“Chuyện cổ tích” cây tiêu ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc

Nông dân ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc bên vườn tiêu.

Mảnh đất ngút ngàn lau sậy đã hoang tàn trong bom đạn. Thế nhưng, ở nơi tưởng chừng không còn sự sống ấy, con người đã không buông xuôi. Họ chắt chiu từng sự ban tặng của thiên nhiên để tạo nên một loại cây “kỳ diệu”, ươm mầm cho cuộc sống mới. Đó là chuyện “cổ tích”về cây tiêu ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang…

Ý tưởng từ dây trầu

Nơi này trước đây thuộc loại nghèo nhất ở miệt châu thổ Cửu Long”… Nhưng bây giờ trên con đường ximăng láng bon dọc theo dòng kênh Bửng Đế, chốc chốc, người đi đường lại lâng lâng trước mùi thơm cay nồng của hồ tiêu. Trước mắt tôi là những hàng tiêu xanh ngát, nhưng kỳ lạ thay, dây tiêu không phải quấn vào những “nọc chết” (trụ bêtông) như ở nhiều nơi, mà chúng đang bám vào những thân tràm sống vươn cao vút. Ông Trần Vũ Phong – 72 tuổi, ở ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc – phân trần: “Đó là điều kỳ diệu, kể ra có nhiều chuyện thú vị lắm”…

Điều kỳ diệu mà ông Phong nói bắt đầu từ năm 1980. Một ngày đẹp trời, người dân ở ấp 3 ai cũng ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Văn Mun, người trong ấp bỗng dưng phơi tiêu trước sân nhà. Hóa ra, ông Mun đã lẳng lặng trồng tiêu cả năm qua và lúc đó đang đến mùa thu hoạch. Ông Mun kể: Do thấy bà con xung quanh trồng dây trầu trên “nọc tràm chết” nên ông nảy ra ý tưởng: Dây tiêu cùng họ với trầu, sẵn trong vườn nhà có trồng tràm, hay mình thử trồng dây tiêu trên “nọc tràm sống” coi sao. Nghĩ vậy, ông mang tiêu về trồng, bất ngờ thay, ngày qua ngày, dây tiêu phát triển xanh tốt. Đến mùa thu hoạch, tiêu cho năng suất gần 200kg/công, ông Mun thu được khoản tiền lời kha khá.

Thấy ông Mun trồng tiêu hiệu quả, sau đó nhiều nông hộ bắt đầu chuyển sang trồng tiêu theo cách của ông Mun…

Hồi sinh trên mảnh đất chết

Qua nhiều năm gắn bó máu thịt với loại cây trồng này, bà con dần rút ra thêm những bài học kinh nghiệm để cây tiêu phát triển tốt. Ban đầu, người dân trồng tràm rễ nông, khi nước lũ tràn về, rễ tràm ăn lên mặt đất, làm cây tiêu bị cạnh tranh dinh dưỡng. Về sau, bà con trồng tràm sâu khoảng 7 tấc, rễ ăn sâu xuống đất, không ăn bạ lên trên. Nhờ đó, những thân tràm vươn cao vút, vững chắc làm điểm tựa cho những dây tiêu sum xuê, mượt mà, làm ai lần đầu trông thấy cũng phải ngạc nhiên.

Tính đến nay, toàn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc có trên 100 hộ trồng tiêu với diện tích gần 80ha. Theo bà con, mật độ lý tưởng để trồng tiêu là 350-450 nọc/công, mỗi công cho năng suất bình quân 250-400kg, bà con thu lãi đến 300-500 triệu đồng/năm. Chỉ ngôi nhà vừa được “tân trang” hàng trăm triệu đồng, ông Phong cho biết đó là thành quả do cây tiêu mang lại, nhiều bà con đã vươn lên làm giàu với loại cây trồng này.

Ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc – cho biết thêm: “Đến nay, các hộ trồng tiêu trong xã đều đã thoát nghèo, xây cất nhà cửa khang trang. Chính cây tiêu đã làm hồi sinh vùng đất chết này”.

Nguồn Trần Lưu (Báo Lao Động)

5 phản hồi cho bài "“Chuyện cổ tích” cây tiêu ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc"

Nông Văn Dân

Sao ở đó người ta trồng tiêu mật độ dày quá gấp 3 lần ở Đắk Lắk nhỉ, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng .

hoangsy

Anh Admin ơi. Giải thích cụ thể câu này cho em hiểu với, nhà báo Lao Động viết em không hiểu nổi.
-Theo bà con, mật độ lý tưởng để trồng tiêu là 350-450 nọc/công, mỗi công cho năng suất bình quân 250-400kg, bà con thu lãi đến 300-500 triệu đồng/năm.
Cám ơn anh.

Nông Văn Dân

Chào @hoangsy
Theo Văn Dân hiểu nhà báo này muốn nói bà con 100 hộ trồng tiêu thu lãi 300-500 triệu đồng/năm, như vậy là đúng rồi vì chia ra mỗi hộ chỉ lãi 3-5 triệu/năm thôi, mà tiêu trồng với mật độ như bài báo viết thì như thu như vậy quả không sai.

Liu.bp

Nhà báo đó nói không đứt đoạn, nhà báo chỉ tính sản lượng thu hoạch/1 công đất, nhưng lại tính thu nhập cho cả vườn/1năm. Thu hoạch 1 công (1 sào) đất được bấy nhiêu đó thì lãi cũng vài chục triệu. Nhưng vườn nhà người ta đâu chỉ có 1 công đất, có khi cả hecta nên thu vài trăm triệu là đúng thôi. Cả 100 hộ với 80ha thì các anh đủ biết là bao nhiêu rồi chứ?!
Thân!

Trung Trực

Em ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc – Gò Quao – Kiên Giang đây nè. Em xin cho vài ý kiến.
1- Mật độ trồng trồng như vậy chổ em áp dụng nhiều lắm. Khoảng cách có thể 1.8 x1.8m. 1 công tầm 3m nếu trồng hết thì gần 400 nọc. trừ mương rảnh ra còn 300-350 nọc.
2- Bà con nơi đây nhiều hộ trồng năng xuất không cao lắm. vài trăm gam – 1kg trên nọc là cùng.
3- Vùng đất bị nhiểm phèn. Vùng đất thấp, tầng canh tác mỏng.
4- Việc sử dụng phân hóa học – thuốc bảo vệ thực vật nhiều vô số kể.
……………
Mùa mưa này em định vào nghề trồng tiêu nhưng muốn mua các sản phẩm trên diẽn đàn để sd nhưng rất khó, kỹ thuật lại ít, mong diễn đàn và chú Vịnh giúp đở thêm. Thân!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *