Kỹ thuật khôi phục vườn hồ tiêu suy yếu già cỗi

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 56

Qua việc khôi phục vườn tiêu già cỗi đã trồng trên dưới 30 năm và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của gia đình, bạn Nguyễn Minh Vịnh đã đúc kết lại thành những chi tiết, những yêu cầu kỹ thuật cơ bản. Bạn chia sẻ với cộng đồng Giatieu.com.

Bụi tiêu hạt chất lượng kém

Trồng hồ tiêu không phải ai cũng bắt đầu bằng mô hình thâm canh bài bản. Với những vườn hồ tiêu thâm canh xanh tốt, áp dụng đúng kỹ thuật, hàng lối thẳng tắp đập vào mắt ai mà chẳng thích. Chỉ cần nhìn thấy vườn hồ tiêu như vậy thì trong lòng ai cũng rạo rực. Ước gì mình cũng có vườn hồ tiêu như vậy.

Do trước đây xen canh với cà phê hay cây công nghiệp khác, không áp dụng khoa học kỹ thuật gì, chỉ trồng theo cảm tính nên những bụi tiêu lên lèo tèo, già cỗi, nhìn thấy mà chạnh lòng. Sự phấn đấu nỗ lực bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng.

Để cải thiện vườn hồ tiêu dần, tôi xin chia sẻ một vài thủ thuật nhỏ để bà con khôi phục vườn tiêu già cỗi như sau:

Trước tiên ta phải phân biệt được cây suy yếu là do bệnh tật, già cỗi hay do chế độ chăm sóc. Những bụi tiêu quá xấu, nhắm không cách gì khôi phục được, thì phải ưu tiên việc nhổ bỏ trồng mới.

Việc trồng mới trên vùng đất cũ cũng khá khó khăn. Do đất bạc màu, hoặc đất đã chai cứng, khó rút nước, không còn độ tơi xốp,… Ta cần phải khôi phục lại độ phì cho đất.

Giống như trong câu chuyện cổ tích bác thợ giày và những chú lùn. Chỉ qua một đêm, những chiếc giày xinh xắn, bóng loáng đã được hoàn thành nhờ những chú lùn giúp đỡ. Việc cải tạo đất cũng vậy, rất cần nhờ những vi sinh vật, mau chóng phục hồi độ phì nhiêu để đất trở lại bền vững. Vi sinh vật hoạt động mạnh chỉ khi ta tích cực bón các loại phân hữu cơ, xác bã thực vật, làm cho đất thông thoáng tơi xốp dần lên.

Khi trồng lại trên vùng đất đã trồng hồ tiêu cũ bà con cần nhổ bỏ, thu dọn sạch sẽ những gốc rễ cũ. Đào hố kỹ càng, càng sâu càng rộng càng tốt. Thường thì gốc nằm bên này thì nên trồng cây mới ở phía bên kia. Nếu có điều kiện nên phơi đất một thời gian cho đất nghỉ ngơi thì càng tốt. Trồng ngay phải xử lý triệt để nấm bệnh tồn dư trong đất trước. Sau đó yêu cầu cần thiết là phải có phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Hố trồng tiêu nên để lớp đất mặt (đất màu mỡ) xuống phía dưới hố, còn đất chai sạn ở bên trên.

Làm hệ thống rút nước tốt để cây có thể phát triển mạnh mà ít bệnh tật.

Vườn tiêu già cỗi, đã suy tàn

Yêu cầu tiếp theo của kỹ thuật khôi phục vườn hồ tiêu suy yếu già cỗi là: Cần phải có vườn ươm thật tốt. Vào đầu mùa mưa nếu ươm trước đó thì đem ra trồng là chuyện quá đơn giản. Nhưng trường hợp không ươm kịp gần hết mùa mưa mới có giống thì vẫn có cách khác bà con đừng quá lo lắng. Cứ ươm trong vườn ươm bình thường. Bầu vô đất là bầu lớn dùng những bầu đất như của ươm sầu riêng hay cây ăn trái. Giá thể của bầu đất chỉ đơn giản là 1 phần tro mía hay tro trấu màu đen, không dùng tro màu trắng xám, 2 phần đất mặt. Trộn thêm 1 phần phần chuồng hoai mục ủ Trichoderma hoặc xơ dừa. Mục đích là ta trồng tiêu qua mùa khô. Sau đó tới mùa mưa trồng xuống là đôn luôn. Do trồng chăm sóc tại vườn ươm cho lên trụ giả như bầu bí thì nó rất mau ra ác. Hiện nay trên thị trường có bán lưới lagim mua về áp dụng cho phương pháp ươm giống qua mùa khô này rất hiệu nghiệm. Thay vì chăm sóc ngoài vườn vất vả thì ta làm vườn ươm thật tốt dễ chăm sóc hơn.

Công cuộc khôi phục vườn hồ tiêu già cỗi là một cuộc chiến trường kỳ không phải một sớm một chiều.

Nhà tôi trồng hồ tiêu xen cà phê. Khi cà phê già cỗi thì những cây hồ tiêu trồng cùng thời gian đó cũng trong tình trạng tương đương. Một số ít tiêu trồng sau do cà phê quá rợp, những cây trồng lúc chưa có kỹ thuật gì, không biết đôn tiêu, những cây đó vẫn còn non nhưng trong tình trạng ở truồng. Hay những cây trồng mà không biết bấm đọt cho ra nhiều đọt ác, chỉ có một hoặc hai dây từ gốc lên ngọn lèo tèo nhìn rất sầu thảm…

Để khôi phục những cây tiêu già cỗi, tôi áp dụng như sau:

Với những cây chỉ suy yếu, tích cực dùng phân sinh học hồi phục rễ, sau đó dùng phân hữu cơ hoai mục với liều lượng lớn hơn bình thường rất nhiều để cho cây hồi phục. Khi cây đã sung sức thì nó sẽ ra rất nhiều lươn gốc hoặc ác gốc. Tôi bắt ngược một số cho leo lên cây. Thường xuyên bấm đọt lươn cho nứt ác hoặc bấm đọt ác cho nứt nhiều đọt ác hơn. Một số khác tôi làm rãnh nhỏ (tránh phạm rễ cây mẹ) để nó xuống bò ra ngoài tầm 0,5 m rồi cho leo lên một trụ giả. Lưu ý không lấp đất lên dây lươn khi dây lươn chưa đủ già. Tưới tắm bình thường. Sau một thời gian dây lươn đó sẽ nứt rễ bám chặt vào đất. Khi đó ta mới lấy đất lấp lên phần dây lươn nằm dưới đất. Để tầm một vài tháng. Cuối cùng mới cắt hoàn toàn cái phần đọt leo lên trụ giả. Phần thân lấp dưới đất không còn nuôi đọt lươn sẽ trở lại nuôi cây mẹ. Phần dây lươn hoặc ác gốc được bấm đọt thường xuyên sẽ leo lên tạo tán cho trụ. Đây là phương pháp hỗ sinh. Sau một thời gian cây chính sẽ phát triển mạnh thấy rõ. Có thể áp dụng cho tiêu ở truồng và tiêu lèo tèo, tiêu suy.

Trường hợp ta chăm sóc dùng phân sinh học, phân vi sinh, phân chuồng hoai mục… đủ thứ mà cây chẳng ra lươn hay ác gì cả vì quá già hay vì nguyên nhân nào đó không xác định được. Cây vẫn sống, phần cây cũ vẫn ra hoa kết trái bình thường, không sinh trưởng mà chỉ sinh thực. Như vậy phương pháp hỗ sinh trở nên vô tác dụng. Nhổ bỏ thì tiếc mà không nhổ bỏ thì nó lèo tèo. Bà con không nên lo lắng vấn đề trên. Tôi đã yêu cầu có một vườn ươm thật tốt là có đất dụng võ đấy!

Có 2 cách để thực hiện như sau:

1. Chăm sóc trực tiếp trong vườn. Ươm bầu bình thường sau đó đầu mùa mưa xử lý đất, trồng lên trụ giả. Trụ giả trồng phía đối diện với gốc hồ tiêu già cỗi. Cách xa gốc hồ tiêu già cỗi ra. Cho nó leo lên trụ giả cho nó ra ác. Chăm sóc như chăm sóc tiêu con bình thường. Sau đó đôn, tiếp tục cho nó leo lên trụ giả. Tiếp đến chỉ việc ngã cái trụ giả đó bắc cầu cho nó leo lên cây mẹ. Chăm sóc, bấm đọt bình thường y như là chăm sóc tiêu con. Cái phần tiêu con đó sẽ leo lên hỗ trợ phần thiếu sót cho cây suy yếu. Nếu như chịu chơi thì nhổ luôn cây mẹ thì đã có một cây tiêu tơ năm 1. Còn không thì cây con đó chỉ là cây hỗ trợ cho cây suy yếu.

2. Chăm sóc trong vườn ươm. Ươm trong bầu lớn. Khi cây đã khỏe mạnh thì đưa ra khỏi vườn ươm. Đánh rãnh đất bề rộng tầm 30 cm sâu chừng 20 cm. Nếu sâu hơn rộng hơn càng tốt. Lót bao nằm ngang phía dưới. Sau đó trộn phân chuồng hoai mục đất và xơ dừa đổ lên rãnh đó. Cắt bầu đất để lên trên rãnh. 2 đầu rãnh cắm 2 trụ thật chắc mắc kẽm để kéo lưới lagim cho tiêu leo. Cho tiêu leo lên như ta trồng đậu đũa hay dưa leo. Ưu thế của phương pháp này là có thể trồng bất cứ khi nào. Vì việc chăm sóc trở lên quá đơn giản. Khi cây ra ác ta nhấc cả cái bao lên, bao gồm cả đất và rễ. Cuối cùng trồng đôn lên cây mẹ bình thường như chăm sóc trực tiếp trong vườn. Hoặc có thể trồng lên trụ mới sẽ có ngay 1 cây tiêu đôn 1 năm tuổi. Phương pháp này cũng trồng tiêu nhanh hệt như trồng tiêu chiết vậy.

Với 2 cách làm trên bà con có thể khôi phục vườn hồ tiêu nhà mình một cách từ từ. Không cần phải nhổ bỏ ngay cái cây mẹ suy yếu. Áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi thì vườn hồ tiêu nhà mình sẽ luôn luôn và mãi mãi là vườn hồ tiêu tơ.

Ngoài ra, có một số cây hồ tiêu rất sum suê nhưng chẳng bao giờ cho ra trái thường là do trồng trúng những cây lên từ hạt, năng suất thấp. Hoặc do mua phải giống hồ tiêu kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc. Ta có thể tiến hành cải tạo như sau:

Chặt gần sát gốc để cho nứt lươn hay ác lên lại. Sau đó tiến hành ghép nêm hoặc ghép áp (kỹ thuật ghép cây đã quá quen thuộc).

Kỹ thuật này kết hợp với một vài kỹ thuật tôi đã chia sẻ trên diễn đàn có lẽ sẽ giúp ích được cho nhiều bà con đấy.

Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ góp phần nhỏ bé giúp cho ngành hồ tiêu Việt Nam vươn lên tầm cao mới. Chúc mọi người thành công với cây hồ tiêu.

Giatieu.com

Báo Giá cà phê qua điện thoại
56 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Em đợi một bài viết về cách bón phân qua màu lá tiêu của anh Vịnh. Mong được đọc bài này của anh. Em có thể giúp anh chụp hình một số màu lá tiêu nếu anh cần sự giúp đỡ vì tiêu nhà em một số cây có biến đổi màu sắc nhưng không biết là biểu hiện thuộc loại gì! Rất mong bài viết của anh. Chúc anh sức khỏe, thành công và có nhiều bài viết giúp ích cho cộng đồng hồ tiêu Việt Nam.

  2. Lại thêm 1 kinh nghiệm qúy cho bà con nông dân trồng Tiêu.
    Tiện đây cháu muốn nhờ chú Minh Vịnh tư vấn giúp.
    Vườn Tiêu hàng xóm gần nhà cháu sau khi cắt dây (lấy dây ác để trồng mới) cháu thấy vườn Tiêu bị nắng,lá bạc,nổi gân xanh, 2 tháng rồi mà ngọn Tiêu gầy, có cây chưa phát ngọn (trước đó vườn đó khá đẹp). Cắt dây xong họ cho phân chuồng hoai mục và phân hóa học sau đó tưới nước, hôm sau xịt thuốc nấm và kích thích. 1 tháng sau không thấy lên họ tưới sục gốc nokap và phân bón rễ. Sau đó lại tưới phân hóa học (lân và Urê).
    Cháu thấy họ chăm sóc kĩ như vậy sao lại không lên?

    • Cây tiêu bị bạc lá nổi gân xanh là do thiếu magie. Bổ sung bằng cách bón lân nung chảy có 15% magiê là được (mình thường dùng lân nung chảy Văn Điển). Dùng loại khác cũng được, quan sát ngoài bao bì có ít nhất 15% magiê là được). Quan sát lá non mới lên có bi quăn lá không, nếu bị bổ sung thêm vôi. Nếu có điều kiện bạn mua máy đo pH đất về đo thử. Nếu pH đưới 5.5 bổ sung thêm vôi mỗi trụ 0.5kg. Theo kinh nghiệm của mình thì cây tiêu bị hiện tượng như trên mình bón 0.5kg vôi + 0.2kg lân nung chảy rải đều quanh gốc tiêu từ gốc ra 0.5m

  3. @ Cư Kuin!
    Trong tuần sau tôi sẽ hoàn thành bài viết ấy cho bạn và bà con. Bạn cứ gởi hình vào email tôi. Do tiêu nhà tôi mấy năm nay không có bệnh nhiều nên thu thập hình ảnh khó. Khinh nghiệm quan sát hồ tiêu qua lá là tôi có từ thời điểm vườn tiêu chưa được đẹp. Với những cây như thế phải có chế độ chăm sóc khác so với cây khác thì mới hồi phục được.

    @ Gia Khánh!
    Biểu hiện này rất thường gặp ở cây tiêu cắt lấy hom. Tôi sẽ chỉ cho kinh nghiệm cắt dây ác đi ươm mà cây ít bị hiện tượng đó. Là đổ phân amino sinh học trước khi cắt giống 2 tuần. Cây mới đủ sức mà ra đọt khác được. Cây ra rễ non đang phát triển nếu mất ngọn nó ra ngọn khác.
    Còn cắt xong bón phân lại là phân vô cơ. Cây đã bị đứt dây, lại còn xót rễ do phân. Vậy xin hỏi cây có phát nổi không? Dĩ nhiên với cây ra đọt trắng bóc đó phải mất ít nhất 4- 6 tháng mới khôi phục hoàn toàn. Xịt phân bón lá bổ sung Zn, Mg, Bo, Ca… Một số nguyên tố trung và vi lượng thì cây sẽ từ từ khôi phục. Ưu tiên dùng phân dạng nước hoặc dùng phân hữu cơ chuyên dùng cho hồ tiêu.
    Cây bị sốc do sinh lý mà còn tác dụng hóa học liên tục cây nào chịu nổi.
    Một vài chia sẻ.
    Thân!

  4. Chú Minh Vịnh ơi cho cháu hỏi tiêu nhà cháu mới đôn mùa này, khi đôn cháu có bỏ phân bò ủ hoai. Bây giờ cháu thấy trong vườn có chết mấy bụi, kiểm tra thì thấy sùng nói cấn chết. Kiểm tra toàn vườn sùng rất là nhiều. Nhờ chú hướng dẫn dùm cách trị. Chúc chú luôn vui khỏe.

    • Chào quốc thịnh!
      Gọi chú tôi tổn thọ chết. Tôi còn rất trẻ. Khi đôn lưu ý bỏ các thuốc dạng hạt ngừa truyến trùng rầy trắng cho chắc. Lấp đất lên dây sau đó rắc các thuốc dạng hạt như basudin, furadan, diazan,… theo đường dây nằm dưới đất. Hoặc có thể lót dưới phần dây đôn cũng được. Nếu đã phát hiện thì đi bỏ thuốc ngừa còn kịp. Lấy cây chọt lổ bỏ xuống xong lấp lại. Tưới nước lên cho chắc. Hoặc canh trời vừa mưa xong đi bỏ là rất đẹp. Nó không ảnh hướng tới Trichoderma trong phân đâu. Trả lời luôn trường hợp này hay bị thắc mắc lắm.
      Thân!

    • Thế là cũng có người thắc mắc tại sao không ảnh hưởng nhiều tới Trichoderma trong đất như tôi dự đoán. Tôi xin giải thích luôn cho mọi người đỡ thắc mắc nhé. Nếu nói chuyện trực tiếp tôi sẽ giải thích dể hiểu hơn. Nhưng qua comment tôi chỉ giải thích ngắn gọn hơn. Do thành phân của một số thuốc trị tuyến trùng rầy trắng có gốc lân hữu cơ. Mùi khó chịu vậy chứ nó chỉ độc với vi sinh vật, đặc biệt rất độc với tôm cá hoặc vi sinh vật thủy sinh. Chứ ít ảnh hưởng tới con người. Mau phân hủy. Khi ta rắc vùng dây tiêu đôn nó chỉ bảo vệ vùng đó. Có chết nấm vùng đó cũng không đáng kể. Phân được bón là phân vi sinh. Khi nhiệt độ đống ủ lên cao không trichoderma nào sống nổi. Tôi sẽ có bài viết nhân sinh khối bào tử nấm đúng nghĩa của nó sau. Do trichoderma phát triển theo cấp số nhân. Chỉ sợ cách thuốc đồng dạng như boocdo, đồng đỏ… mới làm chết sạch nấm thôi.
      Bà con lưu ý. Với comment của tôi có thắc mắc cứ việc thảo luận. Hoặc gởi email, facebook cho tôi. Tôi sẽ giải đáp thắc mắc trong phạm vi hiểu biết của mình.
      Thân chào bà con!

  5. Thân gửi cộng đồng giatieu.com
    Công ty mình có số lượng lớn tro trấu dùng để làm phan bón, cải tạo vườn rất tốt. Bà con nhà vườn cần mua xin liên hệ với Quang, đt 0907827371, nhà máy tại khu công nghiệp Mỹ Xuân, Thạnh Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tro trấu đã đóng bao, loại bao 50kg, giá 4.000 đ/bao. Xin cám ơn.

  6. Cám ơn anh Minh Vịnh nhiều, khi đôn em có bỏ thuốc basudan 1kg rải cho 40 bụi tiêu. Trên em bà con hay sử dụng phân bò, có người đôn rải 1kg 30 bụi mà vẫn bị sùng nhiều. Tiêu nhà em đôn cách đây 70 ngày, em sợ sử dụng thuốc basudan nhiều nó có ảnh hưởng gì tới bộ rể non ko. Anh cho em biết cái liều lượng rải thuốc. Có thể mình dùng thuốc dạng nước như bi58 hay basa, hòa vào nước đổ vào gốc được ko, nếu được thì cách pha chế liều lượng như thế nào? Em mới lên mạng nên có gì mong các chú các anh thông cảm cho.

    • @ quốc thịnh!
      Với tiêu con 1 ha xài tầm 20 kg. Còn tiêu lớn thì 30 kg. Trên bao bì nhà sản xuất thường có ghi như thế. Tôi cũng chỉ làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất thôi.
      Các thuốc dạng nước có tác dụng phòng trừ tốt hơn phòng ngửa và ngược lại. Tất cả các thuốc đều có hướng dẫn cách sử dụng trên bao bì.
      Thân!

  7. Chú Vịnh ơi! Cho cháu hỏi chút:
    Tiêu cháu hiện đang bị rụng lóng hiện tượng (khớp nối giữa các đốt thân bị đen rồi rụng, rụng từ đọt xuống) . Đây có phải là bệnh tiêu cùi do nấm rhizoctonia hay pseudomonas gây ra không chú. Nếu đúng thì trị nó thế nào (phương pháp sinh học và hóa học) . Mong chú trả lời . Cháu cám ơn

    • Chào trương thế hòa!
      Bệnh đó người ta thường gọi theo biểu hiện bệnh. Đó là rụng lóng tháo khớp. Do nấm gây ra một phần và một phần do rễ không hấp thu được dưỡng chất hoặc thối rễ tơ. .. Và một số nguyên nhân khác.
      Phương pháp sinh học thì dùng Trichoderma phun trực tiếp lên cây, đổ phân amino sinh học cho cây hồi phục rễ có kết hợp với trichoderma. Hoặc có thể dùng phân hữu cơ khoáng cô đặc loại có ủ với trichoderma. Loại màu nâu như cám.
      Còn dùng hóa học thì xịt các thuốc như aliete, đồng đỏ, coc 85, ridomin, metaxyl, boocdo… Trên lá. 2 lần cách nhau 15 ngày. Dưới gốc sục agrifos 400. Sau đó đổ phân amino dạng nước cho cây khôi phục.
      Sau cùng dùng phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng bỏ ngừa bệnh, tránh tái phát cho cây.
      Với cây nặng quá nên nhổ bỏ đốt. Tránh lây lan. Chữa lại khá tốn kém mà cây cũng chậm phát triển.
      Tốt nhất nên ngừa bệnh bằng cách rửa cây sau khi thu hoạch. Giữa mùa mưa có thể xịt agrifos 400 kết hợp với macozet phòng ngừa.
      Thân!

  8. Anh Vịnh ơi. Tôi ở Phú Yên năm nay thời tiết mưa nhiều, tiêu mới thu hoạch mà đã có hoa và lá nhiều sum sê. Mà ở Phú yên mọi năm thì khoảng giữa tháng 8 âm lịch mới cho ra hoa a Vịnh. Vậy có cách nào để tiêu rụng hoa và lá, để tháng 8 tiêu ra hoa đúng thời vụ và có năng suất không a Vịnh. Xin mọi người góp ý. Thân chào. Cảm ơn.

    • Chào Minh Hoang!
      Hãm nước không được thì anh mua loại thuốc phân hóa mầm hoa xịt thêm cho cây vài đợt sau đó chăm bón bình thường cây vẫn ra hoa như hãm nước rồi vậy. Thuốc phân hóa mầm hoa nó khác với thuốc xả lá nhiều đấy. Xả lá mà dùng quá liều là cây suy kiệt luôn. Dùng phân bón giàu kali một chút thì cây cũng ra hoa cưỡng bức. Tuy nhiên dư Kali cây rất dể thiếu Mg làm cây vàng lá và xoăn lá lá nhỏ lại, cùi đọt, ngoài ra còn làm chua đất nữa. Vì thế cần bổ xung vôi, Zn, Mg một số nguyên tố trung và vi lượng khác nữa. Cây nhiều lá hạn chế dùng phân đạm mà ựu tiên lân và kali. Sau khi cây ra bông ta mới cho ăn lại cân đối dinh dưỡng để vụ sau không bị mất mùa.
      Thân!

    • Chào a Hoàng! Tôi cũng ở Phú Yên, thấy tình hình hiện nay tiêu ở Sơn Thành của mình là như vậy. Mùa này tiêu ở Sơn Thành mới thu hoạch xong, có nhà vẫn chưa thu xong. Cây tiêu sau một thời gian nuôi trái, mình hái hết trái chưa kip xiết nước thì gặp trời mưa tiêu ra rễ non, các phần sinh thực của tiêu sẽ phát triển, cho nên tiêu kiệt sức tất cả các cựa mới ra đều tạo thành bông. Theo ý kiến của tôi thì anh có thể đưa dinh dưỡng vào cây tiêu để nó sung ra lá hàng loạt không để tạo cựa thành bông. Rồi đến 20/7 âm lịch gió nam về mạnh cây sẽ tự xơ xác, lúc đó vào đầu tháng 8 âm lịch mh sẽ sử lý ra hoa đồng loạt. Ý kiến tôi như vậy mong anh em trên diễn đàn bổ sung và chia sẻ. Vì tiêu Phú Yên là muộn nhất trong cả nước.

  9. Như a Vịnh nói thì e chưa hiểu thuốc phân hoá mầm hoa có tác dụng hãm cây ra hoa hay kích thích cây ra hoa vậy a Vịnh .ở địa phương e ít có trồng tiêu. nên kinh nghiệm còn kém. rất mong a Vịnh và mọi người trong diễn đàn giúp đỡ. xin cảm ơn nhiều.

    • Nó góp phần kích thích cây ra hoa. Ra hoa phụ thuốc nhiều yếu tố lắm. Nói là hãm cây cũng không đúng mà kích thích thì cũng sai. Giải thích đúng nhất phân hóa mầm hoa tức là chuyển từ sinh trưởng sang sinh thực.
      Thân!

  10. anh Vịnh đã kinh nghiệm nhiều, vậy anh Vịnh cho em hỏi thuốc phân hoá mầm hoa loại nào là hiệu quả nhất. và nếu tiêu nhà em còn khoảng gần 2 tháng nữa là đúng mùa cho ra hoa, thì thuốc phân hoá mầm hoa khi nào có thể phun được, và phun bao nhiêu đợt mỗi đợt cách bao lâu, anh Vịnh nói rõ hơn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn.

    • Có thể phun vào thời điểm trước khi bắt đầu hãm cây. Lần này ưu tiên xịt loại rửa cây thuốc đồng trị nấm. Nếu thấy cây vẫn còn sung quá thì sau khi hãm cây xong xịt thêm 1 lần nữa. Lần này dùng thuốc phân hóa mầm hoa. Tùy vào thể trạng của cây mà có thể xịt 2 lần cách nhau 15 ngày.
      Với cách làm trên tiêu nhà tôi năm nào cũng ra bông đặc nghẹt. Ngoài ra kết hợp với phân bón hợp lý nữa cây sẽ cho ra bông rất đều. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào thời tiết và giống tiêu nữa mà cách làm có thể thay đổi năng động cho phù hợp với thời tiết và giống. Như năm ngoái mưa dầm thì áp dụng khác còn nắng gắt lại khác một chút. Chủ yếu là nắm bắt được giai đoạn sinh trưởng chuyển sang sinh thực hợp lý là cây sẽ cho hoa như mong muốn. Còn nếu khó làm bông quá nên chọn giống dễ làm bông. Nhà tôi cũng có một vài giống tôi rất chuộng. Năm nào cũng ra bông đặc nghẹt.
      Thân!

  11. Kính gửi bác Vịnh
    Bác Vịnh cho em hỏi trên tiêu mùa ra bông phía dưới lá non có trứng màu trắng, bóp thì thấy nó bụp bụp. Trứng này nhiều lắm, nó hút méo lá non luôn, có cách nào trị nó không bác.
    Em cảm ơn!

  12. Bạn @Nguyễn võ tuyết Nga
    May trứng chưa nở nên nó chỉ hút méo lá non thôi, nó nở rồi thì dám ăn hết luôn cả cây tiêu đó bạn à.

  13. @ Nguyễn võ tuyết Nga!
    Trứng nó là trứng của bọ cánh cứng như cánh cam khi trưởng thành lại gặm lá. Hoặc rầy nâu, bọ trĩ. Chích hút đốm trắng trắng trắng lá. Thường trước khi cây bung lá non và cựa gà xịt phân bón lá có kết hợp thuốc BVTV trừ rầy nâu bọ trĩ. Dùng sinh học hay hóa học thì tùy bạn. Loại này chỉ hút nhựa lá non. Khi nở rồi để lại vết thâm đen li ti mặt sau lá. Làm giảm năng xuất cây trồng. Rất khó trị. Muốn dứt điểm phải xịt 2 lần cách nhau 7 ngày. Do vòng đời nó rất ngắn chỉ từ 20 đến 22 ngày. Loại này xuất hiện nhiều ở vườn trồng lồng mứt hoặc trụ sống quá rợp. Làm chồi sạch sẽ sẽ giảm hiện tượng này. Nếu không phòng trừ mật độ quá dày sẽ làm vườn tiêu quăn lá hàng loạt. Sau đó sẽ thành tiêu điên.
    Thân!

  14. Bác Vịnh cho con hỏi, vườn tiêu nhà con mới trồng lên rất đẹp thế mà cách đây khoảng 20 ngày nó vàng hết, rụng đốt rất nhiều, có phải do bị úng nước không bác? Con chỉ bón phân sinh học và phân chuồng chưa đổ loại thuốc hoá học nào hết, con đang chuẩn bị cắt dây thì nó bịnh hết. Giờ con có nên cắt dây những trụ ko bị ko bác. Năm ngoái con khoan hố để trồng tiêu là hơi sâu. Xin bác chỉ giùm con với. Con cám ơn nhiều.

    • Chào Bao Iave!
      Đang đợt áp thấp mưa dầm này rất dễ ngập úng. Cây nào trồng quá sâu thối rễ tơ thì nó sẽ vàng chạch. Kiểm tra xem thử đất có bị đóng keo không? dạng cục như đất sét ấy. Khơi mương rãnh hoặc làm hố rút nước cây sẽ giảm. Ngoài ra mùa mưa này là mùa tuyến trùng phát triển khá mạnh. Nên phòng ngừa. Còn một bệnh nữa là vàng lá chết chậm. Dùng phân chuồng hoai mục thì cũng nên bổ sung trichoderma. Do trong quá trình ủ nóng có thể trichoderma cũng bị chết. Nên bổ sung trung và vi lượng lượng đặc biệt là Silic sẽ giúp đất thông thoáng. Khả năng ngập úng của vườn là khá cao bạn nhé.
      Thân!

  15. Dạ con cảm ơn nhiều. Cho con hỏi 1 vấn đề nưã, nêú mình dùng thuốc trị tuyến trùng thi dùng loại naò? và minh nên dùng thuốc trị tuyến trùng trước hay thuốc tricoderma trứơc? và kêt hợp mấy loại thuốc này thế nào? Xin chỉ rõ dùm con với, con mới làm tiêu nên kiến thức mù tịt.
    Chúc bác vá gia đình sức khỏe. Cảm ơn bác nhiều.

