“Cơn sóng”… hồ tiêu (kỳ 2): Khuynh gia, bại sản vì… hồ tiêu
Từ cuối năm 2018 đến nay, ngoài việc giá hồ tiêu tuột dốc thê thảm thì hàng ngàn ha hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn bị nhiễm bệnh hoặc chết trắng. Trong bối cảnh đó, người nông dân không chỉ rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí còn khuynh gia, bại sản… bởi nỗi đau mang tên hồ tiêu.
>> Kỳ 1: Ðua theo cơn sốt… “vàng đen”
Gánh nặng nợ nần
Thực tế, sau khi hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng. Minh chứng rõ ràng nhất là từ nhiều tháng nay, trên các ngả đường dẫn về các vựa tiêu nổi tiếng ở huyện Đắk Song, Tuy Đức… có rất nhiều người dân, thậm chí cả những tỷ phú một thời cũng treo biển bán rẫy, bán đất, bán nhà… Sự khó khăn đang bao trùm lấy người dân trồng cây hồ tiêu.
Trở lại vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Việt, trú tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song), chúng tôi chứng kiến hàng ngàn trụ tiêu đã bị xóa sổ hoàn toàn. Anh Việt nghẹn ngào: “Khi những tháng mùa mưa năm 2018 kết thúc, thì đây cũng là lúc 16.000 trụ tiêu của gia đình đã héo lá, không còn sự sống. Vài tháng sau, khoảng 16.000 trụ tiêu của gia đình cũng chết trắng hoàn toàn. Gia đình tôi gặp vận đen thật rồi, hơn 8 tỷ đồng đổ ra sông, ra biển. Nếu bây giờ ngân hàng “siết nợ” thì gia đình tôi chỉ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy, ở xã Đắk N’Drung trước đây vay 900 triệu ngân hàng để trồng hơn 2 ha hồ tiêu. Theo tính toán, 2 ha hồ tiêu sau 3 năm sản xuất sẽ mang lại cho chị Thủy hàng trăm triệu đồng, nợ nần cũng sẽ giảm bớt, đời sống sẽ khấm khá hơn. Thế nhưng, trong năm 2018, cây hồ tiêu của chị Thủy không may bị nhiễm bệnh, chết sạch. Đến thời kỳ trả nợ ngân hàng, chị Thủy không còn cách nào khác mà ngậm ngùi chấp nhận bán nhà giá trị tiền tỷ, cùng nhiều diện tích đất đai để trả nợ ngân hàng. Chỉ riêng ngôi nhà của mình hơn một năm trước chị Thủy xây dựng đã hơn 1 tỷ đồng, nay cộng thêm cả mấy ha đất đai nhưng bán 1 tỷ đồng mãi mới có người mua. Sau khi bán hết tài sản trả nợ ngân hàng, gia đình chị đã phải bỏ về quê sinh sống cùng bố mẹ già.
Chị Thủy buồn bã: “Cũng vì ham “vàng đen” có giá cao nên gia đình tôi đã vay mượn đầu tư tiền tỷ vào cây hồ tiêu. Sau mấy năm lao động quần quật, lợi nhuận chẳng thấy đâu, giờ gia đình tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, phải bỏ xứ về quê ăn bám bố mẹ già”.
Một trường hợp khác là gia đình chị Phạm Thị Hồng Vân, ở xã Quang Tân, huyện Tuy Đức trước đây thế chấp 1,5 ha đất nông nghiệp, 2 lô đất thổ cư mặt đường để vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng phát triển 4.000 trụ tiêu. Trong đợt dịch bệnh hồ tiêu năm 2018, gần 3.500 trụ hồ tiêu của gia đình chị Vân bị nhiễm bệnh chết sạch.
Chị Vân ngậm ngùi: “Trồng cây không có ngày hái quả, chị Vân đã mất khả năng trả nợ cả lãi lẫn gốc cho ngân hàng. Bao nhiêu tài sản, vốn liếng gia đình tôi tập trung phát triển cho cây hồ tiêu thì giờ cũng đã tiêu tan, mất trắng”.
