“Cơn sóng”… hồ tiêu (kỳ 3): Cần đưa cây hồ tiêu trở về quỹ đạo phát triển ổn định
Trong xu thế hiện nay, việc người nông dân “bán cái mình có” chứ không phải “bán cái thị trường cần” đã mang lại thất bại năng nề và cây hồ tiêu càng không ngoại lệ. Sau cơn “sóng thần hồ tiêu” hiện nay, các ngành chức năng cho rằng đây chính là cơ hội để thay đổi quan điểm làm nông nghiệp của người dân, tái kiến thiết lại ngành hàng hồ tiêu phát triển theo một quỹ đạo ổn định, bền vững.
>> Kỳ 1: Ðua theo cơn sốt… “vàng đen”
>> Kỳ 2: Khuynh gia, bại sản vì… hồ tiêu
Góc nhìn thị trường
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, những năm về trước, hồ tiêu Việt Nam “làm mưa, làm gió”, trên thị trường và dẫn đầu thế giới về sản lượng. Thế nhưng, hiện nay, “cơn gió” này đã đảo chiều bởi hơn hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như: Brazil, Malaysia, Indonesia… trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về ngành hàng hồ tiêu cả sản lượng lẫn chất lượng.
Đơn cử như Brazil, vài năm trở lại đây, hồ tiêu không chỉ tăng nhanh về diện tích mà còn tuân thủ quy trình canh tác hồ tiêu theo hướng bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, Chính phủ Brazil đã có chính sách cho nông dân vay vốn với lãi suất chỉ 2,8-3%/năm, áp dụng từ năm thứ 3 trở lên nên đã khuyến khích người dân phát triển mạnh diện tích hồ tiêu.
Ngoài điều kiện đất đai màu mỡ cho năng suất cao thì Brazil chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại nên chi phí sản xuất cũng giảm mạnh so với Việt Nam. Vì vậy, hồ tiêu Brazil đã chào bán ra thị trường thế giới với giá thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Không chỉ có giá thành thấp mà chất lượng hồ tiêu của Brazil tung ra thị trường thế giới có tới 80% sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch. Đặc biệt, nhiều vùng tiêu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng 0. Vì vậy, hồ tiêu Brazil đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường tiềm năng của thế giới như: Mỹ, Hà Lan, Pháp, Mexico, Marocco…
Tại Malaysia, nước này cũng đang xây dựng thương hiệu hồ tiêu mang tính quốc gia. Theo đó, tại các cảng biển xuất khẩu, Malaysia xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng ngay tại nơi thông quan bằng việc test mẫu những lô hàng trước khi xuất cảng nhằm bảo đảm tiêu chuẩn sạch trước khi xuất ra thị trường quốc tế. Vì vậy, hồ tiêu Malaysia chắc chắn có giá bán cao hơn hồ tiêu Việt Nam, hiện họ là đối tác hàng đầu của Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên toàn thế giới đã vượt cầu khá nhiều. Dự báo trong những năm tới, sản lượng hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng mạnh. Bởi vậy, hiện nay, nhiều nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới đều có mức tồn kho đáng kể. Thế nên, việc giá tiêu đi xuống đã phản ánh đúng thực tế diễn biến thị trường cung vượt quá cầu. Hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về sản lượng lẫn chất lượng từ các nước như: Brazil, Malaysia, Indonesia… thì hồ tiêu của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng cần phải xây dựng được thương hiệu, tìm được chỗ đứng “đủ tầm” để phát triển bền vững.
Hồ tiêu hữu cơ vẫn “đắt xắt ra miếng”
Hiện nay, giá hồ tiêu như xe xuống dốc không phanh, chưa đầy 50 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, đối với hồ tiêu sạch, tiêu hữu cơ… giá bán vẫn duy trì khá ổn định từ 90 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/kg tùy từng loại.
Trận “đại dịch hồ tiêu” vừa qua đã tàn phá cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông một cách nặng nề. Thế nhưng, hơn 20 ha hồ tiêu sinh thái của ông Đinh Xuân Thu, ở Nâm N’Jang (Đắk Song) không bị ảnh hưởng gì. Cây hồ tiêu của ông Thu vẫn phát triển xanh tươi. Thậm chí, những vườn tiêu được ông Thu trồng cách đây 18 năm đã cao tuổi nhưng vô tư kháng cự được tình hình thời tiết diễn biết bất lợi. Điều đáng phấn khởi nhất là mỗi tấn hồ tiêu của mình, ông Thu vẫn bán được với giá cao ngất ngưởng, trung bình 200 ngàn đồng/kg.
Theo ông Thu, sở dĩ vườn tiêu của gia đình ông sống khỏe hàng chục năm nay là do gia đình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Cây hồ tiêu hoàn toàn phát triển một cách tự nhiên chứ không bị thúc ép về năng suất, sản lượng. Ngay từ đầu, mục tiêu của gia đình ông là sản xuất tiêu hữu cơ (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) nhằm bảo đảm sức khỏe con người, hướng sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường như: Hà Lan, Hoa Kỳ… với giá bán cao.
Ông Thu phấn khởi cho biết: “Giá hồ tiêu đang bị sụt giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm sản xuất hồ tiêu hữu cơ của gia đình tôi chưa bao giờ rớt giá. Trung bình mỗi tấn hồ tiêu, ông Thu sản xuất được 300 kg tiêu đỏ (tiêu chín đỏ) với giá 250 ngàn đồng/kg) và 700 kg tiêu đen với giá 150 ngàn đồng/kg.
Khi đại đa số người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lao đao vì giá tiêu giảm sâu thì có một số người dân sản xuất tiêu sạch, hữu cơ ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) vẫn bán được tiêu với mức giá cao gấp đôi thị trường. Thay vì sử dụng phân, thuốc hóa học, bà con chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ nên không chỉ giảm đáng kể chi phí sản xuất mà giá bán cũng cao hơn. Theo ông Đào Duy Hải, một thành viên trong tổ hợp tác sản xuất tiêu hữu cơ ở Đắk R’lấp thì việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không thể đạt tuyệt đối về năng suất như sản xuất đại trà hiện nay (từ 4 – 5 tấn/ha) nhưng luôn giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3 – 4 tấn.
Hiện nay, sau khi thực hiện xong các công đoạn sau thu hoạch như: phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hồ tiêu của HTX được công ty liên kết thu mua với giá 90.000 đồng/kg, cao hơn 45.000 đồng/kg so với thị trường chung. Dẫu biết lợi ích rõ ràng song để trồng hồ tiêu sạch, hữu cơ, người nông dân phải có đầy đủ nhận thức, nguồn lực tài chính và sự liên kết đầu ra ổn định. Đây chính là cái khó khiến diện tích hồ tiêu hữu cơ, tiêu sản xuất đạt chuẩn hiện nay vẫn “đếm trên đầu ngón tay”.
Xây dựng chiến lược rõ ràng
Bàn về giá cả hồ tiêu, ông Nguyễn Duy Tường, Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, ở thị xã Gia Nghĩa, một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu hồ tiêu cho biết, khi giá hồ tiêu kéo về mức khoảng 50 ngàn đồng/kg thì người trồng hồ tiêu đang làm công cho người khác kiếm lời. Do lâu nay người làm hồ tiêu chỉ chú trọng đến năng suất, không chú trọng đến chất lượng và bám vào nhu cầu thị trường nên chuyện vỡ trận như ngày hôm nay là điều đã được dự báo từ trước. Chính người nông dân chúng ta đang tự tạo ra một món hàng giá rẻ mà thị trường quốc tế có quyền cầm lên, đặt xuống, thoải mái trả giá. Không chỉ hồ tiêu mà cả các mặt hàng nông sản khác, điều đáng tiếc là Việt Nam đang thiếu một nền công nghiệp chế biến sâu nhằm phụ trợ tích cực cho sản xuất và thị trường. Phần lợi nhuận thương mại chúng ta không có mà mới chỉ dừng lại ở dạng xuất thô ban đầu.
Trao đổi về vấn đề xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Liên Thành, đơn vị xuất khẩu hồ tiêu lớn ở tỉnh Bình Dương cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có sản xuất tiêu sạch, kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm thì mới giúp hồ tiêu Đắk Nông phát triển bền vững về lâu về dài chứ không thể “ăn xổi” như những năm qua được nữa. Bởi thị trường hồ tiêu thế giới giờ không chỉ là cuộc chơi của riêng người Việt Nam mà là của toàn cầu. Vì vậy, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn là nguyên tắc bắt buộc đối với mọi sản phẩm nếu muốn phát triển bền vững và tham gia vào các thị trường khó tính trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Sở dĩ giá bán hồ tiêu đạt chất lượng hữu cơ cao là vì trên thế giới sản lượng mặt hàng này chiếm chưa tới 2%. Sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ có giá bán cao hơn giá xô thị trường từ 2-6 lần nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Là một trong những hộ gia đình tiên phong trong việc thay đổi quan điểm phát triển nông nghiệp sạch, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm cho biết: “Ngoài bản thân người nông dân sớm thay đổi phương thức sản xuất thì Nhà nước phải thể hiện vai trò “nhạc trưởng” trong việc quy hoạch, phát triển nông nghiệp phù hợp quy hoạch. Từ việc tuân thủ quy hoạch, người nông dân cần được tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về vốn, khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác, liên kết sản xuất cũng như kiểm soát giống, dịch bệnh, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, cây hồ tiêu mới mong tránh khỏi vết xe đổ của một số loại cây trồng như cao su, thanh long… sẵn sàng bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Toàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống hồ tiêu đầu dòng, bảo đảm sạch bệnh. Ông Nguyễn Thiện Chân, Chi Cục Phó Chi cục phát triển nông nghiệp cho rằng: Tỉnh Đắk Nông có diện tích cây hồ tiêu đứng vào tốp đầu cả nước. Thế nhưng, thời gian qua người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chủ yếu phát triển cây hồ tiêu theo hình thức mạnh ai nấy làm, còn cơ quan chức năng thì vẫn đang đứng ngoài cuộc chưa có giải pháp cụ thể. Trước hết, đối với tình trạng cây hồ tiêu khi bị nhiễm bệnh thì chết đồng loạt là câu chuyện đã lặp đi, lặp lại nhiều năm nay. Về mặt khoa học, cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt cành, giâm làm giống… sẽ khiến cho dịch bệnh dễ dàng lây lan từ mẹ sang con, từ vườn này sang vườn khác. Thế nhưng, hiện nay, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh vẫn sản xuất giống theo cách làm này hoặc mua trôi nổi ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đem về sử dụng. Thế nên, tình trạng dịch bệnh lây lan trên cây hồ tiêu ở tỉnh Đắk Nông là rất khó kiểm soát. Có thể khặng định rằng, khó khăn đối với người trông hồ tiêu bắt đầu ngay từ khâu chọn giống. Tuy nhiên, trên toàn tỉnh Đắk Nông chưa có một cơ sở nào sản xuất được giống hồ tiêu đầu dòng, bảo đảm sạch bệnh.
Một vấn đề rất đáng quan tâm khác, hiện nay, bệnh “chết nhanh – chết chậm” do nấm và tuyến trùng là một thách thức chưa được cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu giải quyết triệt để. Để giải cứu cây hồ tiêu trước nguy cơ nhiễm bệnh trên cây hồ tiêu, ngay từ bây giờ là các viện nghiên cứu khoa học, các cơ quan chuyên môn… cần sớm nghiên cứu, sản xuất ra các loại giống hồ tiêu phù hợp với vùng đất, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông. Trước thực trạng cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh, bị chết trên diện rộng, chính quyền địa phương cần vào cuộc rà soát, quy hoạch chi tiết vùng trồng cây hồ tiêu, để người dân được biết và đưa loại cây trồng chủ lực này trở về quỹ đạo của nó.
1 phản hồi cho bài "“Cơn sóng”… hồ tiêu (kỳ 3): Cần đưa cây hồ tiêu trở về quỹ đạo phát triển ổn định"
Xưa nay tôi hay nghe nói nuôi con gì trồng cây gì đem lại thu nhập khả quan cho nông dân đều có sự tham gia chỉ đạo tư vấn của nhiều ban ngành chuyên môn…
Nhưng với cây hồ tiêu nay đã vươn lên hàng đầu thế giới thì trong bài này nhà báo lại viết : “còn cơ quan chức năng thì vẫn đang đứng ngoài cuộc”… Vậy đó !