẽ chết sớm nhưng vẫn làm vì nghĩ rằng sẽ “đánh nhanh-rút nhanh” sau đó bán luôn vườn cho người khác và bỏ của chạy lấy người, thu hồi cả vốn lẫn lời. Những người này tính toán sai điểm rơi nên không kịp rút ra trước khi tiêu chết và giá hạ.

    -30% thật sự thiếu hiểu biết nên nhắm mắt làm theo người khác, nghe danh những ông bà vua hồ tiêu, năng suất 9-10 tấn/ha khuyên thế nào là làm theo thế đó chứ không hề có sự suy xét một cách khoa học trước khi làm.

    -30% có hiểu biết đôi chút về chăm sóc cây tiêu, cũng hiểu phần nào việc lạm dụng phân thuốc hóa học sẽ làm cây mất đề kháng và nguy cơ bệnh chết cao nhưng sự hiểu biết đó chưa đủ mạnh để vượt qua được sự cám dỗ của giá cao, muốn nhanh chóng nắm bắt cơ hội giá cao để làm giàu, nhóm này thường chặc lưỡi cho qua: “lạm dụng chút ít để đẩy năng suất chắc không đến nỗi nào” cứ thế mỗi ngày họ lạm dụng thêm một tý… cho đến khi sự lạm dụng đó vượt quá khả năng chịu đựng của cây trồng.

    -10% bị vạ lây từ những vườn lạm dụng xung quanh.

    Các cty XNK khuyến cáo bà con canh tác sạch, bền vững trước mắt là có lợi cho chính bà con, cây trồng bền vững, năng suất không cao nhưng ít rủi ro nhưng nhiều lúc nói đến đó là bà con lại đòi hỏi quyền lợi, giá phải cao hơn 30%-50% mới chịu canh tác bền vững, còn phần thưởng khuyến khích thì bà con chê ít. Những cán bộ khuyến nông đi vận động bà con nghe những đòi hỏi như vậy riết cũng rất nản.

    Giờ đổ ra như vầy, cũng không phải lúc trách móc bà con, chỉ mong những bà con nông dân muốn gắn bó với cây tiêu lâu dài hãy đọc kỹ và rút ra kinh nghiệm cho mình.

    • Nếu bà con canh tác theo lối hữu cơ bền vững thì giá tiêu có rơi xuống mức giá như hiện tại không ? Ai trả lời được câu hỏi này ! Anh @ Dan Viet nghĩ sao ?!

  15. Giữa xe máy tàu và xe Honda Nhật thì có người chọn xe tàu, có người chọn Honda.

    Dan Viet luôn chọn Honda. Khi xe tàu vào VN thì Honda cũng bị giảm giá nhưng mức độ không quá sâu.

    Kết quả cuối cùng thì Honda vẫn tồn tại nhưng xe tàu thì gần như đã tuyệt chủng, khi người dân có đủ tiền, họ tẩy chay xe tàu ngay lập tức.

  16. Chính vì sử dụng quá nhiều thuốc hoa học, làm ô nhiễm đất, đất không còn khuẩn có lợi và vi sinh vật cải tạo đất. Cho nên khi vào mùa mưa dịch bệnh lây lan theo nguồn nước, làm tiêu chết không thể kiểm soát nỗi. Chỉ có cách phòng bệnh tốt nhất và hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng tricoderma và các chất hữu cơ sinh học…tăng sức đề kháng cho cây.

  17. Lỗi tại canh tác theo kiểu chạy theo năng suất và làm lớn để được ăn nhiều. Tại sao khi có bạc tỉ rồi không đầu tư vào lĩnh vực khác mà lại làm theo kiểu “bỏ trứng vào một giỏ” như thế thì lấy gì mà cứu vãn tình thế đây. Làm nông bây giờ cũng chật vật lắm mấy bác ơi. Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Chỉ biết than trời thôi…

  18. Giá tiêu hạ do cung vượt cầu. Diện tích hồ tiêu mở rộng cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Cho dù Việt Nam có chuyển đổi cây trồng đi nữa theo tôi giá tiêu trong thời điểm 5 năm nữa cũng không tăng. Diện tích hồ tiêu sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước …giảm mạnh do đất đai dành cho sân bay, khu công nghiệp, nhà ở…

  19. Cha ông ta có câu. Làm nông độc canh thì đói đa canh thì no, ngấm cũng hay đây cũng là bài học xương máu của ngành hồ tiêu.

    • Chưa nghe cha ông nói, mới nghe bạn nói lần đầu tiên…
      Độc canh là để sản xuất ra hàng hóa, có qui mô lớn.
      Đa canh là lối tự cung tự cấp của tiểu nông, thứ gì cũng có, khỏi phải đi chợ…

  20. Thế thì bạn chưa nghe rồi, hàng hóa lớn thì tại sao nông dân một thời giàu sang lại thành người bán hàng rong nhỉ …

  21. Chẳng phải riêng gì hồ tiêu, tình hình chung của ngành nông nghiệp xuống cấp trầm trọng. Ngành chăn nuôi nhiều người cũng pha sản, ngành thủy sản cũng chẳng kém. Phải chăng do các cấp lãnh đạo chưa có hiệu quả?

  22. Mua trụ tiêu của những hộ bị chết về để trồng. Nếu không xử lý cẩn thận, kỹ càng, khác gì đi rước ổ bệnh về rẫy nhà mình… Chớ chủ quan !

