Gia Lai: Giải pháp nào cứu người dân trồng cây tiêu?

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 19

Từ cuối năm 2015, tiêu đã bắt đầu chết, khi đó, các cơ quan chức năng, ban ngành, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp cứu tiêu. Nhưng không có kết quả, tiêu vẫn tiếp tục chết như một trận “đại dịch”.

Đọc thêm: >> Gia Lai: Xót xa thủ phủ “vàng đen” !

Một lão nông trầm ngâm đứng vuốt ve trụ tiêu như tiếc nuối thời hoàng kim ở “Thủ phủ” tiêu

Đến bây giờ, người ta không kêu gọi giải cứu tiêu nữa, mà “giải cứu” nông dân, những người từng là tỷ phú, nay trở thành bần cùng.

Vì sao nông dân ‘chết theo tiêu’?

Phân tích về hiện trạng tiêu chết, và người nông dân trồng tiêu cũng “chết” theo, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Chư Pưh nói: Nguyên nhân chính khiến người nông dân “chết” vì cây tiêu, không phải là do tiêu chết hàng loạt, mà do giá tiêu tụt xuống đáy.

Thời điểm giá tiêu từ 200 đến 240 triệu đồng/tấn, người ta ham quá, làm được bao nhiêu lại đổ hết vào đầu tư. Thời điểm đó vay vốn ngân hàng cũng dễ vô cùng, các ngân hàng nghe vay làm tiêu, họ sướng lắm, chỉ cần có 1ha tiêu, là có thể vay được cả mấy tỷ đồng. Thời điểm họ đầu tư, giá tiêu vẫn đang rất cao, nhưng đầu vào, từ trụ, giống, đến phân bón, cái gì giá cũng cao. Nhưng người dân vẫn chấp nhận đầu tư, vì họ không tin là giá tiêu có thể tụt đến 70-75%. Nguyên nhân thứ 2 là tiêu chết, năng suất giảm.

Nguyên nhân chết thì có nhiều, do biến đổi khí hậu, thiếu nước, thâm canh quá mức, giống, phân bón kém chất lượng… Khi giá hồ tiêu cao chót vót, người dân trồng tiêu bỏ ngoài tai khuyến cáo của chính quyền, các nhà khoa học. Thời điểm năm 2013, 2014, nông dân còn chong đèn đổ trụ tiêu suốt đêm để trồng tiêu, giá lúc đó gấp 6 lần cây cà phê (180-220 ngàn/kg hồ tiêu so với 30-35 ngàn/kg cà phê).

“Tôi đàm bảo, nếu giá tiêu cao, thì cây tiêu có chết nữa cũng không cản được nông dân họ trồng đâu. Cho nên, phải khẳng định rằng, nông dân “chết” vì giá tiêu chứ không phải do tiêu chết. Ngày xưa, tiêu giúp nhiều người thành tỷ phú, giờ cũng chính cây tiêu làm nông dân thành những kẻ bần cùng”, ông Khánh chua chát nói.

Quá trình đi thực tế vùng tiêu chết ở Gia Lai, chúng tôi thực sự “rối” với các số liệu về diện tích tiêu. Ngay tại xã cũng có vài số liệu, lên huyện cũng tương tự. Nguyên nhân là quy hoạch diện tích tiêu của huyện một đằng, diện tích người dân trồng một nẻo. Đến khi tiêu chết, người dân khai báo diện tích thực tế, thì lúc này chính quyền mới nắm cơ bản.

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Gia Lai là 6.000ha, tuy nhiên, số liệu từ “Niên giám thống kê Gia Lai” cho thấy, đến cuối năm 2017 đã lên tới 17.750ha, vượt quy hoạch gần 3 lần. Việc diện tích hồ tiêu liên tục gia tăng làm cho giá cả hồ tiêu rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kèm theo dịch bệnh bùng phát và lâm vào khủng hoảng như hiện nay. Ngay tại xã Ia Blứ, diện tích tiêu theo quy hoạch là 530ha, nhưng khi tôi hỏi diện tích tiêu chết là bao nhiêu?

Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch Kinh tế xã, ban đầu nói chết hơn 500ha, nghĩa là “chết gần sạch”, nhưng sau đó ông sửa lại là khoảng 700ha. Và lần thứ 3, ông “thú thật” là diện tích tiêu thực của xã khoảng gần 1.000ha, nhưng vì quy hoạch chỉ 530ha nên ông chỉ nói số liệu đó, và đã chết hơn 90%. Tuy nhiên, khi đi cùng chúng tôi đến các hộ dân, anh cán bộ nông nghiệp xã Ia Blứ tên Ngọc, rất thật thà cho biết, trước năm 2016, diện tích tiêu toàn xã lên đến hơn 2.000ha, nhưng nay chỉ còn chưa tới 100ha “Mà tương lai nó chết nữa”, anh Ngọc nói. Còn ông Nguyễn Hải, nông dân thôn Phú Hà thì cho rằng, diện tích tiêu có thể thu hái của xã hiện nay chỉ chừng 10ha.

Giải thích về số liệu, ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Chư Pứh nói: Trước giờ các văn bản, báo cáo đưa số liệu theo quyết định phê duyệt quy hoạch của địa phương đưa ra. Còn số liệu thực tế không chùng khớp là do bà con tự trồng. Ví dụ xã Ia Blứ, quy hoạch 529ha, nhưng trên thực tế, bà con phát triển diện tích lớn hơn nhiều, họ tự chủ sản xuất, mình không quản diện tích được. Còn mình báo cáo thì không thể nói khác số liệu theo quy hoạch.

Một trong những vườn tiêu còn “sống”, vừa được xuống giống cây cà phê

Giải pháp nào cứu nông dân trồng tiêu?

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiểm tổng Thư ký Hiệp Hội Hồ tiêu Chư Sê phân tích, qua theo dõi, cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, đó là chưa kể hồ tiêu của Indonesia, Ấn Độ, mà chủ yếu là để xuất khẩu,

Để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa, theo ông Bính, có rất nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là bài toán sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm phải chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam, thì mới có giá trị.

“Hiện nay hồ tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15 – 20%. Cho nên, giải pháp trước mắt là không mở rộng diện tích, người trồng tiêu cũng cần thay đổi phương thức canh tác, có thể từ trồng lấy số lượng chuyển sang lấy chất lượng. Thứ hai cần đẩy mạnh xây dựng các HTX, mô hình liên kết theo chuỗi và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch. “Ví dụ như Campuchia, hiện họ có HTX canh tác hồ tiêu và được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trồng tiêu theo chuẩn Ogranic, sản phẩm hồ tiêu được một công ty của Thụy Sỹ thu mua với giá 13 USD/kg. Phải như thế thì mới đảm bảo thu nhập bền vững”, ông Bính nói.

Gợi mở hướng đi cho nông dân Chư Pưh và Chư Sê, ông Bính cho rằng, thời tiết khí hậu ở Gia Lai rất phù hợp với cây ăn quả. Với cây công nghiệp dù giá thấp, thu nhập không cao nhưng là cây đặc sản của Tây Nguyên đó vẫn chính là cây cà phê. Thứ hai, có hiệu quả, năng suất là cây bơ. “Theo tôi, nên tập trung mũi nhọn vào cây bơ”, ông Bính nói.

Vườn tiêu đã chết sạch, được trồng nhiều loại cây ăn trái thay thế.

Nói về giải pháp hỗ trợ nông dân và hướng đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng NN&PTNT Chư Pứh cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là số nợ khó trả của nông dân với ngân hàng. Huyện cũng đã họp bào với NHNN và các ngân hàng địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Theo các ngân hàng, nông dân nợ tiền muốn được phía ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ… thì phải có lý do chính đáng, ví dụ tỉnh phải công bố dịch hay thiên tai, hạn hán. Nhưng Gia Lai không đủ điều kiện công bố dịch.

Hiện nay, sau khi huyện đứng ra tổ chức đối thoại giữa người dân và đại diện các ngân hàng, họ cho biết, đã thống kê, rà soát các đối tượng cụ thể để sau đó có biện pháp hỗ trợ. Nhưng, việc hỗ trợ như thế nào, mức độ đến đâu còn tuỳ thuộc vào năng lực, khả năng tài chính của họ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho biết, họ vẫn sẵn sàng cho người dân vay đầu tư, kể cả các hộ đang nợ đọng. Nhưng phải đảm bảo các điều kiện về nhân lực, có phương án khả thi để khôi phục sản xuất, có phương án trả nợ ngân hàng.

“Sắp tới, chính quyền địa phương có phương án gì để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho những hộ dân đã trắng tay vì tiêu?”, tôi hỏi. Ông Khánh đáp: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã tập trung triển khai rất nhiều việc, như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Và hiện đã ký kết được với 6 doanh nghiệp vào liên kết với bà con nông dân, đầu tư giống, vốn để triển khai trồng một số cây ăn trái mới. Rồi chúng tôi cũng qua Lâm Đồng, nghiên cứu mô hình trồng dâu nuôi tằm, thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, lại ít tốn kém, vì cơ sở có sẵn như nguồn nước, kho bãi từ mô hình tiêu vẫn còn. Nên sắp tới chúng tôi sẽ triển khai mô hình này, liên kết với Trung tâm dâu tằm tơ Lâm Đồng, nhờ họ giới thiệu các đơn vị thu mua kén. Ngoài ra, chúng tôi cũng lên kế hoạch tái canh, trồng mới cà phê với sự hỗ trợ của công ty Nestlé Việt Nam”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai gửi UBND Tỉnh, tính đến tháng 5/2018, số nợ người dân Gia Lai vay các ngân hàng để đầu tư cho cây tiêu là 4.382 tỷ đồng. Riêng “thủ phủ” hồ tiêu Chư Pứh, có 8.104 hộ dân còn nợ ngân hàng số tiền hơn 1.521 tỷ đồng. NHNN Gia Lai kiến nghị Tỉnh Gia Lai có biện pháp “gỡ khó”, bằng cách chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác khuyến nông để nông dân chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là tái đầu tư ở những vùng có diện tích hồ tiêu bị chết.

Đọc thêm: >> Phòng trừ dịch bệnh gây hại hồ tiêu khi thời tiết thay đổi

19 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Mình còn nhớ ở Gia Lai đã thành lập Viện nghiên cứu cây Hồ tiêu mấy năm trước rồi. Nghe đâu còn muốn dựng tượng vị giám đốc nào sản xuất phân thuốc gì đó tuyên bố “trị dứt điểm” bệnh chết nhanh chết chậm hồ tiêu nữa mà… Giờ đâu cả rồi ?!

  2. Trồng cây hồ tiêu nói riêng, làm nông nghiệp nói chung, cần rất nhiều yếu tố kết hợp mà vẫn không dễ để ai cũng thành công hoàn toàn. Đâu phải chỉ mới có một vài thành công, một vài hiệu quả bước đầu rồi cứ thế tha hồ “nổ như thánh phán”…
    Tôi cũng có nghe các thông tin trên, nhưng bây giờ thì lặn không sủi tăm…

    • Cũng không có gì để phải đáng ngạc nhiên…
      Trồng tiêu, bỏ tiêu, tiêu bệnh, tiêu chết, giá tiêu tăng vọt, giá tiêu giảm sâu… đều có mặt. Nay lại chuyển đổi cây trồng… Vậy thì tác dụng gì, khác gì mình đâu !

  3. Xin nhắc nhở cộng đồng.
    Mọi ý kiến phản hồi đều được tôn trọng và hoan nghênh.
    Tuy nhiên, mong mọi người lưu ý tuân thủ những Nguyên tắc gửi phản hồi !
    Ngành hồ tiêu có cả các tổ chức IPC (thế giới), VPA (Việt Nam), nhưng cũng không thể “muốn là được”, huống gì một cán bộ ở địa phương…
    Các bạn nào có cao kiến gì trong hoàn cảnh hiện nay, vui lòng chia sẻ giúp bà con !
    Thân

  4. Hình như nhà báo muốn đưa ra những con số, những lý lẽ biện minh có vẻ rối tung rồi mù.
    Nhưng lại chốt vấn đề là : Gia Lai chưa đủ điều kiện công bố dịch !

  5. Ba tháng trước đã có nhiều báo cáo về cùng chủ đề dịch bệnh lây lan làm hồ tiêu chết rất nhiều…
    Tiếp theo là gì?
    Sẽ có một thống kê dự kiến về vụ mùa mới !

  6. Nơi nào canh tác trên trụ chết, đặc biệt là trụ bê tông thì tỷ lệ chết càng cao, đặc biệt là khi lạm dụng hoá học, càng nhanh ra đi. Nhà nào làm bồn như trồng cà phê, gặp mưa dầm là xác định.

    Khi cung vượt cầu, nông hộ nào càng vay nhiều thì tiêu càng dễ chết vì cây tiêu một khi đã quen với việc thuốc men đầy đủ, thiếu thuốc là yếu ngay, chỉ cần thời tiết bất lợi chút là ra đi.

    Giờ là lúc nông dân nhìn thấy giá trị của việc canh tác bền vững rõ rệt nhất, chậm mà chắc. Bác nào chưa tin cứ đến những nông trường Việt Đức cũ của huyện Cư Kuin, vùng Bưng Kè – Xuyên Mộc BRVT, hoặc Cẩm Mỹ, Xuân Thọ Đồng Nai mà xem, tiêu vẫn khoẻ, đẹp và năng suất 6-7 kg/trụ khá phổ biến. Những vùng đó kiến thức canh tác vững, tiêu trồng trên trụ sống và phối hợp hợp lý giữa hữu cơ và vô cơ.

    Với giá tiêu hiện nay, dân những khu vực trên vẫn trụ được dù rát ít lời nhưng chưa lỗ.

    Nói tóm lại, giá thấp đi chính là một dịp sàng lọc. Chỉ những ai có chi phí thấp, hợp lý và kiến thức canh tác vững (bao gồm cả việc chọn đất phù hợp để trồng) thì mới tiếp tục với cây tiêu được.

    Những ai không theo đuổi được, tốt nhất nên chuyển đổi. Đeo theo làm gì cho khổ mình, khổ người.

    Khi số người chịu không nổi bỏ cuộc ngày càng nhiều thì lại sẽ đến lúc thiếu cầu, giá lại tăng và những người còn bám trụ được sẽ nhận được phần thưởng mà họ xứng đáng được nhận.

    Quy luật lâu nay vẫn vậy mà. Phần thưởng quý báu không dành cho số đông.

  7. Biết là vậy, nhưng nhiều sản phẩm hữu cơ, sinh học hiện nay trên thị trường dường như chưa thuyết phục được bà con các bạn à…

  8. Ai thích cường canh thì cứ việc tiếp tục cường canh, bây giờ đâu có ai can đâu? Mọi người (bao gồm cả đảng và nhà nước) đang muốn giảm diện tích mà.

    Các bác cường canh chính là những người đi tiên phong trong phong trào giảm diện tích hồ tiêu cả nước.

  9. Cho đến nay, cái giá của bà con nông dân Việt Nam ở các vùng trồng hồ tiêu phải trả đã quá đắt hơn bất kỳ loại nông sản nào khác. Nếu không lựa chọn, chuyển đổi biện pháp chăm sóc hồ tiêu sang hướng hữu cơ sinh học ngay tức thì, bà con còn phải gặp nhiều cay đắng hơn nữa…!

  10. Khắp nơi tiêu chết rất nhiều, vậy mà giá tiêu vẫn không lên. Hay chăng diện tích trồng tiêu vẫn còn nhiều hơn so với tiêu chết. Hay do Việt Nam mình chưa chú trọng hội nhập, giao thương đối ngoại chưa tốt…
    Mong các cơ quan ban ngành tìm ra nguyên nhân, giải pháp để lấy lại giá trị cho hạt tiêu.

  11. Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục kêu gọi giảm diện tích hồ tiêu. Nghĩa là, theo quan điểm của bộ, diện tích đang cho thu hoạch hiện nay vẫn quá nhiều.

    • Tôi cũng đồng ý. Diện tích trồng hồ tiêu nước ta nên giảm mạnh còn một nửa, hay chi ít là giảm 1/3 mới phù hợp !

  12. Năm ngoái, diện tích nông nghiệp là 152 nghìn ha.
    Năm nay có những khu vườn chết và những khu vườn bị bỏ bê.
    Nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về lĩnh vực nông nghiệp năm …

  13. Tiêu là thực phẩm gia vị. Nếu trồng tiêu bằng phân hữu cơ ủ hoai, phân sinh học thì hương vị nồng nàn thơm ngon ai chả muốn ăn. Còn trồng tiêu bằng phân thuốc hóa chất chỉ được mỗi vị cay thì ăn ớt sướng hơn, mà khỏi lo dư lượng hóa chất độc hại…
    Trước đây trong các loại nem chả truyền thống đều có sử dụng gia vị hạt tiêu.
    Còn bây giờ thì toàn thấy vài lát ớt cay…!

  14. Quan điểm của mình cũng vậy. Nên xem xét kỹ, nếu thấy không có thu nhập thì chuyển đổi cây trồng ngay lập tức. Để bỏ bê không chăm bón làm cây mất sức, dễ nhiễm sâu bệnh. Khi cần phục hồi cũng sẽ khó khăn, tốn kém, lãng phí vô ích.

Gửi phản hồi mới

(?)