Chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh hồ tiêu

Là người con của Đồng Nai sang Bình Phước lập nghiệp, bước đầu gặp không ít khó khăn “lấy ngắn nuôi dài,” bạn Đỗ Trường Sơn nay đã trở thành nông hộ trồng tiêu khá vững vàng ở huyện Bù Đăng. Bạn chia sẻ những ngày đầu xen canh trên bước đường tạo lập vườn tiêu cùng cộng đồng giatieu.com

Ông bà ta có câu “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, nên mốc khởi nghiệp từ nông nghiệp vì thế cũng khác nhau. Có người khi ra riêng được cha mẹ cho một số vốn lớn hay diện tích đất kha khá, nhưng cũng có những người khi ra riêng chỉ có đôi bàn tay trắng, phải vất vả ngược xuôi, làm lụng, chắt chiu, kham khổ mới mua được mảnh đất rồi gởi gắm vào đấy bao kỳ vọng tốt đẹp về tương lai và mong cho con cái mình ngày sau không phải vất vả như mình.

Thiên nhiên đã ưu ái ban cho vùng đất miền Đông Nam bộ và Tây nguyên mầu mỡ tốt tươi, khí hậu trong lành, mưa gió thuận hòa, với tính ham học hỏi và cần cù lao động bà con đã làm nên những vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều… hay những vườn cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, cam quýt …

Nhưng không phải loại cây nào, năm nào cũng “trúng mùa được giá” mà cũng có lúc “thất mùa còn thất cả giá”. Qui luật tự nhiên lẫn thị trường khắc nghiệt, không chừa một ai.

Với những hộ nghèo, ít đất, con cái đang tuổi ăn, tuổi học thì phải làm sao với điệp khúc “lên lên xuống xuống, trồng trồng chặt chặt”?  Cái khó thường ló cái khôn, họ phải chọn cách trồng xen canh để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích, phải kết hợp ao chuồng để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và vững vàng vượt qua khó khăn khi loại cây trồng nào đó gặp phải rủi ro.

Kinh nghiệm trồng xen canh của bà con nông dân nước mình có rất nhiều, đã trở thành tập quán có tính truyền thống của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp là chính. Tôi cũng là nông dân nên cũng đang trồng xen canh trên diện tích đất vườn nhà, có hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, đã có nhiều bạn trên diễn đàn ghé thăm làm tôi cũng phấn khởi.

Qua bài viết này tôi xin gởi đến những bà con cần lao, đổi từng giọt mồ hôi để lấy ấm no cho gia đình,  những hộ còn khó khăn và các bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp, một số kinh nghiệm trồng xen canh mà tôi đã làm qua, đã học được từ những người đi trước.

Bà con làm thành công, mang lại thịnh vượng cho gia đình mình là tôi vô cùng hạnh phúc.

1.Xen canh giữa cây hồ tiêu với cà phê

Tiến hành như sau: Cây cách cây, hàng cách hàng 3,3m x 3,3m. Trồng 1 hàng tiêu (trụ sống) xen 1 hàng cà phê, trồng theo hướng bắc nam để đón ánh nắng đều khắp cả vườn. Với khoảng cách trên, 1 ha sẽ trồng được 500 cây cà phê và 500 trụ tiêu. Với 500 trụ tiêu được trồng xen như trên sẽ cho năng suất cao hơn và ít dịch bệnh hơn so với trồng tiêu đám. Cây cà phê trồng xen như trên sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, vì cà phê chỉ cần ánh sáng tán xạ. Tuy lượng phân, nước tưới và cách chăm sóc khác nhau, nhưng theo tôi thì cũng không khó lắm. Khi làm bài toán kinh tế thì rõ ràng trồng xen như trên giá trị sẽ không bằng trồng tiêu đám, nhưng  đây lại là giải pháp khá an toàn, lượng công lao động được phân bổ đều, rất phù hợp với những hộ gia đình có ít lao động, chỉ thuê thêm một ít nhân công vào mùa thu hoạch. Nếu cây trụ sống là cây keo lai thì tranh thủ nuôi thêm một bầy dê, một năm kiếm thêm vài chục triệu đồng tiền bán dê và mười mấy khối phân nữa thì còn gì tuyệt vời hơn.

2. Xen canh hồ tiêu với cây điều

Bình Phước là vương quốc của hạt điều, nhưng do mấy năm liền điều mất mùa mất giá nên bà con đang tính chuyển đổi cây trồng. Nhưng trồng cây gì, lấy vốn đâu để tái đầu tư? Việc trồng tiêu trên trụ điều tôi đã trồng từ lâu, tuy không tốt bằng trồng trên nhiều loại cây trụ sống khác, nhưng lại rất hợp với những hộ còn nghèo, vừa thu điều rồi trồng tiêu vào luôn, tiết kiệm tận dụng để vươn lên. Trên diện tích 1ha trồng điều ta có sẵn 250 – 270 gốc, với mật độ này cây điều lên cũng khá thẳng, nếu thả thêm tiêu và chăm sóc tốt một trụ cũng được 7-8 kg tiêu khô. Sau đó bà con có thể trồng xen giữa hàng điều một hàng tiêu bằng trụ gỗ hoạc bê tông khoảng cách 2,2 m thì thu nhập của bà con được tăng lên đáng kể. (xem thêm: trồng tiêu trên thân cây điều)

-Với những hộ đã có đất nhưng vốn đầu tư hạn hẹp thì phải làm sao để xây dựng thành vườn tiêu? Việc trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài là một cứu cánh tất yếu, nhưng trồng những cây nông nghiệp ngắn ngày như bắp đậu thì thu nhập chẳng  bao nhiêu. Tôi đã có giải pháp này xin nêu ra đây để bà con cùng tham khảo.

Năm đầu tiên bà con trồng chuối già lùn với khoảng cách 3,3m x 3,3 m và trồng keo vô chính giữa 4 cây chuối (hoặc trồng keo theo đám rồi năm sau bứng ra trồng cũng tốt). Như thế trên 1 ha chúng ta trồng được 1000 gốc chuổi  và 1000 gốc keo. Chi phí ban đầu khoảng 15 – 20 triệu đồng, nhưng chuối rất mau có thu, trong năm đầu tiên bà con đã thu được khoảng 900 buồng, mỗi buồng có giá khoảng 70.000, như vậy năm đầu tiên ta đã có thu khoảng 50-60 triệu. Việc chăm sóc vườn chuối thì không khó khăn gì, lâu lâu cho tí phân đạm là tốt ào ào, chỉ lưu ý tỉa chuối cho khéo sao cho 1 cây có buồng + 1 cây hậu bị  + 1 cây con.

Năm thứ hai bà con tiến hành trồng tiêu cho leo lên trụ giả sát gốc keo. Vẫn thu chuối bình thường, tiền chuối đã tăng lên 70-80 triệu.

Năm thứ ba bà con đôn tiêu cho bò lên trụ keo, và thu chuối thêm năm nay nữa.

Năm  thứ tư bà con phá chuối, tiến hành xây dựng chuồng nuôi dê, với 4-5 con dê giống thôi vì lúc này keo còn nhỏ, từ từ nhân đàn lên sau.

Cây chuối ngoài lợi ích kinh tế còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Đây là hướng tôi đang dự kiến thực hiện trong 1-2 năm tới.

   

Gần  nhà tôi có vài anh, thấy vườn tiêu đẹp thì cũng mê lắm, rồi về nhà đào đào trồng trồng, nhưng chỉ hào hứng được vài tháng thôi là  bỏ thí. Tôi cũng từng thấy vài anh, làm cũng rất chăm, cây lên rất đẹp, nhưng khi giá cả xuống thấp thì vội vàng chạy theo cây trồng đang có giá khác. Tuổi tác nào có đợi ai! Cuộc đời trồng chặt được mấy lần?  Khi tóc đã hoa râm, lưng còng gối mỏi, ngoảnh lại thấy mình chưa có được thành quả gì , chẳng phải buồn lắm sao?Với  nghề nông, có thể  gắn bó đời mình với vài loại cây. Là người trụ cột trong gia đình, trên vai nặng gánh trách nhiệm, nên không thể nói trồng là do đam mê hay “ăn thua” mà phải tìm cách ổn định kinh tế lên hàng đầu. Trước khi trồng loại cây nào, nuôi con gì, nhà nông luôn phải tìm hiểu thật kỹ xem điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng, vốn liếng đầu tư… có phù hợp với sự lựa chọn của mình không. Khi đã lựa chọn rồi thì phải quyết tâm “ăn ngủ”, thậm chí “sinh tử” với nó cả đời.

Trên diễn đàn bà con thường khuyên nông dân phải có kiến thức của một nhà nông học, hiểu đất hiểu cây, tôi thấy là rất cần nhưng chưa đủ. Mà người nông dân còn cần phải có một cái đầu biết tính toán của một doanh nhân,  nhạy bén nhận định thiệt hơn, lợi hại. Và phải có tầm nhìn xa rộng, của một nhà hoạch định chiến lược  kinh tế. Thế đấy làm nông dân thì dễ nhưng để thành công trên con đường nông nghiệp thì chẳng dễ tí nào.

Bản thân tôi là người “bàn tay trắng đi vào đời” đến nay tuy còn nhiều vất vả, nhưng đã không còn nặng lo cơm áo gạo tiền. Có được thành quả này tôi ơn Trời, ơn người nhiều lắm. Rất mong qua những tâm tình, chia sẻ trên đây sẽ giúp bà con phát triển kinh tế ổn định, vững chắc, thì lòng tôi hạnh phúc nào hơn.

Đỗ Trường Sơn, Bù Đăng, Bình Phước

(Giatieu.com)

66 phản hồi cho bài "Chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh hồ tiêu"

Cường

Nhìn tấm hình có cả tiêu, điều, cà phê, chuối… thì mô hình anh Đỗ Trường Sơn tạo dựng gọi là hỗn canh chứ không còn xen canh nữa !

Theo tôi, 50% tiêu, 50% cà phê là đa canh chứ không phải là xen canh.

Tóm lại, có vẻ như chưa xác định được đa canh là như thế nào !

Nhật Tân

@ Cường.
Hỗn canh và đa canh khác nhau ở chỗ nào bạn Cường. Trong từ điển mình chỉ thấy Hỗn Canh Hỗn Cư.

Phan Văn Minh

Xin chào cộng đồng
Theo tôi, nếu gọi là trồng xen tiêu vô vườn cà phê thì cà phê phải có từ 800 đến 1000 gốc và xen thêm độ 200 – 300 trụ tiêu. Theo bài viết thì đó có lẽ không phải là trồng xen mà là trồng đa canh như bạn Cường nói. Ở chỗ tôi (Chư Sê) có nhiều nhà trồng 1.100 cây cà phê và mỗi ngã tư họ đào trồng 01 trụ tiêu nhưng cả 02 cây đều đẹp.
Trân trọng

Bùi Thân Tùy

Trân trọng kính chào giatieu.com! Tôi là người mới trồng tiêu được một năm. Lần đầu tiên tôi lên diễn đàn. Tôi xin trân trọng cảm ơn diễn đàn đã đem tới cho bà con những hiểu biết cơ bản về cách trồng và chăm sóc hồ tiêu. Xin gửi lời cảm ơn tới các anh: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Minh Vịnh, Phan Viết Phát, Tieu phong… đã có những bài viết rất hay. Nhân đây tôi mong rằng diễn đàn có những bài viết chuyên sâu về cách bón phân và nhận biết sâu bệnh hại cây tiêu. Xin chân thành cảm ơn !

Ngọ Ea Ka

Anh Đỗ Trường Sơn, bài viết rất có ích. Xin anh chia sẻ thêm những căn cứ mà anh cho là trồng cây chuối còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt?
Cám ơn anh. Chúc anh dồi dào sức khỏe !

Nguyễn Trung Trực

Ý tưởng trồng chuối và tiêu của a Sơn quá tuyệt vời. Em thì nghĩ có chuối hậu bị và chuối con thì năm 02 thu nhập từ chuối gấp 03 lần so với số tiền thu chuối lần 01 (thu chuối cách nhau 4 tháng). Ai có chuối con sẵn rồi thì quá tuyệt, còn không có thì mua chuối cấy mô (trên mạng họ rao giá 5.000/cây, 1000 cây có 5tr) trồng 12 tháng có trái.
Trồng lạt dại cho đỡ tốn công làm cõ lại tốt đất, trồng sạch 1 ha luôn, không có lạc dại thì mua đại 4 hay 5tr trồng phủ 01 lần cho nhanh. Khi lạc dại đã phủ kín (khoảng 3 tháng) mua thêm 10 con dê cái con nuôi gây đàn, cắt lạt dại cho dê ăn, hàm lượng dinh dưỡng lạc dại cũng tương đương cây keo dậu.
Nếu có điều kiện thì trồng tiêu lươn trong vườn ươm cho leo lên lưới như bầu bí thì sang năm có tiêu để đôn luôn. Không biết 1800 bầu tiêu (mỗi bầu 3 đến 5 hom) ươm trong vườn chi phí khoảng bao nhiêu cho nọc đôi khoảng cách 3,3m x 3,3m
Vậy vốn đầu tư cho 1 ha ban đầu:
– Chuối và keo như a Sơn nói: 20tr
– Lạc dại: 5tr
– Dê giống: 20tr
Riêng em thì đang phân vân, 3 năm nữa không biết nên lên Bình Phước làm 02 ha tiêu theo cách đó và 1 ha bưởi da xanh cũng trồng xen chuối. Nuôi gà thả vườn mỗi tháng xuát 500 con để kiếm tiền dầu hôi, nước mắm.
Nuôi trùn quế làm thức ăn bổ sung cho gà, lấy phân trùn bón tiêu và bưởi, lấy con trùn ủ phân như ủ phân cá…

Nông Văn Dân

Chào bà con
Đọc bài ” Chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh hồ tiêu “. Văn Dân thấy việc trồng xen canh cà phê với tiêu như bạn Đỗ Trường Sơn, chỉ có mục đích giảm sâu bệnh trên cây tiêu, chứ ngoài ra không có lợi gì thêm :
vì 1ha cũng chỉ trồng được 500 cây cà phê và 500 cây tiêu thôi, nếu thêm thì tăng thêm “vất vả “, hai loại cây này giống nhau là cùng cây công nghiệp, nhưng quy trình chăm sóc thì hoàn toàn khác nhau, chưa nói là bạn trồng cà phê và tiêu với mật độ quá thưa, theo câu ca dao cha ông nói ” trồng thưa thì thừa đất ” vì đối với cà phê trồng 3mx3m là hợp lý nhất từ thời Pháp đến nay 1 ha trồng từ 1100 cây trở lên, đối với cây tiêu nếu trồng trụ sống chúng ta cũng trồng 3m x 3m là hợp lý còn trồng trụ chết hoặc bê tông chỉ 2m x 2m thôi.
Bạn trồng chuối xen tiêu, không biết ở Bình Phước chuối giống nhiều cở nào chứ ở chỗ Văn Dân để có 1100 cây giống phải gom cả huyện chưa chắc đã đủ cho 1ha, đó là chưa nói bạn trồng xen tiêu vào trong vườn chuối, thì Văn Dân tui thấy càng không hợp lý tý nào, vì cây tiêu ưa ánh nắng tán xạ, mà một cây chuối có ít nhất mỗi cây có 5 lá, một lá chuối có diện tích 0,5 X 2m = 1m2, thế thì không có cây tiêu nào lên nổi trong vườn chuối của bạn. Vài ý kiến cùng bà con.

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn Ngọ!
Cây chuối rễ nhiều và mọc rất dài, có tác dụng làm xốp đất, các bộ phận của cây chuối khi phân hủy sẽ cung cấp cho đất nhiều chất mùn, vì thế gốc chuối là nơi lí tưởng cho giun đất sinh sôi phát triển. Sau khi phá chuối đi thì mảnh đất đó trở nên màu mỡ, tơi xốp hơn. Thân.

Nguyễn Thanh Nhân

Bài viết rất hữu ích. Nhưng tôi còn thấy một số vấn đề sau: năm đầu tiên trồng chuối thì sang hết một năm sang năm mới cho thu hoạch vậy nếu kinh tế nghèo thì lây cái gì mà sống.

Đỗ Trường Sơn

Chào Nhân!
Chuối mau ăn lắm, bạn trồng tháng 5 đến tháng 10 là có thu lai rai rồi. Tùy theo vùng chứ như BP quê tôi họ thường dùng lưới che 2 năm nên khi trồng xen chuối không sợ bị che bóng . Thân.

nguyenkhanhtoan

Cho hỏi bạn Nguyễn Trung Trực lạc dại mà dê cũng an được àh? Bạn có cho ăn bao giờ chưa vậy?

Nguyễn Trung Trực

Mình chưa nuôi dê, cũng chưa cho gia súc ăn. Nhưng có tìm hiểu về lạc dại. Thông tin cho dê, gia súc nói chung ăn lạc dại, bạn tham khảo trên Google (rất nhiều). Mình trích 1 đoạn.

“Lạc dại là cây đa tác dụng: có thể trồng thuần dạng đồng cỏ hoặc xen với các loại cỏ khác để vừa nhằm bảo vệ, cải tạo đất trống đồi núi trọc rất tốt (có khả năng cố định đạm từ 200-300kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh có thể cung cấp cho đất mỗi năm 595kg N/ha, 140kg P2O5/ha và 200kg K2O/ha), vừa cắt chất xanh làm phân xanh hay làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, cá… với khối lượng bình quân 150 tấn chất xanh/ha/năm (vì trong thân, lá có hàm lượng đạm rất cao, từ 2,5-3%N)”

Một hecta đất cho năng suất 150 tấn, trồng xem canh trong vườn tiêu thì cho thu được 50 tấn chất xanh. Một con dê bách thảo trưởng thành nuội nhốt mỗi ngày tiêu thụ 7 kg thức ăn xanh (đó là dê trưởng thành, còn nuôi từ lúc đẻ thì lượng thức ăn ít hơn) => 1 năm tiêu thụ 2,5 tấn => 1 ha nuôi được 25 con dư sức => đó là chỉ tính lượng chất xanh của lạc dại, còn chất xanh cây keo thì chưa tính đế.

Tất nhiên đấy chỉ là lý thuyết nhưng biết được cũng tốt mà.

Lê Thanh Bình

Anh Trường Sơn thân!
Tôi đã trồng thử chuối trong một góc vườn nhưng sao những cây tiêu trồng cạnh đó nó xấu ơi là xấu, lên không nổi. Có lẽ anh phải thường xuyên tỉa tán nhỉ?
Trước đây khi cà phê xuống giá bà con ở vùng tôi cũng hoảng hốt trồng chuối xen vào để tăng thêm thu nhập nhưng được một năm thì lo chặt chặt, đào đào… bởi không hiệu quả (Chuối thì quá rẻ mà tiêu và cà phê thì hư hết)
Đọc bài viết của anh đã thấy anh là một doanh nhân có tầm nhìn vĩ mô rồi, tính toán và thực hiện được như anh thì thành công trên con đường nông nghiệp là quá đơn giản.
Chúc anh luôn tìm được những ý tưởng hay để giúp bà con vượt khó.
Xin chào!

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn Lê Thanh Bình !
Mời bạn xem bài “Quy Trình Trồng, Chăm Sóc Và Bảo Vệ Cây Hồ Tiêu” mà giatieu.com đã đăng ngày 12/02/2012 có nói đến lấy chuối trồng trong vườn tiêu.
Chuối lùn hiện chúng ta mua ăn khoảng 20.000 đ nhánh “nải” giá đại lý mua là 4 000đ/kg tại Bảo Lộc và Đồng Nai. Tôi trồng ở những gốc cà phê chết để nhân giống, thấy không ảnh hưởng gì nhiều đến những cây chung quanh. Tuy lá to và nhiều nhưng chúng mọc đứng chứ đâu có xòe đều như mái tôn đâu mà lo, và mỗi gốc chỉ để 1 cây lớn thôi.
Nếu vợ chồng bạn đang có đồng lương ổn định, rồi bỏ vài tỷ ra làm nông nghiệp thì không cần lo nhiều, với người thuần nông như tôi và nhiều bà con khác thì làm gì cũng lo, tính trước, tính sau, lỡ trắng tay thì con cái lấy gì ăn, học. Tính làm sao để mở rộng diệt tích tăng thu nhập cho gia đình với đồng vốn hạn hẹp.
Nhân đây tôi cũng xin cám ơn một số anh em nông dân ở Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai đã gọi ĐT cám ơn, chia sẻ, chúng mừng, bài viết đã nói lên tâm trạng và hoàn cảnh của họ, vì họ chỉ biết đọc chứ không biết phản hồi.

Đỗ Trường Sơn

Là một chủ vườn thì cũng phải tính toán như một doanh nghiệp, phải tính thi trường cho nông sản đầu ra, vật tư đầu vào, nhân công … Làm sao để ổn định kinh tế, tăng doanh thu, mở rộng quy mô sản suất…
Vài hàng gởi bạn chúc bạn nhiều hạnh phúc. Thân.

lê thanh tâm

Chào các bác! Các bác cho em hỏi giống tiêu ghép với cây lốt mua ở Đồng Nai đem về vùng đất Chư Sê GL trồng có hiệu quả không? Có bác nào trồng giống đó chưa? Em mới mua 500 bầu để trồng không biết thế nào. các bác tư vấn thêm cho em với. Cảm ơn.

Lê Đức Thịnh

Cảm ơn bài viết của anh Đỗ Trường Sơn! Trồng tiêu xen canh là rất phù hợp với người nông dân mới phát triển cây hồ tiêu, không cần nhiều vốn, cần cù, chịu khó sẽ thu được kết quả cao.

le thanh

Xin chào bà con và các bạn! Mấy bữa nay mải trồng tiêu nay mới vừa xong. Lên mạng đọc bài viết của anh Sơn, tôi thấy rất hay và bổ ích đối với các hộ nông dân kinh té đang còn khó khăn. Hơn nữa trong thời kinh tế thị trường chẳng biết cây nào hơn cây nào đâu!
Chúng ta nên hiểu đây là 1 trong những mô hình làm kinh tế, nếu ai tháy mình thích hợp phần nào thì áp dụng phần đó. Dạng mô hình này tôi đã làm cách đây 10 năm rồi, tính ra tổng thu nhập cao gấp đôi trên cùng diện tích đó. Nhưng mô hình này không nên làm quảng canh.

linhbinhphuoc

Chào anh Trường Sơn. &giatieu.com.
cám ơn những chia sẻ rất thực tế cuả anh với bà con nông dân. Mô hình này rất hợp với những ai không có điều kiện như em, muốn làm tiêu mà không biết bắt đầu từ đâu, cắt điều đi thì không còn nguồn thu mà sau này không biết tiêu có tiêu không, thôi thì vẫn biết là liều ăn nhiều nhưng em nhát lắm chậm mà chắc vậy trong tầm kiểm soát cuả mình vẫn hơn.
Em xin mạo muội có ý kiến thế này mình thay chuối bằng gừng và rau ngót có được không? thân!

Nguyễn Trung Trực

Chuối sẽ giúp bạn có thu hoạch đến khi tiêu thu bói, trong quá trình thu chuối thì cây chuối đã thu hoạch là một nguồn hữu cơ vô cùng lớn. Bạn mua 1 cái máy khoan lỗ giá 4 hay 5tr. Sau khi thu hoạch chuối xong thì lấy máy khoan, khoan tại chỗ, chăt chuối thành từng khúc 0,5m rồi tưới Trico lên, nó mau phân hủy cây chuối lại cung cấp lượng hữu cơ cải tạo đất làm vậy đến khi thu bói tiêu chắc cái vườn của bạn đi tới đâu lún đất tới đó quá

Nguyễn Minh Vịnh

Bạn có thể tham khảo thêm phần này.
http://www.giatieu.com/trong-gung-sao-cho-nang-suat-cao/3361/
Xen canh thì bạn có thể xen bất cứ cây gì. Nhưng phải biết được đặc tính của nó. Nếu nó trùng bệnh lây lan nhau khi trồng cần ngừa bệnh cả 2. Tốt nhất thì nên xen loại cây hỗ trợ cây chính của mình. Nhà tôi thì khoái cây họ đậu.

Đỗ Trường Sơn

Chào bà con, chào các bạn!
Trên đây là mô hình chung tôi đưa lên để bà con cùng tham khảo, và linh đông thay đổi khoảng cách, cây trồng, mật độ và chiêù cao sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện của mình, chứ không nhất thiết phải rập khuôn. Thân mến.

hiên chau

Thị trường, giá cả, quyết định sản xuất hàng hoá. Doanh nhân thường thăm dò thị trường trước khi sản xuất, nhưng ở xứ mình có mấy người làm nông nghiệp đủ khả năng! Dao động giá cả trong cơ chế thị trường hiện nay lại quá lớn, nhất là sản phẩm nông nghiêp (lại có tính dặc thù riêng: mậu dịch nông sản khác với mậu dịch hàng công nghiệp) nên người nông dân: lời lỗ, được thua mang tính rủi may như cờ bạc. Dẫn chứng cụ thể là nhiều người nuôi cá tra ở các tỉnh Miền Tây nam bộ, các chiến lược của nông lâm trường quốc doanh thua lỗ… quay về đa canh để tạm thời ổn định thu nhập cho hộ nông nghiệp cá thể, nhưng lại quá nhiều khuyết điểm,… ví dụ hàng hóa nhỏ lẻ, thao tác lao động lại quá đa dạng, nên cải tiến công cụ lao động hết sức khó khăn, dẫn đến năng suất lao động thấp nên ngày càng nghèo, chiến lược nông nghiệp cũng nhiều vấn đề gai góc… Kinh tế nhà mình như bị chi phối bỡi cơ số nhị phân… như hai mặt cuộc đời…

Nguyễn Minh Vịnh

Tôi đợi câu nói này của bác khá lâu rồi đấy. Kiến thức về kinh tế của bác thật rộng. Tầm nhìn vĩ mô. Với mô hình trên chỉ có thể áp dụng cho mô hình kinh tế nhỏ lẻ. Tôi thì thích như thế này: http://www.youtube.com/watch?v=0KyjC4XkvM8

Hoàng đức

Trời.. nhìn vuờn tiêu cả chục ha và năng suất 15tấn/ha như video nói ai mà ko thích cho được…à mà em nghe nói năm vưà rồi vườn tiêu của ông Quéo chết nhiều lắm phải ko các bác…?

trongquyetle

Tiêu chết là có thật, nhưng tiền cũng thừa rồi. Làm lặt vặt cả đời nhìn lại thấy cũng cứ khổ. Tôi mười năm lập nghiệp lấy ngắn nuôi dài mà chẳng dài, thấy cứ ngày một ngắn. Mười năm trước nhờ bước một bước thật dài, rồi đêm nằm lo nợ vậy mà may mắn thoát được cảnh những ngày cuối năm…

Hải Anh

Có ai gần nhà ông Quéo, xem có đúng là ông ko sử dụng 1 hạt phân hóa học nào ko? và vườn tiêu đó hiện tại của ông vẫn năng suất ổn định chứ?

Nguyễn Năng Hải

Kính gửi A Minh Vịnh và cộng đồng giá tiêu!
Thưa a MV em là người mới trồng cây hồ tiêu sau nhiều lần em vào diễn đàn tìm hiểu, tham khảo em thấy cộng đồng đồng giá tiêu là địa chỉ đáng tin cậy, có nhiều chia sẻ đáng quý. Đặc biệt là những đóng góp của anh với cộng đồng, được biết gia đình anh đã trồng tiêu trên 20 năm (hiện nay đang sở hữu vườn tiêu trên 23 năm nhưng vẫn xanh tốt, vẫn năng suất, đề kháng bệnh tốt…). Những chia sẻ của anh với cộng đồng làm cho em nghĩ anh là một trong những người trồng tiêu giỏi mà còn có một nguồn kiến thức rất đáng trân trọng. Vậy xin hỏi vườn tiêu của trong năm anh bón những loại phân gì (hữu cơ; vô cơ) phòng ngừa các loại bệnh trên cây tiêu bằng thuốc gì ? vào thời điểm nào? Mong anh cho cộng đồng một lịch biểu về phương pháp bón phân, ngừa bệnh của vườn tiêu của anh giúp những người trồng tiêu được tham khảo, em vẫn biết trồng tiêu còn thuộc vào thổ nhưỡng đất, khí hậu… Sự chia sẻ của anh là nguồn tham khảo bổ ích cho cộng đồng! cảm ơn, chúc anh sức khỏe và ngày càng có thêm nhiều đóng góp cho cộng đồng giá tiêu!
Kính thư.
Nguyễn Năng Hải

Nguyễn Minh Vịnh

Chào Nguyễn Năng Hải!
Tôi cũng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và áp dụng vô thực tế thôi.
Trong năm tôi thường bón hữu cơ. Chỉ áp dụng thêm vô cơ vào thời điểm làm bông. Loại NPK 16 16 8 + một ít ure cho chuỗi dài. Dùng thêm Kali Bo vào thời điểm nuôi chuỗi chống rụng chuỗi. Hoặc vôi lân khoáng để hạ phèn cho đất… Ngoài phân hữu cơ thêm Kali vào thời điểm to hạt chắc trái. Còn nếu ở giai đoạn này dùng phân hữu cơ hàm lượng Kali cao chút thì không cần thiết phải dùng thêm Kali cho tiêu nặng hạt tăng mùi thơm. Mọi thứ đều là các nguyên tố hóa học. Dùng sao cho thân thiện với môi trường là được. Ngay cả hữu cơ hay vi sinh cũng làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước đấy.
Những loại thuốc tôi sử dụng cũng thông dụng thôi. Thuốc nào bà con xài nhiều hiệu quả là tôi sử dụng. Quan trọng là cách dùng của mình. Loại dùng chỉ cần ưu tiên sinh học hoặc hữu cơ thì tốt. Còn không có thì phải dùng loại ít độc với con người và môi trường.
Còn phương pháp bón phân của tôi chỉ là chia ra vào từng thời kỳ phát triển của hồ tiêu mà bón. Như kích thích ra rễ, làm bông, chống rụng bông, tượng hạt, to hạt, chắc trái, vào sọ, chống suy cây… Tôi đã chia sẻ nhiều lần. Dùng ít nhưng chia nhiều đợt bón sẽ rất hiệu quả. Lịch trình bón chẳng qua chỉ mang tính chất tham khảo. Không có giá trị gì với thổ nhưỡng từng vùng. Không cần phải là một nhà nông học. Nhưng ít nhất phải biết điều cơ bản. Những gì tôi chia sẻ chỉ là điều cơ bản.
Thân!

hiên chau

Mình thì giữ trộm cắp đã điên cái đầu, nào trộm chó, trộm mèo, trộm gà, trộm vịt, trộm cà phê, cà phê phải hái non, trộm sầu riêng, sầu riêng phải hái trước khi chín, nhúng thuốc mà bán, trộm gừng, gừng phải đào non… Xen canh, đa canh thì cứ giữ trộm quanh năm, cả ngày lẫn đêm!… Chuyện trộm cắp tưởng nhỏ nhưng thực tình không nhỏ, nó làm nghi ngờ đầu tư, tăng giá thành sản phẩm … giảm chất lượng hàng hóa, giảm năng suất lao động, (giảm thu tăng chi) với mình làm không khó mà khổ và giảm thọ là giữ trộm. Nạn trộm cắp là một trong những nguyên nhân trực tiếp của đói nghèo trước mắt…

Thịnh

Bác nói chính xác, chỗ tôi trộm cắp nhiều lắm, trồng gì làm gì cũng lo, nản đến nỗi cafe toàn hái lúc nó mới chín 30% còn lại là xanh hết, nếu không hái như vậy nó vào cắt cả cành tuốt cả cây, trồng cacao thì nó vào phá tan hoang ra, trồng chuối thì nó chặt lấy chặt để, xanh thì nó chặt phá chơi, tiêu thì nó toàn cắt dây đôn để lấy giống, nhà thì chỉ có một ít đất, trồng gì cũng lo…

tien duong@chu se 26t

Cảm ơn anh Sơn rất nhiều . Mong anh sẽ có thêm những bài viết bổ ích cho mọi người tham khảo học hỏi.
Chúc anh và gia đình mạnh khẻo và gặp nhiều may mắn .

hiên chau

xen canh, đa canh, là việc cần thiết để có sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ sinh hoạt gia đình, bảo đảm được sức khỏe,… Nhưng đây là dạng kinh tế tự cung tự cấp, có tính đặt thù riêng của nó. Muốn sản xuất nông nghiệp hàng hóa thì cần phải chuyên canh để có điều kiện:
1/ vận dụng được ưu thế tự nhiên
2/ ứng dụng được khoa học, kỹ thuật
3/ dễ cơ giới hóa đến tự động hóa (gia đình 4 lao động canh tác 3000 ha bắp)
4/ đầu tư sáng tạo trí tuệ và tích lũy kiến thức
4 yếu tố trên đây có sức mạnh đáng kể làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, là con đường duy nhất đưa nông dân thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Nên học hỏi nông nghiệp nước Mỹ mà “cải tiến” nông nghiệp xứ mình… Chúc bà con nông dân thắng lợi.

Cường

Chào anh @hien chau.
Tôi thấy anh muốn “cải tiến” như nông nghiệp Mỹ cũng không khó. Anh thử cho tôi một “điểm tựa” đi, tôi sẽ làm cho anh coi.
Có bột mới gột nên hồ anh ạ !

hiên chau

Bạn muốn biết, cứ hỏi lại những người gọi là Bắc 54, bột ở đâu mà có hồ, và còn có đủ thứ, về Kim Châu Phát Đaklak mà hỏi, còn nữa: kế hoạch dinh điền (dường như tác giả là Tôn Thất Trình) là dấu son, là khởi điểm cho nền kinh tế nông nghiệp tương tự … (đến đây mình không dám viết nhiều) mong bạn hiểu cho…

Thẩm Phong

Chuối cho đất màu mỡ và tơi xốp???
Nhà mình trồng chuối gần 10 năm rồi. Đúng là thân chuối khi thối rửa thì đất tơi xốp (giun đất sống) nhưng gốc chuối là thảm họa, chỉ có đào rồi ủ để lấy phân thôi. Thực sự chuối làm hỏng đất.

Đỗ Trường Sơn

Cách đây 12 năm tôi đã trồng chuối xen trong vườn cà phê, (vì cà phê thời điểm đó quá rẻ) sau 3-4 năm phá chuối đi thì vườn cà phê phục hồi trong khu vực đó tốt hơn những chỗ khác nhiều. Gốc chuối có là thảm họa hay không còn tùy thuộc vào tay mỗi người.
Ông bà ta có câu “liệu cơm gắp mắm” bài viết này tôi chỉ gởi đến bà con nghèo đang vượt khó. Hoa lợi nương đồng là nồi cơm, bút vở, cặp sách… Không thể gián đoạn được. Với những người khá giả thì làm bài bản đẹp mắt, đâu cần lấy ngắn nuôi dài trồng xen làm gì.

Thẩm Phong

Cảm ơn anh vì anh đã chia sẻ kinh nghiệm. Chắc có thể miền Trung của em đất sét nhiều và mưa liên tục nên trồng chuối không được thuận lợi lắm.

hiên chau

Bạn rất đúng trong hoàn cảnh ấy, nhưng khi có điếu kiện tốt hơn thì không nên kéo dài, mà nên mở rộng :
1/Đa canh (trồng nhiều loại cây nhưng trên từng vùng dất khác nhau) để ổn dịnh thu nhập gia đình, tránh rủi may của thị trường, giá cả.
2/Chuyên canh để đạt mục đích như mình đã nêu, chấm dứt xen canh, mới mong nhẹ việc.
Vài lời chân tình. Thân chào bạn.

Phan Phát

Lý thuyết thì cả môt kho tàng. Áp dung thưc tế, chia sẻ với bà con được mấy người. Quan trọng “người thật, viêc thât”. Cố lên Sơn ơi. Phía sau còn có bà con, cộng đồng những người trồng tiêu.

hiên chau

lý thuyết của nước Mỹ: ứng dụng tạo ra thực tế của nước Mỹ hiện nay, lý thuyết của Bắc Hàn: ứng dụng, tạo ra thực tế của Bắc Hàn bây giờ, vậy lý thuyết và thưc tế chắc chắn có liên quan, có lẽ lý thuyết tạo ra thực tế và ngược lại

hiên chau

Học là lý thuyết và sáng tạo ra lý thuyết mới, hành phát sinh ra thực tế, học hành đến với con người như cơm bữa, nếu không học biết đâu hành!?

Ngọc Tuấn CưKuin

Chào tất cả mọi người trong diễn đàn giatiêu.com .
Cháu hiện tại đang trồng ít tiêu, đang cần mua khoảng 500 mồi tiêu ác. Tiêu mới phủ phụ hoặc phủ nửa trụ, với gía khoảng 10.000 ngàn đồng 1 mồi. Cháu đang cần trong tháng 8 nay thôi ạ, và chỉ mua ở trong huyện Cư Kuin này thôi. Có ai bán hoặc biết xin chỉ dùm cho cháu qua số điện thoại : 09786 777 85. Cháu xin cảm ơn và chúc tất cả mọi người trong diễn dàn có sức khỏe thật là dồi dào và có nhiều kinh nghiệm về tiêu…!

Hoàng đức

Tiêu ác mà với giá 10.000đ 1 dây thì quá rẻ nhỉ. Ở chổ mình giá 1 dây ác từ 25-30ngàn. 10ngàn chỉ mua được dây non, dây thải người ta bán hoặc 1 bịch tiêu lươn thôi.

hiên chau

Mình trồng tiêu từ ngày 5/5 2013 al, chi tổng cộng 92 triệu/1ha. Trụ sống là keo đậu cao 1,2m trồng 2 tháng trước đấy, tiêu con đã sống đầy đủ, có dây muốn leo. Xin các bạn đánh giá giúp mình về hiệu quả đầu tư, để có cách khắc phục lãng phí … Bước tiếp theo dự tính chiết ngọn để lấy giống (theo cách nhân giống nhanh), và bón phân cút tươi + trichoderma + pseudomonas lần 2 rất mong ý kiến các bạn …

nguyen tài Đức

Hiện tại mình trông tiêu vào cây dó bầu rất phát triển, cả 2 cây đều tươi tốt và đang có giá nên mình trúng cả 2 nhưng chi phí chi 1 mà thôi

Dân Việt.

Bài viết rất bổ ích.
Ở góc nhìn phát triển bền vững, tôi thấy đa dạng cây trồng không những tốt về chia nhỏ rủi ro về kinh tế mà còn giúp đa dạng sinh học, giúp vườn trồng lôi cuốn các loài thiên địch của các loài gây hại cho cây trồng.
Về khía cạnh kinh tế, tôi thấy bà con mình còn thiếu nhiều thông tin nên không có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư dẫn đến hát hoài điệp khúc: chặt, trồng, trồng chặt thật đau xót.
Là một người Việt đang làm cho một tổ chức lớn của nước ngoài, tôi có vài chia sẽ như sau:

Do đặc điểm tự nhiên, cây tiêu trồng ở VN có năng suất cao nhất trong các vùng nguyên liệu:

Khu vực Gia Lai, Dak Lak: bình quân 6,5-8 Tấn/Ha.
Khu vực Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương: 5-7 tấn/Ha.
Bình Thuận, BRVT: 3,5-5 tấn/Ha.
Quãng Trị: 2,5-3,5 Tấn/Ha
Phú Quốc: 2-3 Tấn/Ha.

Trong khi đó thì:

Indonesia: 2,4 Tấn/Ha.
Brazil: 2,5 Tấn/Ha.
Ấn Độ: 1,8 T/Ha
Malaysia: 2,5 T/Ha
Khi giá tiêu cao như hiện nay, một điều chắc chắn là nhiều người tại những vùng đất phù hợp với cây tiêu sẽ đổ đi trồng tiêu.
Chính động thái này sẽ dẫn đến cung vượt cầu và thị trường sẽ điều tiết giá ( có thể xãy ra vào 2016).
Lúc này thì người nông dân cần thông tin của nhà nước hơn lúc nào hết vì họ phải trả lời câu hỏi:
” Nên chặt tiêu hay tiếp tục giữ để chờ giá ?”
Theo tôi thì những nông dân, vùng đất nào có năng suất cao, chi phí sản xuất thấp thì nên giữ cây tiêu vì:

Nông dân các nước khác có chi phí sản xuất cao hơn ta (GDP đầu người của họ cao hơn) nhưng năng suất thấp hơn như kể trên.
Do đó, nếu giá tiêu xuống thấp thì họ sẽ lỗ nặng, trong khi nếu duy trì tốt thì ta vẫn có lời, hoặc đủ trang trải chi phí SX và đòi sống. Do đó, bà con nên kiên trì bám trụ.

Minh Trung

Xin kính chào diễn đàn, tôi định trồng vài sào tiêu và cà phê xen nhau nhưng không biết xen kiểu nào cho hợp lý vì đất chỉ có ít sào. Đất hiện tại cà phê đã già (khoảng 30 tuổi) nhưng thấy vẫn còn tốt, đất đỏ sỏi cơm ở Cưkuin, Đăk Lăk. Tôi định thu hoạch xong cà thì nhổ luôn, đến khoảng tháng 4 tây thì trồng lại cà và cây trụ sống 1 lần theo hình thức xen cây, trồng cà khoảng cách 3×3.5 rồi xen cây trụ sống (cây lúc lắc rừng) giữa các ngả tư, xung quanh trồng muồng chắn gió tận dụng làm trụ tiêu luôn không biết có ổn không các bạn. Có người họ khuyên nên xen lô để dễ chăm và thu hoạch nhưng tôi thấy như vậy không tận dụng được không gian tốt như xen cây. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã đọc đến đây và xin các bạn cho ý kiến đóng góp. Một lần nữa xin cám ơn.

Công Phương

Chào bạn Minh Trung. Mình ở Buôn Trấp – Krong Ana
Mình cũng định trồng như bạn, hiện tại mình đã nhổ cafe, và cày + rắc vôi, chỉ chờ trời mưa xuống là sẽ trồng trụ sống. Nhưng năm đầu tiên mình chưa trồng tiêu, mình chỉ trồng bắp (cây ngắn ngày) và trụ sống (muồng đen). Theo mình nghĩ nên cách 2 hàng cafe trồng 1 hàng tiêu thôi bạn, ngã tư nào cũng trồng thì hơi dày. Khi nhổ cafe, lấy thân cây để làm trụ tạm, đào hố chôn và trồng tiêu luôn, cho tiêu bám vào cây cafe. Khi nào trụ sống lớn thì kéo tiêu qua, đỡ phải chờ 1 năm mới trồng được tiêu…

Nguyễn Công Phương

Ngày 11 tháng 04 năm 2015.
Chào các anh, các bác….
Mình đọc bài của tác giả và thấy rất phấn khởi. Và mình muốn hỏi các bạn 1 chút về kinh nghiệm trồng tiêu xen cafe. Lời lẽ có gì không đúng xin các anh bỏ qua và tận tình giúp em với nhé.
Mình ở Buôn trấp – Krong Ana – Daklak. Hiện tại mình có 2 sào cafe do Bố Mẹ cho làm của hồi môn sau khi cưới vợ. Mình đã tìm hiểu khá nhiều và mình đã chặt bỏ cafe cũ, rồi cày + rắc 10 bao vôi. Giờ đang mùa khô sắp tới khi đến mùa mưa mình sẽ trồng bắp (ngô) và trồng xen cây muồng đen 3m x 3m đến sang năm mình sẽ đào hố và trồng cafe cùng với tiêu cùng 1 lúc luôn.
Không biết như mình dự định làm như vậy có được không? Nếu anh, chị, bác nào biết và có kinh nghiệm chỉ giúp cho mình với. Công việc chính của mình là CNVC nhưng lương thì thấp nên mình muốn có thêm thu nhập. Cảm ơn ạ. email của mình : phuongnc.info@gmail.com

Đinh hiền

Em ở Krông Pak, hiện tại vợ chồng em đang bắt đầu trồng tiêu nhưng do điều kiện không cho phép nên mỗi năm em chỉ xuống được vài trăm trụ thôi, mùa nắng vừa rồi tiêu của em cứ bị đen đốt rồi chêt. Ai có kinh nghiệm về vụ này thi chia sẻ cho em với. Vì tiêu non nên chưa có gì thu nên em đang tính trồng xen gừng ko biết có được ko nữa, em nghe nói gừng ăn xác đất lắm. Có ai trông xen như vậy chưa a? Cho em ý kiến với. Cảm ơn cả nhà. Thân

Thắng Lợi

Trồng gừng xen cũng được. Nhưng cần bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai và sử dụng nấm trichoderma để phòng các bệnh hệ rễ nhiều hơn vì gừng hay bị bệnh nấm thối nhũn củ.

nguyễn thế hùng

Xin chào các bác! Tôi ở Lộc Ninh – Bình Phước, hiện tôi đang có khoảng gần 2 ha cao su đang cho thu hoạch, nhưng tôi đã phá bỏ 1 ít để trồng tiêu. Tới đây tôi tình phá thêm để trồng bưởi da xanh hoặc sầu riêng xen lẫn chuối. Xin hỏi các bác mô hình này có khả thi ko? và hình như ở Bình Phước có giống chuối sứ lùn Đài Loan? Vậy nó nằm ở địa chỉ nào? Bác nào biết chỉ giùm. Cảm ơn trước!

Việt Trung

Chào bạn.
Thứ nhất nếu trồng tiêu trên cây cao su thì bạn phải cẩn thận phòng ngừa nấm định kì và đầy đủ thì mới được. Bạn nên tham khảo thêm trên diễn đàn nhé.
2. Tôi xin góp ý, nếu bạn có ý định trồng sầu riêng xen canh với tiêu thì không nên. Vì loài cây này rất nhiều nấm, và rầy trắng rất ưa thích trú ẩn.
Còn mua giống chuối ở đâu thì tôi không biết.
Chào bạn. Thân.

Lương Thị Trang

Xin chào các bác, nhà cháu ở Krong Pắc, Đắc Lăk, nhà cháu chuẩn bị trồng tiêu nhung chưa có kinh nghiệm, vì trước giờ nhà cháu chỉ trồng rau. Cháu xin hỏi đất trồng tiêu cháu có thể trồng xen canh cây ớt được ko ạ. Cháu có nghe 1 số người nói 2 loại cây này kị nhau nếu trồng trên cùng 1 mảnh đất thì tiêu sẽ hỏng hết, hoặc như chỉ cần nhà hàng xóm trồng ớt mà nhà cháu trồng tiêu thì cũng bị ảnh hưởng tiêu cũng bị hỏng hết, như vậy có đúng ko ạ ? và nếu nhà cháu có thể trồng xen canh các loại rau bình thường thì có được ko ạ ? Mong được sự hướng dẫn của các cô bác để nhà cháu có thể trồng được tiêu tốt nhất có thể, cháu xin cảm ơn nhiều.
Kính chào

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @Lương Thị Trang
Chẳng có cây nào “kị” nhau cả, chỉ là nhận định cảm tính khi con người chưa hiểu nó thôi.
Không nên trồng ớt xen tiêu, cũng như không dùng cây cao su làm trụ tiêu… đơn giản là những cây này có chung loài nấm dịch hại Phytophthora sp và nấm Fusarium, Rhizoctonia,… gây xì mủ, héo chết nhanh, thối rễ tơ, khô cành, thối quả,… làm cho mật độ dịch hại tăng lên gấp bội, nên khuyến cáo không trồng chung. Trong thực tế, vẫn có nhiều nhà thành công là nhờ môi trường còn tốt và các biện pháp phòng trừ tích cực, hiệu quả.
Nhưng không có gì là không thể, nắm được bản chất vấn đề sẽ có cách xử lý hiệu quả, mà không gì bằng nấm đối kháng trichoderma. Tiếc là chú nói nhiều bà con không chịu nghe vì họ “không thấy cái con Phytop đầu cua tai nheo như thế nào” cả !
Thân

Hoàng Nam

Bác nói chính xác ! Bác hàng xóm cháu chỉ chăm theo kinh nghiệm cổ truyền từ thời hợp tác xã ở ngoài quê, không quan tâm gì đến KHKT, nhất là về các vi sinh vật.
Bác còn hay la cháu: tao ở bên cạnh nói mà mày không nghe, lại đi nghe mấy ổng tận đẩu tận đâu trên mạng, cả đời chưa thấy mặt bao giờ mà cũng nghe…
Vậy đó bác ạ !

Thu Hien

Em đọc bài viết thấy rất hay nhưng theo em thấy sau khi trồng xen chuối trong tiêu muốn phá cây chuối đi chắc không đơn giản. Thực tế như thế nào anh ?

pham thanh liêm

Bạn chỉ cần cuốc hết củ của nó đi là được. Công việc này tiến hành vào mùa khô là tốt nhất.

Lê Thị Ngọc Hoa

Đọc các thông tin về cách làm vườn của các bạn thật sự rất hữu ích đối với những người mới “vào nghề” như tôi. Vườn tiêu nhà tôi hàng cách hàng 5m, tiêu trồng trụ sống cao 5-6m. nay tôi muốn nhổ cà phê (mới hơn 1 năm) để trồng xen đu đủ cao sản liệu có ổn không ạ. Xin các bác cho tôi lời khuyên. Trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Vịnh

Chào @ Lê Thị Ngọc Hoa
Trồng vẫn tốt nếu bạn quan tâm việc rong tỉa cây trụ sống thường xuyên để bảo đảm nhu cầu ánh sáng cao cho cây đu đủ quang hợp.
Thân

TÂM ĐĂK MIL

Bác Vịnh và Giá tiêu cho em hỏi vườn của em trồng xen cà phê và tiêu tròn (tiêu ngả tư) bây giờ em muốn thay dần cà phê bằng tiêu dài (Tiêu Lốt) có được không bác.

Nguyễn Thành Luân

Cháu đang có 800 trụ tiêu gần phủ trụ. Cháu muốn trồng xen thêm nghệ. Nhưng cháu sợ thuốc phun cho nghệ có thể ảnh hưởng tới tiêu. Xin cho cháu ý kiến ạ.

trần mỹ điệp

Chào các anh chị. Em vừa mới được bố mẹ chồng cho vườn cà phê 300 cây, cà phê 20 năm tuổi, cà xấu xấu, em muốn trồng xen các ngã tư hố cà 1 trụ tiêu, trồng cây gòn trụ sống. Chồng em thì muốn phá đi 200 cây cà và trồng tiêu trên cây gòn, 2 vợ chồng không ai có kỹ thuật gì cả, mong các anh chị tư vấn giúp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *