Chế biến tiêu trắng

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 20

Chế biến tiêu sọ theo phương pháp thủ công đã được nông dân lưu truyền trong những vùng trồng tiêu trọng điểm từ rất lâu đời. Những công đoạn chế biến cũng rất đơn giản.

Khi tiêu chín đều trên cây, tiền hành thu hái, ngâm ủ, chà, đãi sạch vỏ, phơi khô, đóng gói. Tiêu sọ được coi là mặt hàng gia vị quý hiếm, với số lượng ít, chỉ đủ để tiêu thụ trong nước, chưa  có xuất khẩu.

Chỉ khi tiêu sọ trở thành mặt hàng xuất khẩu với khối lượng nhiều hơn người ta mới nghĩ đến việc đẩy mạnh chế biến tiêu sọ từ tiêu xô đen và được gọi là tiêu trắng

Máy sàn để tách lá và tạp chất sau thu hoạch.

Từ năm 2003, Việt Nam xuất khẩu tiêu trắng với số lượng ban đầu còn khá khiêm tốn : Năm 2003 xuất 3.959 tấn (4%), năm 2004 xuất 9.443 tấn (10%), năm 2005 xuất 9.946 tấn (11%). Từ năm 2006 – 2007- 2008 xuất khẩu tiêu trắng đã đạt trên 10.000 tấn /năm, chiếm tới 13 – 15%  thị phần xuất khẩu. Từ năm 2009 – 2010- 2011 xuất khẩu tiêu trắng đã đạt gần 20.000 tấn /năm, chiếm tới gần 20%  thị phần xuất khẩu. Tiêu trắng có giá bán khá cao, thường gấp 1,5 lần tiêu đen.

Do tiêu trắng có giá trị cao nên việc chế biến tiêu trắng từ hộ nông dân đến các doanh nghiệp đã và đang phát triển nhanh chóng. Ở các địa phương như Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu có đến 25 cơ sở chế biến tiêu sọ, mỗi cơ sở sản xuất từ 500 kg đến 3.000 kg tiêu sọ/ngày. Tổng cộng đã chế biến trên 1.300 tấn tiêu sọ/năm. Ở huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, nhiều hộ nông dân vừa trồng tiêu, vừa thu mua, vừa chế biến tiêu sọ, công suất lên đến 1 tấn/ngày/hộ. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đảo Phú Quốc cũng có khá nhiều cơ sở, hộ gia đình chế biến tiêu trắng.

Quy trình chế biến tiêu trắng: Lựa chọn hạt tiêu đen xô tốt, đạt dung trọng 600 – 620 gram/lit => vô bao ngâm, ủ  trong bể nước 8-10 ngày => Chà, rửa tách vỏ quả, rửa sạch lấy tiêu sọ, (có thể ngâm tiêu sọ trong nước sạch 1 – 2 ngày để khử mùi) => Phơi khô đạt độ ẩm 11 – 12o  => Đóng bao 2 lớp (có thể trữ được cả  năm).

Một số nhà máy chế biến tiêu trắng có công suất lớn được trang bị công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt gần đây đã có số doanh nghiệp tạo sản phẩm tiêu trắng dạng hạt hoặc bột, chế biến theo công nghệ độc đáo hoàn toàn không không qua ngâm ủ làm ô nhiễm môi trường. Nếu phát triển đại trà quy trình chế biến tiêu trắng nêu trên thì tiêu trắng của Việt Nam sẽ là loại tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hàng đầu mà bất kỳ người tiêu thụ nào cũng yên tâm .

Năng lực sản xuất tiêu trắng của Việt Nam hiện nay rất lớn và hiệu quả kinh tế cũng khá hấp dẫn đối với nông dân và các cơ sở thu mua chế biến xuất khẩu hạt tiêu. Tuy nhiên Việt Nam chưa có lợi thế như Malaysia, Indonesia, Hải Nam Trung Quốc, vì họ đã có kinh nghiệm sản xuất và khách hàng truyền thống tiêu thụ tiêu trắng từ lâu, mặt khác nhu cầu tiêu trắng trên thế giới hiện nay chỉ cần khoảng 30.000 tấn/năm. Vì vậy chúng ta không thể sản xuất tiêu trắng tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm sút.

Hướng tới phát triển bền vững, chế biến tiêu trắng cần có chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Phải làm tốt ngay từ khâu trồng trọt, hạn chế tối đa dùng phân, thuốc hóa học, tăng cường dùng phân hữu cơ vi sinh. Thu hoạch lúc tiêu chín trên cây, tuân thủ quy trình GAP, Bảo đảm cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến.

Về quy mô chế biến: Giảm các lò chế biến nhỏ thủ công, tăng cường chế biến công nghiệp. Lập khu công nghiệp mini ở những địa phương trồng tiêu trọng điểm dành cho chế biến tiêu tập trung, áp dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải. Nâng tỷ trọng tiêu trắng nghiền.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên theo dõi nhu cầu, giá cả thị trường, từ đó “kê đơn đặt hàng” với các cơ sở, nhà máy chế biến tiêu trắng, kịp thời cung cấp cho thị trường sản phẩm có thương hiệu uy tín, chất lượng cao.

Ngoài ra sự hỗ trợ của các Bộ ngành, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương để bà con nông dân và doanh nghiệp có đủ điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, ổn định, bền vững, nâng hiệu quả kinh tế ngày càng cao là hết sức cần thiết.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
20 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chú Nguyễn Vịnh ơi ! Ở Việt Nam mình sao chỉ xuất khẩu tiêu hạt mà không chế biến tiêu hàng hóa để nâng cao GTGT? Cháu có người quen ở nước ngoài về thăm có thắc mắc, nói là chỉ thấy trong siêu thị bán tiêu của Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông thôi, không thấy tiêu của VN đâu. Không lẽ mình bán nguyên liệu trong khi tiêu hàng hóa đắt lắm mà.

  2. Oh! Mong cháu thông cảm vì trao đổi muộn.
    VN cũng có chế biến tiêu hàng hóa để bán trong các Trung tâm thương mại hay siêu thị chứ.
    Thường gặp là tiêu trắng nguyên hạt đóng gói hay đóng chai, lọ nhỏ khoảng 100-200 gr, tiêu trắng và tiêu đen xay bột với qui cách tương tự…
    Về các Cty sản xuất tiêu hàng hóa trong nước thì chú ko rõ lắm, mà sự quảng bá của Cty cũng ko được rộng rãi vì hình như họ chỉ chú ý thị trường nước ngoài thôi, để chú tìm hiểu sau nhé.
    Các nước như cháu nói trên đều có sản xuât tiêu, riêng Thái Lan thì nhập của VN và Malaysia về chế biến để bán lẻ có thương hiệu từ rất lâu rồi.
    Chú hy vọng trong việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu của các địa phương có kèm theo việc sản xuất tiêu hàng hóa chứ cứ bán nguyên liệu thô như xưa nay cũng chẳng cần có thương hiệu để làm gì. Rất cần những nhà kinh doanh có tâm huyết lẫn tiềm lực mới làm được cháu ạ.

  3. Thưa chú Vịnh!
    Theo cháu vấn đề tiêu trắng nghiền sẽ phát sinh nhiều hệ quả, một số cơ sở sản xuất sẵn sàng vì lợi nhuận sẽ pha thêm tạp chất khác để nâng số lượng, khi đã nghiền thành bột rồi thì khó mà phân biệt được. Rất khó kiểm soát được vấn đề này.

    • Thị trường chấp nhận sự gian dối thì sản phẩm gian dối mới được sản xuất. Pháp luật, chính quyền và công chúng đồng ra tay quyết liệt với sự gian dối thì chú tin chắc hàng giả, hàng đễu không thể tồn tại!
      Ở các nước có ngành công nghiệp sản xuất tiêu nghiền (tiêu bột) rất mạnh. Nếu gian dối thì họ sẽ không xây dựng được thương hiệu công chúng tin dùng, và tất nhiên Ngành ATVSTP sẽ không cho họ tồn tại.
      Không khó đâu, chỉ là không làm thôi.

  4. Chào mọi người,
    Mình có mua tiêu sọ của anh kia mỗi tháng chỉ 300kg để sản xuất thực phẩm. Tiêu sọ rất đẹp màu vàng óng…nghe mọi người bảo là họ luộc tiêu đen lên rồi chà sạch vỏ. Mọi người biết làm cách này kg chỉ mình với. Hôm trước mình cũng tập tành mua 5kg tiêu xanh về ngâm. Làm xong màu thì xấu xí đã vậy còn bốc mùi…thối thối nữa chứ. Mình đang định ngâm thử 1 kg tiêu đen qua nước sôi rồi đợi vài ngày bốc bỏ thử xem sao….Mọi người cho mình ý kiến với…!Ah,sẵn tiện mình hỏi mọi người luôn, mình muốn trồng tiêu ở miền Tây đc kg nhỉ? Quê vợ có nhiều đất lắm, ông bà già rồi định trồng dừa xiêm. Mình nghĩ trồng xen tiêu vô đó kg biết có đc kg nữa?
    Mọi người cho mình ý kiến với!
    Cảm ơn mọi người!

