Đặc điểm của nhóm thuốc trừ bệnh
Thuốc trừ bệnh còn gọi là thuốc trừ nấm cây được dùng để phòng trừ nhiều loại vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng và các loại nông sản.
Đọc thêm>> Đặc điểm của nhóm thuốc trừ sâu
Tuy có tên gọi là thuốc trừ nấm (Fungicide) nhưng nhóm thuốc này chẳng những có hiệu lực phòng trị nấm ký sinh, mà còn có tác dụng phòng trừ vi khuẩn, xạ khuẩn gây hại cho cây và nông sản.
Tác động của thuốc trừ bệnh (thuốc trừ nấm) đến vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng
Dựa theo tác động của thuốc đến vi sinh vật, có thể phân các thuốc trừ nấm thành 2 nhóm:
– Thuốc có tác dụng phòng bệnh: (còn gọi là thuốc có tác dụng bảo vệ cây). Thuốc được phun xịt lên cây hoặc trộn – ngâm hạt giống, có tác dụng ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập vào bên trong mô thực vật để phát triển rồi gây hại cho cây trồng. Những thuốc này phải được dùng sớm, khi dự báo bệnh có khả năng xuất hiện và gây hại cho thực vật. Nếu dùng chậm thuốc không thể ngăn chặn được bệnh phát triển. Ví dụ: Boóc đô, Đồng oxyclorua, Monceren, Mancozeb, Chlorothalonil, Propineb…
– Thuốc có tác dụng trừ bệnh: Khi phun lên cây, thuốc có khả năng xâm nhập dịch chuyển bên trong mô thực vật và diệt được vi sinh vật gây bệnh đang phát triển ở bên trong mô thực vật. Nhiều loại thuốc trừ nấm thông dụng ở nước ta là những thuốc có tác dụng trị bệnh như Aliette, Anvil, Kitazin, Validacin, Metalaxyl, Carbendazim…
Khi bệnh vừa chớm phát hiện cần phải tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay. Phun muộn thì cho dù có diệt được nấm bệnh ở bên trong mô thực vật, nhưng cây sẽ khó hồi phục và điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, chất lượng nông sản.
Đặc điểm chung của các thuốc trừ bệnh
Cũng như các loại thuốc khác, đa số các thuốc trừ nấm sử dụng trong nông nghiệp đều là các hợp chất hữu cơ tổng hợp, so với thuốc trừ sâu thì thuốc trừ nấm thuộc nhiều nhóm hoá học hơn, phức tạp hơn.
Một số ít thuốc trừ nấm vô cơ còn được dùng hiện nay là các thuốc chứa đồng (Boóc đô, Đồng oxyclorua, Đồng sunfat…) thuốc chứa lưu huỳnh (Micrithiol, Sulox…)
Một số thuốc trừ nấm bệnh là những chất kháng sinh (Validamicin, Kasugamicin…)
Có những thuốc trừ nấm chỉ có tác dụng phòng trị một hoặc vài bệnh nhất định.
Ví dụ Kitazin P chỉ có tác dụng trị bệnh đạo ôn (Bệnh cháy lá) hại lúa. Có những loại lại có tác dụng trừ được rất nhiều loại nấm bệnh khác nhau, trên nhiều cây trồng khác nhau, ví dụ: các thuốc trừ nấm Boóc đô, Đồng oxyclorua, Benlat – Copper Sulfate ,…
Sử dụng có hiệu quả thuốc phòng và trừ bệnh
Nên sử dụng thuốc phòng bệnh khi thấy có những điều kiện phù hợp cho nấm bệnh phát triển (thường là sau khi có mưa kéo dài và độ ẩm không khí cao hoặc tại địa phương phát hiện đã nhiễm bệnh).
Khi thấy bệnh vừa chớm xuất hiện, cũng có thể ngắt những lá bị bệnh đem đốt đi và phun thuốc phòng để bệnh không lan sang cây khác. Với những cây có giá trị kinh tế cao, nên phun thuốc phòng bệnh theo định kỳ.
Khi bệnh có dấu hiệu lan rộng thì nên phun thuốc trừ bệnh, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến cán bộ kỹ thuật ở địa phương để chọn loại thuốc trị bệnh hữu hiệu nhất cho loại bệnh cần trừ. Trong một số trường hợp, có các tổ nấm cùng xuất hiện một lúc nên một loại thuốc trừ bệnh có thể không loại bỏ được hết chúng. Để khắc phục có thể phun hỗn hợp hai loại thuốc phòng và trừ một lúc (như Metalaxyl + Mancozeb, Carbendazim + Sulfur…) bằng cách sử dụng các thuốc tổng hợp đã có sẵn ở thị trường hoặc tự mua từng loại riêng rẽ về và pha hỗn hợp trong bình phun. Thuốc trừ bệnh không như trừ sâu và cỏ dại, cần được sử dụng ở giai đoạn sớm vì không thể cứu cây trồng khi đã bị bệnh làm héo, thối,…
Trong các thuốc trừ nấm có một số loại nếu không sử dụng đúng kỹ thuật, thuốc sẽ gây hại cho cây trồng. Thuốc Boóc đô nếu không được pha chế đúng cách, khi phun dễ có khả năng gây cháy lá hoặc làm cho hoa bị hại; thuốc lưu huỳnh dùng vào những ngày bị nắng nóng nhiều có thể trở thành kém an toàn với cây.
102 phản hồi cho bài "Đặc điểm của nhóm thuốc trừ bệnh"
Chào bác Vịnh và diễn đàn .
Bác cho cháu hỏi tiêu kinh doanh nhà cháu trồng đã được 8 năm. Phát triển tốt nhưng do ngày trước nhà cháu trồng mật độ dày nên mùa mưa thường xuyên bị nấm hồng trên ngọn. Tuy có xịt thuốc nhưng vẫn bị lây lan sang bụi khác và thỉnh thoảng bị tái phát lại. Cho cháu hỏi mình nên xử lí thế nào cho hạn chế bệnh. Và có loại thuốc nào đặc trị nấm hồng cho cây tiêu nhờ bác tư vấn giúp với ạ.
Chúc bác và cộng đồng giatieu.com sức khỏe .
Cần phối hợp 2-3 loại thuốc chống nấm như trên bài báo mới hiệu quả lâu bền hơn. Nếu dùng riêng rẽ thì dùng lần sau nên đổi thuốc tránh bị nhờn.
Chào bạn Tan85 và diễn đàn
Về mặt dùng thuốc BVTV để điều trị bệnh nấm hồng không khó, tuy nhiên bệnh thường tái phát và lây lan nhanh qua các cây khác do các bào tử nấm vẫn còn tồn tại trong đoạn ngọn đã chết mà khi phun thuốc không thể diệt được (do thuốc không thể lưu dẫn vào trong đoạn thân đã chết)
Để giải quyết triệt để bệnh nầm hồng trên cây hồ tiêu cần làm những bước như sau:
– Cắt bỏ phần cây bị bệnh chết và tiêu hủy
– Tiến hành phun thuốc bệnh đối với các cây bị bệnh và các cây xung quanh (thông thường trong bán kính khoảng 10-15m)
– Có thể dùng kết hợp các hoạt chất sau: Hexaconazole + Carbendazim ; Azoxystrobin + Chlorothalonil hoặc có thể sử dụng riêng lẽ hoạt chất pencycuron…
thân chào!
Vâng.
Cảm ơn bác Vịnh và anh Nguyên Trần.
Do hay bị tái phát nên nhà cháu phun thuốc validan trực tiếp vào cành và thân chỗ bị nấm hồng. Pha với tỷ lệ đặc nên tránh không cho dính vào lá. Không rụng lá, quả, rất hiệu nghiệm nhưng chắc do còn sót lại phần lá vẫn nhiễm bệnh. Lần sau cháu phun thuốc khác kết hợp phối trộn với nhau để phun vậy.
Chúc bác và cộng đồng tràn đầy sức khỏe và có những bài viết bổ ích cho mọi người cùng tham khảo.
Xin cho hỏi cây tiêu sau quá trình bị chết nhanh nhũng cây còn lại chưa có biểu hiện bệnh thì xử lý thế nào. Nhờ các bác giúp em với nếu không vườn tiêu nhà em chết hết quá !