  23. Phải xử lý bằng cách pha bóc-đô nồng độ 2% phun lên trụ thật kỹ.
    Chú ý các khe hở hay những chỗ bị nức nẻ, bào tử nấm bệnh có thể mắc kẹt lại…

  24. Hậu quả của việc phát triển nóng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua là nặng nề và không thể chối cãi. Trách nhiệm này không hoàn toàn thuộc riêng về người nông dân…mà còn có cả sai lầm của của các ngành chức năng về định hướng và điều hành…
    Vốn dĩ trước đây, người nông dân VN đã quen với lối sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi, trồng trọt theo các biện pháp cổ truyền, mặc dù năng suất thấp nhưng luôn cho ra sản phẩm sạch, an toàn và luôn có lãi trong sản xuất… Oái oăm thay, trong khi các nước tiên tiến nhìn rõ tác hại của việc lạm dụng hóa chất, phân, thuốc hóa học… trong nông nghiệp, đã quay về với lối sản suất hữu cơ truyền thống… Thì các nhà chức trách nước ta lại tăng cường nhập khẩu phân thuốc hóa chất cùng rất nhiều nhà máy, dây chuyền sản xuất… kết hợp với phổ biến khuyến nông năng suất cao, kích thích quảng bá sử dụng sản phẩm… Hậu quả là cho năng suất cao dẫn đến dư thừa, giá cả rẻ mạt, làm nhiều nhưng người dân liên tục thua lỗ… Chưa tính đến sản phẩm luôn trong tình trạng không an toàn. Không thể xuất khẩu vì không bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
    Nguy hại hơn, dưới tác dụng của hóa chất, đất đai môi trường ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân…
    Quay về sản xuất hữu cơ truyền thống kết hợp công nghệ tiên tiến có chọn lọc… tuy muộn nhưng vẫn còn hy vọng… Tuy năng suất thấp nhưng bảo đảm được sức khỏe của môi trường cũng như người tiêu dùng… Sản phẩm dễ được thị trường chấp… và đặc biệt là người nông dân… LUÔN CÓ LÃI…!!!

  25. Chỉ tại người dân chạy đua theo phong trào. Nhà nước khuyến cáo cũng chẳng ai nghe, cứ đắt là đua nhau nuôi, trồng mặc dù vốn vay. Việc cung vượt cầu, đắt lắm rẻ nhiều đã thành quy luật nhưng khi “máu” lên không ai ngăn cản nổi. Không có điểm dừng và không có tầm nhìn xa để dự đoán tình hình nên mới có kết quả như vậy thôi. Không trách ai được, hãy tự trách mình.

  26. @ Nguyễn Hữu Chung, nếu bạn là người không trồng tiêu thì bạn nói câu này được. Còn bạn là người trồng tiêu thì nên xem lại. Mình trồng được thì bà con cũng trồng được, chẳng thể đòi hỏi họ phải có tầm nhìn xa được đâu, vớ được miếng nào hay miếng ấy thôi bạn ạ,…

    • Nếu cứ đòi hỏi hay yêu cầu này nọ.. thì họ sẽ không còn là nông dân nữa rồi.

  27. Ở BRVT và Dak Nông đã thấy bà con hai bên đường phơi tiêu lác đác rồi. Ai cần tiền hãy đi trước một bước nhé. Bác nào chủ trương “trường kỳ kháng chiến” thì cứ tiếp tục nhé.

    • Ở chỗ tôi tiêu còn non lắm, bấm hạt là vỡ vụn.
      Có một số vườn thu hoạch tiêu xanh bán cho nhà hàng nấu tiệc !

  28. Cháu đọc trên diễn đàn có nói sử dụng thuốc hoạt chất kép Mancozeb + Metalaxyl để trị bệnh vàng lá chết chậm cho hồ tiêu. Cháu đến cửa hàng đại lý thuốc thì chị bán hàng đưa ra 4 5 thương hiệu khác nhau đều cùng công thức 72WP nhưng cháu không biết nên chọn thương hiệu nào. Xin tư vấn giúp cháu. Cháu cám ơn nhiều !

    • Sản phẩm bạn hỏi do vấn đề tế nhị nên diễn đàn thường không nêu tên thương hiệu mà chỉ nêu hoạt chất, trong khi thị trường đã có hàng chục loại được cấp phép, không có căn cứ nào để cho loại này chữa trị được mà loại kia không. Bạn nên tham vấn bà con ở gần xung quanh mình đã dùng, hoặc liên hệ với Chú Ri phân phối biogel+biosol để được tư vấn trực tiếp.

  29. Lạm dụng thuốc bvtv là do các công ty thu mua tiêu về dùng thuốc để chống mối mọt chứ không phải do nông dân. Nông dân bán tiêu đẹp cty mua về trộn với tiêu lép rồi bán ra thị trường bảo sao giá tiêu của VN cạnh tranh với tiêu của thế giới được rớt giá là đúng làm ăn bố láo chỉ biết lời trước mắt chứ không nghĩ hậu quả sau này. VN có cái gì làm ăn đằng hoàng đâu cứ thấy lợi nhuận là bất chấp.

    • Bạn có thể trộn tiêu lép vì hám lợi. Còn công ty nhập khẩu tiêu ở các nước họ không ngu đi mua tiêu lép đâu nhá ! Hàng xuất khẩu đều được phân loại theo từng chuẩn nên tiền nào của đó, không thể nhầm lẫn được. Nếu bạn cố tình giao hàng không đúng chuẩn đã hợp đồng thì hàng sẽ bị trả về, lúc đó ráng mà ăn cho hết nhé !

  30. Ung cũng chết mà không ung cũng toi.
    Giá tiêu VN mất vài năm nữa mới lấy lại được niềm tin tiêu dùng
    Báo cáo nhập thuốc BVTV lên tới hàng trăm triệu Đô-la mỗi năm ai mà chẳng hãi…

Gửi phản hồi mới

(?)