    • Ý bạn hỏi không rõ ràng.
      Nếu để chế biến thực phẩm thì bạn chỉ cần mua tiêu trắng (có màu trắng xám). Bạn mua tiêu trắng ngà có giá đắt hơn. Còn vàng óng là do sấy, nhưng không rõ màu vàng từ đâu mà có (do thuốc xông lúc sấy chăng?).
      Bạn học theo cách làm nhưng ngta luộc tiêu đen sao bạn lại ngâm tiêu xanh? Tiêu đen luộc hay ngâm chỉ khác ở chỗ đẩy nhanh thời gian chế biến. Nhưng tiêu xanh ngâm thì sẽ hỏng. Bạn cần phân biệt tiêu xanh, tiêu chín, tiêu đen… là khác nhau chứ. Tiêu đen, tiêu chín nhân đã chắc, cứng nên ngâm được. Tiêu xanh nhân còn mềm ngâm sẽ bị thối, rửa, nên không ngâm.
      Ngoài yếu tố khí hậu thì thổ nhưỡng trong trồng trọt cũng rất quan trọng. Cây hồ tiêu tối kị chuyện ngập úng nên khó trồng ở miền Tây. Bạn cần chú ý.
      Mong những ý kiến của bạn rõ và cụ thể hơn cho dễ trao đổi. Thân !

    • Cảm ơn chú Nguyễn Vịnh ạ, ý cháu là dự định của cháu bây giờ là ngâm tiêu đen nên muốn học hỏi mọi người. Còn việc ngâm tiêu xanh vừa rồi thì quả là như chú nói, cháu ngâm 5kg còn chưa được 1kg do có quá nhiều hạt non nên thất bại ạ! Lần này cháu sẽ nghiên cứu kỹ hơn!

    • Bạn nên chọn hạt mẩy và cứng chắc mới ngâm. Không ngâm nước sôi, hay luộc, mà chỉ nước sạch thôi. Chỉ ngâm 1 ngày, không ngâm lâu ngày. Ngâm vài giờ, rồi bỏ vào rá chà xát, rồi cho vào rổ mắt mau để đãi rửa hết các bẩn đi rồi mới ngâm cho đủ ngày.

      Hạt nhỏ, hạt lép, hạt mềm thường là hạt chết, hạt non, khi ngâm ắt thối. Luộc hay ngâm nước nóng cũng làm chết hạt, sẽ thối. Ngâm lâu thì hạt chết, cũng thối. Tránh 3 điều đó, thì mới ngâm được không thối và làm được tiêu sọ.

  5. Cần mua số lượng tiêu trắng để xuất khẩu.
    Anh Vịnh có thể cho em biết liên hệ với ai không ? Rất mong nhận được phản hồi. Đt: 0938 702 968

  6. Cho tôi hỏi, tôi muốn tìm hiểu về công nghệ chế biến tiêu đen tiệt trùng liên tục thì phải tìm hiểu ở đâu, cảm ơn

  7. Chú Vịnh ơi, nhà cháu trước nay vẫn chỉ làm tiêu đen. Giờ cháu muốn chuyển qua sản xuất tiêu trắng, nhưng không biết có thể mua thiết bị làm tiêu trắng ở đâu. Chú có thể giúp cháu được không ạ.
    \

    • Các bạn có thể tìm mua những thiết bị mình cần tại Xuân Lộc, Đồng Nai.

  8. Chào chú Vịnh.
    Từ trước đến giờ nhà cháu toàn sản xuất tiêu đen. Cháu rất muốn chuyển quả sản xuất tiêu trắng. Chú có thể cho cháu thông tin nhà cung cấp thiết bị và có thể mua máy móc ở đâu không à.

  9. Chào chú Vịnh,
    Chú cho cháu hỏi, nếu chế biến tiêu sọ thì tỷ lệ thu hồi cho 1 kg tiêu đen sau khi chế biến ra tiêu trắng là bao nhiêu?
    Cám ơn chú nhiều!

    • Khoảng 65 – 80 % tùy vào chất lương của tiêu xô từng vùng, chuộng nhất là tiêu Vĩnh Linh, thường lấy làm sọ từ tiêu 580Gr/l trở lên.

  10. Xin chào chú Vịnh, hạt tiêu bán ở siêu thị sao có mùi thơm vậy? Còn hạt tiêu mua ở Đồng Nai về lại không có mùi thơm, cháu không biết nếu muốn thơm như vậy mình có phải qua chế biến không?

    • Tiêu bạn mua ở Đồng Nai là tiêu xô, tiêu nguyên liệu. Còn tiêu mua ở siêu thị là tiêu thành phẩm đã qua chế biến. Phải rang sơ cho hạt tiêu dậy mùi thơm, nôm na như rang đậu phộng, rồi xay nhỏ mới dùng làm gia vị.

  11. Cháu chào chú, cháu muốn mua máy chế biến tiêu trắng, chú có thông tin nào về cửa hàng bán máy này cho cháu xin nhé, cháu cảm ơn chú.

Gửi phản hồi mới

(?)