Bạn Hiệp thân mến.
Khi trong vườn tiêu đã có một số cây bị chết do mắc bệnh chết nhanh thì những cây khác còn sống mặc dù chưa có biểu hiện bệnh lý gì nhưng hầu như tất cả đều đã bị bào tử nấm xâm nhập vào rồi và các triệu chứng bệnh lý chỉ xuất hiện khi nấm bệnh phát triển đến mức độ gây thối rễ hoặc thối gốc ở vùng ngang mặt đất thì lúc này các triệu chứng bệnh lý như vàng lá, héo lá mới xuất hiện. Nếu để cho bệnh tự do phát triển đến giai đoạn này thì không còn khả năng cứu chữa nữa mà phải chủ động phòng ngừa và ngăn chặn ngay từ khi nấm bệnh mới xuất hiện hay xâm nhập vào cây. Do đó với những cây tiêu còn sống sót trong vườn cho dù chưa có biểu hiện bệnh lý cũng vẫn cần phải phun thuốc trừ bệnh như bác Vịnh đã hướng dẫn ở trên.
Lưu ý là ngay cả một số thuốc đặc trị nấm bệnh cũng chỉ có hiệu quả cao đối với nấm bệnh còn ở dạng bào tử. Nếu nấm bệnh đã xâm nhập vào cây và phát triển thành sợi thì hiệu lực của thuốc không cao, do đó ngay cả khi đã phun thuốc toàn bộ vườn cây thì vẫn có những cây khác tiếp tục chết, đó là những cây đã bị nấm bệnh xâm nhập và phát triển thành sợi nên thuốc không tiêu diệt được hoàn toàn. Bên cạnh đó một số tổ chức tế bào của cây đã bị các độc tố của nấm bệnh gây tổn thương đến mức không thể phục hồi được sau khi nấm bệnh đã bị tiêu diệt thì những cây này sẽ vẫn bị chết cho dù chúng ta phun thuốc trừ bệnh.
Mặt khác thuốc trừ bệnh nói riêng và thuốc BVTV nói chung thường chỉ duy trì độc tính của nó trong khoảng từ 7 đến 15 ngày tùy từng loại thuốc. Do đó sau khoảng thời gian này nếu nấm bệnh từ môi trường tự nhiên tấn công vào cây thì cây sẽ vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh nếu không có khả năng tự đề kháng tốt. Vì vậy khi trong vườn đã có dấu hiệu bệnh xuất hiện thì phải dùng thuốc đặc trị để xử lý và sau khi sử dụng thuốc để diệt trừ nấm bệnh cần phải cung cấp cho cây những chất dinh dưỡng có tác dụng tăng cường sức đề kháng đối với nấm bệnh. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì khi nấm bện xuất hiện và xâm nhập vào cây tiêu, cây sẽ tự sản sinh ra kháng thể ngăn chặn và làm cho nấm bệnh không tự do phát triển gây hại cho cây được. Đó chính là giải pháp mà chúng ta cần thực hiện và chỉ có như vậy thì vườn tiêu mới có thể phát triển lâu dài bền vững.
Chúc bạn thu được những kết quả tốt trong việc chăm sóc vườn tiêu của mình
Theo mình khi đã sử dụng biện pháp hoá học xong 1 thời gian sau bạn nên bón bổ sung trichoderma kết hợp với biogel hoặc các loại phân sinh học khác là đảm bảo nhất.
Xin cho em hỏi nhà em có trồng 200 cây bưởi da xanh năm nay được 2 năm rồi mà bắt đầu mùa mưa cây bưởi bị vàng lá lá bưởi cong lại gân lá vàng nhiều lá gân bị đen nhưng mà lá không bị rụng cây ra tược non ngắn rồi cũng vàng luôn nhiều cây ra hoa nữa. Bưởi em lên liếp cao thoát nước tốt. Cho em hỏi bưởi em bị bênh gì và cách phòng trị em cám ơn nhiều !
Nhiều khả năng đất bị dư phèn, thiếu trung vi lượng. Cần cải tạo bằng vôi+lân và tăng cường bón các loại phân hữu cơ ủ hoai.
Có thể phun sinh học biosol, xử lý kép, để giúp cây nhanh chóng lấy màu xanh.
Chào chú Vịnh và diễn đàn. Cho cháu hỏi đối với cây con xạ hạt được 15 ngày tuổi đã lên khỏi mặt đất và có 2 lá nhỏ mà bị nấm thì nên phun thuốc gì là hiệu quả nhất. Cháu đang xạ hạt cà gai leo khoảng 100 vạn cây con nên cần chú tư vấn giúp.
Cháu có thể dùng 1 trong các thuốc sau để phun: Anvil, Carbendazim, Aliette…
Lần sau, khi gieo hạt nên kết hợp với nấm đối kháng tichoderma sp. để phòng bệnh luôn.
Thân
Xin chào giatieu.com !
Gần đây Đài Loan và Indonesia cảnh báo nông sản nước ta nhập và họ có hoạt chất trừ nấm prochloraz bị cấm. Em muốn biết hoạt chất này có trong những sản phẩm thuốc nào để biết. Em cám ơn giatieu.com nhiều !
Hoạt chất Prochloraz là một hợp chất hóa học có tác dụng trừ nấm và ngăn cản sự phát triển của bào tử nấm, được dùng làm chất bảo quản chống nấm mốc, xếp vào nhóm độc chất 3. Ở nước ta các sản phẩm thuốc BVTV có chứa Prochloraz như: Agrivil, Atilora, Dailora, Mirage, Nizonix, Octave, Telent,… và một số thuốc hỗn hợp khác để trừ các bệnh thán thư, khô vằn, đốm lá…
Bà con nên ngừng sử dụng loại thuốc này 90 ngày trước thu hoạch để tránh tồn dư bị cấm trên các loại nông sản phẩm.
Bác Vịnh ơi cho cháu hỏi cây cam nhà cháu thường bị ghẻ nhám, cháu có xịt nhiều loại thuốc nhưng vẫn tái phát. Bác cho cháu cách phòng và trị hữu hiệu được ko?
Bạn dùng các thuốc nấm gốc đồng hay gốc nhôm… phun để trị bệnh này !
Xin chào bác. Bác cho cháu hỏi, hiện nay cháu có trồng 1 vườn đu đủ nhưng do chưa có kinh nghiệm, bác chi cháu hỏi 1 số kỹ thuật chăm sóc giống cây này và cho cháu hỏi cách nhận biết và đặc trị của bệnh bạc đầu trên cây đu đủ và cây du đủ xen canh với giống cây ngắn ngày nào thì thích hợp nhất ạ. Xin cảm ơn bác.
Chào @nguyễn bá thông
Theo nghiên cứu trước đây thì bệnh bạc đầu của đu đủ là do virus, nhỗ bỏ. Nhưng ngày nay thì cho là thiếu trung vi lượng… Bạn điều trị theo 2 hướng này, có thể dùng kháng sinh thực vật (rượu ngâm tỏi, ớt, hành tây…) và bón trung vi lượng. Cây đu đủ không tích hợp để xen canh vì rễ cây tiết acid khiến các cây trồng khác khó sống.
Trên đây là kiến thức cũ và là ý kiến chủ quan của tôi. Không biết bây giờ có nghiên cứu gì mới không. Bạn tìm hiểu thêm.
Thân
Xin chào bác và cộng đồng.
Vườn tiêu nhà cháu mấy năm nay thường xuyên bón nấm tricho nên giảm sâu bệnh rõ rệt. Năm nay mưa nhiều, lá tiêu có hiện tượng bị nấm thán thư. Ba cháu muốn phun thuốc diệt nấm nhưng còn băn khoăn vì có thể làm hại tricho. Ba cháu nhờ bác và cộng đồng tư vấn ạ . Ba cháu xin cám ơn.
Muốn nấm tricho đỡ bị gây hại thì phải phun thật sương, hạn chế tối đa việc để thuốc nhỏ xuống gốc tiêu.
Bác Vịnh cho cháu hỏi với ạ, phun thuốc trừ nấm bệnh trên cây dưa thời kỳ ra hoa đậu quả thì có ảnh hưởng đến khả năng đậu quả và phát triển quả không ạ?
Chú ý sử dụng thuốc BVTV theo “4 đúng” thì không vấn đề gì.
Bác Vịnh và các ace xin chỉ giúp. Hiện tại tiêu đang có trái non nhưng bi bệnh tảo đỏ nặng. Phun thuốc gốc đồng có ảnh hưởng không? Có loại thuốc nào trừ bệnh này tốt ngoài thuốc gốc đồng không?
Tuyệt đối không phun thuốc trị nấm gốc đồng, nhôm, lên cây đang nuôi trái non !
Thuốc trị nấm có các hoạt chất Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, Carbendazim, Validamycin… đều đạt hiệu quả tốt.
Bạn có thể dùng thuốc có hoạt chất kết hợp Mancozeb+Metalaxyl 72WP để phun và tưới gốc trị bệnh này.
Chào bác Vịnh,
Tiêu nhà cháu bị lở cổ rễ nhiều. Có cách nào trị không bác.
Pha Đồng Đỏ đậm đặc gấp 5 lần khuyến cáo trên bao bì. Dùng chổi sơn quét thuốc từ cổ rễ lên phần thân gốc trong khoảng 25-30 cm. Lặp lại vài lần cách nhau vài ngày.
Chào diễn đàn! Cho hỏi mọi ngưỡng là tiêu lươn trồng được 3 tháng giờ mình xịt siêu lân để kích thích ra rễ mạnh thêm nữa được không? Xin cám ơn!
Bạn nên dùng các loại phân hữu cơ hay sinh học dạng nước đổ gốc như các loại aminoacid, biogel sẽ hiệu quả bền vững hơn.
Chào diễn đàn. Cho em hỏi phòng trừ bệnh mốc sương cà chua, khoai tây bằng thuốc boocdo thì dùng với liều lượng và nồng độ như thế nào ạ. Thời gian dùng ra sao. Em cảm ơn !
Pha dung dịch boocdo nồng độ 1% là được, chỉ phun khi thấy nấm bệnh xuất hiện trên cây hoặc đổ để diệt bào tử nấm bệnh trong đất.
Chào bác, cháu có thắc mắc xin được bác giải đáp ạ
Nhà cháu có một giàn phong lan nhỏ ngay trước sân nhà, cháu muốn dùng một số thuốc phòng và trị bênh (chủ yếu là nấm và vi khuẩn) nhưng cháu rất ngại vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Vì cháu không nắm rõ tác hại của một số loại thuốc trị bệnh cho lan ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe (trước mắt và lâu dài). Mong bác tư vấn giúp, cháu cảm ơn bác rất nhiều !
Pha Đổng đỏ hay Aliete đậm gấp đôi liều phun, dùng cọ quét nhẹ lên vết nấm gây tổn thương lá, 2-3 ngày quét lại. Không nên phun để tránh thuốc bay lung tung…
Nếu số lượng nhiều, pha dung dịch boocdo nồng độ 2-3% quét lên vết nấm rất hiệu quả.
Nếu số ít thì mua 1 gói Đồng đỏ quét lên cũng tốt.
Nhà cháu cấy 3000 cà tím cây bị xoăn lá và cháy, bìa lá xoăn. Vậy cho cháu hỏi cây cà nhà cháu bị bệnh gì và cho cháu cách trừ.
Chào bác Vịnh ạ. Bác ơi cho cháu hỏi là cây mận hậu bị bệnh chảy gôm thì trị bằng Aliette phun đều trên lá và thân có được không ạ. Cháu thấy một số thông tin hướng dẫn là cạo vết sẹo xong xịt thuốc. Nhưng diện tích bi nhiều thì cháu không cạo được. Cháu phun đều trên thân và lá. 10 ngày sau cháu phun nhắc lại được không ạ.
Bác ơi cháu đang cần gấp ạ !
Phun không hiệu quả bằng pha đậm đặc dùng chổi quét lên vết loét. Nên cạo sạch vết loét rồi quét thì chắc hơn. Phun thân và lá phải dùng thuốc lưu dẫn. Tốt nhất là dùng hỗn hợp Mancozeb+Metalaxyl 72 WP.
Dạ xin chào bác Vinh và diễn đàn ạ. Con đang canh tác cây dưa lưới, hiện vườn con đang trong thời gian thu dọn để chuẩn bị canh tác lại. Nhưng vườn đã bị nhiễm nấm khuẩn do các bệnh thối thân, héo rũ để lại. Xin bác cho con hỏi giờ con nên dùng thuốc gì để xử lý nấm khuẩn để có thể canh tác lại an toàn ạ. Con xin cảm ơn ạ
Bạn nên dùng các thuốc gốc đồng, gốc nhôm để xử lý. Hoặc có thể tự pha boocdo 1% để sử dụng. Chú ý mua sunfat đồng loại chất lượng.
Dạ xin chào các bác ah.
Hiện giờ trên thanh long nhà em nó bị bệnh nắm trắng gây hại năng cần nên dùng các loại thuốc nào là hiệu quả để phòng ngừa được, các loại thuốc đó được nằm trong danh mục thuốc BVTV và cách dùng luân phiên các loại thuốc như thế nào để hiệu quả phòng trừ. Em xin chân thành cảm ơn
Pha boocdo 1% phun 2 lượt rồi phun hexaconazole nhắc lại sẽ khỏi ngay.
Chào bác
Bác cho em hỏi cây cà phê bị rỉ sắt nặng thì xịt cái nào hiệu quả được, có vẻ như cây nhà em đã lờn với til và anvil. Có biện pháp nào hiệu quả được nữa ko? Em cám ơn.
Cháu chào Bác ! Cháu đang trồng rau má nhưng hay bị chết héo xanh có phải do vi khuẩn? và bị đốm lá (màu hơi đỏ ngã tím, tròn, rải rác trên mặt lá) có phải bị nấm không ạ ! Cháu phải dùng thuốc có hoạt chất nào ? Cháu cảm ơn ạ !
Bệnh héo rũ và bệnh đốm mắt cua… nên dùng thuốc hoạt chất Hexaconazole . Không nên dùng các thuốc có gốc kim loại như đồng, nhôm… có hại cho người ăn rau.
Tăng cường dùng nấm đối kháng trichoderma ngừa bệnh và các chế phẩm sinh học bón đất để sản xuất rau sạch, rau an toàn.
Cộng đồng cho em hỏi, cây cà tím bị thối ngang phần thân non ở phần gần đọt (héo vàng và khô, cây gãy ngang) như thế có phải do virus không ạ !
Xin chào bác Vịnh và công đồng. Bác Vịnh cho cháu hỏi xíu cháu có 1500 gốc tiêu bây giờ đang bị nhiễm bệnh vàng lá chết héo bây giờ bị nhiễm cả vườn rồi xin bác và cộng đồng giúp cháu với cháu xin cảm ơn.
Còn nữa cháu mới bỏ hai lần phân lân Văn Điển hay là do bón phân chết. Đầu tiên bị chết mấy dây thường một trụ chết 1 đến 2 dây bị thối sát ở mặt đất cháu nghĩ chắc là do bon phân không để ý bây giờ có biểu hiện chết hàng loạt vậy cháu phải làm sao.
Vàng lá chết nhanh chết chậm thối dây thối rễ lỡ cổ rễ… đều do các loại nấm cơ hội bùng phát trong mùa mưa…
Không biết bạn trồng tiêu nhưng đã quan tâm sử dụng nấm đối kháng trichoderma để phòng bệnh chưa, hay phòng bệnh cách nào rồi ? Nay bệnh đã bùng phát nhưng bạn nói không muốn dùng thuốc, vì ngại thuốc nhái thuốc giả thì mình cũng không biết cách nào khác ngoài phun+đổ thuốc bvtv để góp ý cho bạn.
@ Ngõk nói đúng ! Đói ăn rau, đau uống thuốc.
Phải phòng bệnh đầy đủ. Khi có bệnh phải xử lý đúng bệnh, đúng thuốc chứ không phải làm theo ý mình muốn !
Cảm ơn anh Ngok. Về nấm trichoderma năm ngoái có bỏ nhưng đầu mưa năm nay tôi thấy mưa nhiều nên tôi chỉ có rải vôi thôi, nhưng giờ đã thế này rồi tôi phải dùng loại thuốc gì để ngăn chặn với thuốc tốt nhất.