    • @ Bảo!
      Về tuyến trùng và trichoderma thì ưu tiên xài tuyến trùng trước. Nếu không biết kết hợp thế nào thì có thể xài đơn 2 lần cách nhau 15 ngày. Thuốc tuyến trùng có thể kết hợp với phân nước đổ gốc. Trichoderma có thể kết hợp phân amino sinh học dùng cho cả gốc lẫn trên lá. Riêng thuốc đồng trị nấm thì không nên kết hợp với thứ gì ngoại trừ thứ bao bì nhà sản xuất cho phép.
      Tên thuốc tôi đang sử dụng bạn vui lòng email. Nhưng theo tôi thì cách dùng vẫn là quan trọng hơn.
      Thân!

    • Dạ cảm ơn bác nhiều, còn nêú mình múôn trị tuyến trùng bằng phương pháp sinh học thi có đc ko bác? và thuốc gì hả bác, bác cho con xin điạ chỉ facebook đc ko bác, con cảm ơn bác nhiều. Chúc gia đình bác sức khoẻ. Taị con lên bằng dt cùi bắp nên con muốn trao đôỉ với bác qua face,

  16. Anh Minh Vịnh ơi! anh nói đối với những cây suy yếu, sau khi phục hồi nó mọc lươn ở gốc thì “Phần dây lươn hoặc ác gốc được bấm đọt thường xuyên sẽ leo lên tạo tán cho trụ”, vậy nó lên khoảng bao nhiêu thì bấm đọt hả anh, em sợ bấm non quá nó sẽ hư mất. Mấy bụi tiêu nhà em, sau khi phục hồi nó ra nhiều lươn và ác ở gốc lắm, không biết nên cắt cái nào, lấy cái nào.

    • Theo mình thì nên để những dây khỏe lại kể cả dây lươn, cứ thấy dây mập mập mà không ra ác thì ta bấm đọt, đối với dây lươn bấm khoảng 2 lần là nó ra cành ác thôi, sau khi ra ác có thể 1 – 2 mắt nó lại ra lươn lúc này ta tiếp tục bấm tiếp như vậy thì nó ra cành ác hoài thôi. Năm nay mình trồng tiêu lươn cũng áp dụng cách bấm đọt như thế nên tiêu trồng 2 tháng lên khoảng 30 phân là ra ác rồi, năm ngoái không bấm đọt phải mất hơn tháng nữa cây mới ra ác mà rất cao. Vài lời chia sẻ cùng bạn Phúc.

  17. Xin chào cộng đồng giatieu.com. Em mới làm tiêu nên còn non kinh nghiệm. Cách đây vài hôm em có dùng Agrifos + ridomil phun cho 1 số cây nghi là bị bệnh, chắc là em sơ ý pha thuốc qúa nồng độ hay sao mà đến hôm nay cây rụng đốt và lá quá trời. Liệu có cách nào khắc phục không ạ. Mong cộng đồng ai có cách gì hay chỉ giúp em. Em chân thành cảm ơn

  18. @ Hồ Văn Phúc!
    Ở dưới gốc nó sẽ ra 2 loại lươn. Một là lươn gốc hoàn toàn và một loại nó ra 2 tay ác xong mới ra lươn. Đối với loại có 2 tay ác thì bấm đọt ngay phía trên tay ác nó sẽ tiếp tục nứt đọt ác. Ra tiếp 2 tay bấm thêm 1 lần nữa. Làm tầm 3 lần là tới ngang ngực. Cho nó tự leo.
    Một loại nữa là lươn gốc hoàn toàn, chỉ có lươn. Thì ta bắt nó ra ngoài cho leo trụ giả. Cho tới khi ra ác thì ta đôn ngược vô. Hoặc ta có thể cho nó ra rễ, tiếp đó lấp đất lên cắt phần gọn để lấy rễ hỗ sinh nuôi cây mẹ. Trên bài viết tôi có chia sẻ rất kỹ.
    @ Cao phúc đức!
    Từ từ nó sẽ hồi phục. Đa phần thuốc trị nấm dùng quá liều đều gây rụng lá. Nếu không hồi phục. Sau 15 ngày dùng phân bón lá sinh học kết hợp với Trichoderma xịt sẽ giải độc cho đất và lá.
    Thân!

  19. Anh Vịnh ơi. Tiêu nhà em trồng được 2 tháng rồi, có mấy bụi lên rất đẹp, lá to và xanh. Nhưng giờ bị nhỏ ngọn, vàng 2-3 lá ngọn rồi bị rụng xuống. Anh có cách nào giúp em đó là bệnh gì không ạ. Em lo quá.

  20. @ Duy mong!
    Do mưa dầm làm thối rễ tơ đấy. Nếu trồng quá sâu thì chịu khó làm hố rút nước. Cây thối rễ dẫn đến ko lưu chuyển được nước và dinh dưỡng làm cây vàng lá rụng đọt. Nếu rứt thử chiếc lá thấy dể rụng thì nó là do nấm. 2 loại này rất khá giống nhau. Cần phân biệt. Ưu tiên hồi phục rễ bằng phân sinh học để nó bung chùm rễ non mới. Sau đó tiền hành xịt Trichoderma kết hợp phân bón lá để cây hấp thu. Do bộ rễ hạt động chậm ta cần xịt để cây hấp thu trực tiếp qua lá. Tiêu con trồng quá sâu và ngập úng rất thường bị thế. Đôi khi bà con ta không thấy nước úng. Nhưng mưa dầm liên tục cây bị ngộp rễ trong lòng đất làm sao mà thấy được. Chỉ cần ngộp 24 -48 tiếng là rễ có khả năng bị tổn thương ngay. Huống chi dợt áp thấp này mưa dầm cả tuần.
    Thân!

  21. Mình cũng đang trồng tiêu nhỏ, ở Phú Yên, thôn Tân Lập, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, phát triển khả quan. Theo mình nghĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thì tiêu phát triển và giảm bệnh tật:
    1/đất: cần thông thoáng, có cấu tạo hạt (sử dụng cây muồng vàng), điều chỉnh pH bằng lân Văn Điển, bón ít vôi, cho các vi sinh hiếu khí (có lợi) phát triển và hạn chế các vi sinh kỵ khí có hại.
    2/ thức ăn: tiêu còn nhỏ không ăn nhiều, nhưng cần ăn nhiều lần và cân đối, ăn nhiều tiêu bội thực, ngộ độc, chết nhanh, nhưng thiếu thỉ tiêu chậm phát triển.
    3/nước tưới: trời không mưa, 4 -5 ngày qua một lân tưới cho tiêu 2 tháng tuổi.
    4/ tạo ra “tiểu khí hậu” cho vườn tiêu để hạn chế những bất lợi về thời tiết.
    5/ đang ngừa bệnh bằng vi sinh, đối kháng. Chưa sử dụng thuốc hóa học.

  22. Chào anh Nguyễn Vịnh
    Sau khi nhân sinh khối bào tử nấm trichoderma, mình định đễ tricho trong mát cho ráo mục đích đễ hốt rãi cho đều, sau đó mình rãi đều quanh gốc tiêu, (tranh thủ lúc trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong), trong gốc tiêu đã bón phân bò ũ hoai. Vậy cách làm như trên có làm giãm đi chất lượng cũa tricho không hay bắt buộc phãi hòa vào phuy rồi phun xịt khắp vườn, nguyên vườn nhà mình mỗi lần vận chuyễn nước rất cực. Mong được anh góp ý

    • Chào @van kim
      Hốt rãi bằng tay cũng được, nhưng chắc chắn nấm sẽ không phủ đều như hòa với nước để phun. Phun sẽ vào những ngóc ngách mà bạn không rãi tới được. Mất công mà ngừa bệnh, bảo vệ được cây thì cũng nên làm. Thân

  23. Chào chú Nguyễn Vịnh và anh Minh Vịnh. Chú và anh cho hỏi, cây tiêu trồng năm trước tháng 2 vừa rồi mới cắt dây, bây giờ lên cao dược mét rưỡi rồi mà ko hiểu sao cách đây khoảng 3 tuần cháu phát hiện bị rụng lá ở gốc từ trong ra ngoài trừ 2 lá non bên ngoài. khi cháu phát hiện thì nó mới bị 3 trụ gần nhau, cháu mua 2 gói thuốc aliett hòa nước đổ cho 3 trụ đó và 5 trụ xung quanh và phun 2 gói chia làm 2 lần cách nhau 10 ngày, ko hiểu sao mà bây giờ nó vẫn rụng, đấy là bệnh gì hả chú. Mong chú và Anh giải đáp dùm.

  24. @ Nguyenvanxuann!
    Gặp mưa dầm nó thối rễ tơ + nấm tấn công đấy. Trị nấm thôi là chưa đủ. Ưu tiên hồi phục rễ nữa. Thử dùng phân bón lá kết hợp trichoderma và phân sinh học nước đổ gốc kết hợp trichoderma xem?
    Thân!

  25. Cảm ơn anh nhiều! Em dùng lân đỏ dạng nước tưới gốc và phun có hiệu quả ko anh. dùng trichoderma 3 lần trong năm có đỡ được rệp sáp ko anh.

  26. Chào anh Minh Vịnh.
    Theo lời anh hướng dẫn em đã bấm ngọn nên tiêu nay đã ra được 3-4 tay. Nhưng sáng nay em thấy có một số không ra tay nữa mà muốn lên ngọn tiếp. Em phải làm sao? có bấm ngọn tiếp rồi bấm nhiều thì cây có sao không anh? Ý em còn muốn để lấy thêm ít giống nữa. Em băn khoăn lắm.
    Em rất trông anh tư vấn. Cám ơn anh nhiều

    • Chào Lâm Pongdrang!
      Kỹ thuật bấm đọt mục đích để cho nó đều trụ mà không cần phải cắt dây. Đỡ bị tiêu điên. Với vườn không có nhu cầu hom giống áp dụng kỹ thuật này sẽ rất hiệu quả. Còn bạn vẫn có nhu cầu hom giống cứ để cho nó leo áp dụng kỹ thuật cắt trụ chứ bấm làm gì cho mắc công chậm. Thời gian bấm đọt cây sẽ lâu phủ trụ hơn tiêu không bấm đọt. Tuy nhiên vào kinh doanh thì tiêu bấm đọt sẽ năng suất hơn. Do không bị bỏ lỗi mắt tay ác. Bấm ngọn liên tục cây cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tôi bấm lúc còn non. Có nứt cái khác ngay, không bao giờ bị bệnh tiêu điên.
      Thân!

    • Em chào anh Vịnh !
      Hiện nay trên thị trường có loại chế phẩm sinh học trị tuyến trùng có chứa 5 trăm triệu bào tử nấm Paecilomices Lilacinus. Em không rõ đây có phải là một chủng nấm Trico không, nhờ các anh tư vấn giúp em!
      Vì em đang muốn thay thế thuốc trị tuyến trùng hoá học bằng thuốc sinh học cho an toàn, các anh đã sử dụng loại nấm trên chưa, hiệu quả ra sao mong các anh chị chia sẻ. Em xin cảm ơn nhiều!

    • Chào bạn.
      Theo các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài, dòng nấm Paecilomyces Lilacinus được đánh giá rất cao về khả năng tiêu diệt tuyến trùng và đề nghị đưa vào sản xuất thương mại. Ở Việt Nam tôi chưa nghe nói.
      Có vẻ như bạn muốn giới thiệu sản phẩm mới cho bà con để trị tuyến trùng? Không sao, với tôi là chất lượng và hiệu quả.
      Tôi sẽ ủng hộ nếu đó là sản phẩm tốt. Thân

  27. Anh Minh Vịnh và các bác cho em hỏi chút, do điều kiện là bộ đội nên cũng không thường xuyên ở trong vườn tiêu được, mấy hôm nay quan sát thấy tiêu nhà em lá non hơi nhạt màu, có lốm đốm vết màu vàng ở lá, với lại lá non ra nhưng đa số bị quẹo sang một bên, không đều. Mặc dù em vẫn thường xuyên phun thêm bón lá và kẽm nhưng vẫn thấy lá trắng. Cho em hỏi vậy là bị bệnh gì.
    Em xin cảm ơn nhiều và chúc các anh sức khỏe!

  28. Chào balo con coc!
    Kiểm tra pH đất xem sao? pH đất quá thấp cây sẽ có biểu hiện như thế.
    không biết vườn có đầy đủ nguyên tố đa lượng chưa? Cây thiếu đa lượng cũng không phát nổi lá non.
    Vết lốm đốm màu vàng đó có thể là do côn trùng chích hút. Ở đây khả năng thánh giá hoặc bọ trĩ gây hại là rất cao.
    Lá trắng non có dấu hiệu phạm rễ. Thiếu độ mùn hữu cơ. một nguyên nhân nữa có thể là tuyến trùng hoặc rầy trắng rễ cũng gây ra hiện tượng này.
    Nên bổ sung nhiều phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Trên lá sử dụng phân bón lá kích thích bung lá non và rễ.
    Cây sẽ phát triển bình thường lại.
    Thân!

  29. Chào giatiêu.com. Vườn tiêu nhà tôi năm nay đã bị nhiễm bệnh chết nhanh. Theo khuyến cáo là phải phòng định kỳ vào mùa mưa. Tôi đang băn khoăn năm sau thuốc hoá học dùng như vậy sẽ tiêu diệt rất nhiều hệ vi sinh vật có ich trog đất. Muốn bổ sung lại cân bằng cho đất thì giữa bón phân hay thuốc sinh hoc và thuốc phòng trị bệnh hoá học thế nào để hai thứ sinh, hoá hiệu quả cao nhất. Xin cảm ơn.

    • Chào bạn.
      Điều bạn băn khoăn là đúng.
      -Khi dịch bệnh đã bùng phát, dùng thuốc hóa học để chống lại, tiêu diệt sâu bệnh là lựa chọn tối ưu. -Sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, dùng sinh học bổ sung để phòng ngừa lâu dài.

      Bình thường để phòng ngừa bạn dùng Trichoderma + Pseudomonas 2 lần chính vào đầu và cuối mùa mưa, bổ sung 2 lần vào giữa 2 thời gian trên Các vi sinh vật này có thể tồn tại trên 1 năm nhưng hoạt động hữu dụng mạnh trong vòng 6-8 tháng trong môi trường thuận lợi. Về sau, số lần dùng giảm dần khi không có dịch bênh xảy ra trong vùng trồng nữa… Thân

    • Cảm ơn anh Minh Vịnh. Anh đã giải toả được nỗi băn khoăn khoăn của em. Chúc anh mạnh khoẻ

  30. Chào chú Vịnh cùng bà con trên diễn đàn, cho cháu hỏi sau khi thu hoạch xong là ta rửa vườn bằng thuốc gốc đồng liền phải ko? Khi rửa xong mà chưa tới thời điểm ta hãm nước thì ta phải tưới nước theo phải ko? Thời điểm nào ta cào lá tiêu lại đốt? cảm ơn chú và bà con trên diễn đàn.

  31. Chào Nhân Đạo!
    Thời gian rửa cây có thể kéo dài cho tới khi cắt nước. Miễn là đất đủ ẩm.
    Thời điểm cào lá tiêu đốt là thời điểm sau khi cắt nước. Nên đốt un khói sẽ tốt hơn là đốt cháy.
    Thân!

  32. Thân chào @ Địa Long!
    Mình đã dùng thử nghiệm nấm Paecilomices Lilacinus pha chung với phân sinh học Biogel vào cuối tháng 8 vừa rồi để ngừa tuyến trùng cho cây tiêu 2 năm tuổi và tiêu mới trồng đến giờ thì vẫn chưa thấy dấu hiệu của bệnh, vì tiêu chưa có dấu hiệu về tuyến trùng nên mình cũng không xác định là mức độ hiệu quả như thế nào, nhưng vườn tiêu của hộ khác gần vườn nhà mình thì năm nay bị tuyến trùng, nấm chết chậm làm chết gần hết rồi. Mình nghĩ dùng nấm này phòng ngừa tuyến trùng kết hợp với phân Biogel thì vẫn đỡ hơn là để xuất hiện bệnh rồi mới chữa. Thân!

  33. Chào chú Vịnh cùng bà con trên diễn đàn, cho cháu hỏi.
    Ttiêu sau khi thu hoạch cháu rửa vườn bằng đồng đỏ, nếu gặp trường hợp cháu hãm nước cở 20 ngày thì gặp mưa 1 cây lớn rồi sau đó nắng lại cở 20 ngày mới mưa lại thì cháu nên làm gì hả chú?
    Trường hợp thứ 2 là sau khi hãm nước được 20 ngày thì trời mưa liên tục mấy ngày liền thì làm sao hả chú? Chú giúp dùm cháu cách sử lý nếu có dùng thuốc thì loại nào và nồng độ.
    Cháu ở Đăk Nông, thường hay gặp thời tiết như thế. Cháu xin chân thành cảm ơn chú cùng bà con trên diễn đàn, chúc chú cùng bà con luôn vui khỏe

    • Trường hợp này bạn phải tưới nước theo để tăng cường thêm độ ẩm, sau đó sử dụng phân bón lá KNO3 liều cao phun để kích cho hoa bung mạnh và đều hơn. Bạn ở Đăk Nông vùng nào mà có hiện tượng mưa liên tục mấy ngày liền, thường có thấy chỉ 1-2 cây mưa nhỏ nhưng đột ngột thôi.

  34. Chào anh Minh Vịnh. Hôm nay tôi thấy một bụi tiêu lá hơi buồn như thiếu nước, trái thì đã nhăn nheo lại. Anh cho tôi hỏi có chữa được không? Cảm ơn anh.

  35. Chào nhân đạo. Chú không biết ở vùng cháu ra hoa vào tháng mấy. Còn chú ở Gia lai thì tháng 2, 3 dương lịch mới ép nước. Tiêu nhà chú hầu như không ép nước được nhưng cũng không ảnh hưởng tới năng xuất. Nếu đang thời kỳ ép nước mà gặp mưa thì không tính đến ép nữa. Lúc đó phải bón, phun loại phân ra hoa. Bón phun mạnh hơn mức bình thường. Nhưng với điều kiện phải đúng mùa ép để ra hoa, nếu sai thì hiệu quả không cao.

Gửi phản hồi mới

(?)