Bình Phước: Tiêu “đắng” vùng biên Đăk Ơ

Hàng trăm ha vườn tiêu của người dân tại xã Đắk Ơ tiếp tục nhiễm bệnh rồi chết héo khô.

Gia đình anh Điểu Pré, thôn 2 bất lực nhìn tiêu chết dần.

Ghi nhận ở xã biên giới Đắk Ơ là vùng chuyên canh hồ tiêu lớn trong huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), nhiều nhà nông cho biết không thu hoạch vụ mùa, không biết “lấy chi” lo cho cái Tết này.

Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ dẫn vào vườn tiêu của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lý ngụ tại thôn 9. Bước vào khu vườn sau nhà, trước mắt chúng tôi là vườn tiêu bạt ngàn chỉ còn trơ gốc trụ gỗ khô lẫn trụ cây sống. Những dây tiêu khô vẫn còn bám chắc trên thân trụ, có trụ dây tiêu vẫn còn lá nhưng lá đang chuyển sang màu vàng héo.

Tiếp xúc với chủ vườn, bà Lý nghẹn ngào kể vườn tiêu nhiễm bệnh và chết rất nhanh. Mỗi khi nhìn vườn tiêu mà không khỏi sốt ruột gan, chỉ trong vài tháng cuối năm đã có hàng ngàn trụ chết đứng. Ngồi dưới gốc tiêu, bà Ly dụi đôi mắt đỏ hoe và nói: “Tiêu nhà tôi nhiễm bệnh chết hết rồi. Nhà tôi chỉ có 1,2 ha đất thôi, tất cả đầu tư trồng cây tiêu, giờ tiêu chết không biết làm sao nữa. Con trai tôi buộc phải đi làm thuê để kiếm sống nuôi cho 6 khẩu ăn. Giờ chỉ mong sao ngân hàng khoanh nợ để gia đình tôi làm ăn và trả nợ dần. Chứ bây giờ ngân hàng đòi nợ gia đình tôi cũng không biết làm sao nữa”.

Xót xa, bàng hoàng, đó là những gì khi chúng tôi chứng kiến toàn bộ vườn tiêu 2.000 trụ của bà Lý bị chết rụi, trơ trụi. Không xót xa sao được khi toàn bộ vốn liếng của gia đình đã đầu tư hết cho cây tiêu. Hàng trăm triệu đồng đầu tư cho cây tiêu, tiêu chết gần sạch, giờ nguy cơ trắng tay. Trong đó, số tiền 1,8 tỷ đồng vay nợ ngân hàng đã đến hạn phải trả. Không còn nguồn thu chính, buộc con trai của bà phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, cạnh nhà treo bảng bán đất.

Cũng như hộ bà Nguyễn Thị Lý, hộ gia đình anh Điểu Pré, người dân tộc S’tiêng ở thôn Bù Bưng cũng đang trong tình trạng dở khóc, dở cười khi tiêu chết dần, chết mòn. Anh Điểu Pré cùng người vợ đang cặm cụi hái những hạt tiêu chưa kịp chín nhưng cây đang héo vàng, hạt khô, rụng do bị nhiễm bệnh.

Tuốt những chùm tiêu lép và đen, anh Pré cho biết, năm 2017, vườn tiêu nhà anh chỉ chết lẻ tẻ vài chục trụ, vậy mà năm nay, số trụ chết lên đến hơn 2.000 trụ trong tổng số 4.200 trụ. Gia đình anh cũng như các nhà vườn khác vẫn chăm sóc, bón phân đầy đủ, thậm chí tập trung toàn bộ vốn liếng để cứu chữa. Thế nhưng số trụ tiêu chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi vốn đầu tư phải vay mượn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng sắp đến ngày trả khiến gia đình không khỏi đau đầu.

Theo thống kê, vườn tiêu gia đình anh Pré bệnh và chết gần 50% diện tích vườn. Hiện diện tích vườn tiêu đã nhiễm bệnh vẫn còn tiếp tục chết, cho nên bây giờ gia đình chỉ mong muốn các cấp chính quyền có cách hỗ trợ để gia đình tạo dựng lại vườn, trồng cà phê hay cây gì đó để trả nợ dần.

“Trước kia do giá thu mua tiêu hạt còn cao, nên năm 2014-2015 gia đình quyết định đầu tư hơn 700 triệu đồng để trồng mới. Năm ngoái tiêu chết ít, cứ tưởng không bị chết nhiều như năm nay nên tiếp tục đầu tư thêm trên 100 triệu đồng để mua phân, thuốc. Vậy mà giờ đây tiêu vẫn tiếp tục nhiễm bệnh và chết nhanh”, anh Pré cho biết thêm.

Còn hộ gia đình bà Lâm Thị Hương và ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10 cũng đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên do hiện tại bà đang nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng sắp đến hạn phải trả. Năm 2010, thời điểm hạt tiêu đen có giá rất cao, gia đình bà trồng thử nghiệm 300 trụ, thấy tiêu phát triển tốt gia đình bà tiếp tục mở rộng diện tích.

Năm 2013-2014, bà đầu tư gần một tỷ đồng để trồng mới 3.000 trụ. Chưa dừng lại ở đó, diện tích và số lượng tiếp tục tăng lên 6.000 trụ. Thật không may cho gia đình ông Sơn bà Hương, năm 2017 hơn 1.000 trụ bị nhiễm bệnh và chết.  Sau đó năm 2018 tiếp tục gần 5.000 trụ tiêu còn lại của gia đình bà bị bệnh chết nhanh, chết chậm cướp đi gần như tất cả. Không biết phải tính toán thêm thế nào khi mà toàn bộ vườn tiêu ước tính nếu không chết có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm nay đã chết gần sạch.

Hiện phần lớn diện tích tiêu chết gia đình bà Hương đã cưa, thu gom đốt để trồng các loại cây trồng khác như sầu riêng, bơ. Bà Lâm Thị Hương cho biết: “Tiêu của chúng tôi bị chết quá nhiều, giờ không biết phải làm sao. Dù dùng nhiều biện pháp điều trị nhưng tiêu cứ chết liên tục và hàng loạt. Còn tiền vay của ngân hàng không có để trả đúng hạn, gia đình tôi rất mong các cấp chính quyền, các ban ngành có giải pháp hỗ trợ các gia đình bị tiêu chết để đầu tư lại, rồi từ từ trả cho ngân hàng”.

Tiêu chết hàng loạt khiến người dân điêu đứng.

Có mặt tại “điểm nóng” vùng hồ tiêu bị chết –  Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ Nguyễn Thị Nga cho biết: “Chứng kiến những vườn hồ tiêu chết làm tôi xót quá. Về phía Hội Nông dân xã chúng tôi cũng thường xuyên đến tận nhà bà con thăm hỏi, khuyến cáo cách phòng trừ bệnh. Năm nay tiêu nhiễm bệnh và chết tăng nhanh quá”.

Không chỉ hộ bà Lý, bà Hương, anh Pré lâm vào cảnh gần như mất “cả chì lẫn chài” vốn đầu tư mà còn rất nhiều hộ trên địa bàn xã rơi cùng cảnh ngộ. Theo thống kê của xã Đắk Ơ, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 958 hộ có diện tích tiêu nhiễm bệnh và chết. Còn số hộ “dính nợ” ngân hàng sắp đến hạn trả chưa có khả năng chi trả vẫn chưa thống kê cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Ơ Trần Văn Linh cho biết, trong 2 năm qua, địa bàn xã đã xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt. Hiện nay xã đã chỉ đạo cho các thôn tổng hợp lại toàn bộ diện tích bị thiệt hại để báo cáo với lãnh đạo huyện Bù Gia Mập, Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm bảo vệ thực vật để tiếp tục có hướng dẫn bà con cách phòng trừ. Ngoài ra xã cũng kiến nghị lên huyện, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giãn nợ cho bà con đến hạn trả, chủ yếu là bà con vay để trồng tiêu. Xã đã tổ chức vận động các ban ngành đoàn thể tập trung thu dọn tiêu chết, những diện tích phù hợp có thể chuyển đổi cây trồng.

Vụ mùa thu hoạch đã tới, nhưng dịch bệnh đã và đang hoành hành cướp đi niềm hy vọng đổi đời từ cây hồ tiêu của người dân vùng biên xã Đắk Ơ. Vị tiêu “đắng” khiến công sức, mồ hôi nước mắt tiếp tục tiêu tan, gắn thêm vào đó là những khoản nợ không nhỏ sẽ lỡ hẹn ngân hàng. Một số hộ dân đành phải rao bán mảnh đất để trả nợ. Giờ đây, nguyện vọng bà con trồng tiêu bị thiệt hại do dịch bệnh chỉ mong được chính quyền địa phương, ngân hàng giãn nợ để có thời gian ổn định cuộc sống, sản xuất.

Đọc thêm: >> Phòng trừ dịch bệnh gây hại hồ tiêu khi thời tiết thay đổi

>> Gia Lai: Xót xa thủ phủ “vàng đen” !

Nguồn Báo Tintuc.vn

7 phản hồi cho bài "Bình Phước: Tiêu “đắng” vùng biên Đăk Ơ"

Senca

Tiêu bị bệnh dai dẳng hàng tháng trời, lại thêm phân thuốc tùm lum, quá mức nữa thì sức nào mà cây chịu nổi… Dường như khuyến cáo bà con nông dân phải tuyệt đối ngưng các loại phân bón, nhất là các loại phân hóa học để tập trung chữa bệnh mà chẳng ai nghe cho…

Thanh Hà

Khi hồ tiêu đã bùng phát dịch bệnh, bà con rất lo lắng hoang mang.
Lúc này không ai có thể khuyên bảo được mà bà con cũng chẳng nghe ai góp ý. Đây là bản tính chủ quan của người tiểu nông. Chỗ bám víu duy nhất là các cửa hàng bán thuốc bvtv, nhưng cửa hàng thì không sản xuất mà chỉ bán thuốc nên cũng không biết được chất lượng thuốc như thế nào…
Điều đáng lo như @Senca nói, bà con đổ phân lúc này là chỉ thúc cho tiêu ra đi nhanh hơn mà thôi !

Bangdona

Nông dân trồng tiêu ở vùng nào chú trọng hữu cơ, hữu cơ sinh học thì ít thấy dịch bệnh.
Trái lại, những vùng trồng cây phát triển nhanh, năng suất cao thì y như rằng dịch bệnh phát triển tràn lan, rất nhanh, không cách gì có thể ngăn chận được…

Thắng Lợi

Vùng biên hay vùng lõi rồi cùng sẽ chết nếu không sớm chuyển đổi cách thức chăm bón. Đặc biệt là chuyển sang lối chăm sóc hữu cơ bền vững, không lạm dụng hóa học.
Nhiều bà con xung quanh tôi lo ngại chăm bón hữu cơ, sinh học, chi phí tưởng như cao hơn hóa học mà không thấy tốn kém tiền mua đủ loại thuốc rồi tiêu cũng rủ nhau ra đi…
Phải thống kê, ghi chép chi phí cụ thể rõ ràng mới so sánh được điều này !

Dan Viet

Bác Thắng Lợi nói chuẩn. Có một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả là tuổi thọ của cây.
Những người mới trồng chỉ rút ra được bài học cường canh sẽ làm cây chết sớm khi điều đó đã xãy ra. Trước khi cây chết thì ai nói gì cũng không nghe.

Thật ra thì chính những vùng đang canh tác bền vững (trồng trụ sống, phân tro kết hợp vô cơ/hữu cơ hợp lý) trước đây cũng đã trả giá rồi chứ chưa ah? Sau khi đã trả giá đắt thì mới rút kinh nghiệm như ngày nay.

Lộc Ninh, Phước Long trước đây cũng thế thôi chứ có khác gì đâu? Dan Viet ước gì nông dân các vùng mới biết cách biến bài học của người đi trước thành kinh nghiệm cho mình để tránh thiệt hại

Nguyễn Vịnh

Khi tham gia viết những bài bón phân cho cây cà phê trên diễn đàn Giacaphe.com từ năm 2010, tôi đã nêu mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững mà nổi bật là vấn đề bón phân cho đất.
Người nông dân phải biết, khi thu hoạch là mình đã lấy đi rất nhiều chất dinh dưỡng của đất kết tinh trong nông sản. Nên bón phân là gì? Là bón trả lại cho đất những gì mình đã lấy đi qua nông sản.
Đất đai không thể luôn phì nhiêu, cây trồng không thể luôn tươi tốt cho năng suất cao nếu mình lấy 10 nhưng chỉ bón trả 7-8, thậm chí thấp hơn nữa. Trong thâm tâm của người nông dân, không ai muốn để lại cho con cháu mình một mảnh đất thoái hóa, bạc màu, ô nhiễm hóa chất. Và cũng không ai muốn mua một mảnh đất cằn cỗi với giá cao… Đó chính là mục tiêu canh tác bền vững mà tất cả những ai làm nông hiện nay cần phải suy nghĩ thấu đáo…
Một thống kê quốc tế mới đây đã xếp Việt Nam là nước sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất thế giới !
Đôi lời chia sẻ !

Nguyễn Văn Thắng

Thưa các bác là vùng Đắk Ơ bị dịch bệnh này cách em 1 xã. Năm nay không riêng Đắk Ơ mà Bù Gia Mập em tiêu chết cũng rất nhiều. 1 phần do bà con chưa chuyển đổi qua canh tác hữu cơ bền vững, 1 phần biến đổi khí hậu dịch bệnh đến nhanh. Nhưng phần quan trọng nhất vẫn là hình thức cảnh tác không hợp lý, chạy theo thị hiếu của thị trường, giá lên cao bà con đầu tư vào trồng tiêu, khi giá tiêu giảm mạnh bà con không đầu tư chi phí chăm sóc nữa. Thế là tiêu cũng “tiêu” luôn..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *