“Bốn nhà” cùng lo cho cây tiêu vùng Cùa
Hồ tiêu vùng Cùa, Quảng Trị đã sớm vang danh ở thế kỷ trước không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài nhờ nổi bật phẩm chất thơm cay đặc trưng của loại gia vị này.
Việc diện tích hồ tiêu vùng Cùa giảm mạnh trong những năm gần đây không những làm đau lòng người trồng vì đây là cây truyền thống gắn bó lâu đời với vùng đất này mà chính quyền huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng cảm thấy có trách nhiệm khi đã để cho những vườn tiêu xác xơ trong cơn bão đại hạ giá và dịch bệnh chết nhanh, chết chậm hoành hành. Vì lẽ đó, chính quyền và người dân Cam Lộ đang làm hết sức mình với hy vọng cứu vãn lại cây đặc sản đã từng mang đến danh tiếng cho một vùng đất và cơm no áo ấm cho con người.
Chị Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính là một trong những người có diện tích hồ tiêu khá lớn ở vùng Cùa. Với gần nửa héc ta đất vườn, gia đình chị luôn chăm chút cho cây tiêu, coi đây là cây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu, vì chỉ cần được mùa được giá là trở thành triệu phú. Tuy nhiên những năm trước đây, sự hạ giá liên tục của hạt tiêu trên thị trường đã làm cho nhiều gia đình điêu đứng, càng đầu tư càng lỗ, càng gắn bó với cây tiêu càng khốn đốn.
Không chỉ chị Cúc mà hàng trăm gia đình ở vùng Cùa đã bỏ mặc cây tiêu, từ diện tích toàn vùng lên tới gần 1.000 ha đã giảm xuống còn chưa đầy 400 ha nếu tính đông đặc. Nhiều gia đình ở Cam Nghĩa trước đây bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua vườn tiêu, mua choái nhưng nay đành gạt nước mắt chặt bỏ để trồng cỏ nuôi bò, trồng sắn hoặc thay thế bằng cây cao su. Theo Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Văn Vĩnh, có lúc cả xã nợ lên đến hơn 25 tỷ đồng vì đầu tư cho cây hồ tiêu nhưng không gặp lúc thuận lợi, tiêu chết, nợ vẫn treo ở ngân hàng.
Người dân thì hoang mang nhưng lãnh đạo huyện Cam Lộ thì nghĩ khác. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Công Phán nhiều lần nói với tôi rằng, hồ tiêu là cây trồng làm nên danh tiếng của vùng Cùa, của Cam Lộ và có thể là cả Quảng Trị, ai cũng công nhận hồ tiêu vùng Cùa thơm ngon nhất nước, đây chính là món quà độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất khó nghèo này, coi như đây là sản vật của “trời cho”. Và khi đã coi là của “trời cho” thì con người không được để mất.
Với suy nghĩ và quyết tâm đó, khi giá hồ tiêu chưa lên, lãnh đạo huyện đã xây dựng phương án bằng mọi cách phải phục hồi lại cây hồ tiêu, quy hoạch lại vùng trồng tiêu và xây dựng quy trình trồng tiêu sinh thái theo hướng phát triển bền vững. Hai năm trước, đích thân lãnh đạo huyện dẫn đầu một đoàn cán bộ huyện, xã và nông dân vào tận Tây Nguyên học lại cách trồng tiêu, nghe chính những người trồng tiêu nơi khác nói về giá trị cây hồ tiêu Quảng Trị.
Và trong cuộc hành trình đi tìm lại giá trị cây tiêu vùng Cùa, Cam Lộ không đơn độc. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị, dự án phục hồi cây hồ tiêu vùng Cùa như được chắp thêm cánh, ngoài việc xây dựng thương hiệu, đầu tư tiếp thị, nâng cao chất lượng sản phẩm làm tăng giá trị của sản phẩm “Tiêu Cùa”, công ty đã đầu tư 500 triệu đồng để thực hiện dự án phục hồi cây hồ tiêu.
Bằng cách tổ chức cho bà con nông dân tham quan các mô hình trồng tiêu tiêu biểu trong nước, trong tỉnh, thuê chuyên gia về tận vườn tập huấn kỹ thuật trồng tiêu sinh thái, mua giống mới sạch bệnh cũng như đưa vật tư thiết yếu về cung cấp cho dân, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật về để “ba cùng” với bà con. Hơn thế, lãnh đạo công ty còn vào tận Gia Lai tìm chuyên gia chữa bệnh cho cây tiêu. Sự có mặt của giám đốc Công ty TNHH sinh thái Trung Việt – Phạm Việt Hùng và các chuyên gia tại vùng Cùa trong thời gian qua đã nói lên điều đó.
…Từ chỗ không mặn mà với cây hồ tiêu, năm nay ngoài việc phục hồi vườn tiêu cũ, gia đình chị Trần Thị Cúc đã mạnh dạn vay vốn hơn 100 triệu đồng để đầu tư trồng thử nghiệm gần 100 gốc tiêu leo trụ gạch, đây là mô hình trồng tiêu khá mới mẻ ở vùng Cùa vì đầu tư khá tốn kém từ hệ thống tưới, hệ thống thoát nước mưa, mái che nắng, tất cả phải đồng bộ.
Nhìn vườn tiêu trồng mới của gia đình chị Cúc ai cũng phải tấm tắc khen ngợi ý chí mạnh dạn, dám đổi mới cách nghĩ cách làm của hộ nông dân này. Nhưng nỗi lo của chị Cúc và cũng của nhiều người trồng tiêu khác ở vùng Cùa là với nguồn vốn có hạn, việc mở rộng diện tích và tiếp tục đầu tư chăm sóc trong thời gian tới là rất khó khăn.
Để thực hiện thành công đề án phục hồi cây hồ tiêu, đưa năng suất cây hồ tiêu từ 700 – 800 kg/ ha hiện nay lên 2.000 kg/ha và lên cao hơn trong những năm tới, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, huyện sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở cho vùng tiêu, có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi tập quán canh tác, cam kết thực hiện theo quy trình canh tác tiến bộ.
Đồng thời tiếp tục hợp tác, phối hợp với Sở KH-CN, Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp triển khai các dự án cụ thể để cùng lo cho cây tiêu phát triển bền vững, không ngừng gia tăng giá trị của nó trên thị trường.