Theo thống kê, đến tháng 4/2019, trên toàn tỉnh Đắk Nông đã có trên 1.827 ha hồ tiêu bị chết; trên 2.698 ha hồ tiêu nhiễm bệnh (1137,7 ha nhiễm bệnh nhẹ, 815 ha nhiễm bệnh trung bình, 566,2 ha nhiễm bệnh nặng). Qua tính toán, chi phí người dân đầu tư trồng một ha hồ tiêu tốn kém trên 500 triệu đồng. Với diện tích tiêu chết và nhiễm bệnh nêu trên thì số tiền người dân trên toàn tỉnh Đắk Nông đã bị mất trắng lên đến cả ngàn tỷ đồng
Mong chờ “phao cứu sinh”
Thời điểm này hồ tiêu rớt giá sâu, vấn đề dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại… người nông dân như đang bị “hồ tiêu truy sát” tới cùng.
Rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le, chị Phạm Thị Hồng Vân, ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) mong muốn: Bao nhiêu vốn liếng, thậm chí cả tiền vay mượn gia đình tôi đều dồn tất cả vào cây hồ tiêu. Giờ đây, khi cây hồ tiêu chết sạch, gia đình tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Món nợ gia đình tôi vay ngân hàng đã quá hạn mấy tháng chưa trả được tiền lãi lẫn tiền gốc. Tôi mong muốn Nhà nước nghiên cứu phương án, giúp người dân chúng tôi khoanh nợ, giãn nợ. Có như vậy, gia đình chúng tôi mới tránh được cảnh tay trắng, có cơ hội tái đầu tư, bắt tay làm lại từ đầu. Về phía ngân hàng cũng tránh được những món nợ xấu.
Cũng liên quan đến cây hồ tiêu, ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song) đã vay mượn ngân hàng 900 triệu đồng để chăm sóc cho 11 ha tiêu trong giai đoạn thu bói. Vụ thu hoạch năm nay, ông Thắng thu về được 15 tấn hồ tiêu. Với nguồn thu như vậy ông Thắng không đủ để trả nợ ngân hàng.
Ông Thắng phân tích, 15 tấn hồ tiêu gia đình tôi thu về được 675 triệu đồng. Thế nhưng, chi phí thuê nhân công thu hái 15 tấn hồ tiêu đã tốn kém trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, trong 1 năm, công chăm sóc, phân thuốc cho 11 ha hồ tiêu cũng ngốn của gia đình khoảng 350 triệu đồng. Lao tâm khổ tứ chăm sóc 11 ha hồ tiêu cả năm, may mắn lớn nhất đối với gia đình tôi là cây tiêu không bị chết chứ về thu nhập thì rất buồn lòng, khoảng 120 triệu đồng. Khoản thu nhập này của gia đình tôi không bằng người đi làm công thuê. Theo ông Thắng, để đáo hạn ngân hàng, ông phải đi vay ngoài 900 triệu với lãi suất 4 triệu đồng một ngày. Sau 2 ngày hoàn thành thủ tục đáo hạn ngân hàng ông Thắng ngậm ngùi trả 8 triệu tiền lãi nóng.
Ông Thắng cho rằng, không riêng gì ông mà nhiều hộ gia đình khác mong muốn ngân hàng có cơ chế thoáng hơn trong việc đáo hạn. Chẳng hạn như không cần bỏ tiền gốc mà chỉ trả tiền lãi. Bởi thời điểm này, hầu hết người dân đều không có tiền mặt trong tay, phải đi vay mượn nhiều nơi, thậm chí vay nóng bên ngoài để đắp vào đáo hạn ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ở một góc độ khác, anh Nguyễn Văn Hanh, ở xã Đắk N’Drung buồn phiền: “Vừa qua, gia đình tôi có vay mượn bên ngoài để đảo nợ ngân hàng. Thế nhưng, về phía ngân hàng nhận thấy tài sản thế chấp không còn bảo đảm như trước, nguồn thu không đủ khả năng trả nợ nên từ chối không cho vay tiếp hoặc vay với mức thấp hơn rất nhiều. Từ đây, gia đình tôi đành phải bán vườn rẫy, xe cộ… để xử lý dứt điểm khoản nợ ngân hàng và một phần vay “nóng” bên ngoài chứ không sẽ chịu hậu họa về sau”.
Liên quan đến vấn đề này, các ngân hàng đã về cơ sở nắm bắt tình hình thực tế và tìm hướng tháo gỡ giúp dân. Thế nhưng, hiện nay, việc giãn nợ, khoanh nợ cho người dân là chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, về phía ngân hàng lại có triết lý kinh doanh riêng của mình. Phần lớn các hệ thống ngân hàng đều đồng quan điểm cho rằng, họ là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ dựa vào yếu tố lợi nhuận và an toàn đồng vốn. Tùy vào giá trị tài sản, khả năng trả nợ của người dân, ngân hàng mới đưa ra quyết định mức cho vay trong hạn mức cho phép. Thế nên, khi giá hồ tiêu chạm đáy, hoặc bị chết, mức cho vay bị giảm hoặc không đủ điều kiện cho vay lại cũng là điều dễ hiểu.
Qua đây cho thấy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần có sự vào cuộc khảo sát, thống kê, đánh giá về ngành hồ tiêu, tình hình sản xuất để có cơ chế hỗ trợ ngươi nông dân kịp thời, tránh tình trạng vỡ nợ, phá sản. Thậm chí khi người nông dân bước tới đường cùng phải vay nặng lãi bên ngoài… Có như vậy người nông dân mới có thể vượt qua khó khăn, thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng nặng nề về vốn và tư liệu sản xuất.
Cần có phương án hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho người dân
Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: Từ năm 2015 trở lại đây, cây hồ tiêu ở huyện Đắk Song có bước tăng trưởng thần tốc từ 8.000 ha lên 15.000 ha, trở thành “vương quốc” hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông. Điều đáng nói, trong giai đoạn này phần lớn người dân đều đã dồn hết vốn liếng, huy động anh em, họ hàng, thậm chí thế chấp hết tài sản vay mượn ngân hàng… ồ ạt phát triển nóng cây hồ tiêu. Giờ đây, bên cạnh việc hồ tiêu bị chết, việc giá cả tuột dốc không phanh (hơn 40 ngàn đồng/kg) đã khiến cho nhiều người dân điêu đứng, không có tiền trả nợ.
Thực tế cho thấy, bình quân 1 ha hồ tiêu người dân thu về khoảng 3 tấn hạt. Với giá cả như hiện nay, 3 tấn hồ tiêu mang lại cho người dân khoảng 130 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất được 1 kg hồ tiêu tốn kém khoảng 32.000 đồng, như vậy 3 tấn hồ tiêu người dân tốn gần 100 triệu đồng chi phí đầu tư, công cán. Thế nên, chỉ có những hộ gia đình nào không vay vốn ngân hàng mới có dư chút đỉnh. Còn đối với những hộ dân nào đã vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất hồ tiêu thì chắc chắn sẽ bị thua lỗ, không đủ trả lãi ngân hàng. Một khi sản xuất không đủ trả lãi ngân hàng thì đồng nghĩa với việc người dân sẽ buông xuôi, không có tiền đầu tư duy trì vườn rẫy. Ngặt nỗi đối với cây hồ tiêu chỉ cần người dân bỏ hoang 1 năm không chăm sóc thì sẽ bị tiêu tan, không còn cách cứu vãn.
Trước thực tế trên, thời gian qua, huyện Đắk Song đã đề nghị các cấp, ngành chức năng vào cuộc tính toán phương án hỗ trợ người dân về lãi suất, có phương án khoanh nợ, giãn nợ cho người dân tìm cách phục hồi sản xuất, trả dần các khoản nợ nhằm tránh cảnh tay trắng vì hồ tiêu.
10 phản hồi cho bài "“Cơn sóng”… hồ tiêu (kỳ 2): Khuynh gia, bại sản vì… hồ tiêu"
Chạy đua theo phong trào, phát triển diện tích ồ ạt, lạm dụng phân thuốc quá mức để nhanh thu hồi vốn, thỏa chí tiêu xài đồng tiền sẽ làm ra trong tương lai, chẳng khác gì đốt cháy tương lai…
Nhiều bà con nông dân Tây nguyên phải trả một cái giá quá đắt khi lao vào cây hồ tiêu !
Tự mình phải cân đối, điều chỉnh việc sử dụng, không lạm dụng phân thuốc, chuyển sang sản xuất chăm bón hồ tiêu tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững… Bà con nông dân Tây nguyên có thể sống ổn định, gắn bó lâu dài với cây hồ tiêu.
Theo tôi, khó khăn nhất hiện nay bà con gặp hải là thời tiết rất thất thường, khí hậu mưa nắng không ổn định, thời tiết không như trước đây tuy rằng bà con đã chủ động trồng cây che bóng, áp dụng nhiều hình thức tưới nước. Bên cạnh là việc thị trường có nhiều loại phân thuốc kém chất lượng nhưng được phép bán tràn lan mà không cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm… Khuyến nông, hội Nông dân… cũng tham gia quảng cáo sản phẩm phân thuốc kém hiệu quả, vì có “dấu hợp quy”. Chỉ riêng phân bón đã có hơn 20.000 nhãn mác khác nhau được lưu hành mà không thể hậu kiểm chất lượng được hết, nhà nông không thể thoát khỏi mê hồn trận này.
Tiêu không có lời nên cũng đã giảm nhiều, nay lại đến phiên sầu riêng cũng phân thuốc kinh khủng. Không biết tương lai ra sao ?
trên 2.698 ha hồ tiêu nhiễm bệnh (1137,7 ha nhiễm bệnh nhẹ, 815 ha nhiễm bệnh trung bình, 566,2 ha nhiễm bệnh nặng). 3 số trong ngoặc cộng lại còn nhỏ hơn con số 2.698 gần 200 ha rồi, thì làm sao mà trên được. Đọc mà thấy viết tùm lum quá.
Bạn Huân ở Đăk Nông xin gửi hình tiêu bị bệnh để được tham khảo ý kiến cộng đồng tư vấn, giúp đỡ.
Trân trọng !
>> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2019/08/huandaknong1.jpg
>> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2019/08/huandaknong2.jpg
Tiêu đã có hiện tượng vàng lá, rụng lá, rụng chuỗi, là bệnh nặng lắm rồi. Khẩn trương xử lý may ra có thể còn cứu kịp.
Trên hình cho thấy tiêu bị cả bệnh héo chết nhanh lẫn bệnh vàng lá chết chậm
Tham khảo bài này để xử hóa học hay sinh học tùy chọn…
http://www.giatieu.com/phong-tru-dich-benh-gay-hai-ho-tieu-khi-thoi-tiet-thay-doi-2/9557/
Trên hình cho thấy tiêu bị cả 2 bệnh chết nhanh và chết chậm nặng, cần xử lý kịp thời:
-Tuyệt đối ngưng các loại phân bón lá lẫn bón gốc để không làm bệnh nặng thêm.
-Dùng xạ khuẩn streptomyces trong sản phẩm Forge SP xử lý, liều lượng theo nhà phân phối tư vấn. Hoặc xem kỹ phần tư vấn của tôi trên bài giới thiệu các loại phân hữu cơ của Công ty TNHH Innolite có trên giatieu.com
-Không cần phối trộn thêm bất kỳ thứ gì. Chỉ hồi phục cây sau khi đã ngăn chặn được bệnh.
Chỗ nào chưa rõ, nên trao đổi thêm để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc…
Hóa học dùng Mancozeb+Melataxyl 72 WP, sinh học dùng xạ khuẩn trong Forge SP, như giatieu.com đã giới thiệu.
Hoặc có thể tìm mua những sản phẩm tương tự miễn là hàng có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Mong bạn có quyết định phù hợp, đúng đắn để sớm diệt các bệnh nấm nguy hiễm này. Đừng để chậm trễ phải bó tay !
Tiêu nhà em cũng bị bệnh giống như vậy. Nhưng ba em chỉ muốn dùng thuốc hóa học hơn là thuốc sinh học. Mấy bác hàng xóm cũng bảo thuốc sinh học không bằng hóa học.
Em không biết phải làm sao đây…
@Hoabuonho
Biết làm sao được khi các nhà nông dùng phân thuốc hóa học đã thành thói quen khó sửa. Với lại hóa học tác dụng nhanh, trong khi sản phẩm sinh học còn tùy chất lượng nhưng quảng cáo nói vống, nói quá cũng phát ớn, làm bà con mất hết niềm tin.
Thị trường cũng tràn lan phân thuốc kém chất lượng, không thể kiểm soát !
Chỉ biết khuyên bạn hãy tự mình thử nghiệm để lựa chọn sản phẩm. Không thử nghiệm, không lắng nghe bà con trao đổi… thì chính bạn mới bị thiệt thòi.