Đăk Nông cần có giải pháp quy hoạch cụ thể để phát triển cà phê, hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 1

Hiện nay diện tích cà phê, hồ tiêu trồng mới ở Đăk Nông đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng là một thực trạng cần báo động.

Thời gian qua, do giá nông sản liên tục tăng, nhất là giá tiêu có thời điểm lên đến 130.000 đồng/kg đã khiến cho nhiều nông dân ở Đăk Nông đổ xô đi trồng. Việc nông dân ồ ạt “đua nhau” trồng cà phê, hồ tiêu không chỉ làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của địa phương mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy trước mắt cũng như về lâu dài. Vì thế, để phát triển bền vững hai loại cây trồng này thì các ngành, địa phương cần phải có các giải pháp quy hoạch cụ thể.

Trồng theo phong trào và những hệ lụy

Nông dân Chư K’nia (Chư Jút) đã có thu nhập cao từ trồng tiêu.

Mùa mưa năm nay, gia đình ông Ngô Thanh Lâm ở thôn 3, xã Chư K’nia (Chư Jút) đã phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng hơn 1 ha tiêu, vì tin rằng vài năm nữa sẽ có thu nhập cao. Theo ông Lê Văn Công, Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì từ đầu năm 2012 đến nay, người dân của huyện đã tự phát trồng thêm gần 100 ha tiêu.

Tương tự như cây tiêu, năm nay, cây cà phê cũng được người dân ở các huyện Tuy Đức, Đăk Glong, Krông Nô… trồng khá phổ biến. Đơn cử như huyện Đăk Glong, theo chỉ tiêu năm 2012 toàn huyện chỉ trồng mới 110 ha cà phê, nhưng qua tìm hiểu số lượng bán ra tại các cơ sở giống thì diện tích cà phê trồng mới của huyện có thể lên đến 350 ha.

Gia đình ông K’Chiêng ở bon Sê Rê B, xã Đăk Som (Đăk Glong) có trên 1,5 ha cà phê đang cho kinh doanh. Tuy nhiên, vì trồng trên đất dốc lại thiếu nước tưới nên năng suất cà phê của ông rất kém.

Còn tại huyện Chư Jút, nhiều diện tích cây tiêu đang có nguy cơ nhiễm các loại nấm bệnh làm suy giảm năng suất và chết rải rác đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nguyên nhân là do nông dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nhận biết được mức độ rủi ro đối với loại cây trồng “khó tính” này.

Trong khi đó, hầu hết các hộ trồng tiêu đều chưa am hiểu các biện pháp thâm canh, phòng trừ dịch bệnh nên không tránh khỏi những hệ lụy khi đưa vườn cây vào kinh doanh. Không những thế, vì cái lợi trước mắt, nhiều hộ gia đình đã “thản nhiên” mua giống từ các cơ sở không có giấy phép, giống không có nguồn gốc rõ ràng nên gặp giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất sau này là điều nông dân phải gánh chịu, khó tránh khỏi.

Cần có giải pháp quy hoạch cụ thể

Người dân xã Đăk Som, Đăk Glong mua giống không rõ nguồn gốc tại các điểm bán theo thời vụ

Trước thực tế tình hình diện tích cà phê, hồ tiêu phát triển không theo quy hoạch, Sở NN&PTNT đã khuyến cáo nông dân nên thận trọng khi chọn đất để trồng mới và chuyển đổi một số diện tích cà phê trồng nơi điều kiện sinh thái không phù hợp sang trồng các loại cây nông nghiệp khác.Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về canh tác cà phê, hồ tiêu và hướng dẫn những vùng đất trên địa bàn tỉnh không phù hợp với cây cà phê, hồ tiêu… cho bà con biết. Thế nhưng hiện nay, việc giữ được diện tích từ 10.000-16.000 ha như định hướng quy hoạch đến năm 2015 là rất khó.

Bởi vậy, cách duy nhất muốn phát triển bền vững thì các ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể trong quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch cây trồng và đầu tư các cơ sở chuyên nghiên cứu về cây cà phê, cây tiêu để nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp nông dân thâm canh bền vững hơn. Trong đó, việc quy hoạch cơ cấu cây trồng chi tiết hóa đến từng vùng, thậm chí đến từng thửa đất, kèm theo những qui định về áp dụng chế độ thâm canh, luân canh; chống xói mòn, bảo vệ đất hiện nay là rất cấp bách.

Mặt khác, các địa phương cũng cần tăng cường giải pháp về tuyên truyền, giáo dục cho nông dân về công tác quản lý quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, bảo vệ tài nguyên môi trường… Để khắc phục những tồn tại này, trước mắt, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tập trung giải quyết những yếu kém, bất cập của việc phát triển quá nhanh, nhưng thiếu tính bền vững của một số loại cây trồng và từng bước sắp xếp lại cơ cấu cây trồng ở từng địa phương.

Theo đó, ngành cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án về nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê theo quy chuẩn, sản xuất hồ tiêu sạch, tạo mối liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học) nhằm xây dựng thương hiệu và tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm của nông dân.

Có thể nói, đã đến lúc ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp quy hoạch cụ thể để phối hợp với các địa phương, người nông dân hướng hoạt động sản xuất của những cây trồng này phát triển một cách bền vững hơn. Vì thực tế, hiệu quả sản xuất của cây trồng còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố về đất đai, độ cao, khí hậu… nên công tác quy hoạch cụ thể ở từng địa phương sẽ có vai trò rất quan trọng.

1 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Trồng trụ chết lên hình nhìn đều. Giống tiêu trên ảnh rất mạnh. Dé ngắn, năng suất đều. Trồng hồ tiêu vô tội vạ để mấy nhà bán thuốc BVTV còn sống với chứ. Trồng cây mạnh ít bệnh tật thì cũng tội người ta.

Gửi phản hồi mới

(?)