Trichoderma bỏ tối thiểu 3 lần/năm và bổ sung thêm khi thấy cần thiết như năm nay do mưa nhiều, dịch bệnh tràn lan. Nói như bác Vịnh dù thích hay không cũng phải phòng, mà không phòng thì phải tốn tiền thuốc bvtv khi cây bị nhiễm bệnh chứ làm thế nào nữa !
Bạn có thể dùng loại thuốc có cả hai hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl 72 WP để phun + đổ gốc, xử lý tùy mức độ nặng nhẹ hoặc theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, thương hiệu tùy bạn chọn hoặc tham khảo qua bà con đã sử dụng rồi…
Thuốc là 1 chuyện, cách sử dụng thuốc thế nào để đạt hiệu quả cao lại là chuyện khác !
Bà con cần phải tham khảo kỹ càng hay được tư vấn sử dụng cụ thể tùy theo mức độ phát bệnh ở vườn tiêu của nhà mình…
Chào bác và mọi người.
Cháu ở Ninh Thuận có giàn nho xanh chăm sóc nay được 6 tháng vừa cắt cành xong, bây giờ đã làm bông xong nhưng có hiện tượng chết héo một số cây, hiện tại đã chết 17 cây và có khả năng tăng thêm.
Nhổ gốc lên thấy vỏ rễ và gốc nho dại chìm dưới đất từ 2-5cm đều bị xốp hết vỏ ngoài, cạy ra thì thấy mặt trong vỏ rễ có xốp màu tím, rễ cầm là tuột hết vì rễ và bị thối.
Xin giúp với ạ
Đã có hiện tượng này là bạn để hơi bị muộn.
Nhanh chóng liên hệ trao đổi với Chú Ri, sđt 0944.385518 để được chú tư vấn cụ thể.
Bị nhiễm nấm bệnh tràn lan rồi… Dùng xạ khuẩn streptomyces trong sản phẩm Forge SP xử lý may ra còn kịp. Phải xử lý toàn bộ diện tích đất trồng để ngăn chặn tái nhiễm.
Đồng tình với @Senca
Không xử lý toàn bộ cẩn thận, triệt để thì nguy cơ bệnh tái nhiễm, lây lan không hề nhỏ !
Cảm ơn mọi người. Mình vừa mới đặt thuốc của chú Ri chiều nay, đang chờ ship, hoá học thì sợ không dứt điểm bệnh. Chắc có lẽ xài sinh học cho triệt để.
Những cây mình thấy đụt cành non hơn so với những cành khác hầu như đã chết hoặc đang héo, còn những cây không đụt cành thì màu lá hơi ám vàng không tự nhiên như bình thường. Nên chờ thuốc chú Ri làm hết vườn cho an tâm. Kết quả ntn mình sẽ chụp lại 3 giai đoạn và úp lên cho mọi người xem sau.
Thuốc sinh học thì an toàn và dứt điểm, còn hoá học thì sợ chỉ trị được cái ngọn, mọi người thấy ntn…!
Muốn dứt điểm phải trị được bệnh, ngăn chặn được nguồn gốc lây nhiễm. Có thuốc hóa hay sinh học chất lượng tốt nhưng không xử lý theo “4 đúng” cũng không sạch bệnh. Quan trọng nữa là giúp cây tăng sức đề kháng, điều này hóa học không làm được.
Còn tươi vẫn còn chữa được, có hiện tượng héo chắc… bó tay vì để muộn quá.
Mong đợi bạn chia sẻ kết quả. Chúc bạn thành công !
Thăm vườn thường xuyên, quan sát để phát hiện bệnh và quyết định cách chữa là chính chủ vườn, khó làm thay được… Nếu phát hiện sớm thì còn chữa được, phát hiện muộn thì bó tay. Không bó tay thì không gọi là muộn, đúng không ?
Việc phát hiện bệnh nấm nói chung, chia ra nhiều mức độ, bác Nguyễn Vịnh đã chia sẻ rồi…
http://www.giatieu.com/dak-nong-van-den-cua-ho-tieu-chet-tro-trui-nong-dan-no-chong-chat/9537/#comment-39638
Năm nay mưa nhiều quá, cơ hội cho các loại nấm bệnh tha hồ phát triển. Vườn nào không phòng bệnh cẩn thận chu đáo, khi trời nắng trở lại vài hôm là biết mặt ngay. Lo quá !
Thôn em ở nhà nào cũng thấy có nọc tiêu bị vàng… Không biết có lây sang nhà em không nữa.
Đầu mùa em đã bỏ nhiều nấm trichoderma để phòng rồi…
Nếu chung quanh đã có hiện tượng nhiễm bệnh thì bạn cần bổ sung, tăng cường nấm tricho cho vườn mình ngay, càng tốt chứ vấn đề gì !
Năm nay tiêu chết hàng loạt nào là đổ gốc nào là phun phòng đầu mùa giữa mùa mưa rồi cuối mùa nó vẫn chết đấy thôi. Khỏi nghe ai hết cứ làm theo cách mình còn đỡ bệnh hơn. Trồng mới làm theo kiểu cũ bón phân chuồng + phân hữu cơ như mọi năm nhớ rãi tí vôi 2 đến 3 lần là được và mọi năm bón cho ít lân Văn điển nữa là thôi. Từ khi có họp hội thảo cứ nghe và làm theo bây giờ tiêu nhà tôi chết gần hết. Từ lúc mới xuất hiện bệnh tôi cứu đến giờ có sống trụ nào đâu càng phun càng đổ gốc lại càng chết nhiều thêm. Có lấy thuốc từ trên trời xuống không dứt được đâu.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Trồng tiêu không chú trọng kỹ thuật, không theo nhu cầu hay phòng trừ sâu bệnh mà chỉ làm theo ý mình thích thì phải trả giá.
Chú trọng rửa cây sạch sẽ sau thu hoạch. Bổ sung nấm đối kháng tricho thường xuyên, tăng cường thêm khi thấy có hiện tượng bất lợi… Chú trọng hữu cơ, hữu cơ sinh học tiêu mới có sức đề kháng chống chịu…!
Chủ quan khâu phòng ngừa, coi thường nấm đối kháng tricho, chỉ muốn phun xịt lung tung… trả giá là đúng rồi ! Chọn cách nào, dùng phân thuốc gì… so với các bác nông dân không net còn thua xa thì net làm gì.
Chào @ Hoàng giờ
Bạn nói cũng có phần đúng nhưng cũng có phần sai
Trồng tiêu chăm sóc theo hướng phân chuồng + phân hữu cơ + lân + vôi, nhưng vôi bạn rãi như thế thì quá nhiều làm chết hết vsv bao gồm cả có lợi và có hại, vì nông dân cứ nghe theo các công ty phân bón, thuốc BVTV rồi làm theo, cứ đổ đổ xịt trong khi cây đã bị bệnh rồi thì làm sao mà cứu được nữa tiền mất tật mang, làm giàu cho các cty thôi. (vd như ung thư giai đoạn cuối thì có thuốc gì cứu đc nữa ko?) Tại sao chúng ta không canh tác theo hướng mới đó là kết hợp giữa phân chuồng + phân hữu cơ + vi sinh vật, tuy không đạt được kết quả 100% nhưng nó giảm được rất là đáng kể, nhưng cách làm và áp dụng như thế nào cho nó hiệu quả nữa. Như tôi thì thường vào đầu mùa mưa là tôi cấy vsv vào để bảo vệ cây đón mưa dầm. Hầu như cứ tháng tôi bổ sung vsv 1 lần nên cũng hạn chế được tỉ lệ cây bệnh hay chết.
Đôi lời như vậy mong cộng đồng góp thêm ý kiến để học hỏi thêm.
Cho em hỏi, cơ chế tác động của thuốc thảo mộc trừ bệnh ạ ?
Tất cả các thuốc thảo mộc trừ bệnh đều được cho lên men tùy theo công thức, và những dung dịch lên men này sẽ gây ức chế sinh trưởng hay gây độc để tiêu diệt nấm bệnh.
Em chuẩn bị trồng 2 sào hành lá. Thời gian từ lúc gieo đến khi thu hoạch là 30 ngày. Em nhờ bác tư vấn nên phun thuốc nấm nào lên để phòng bệnh cho hành trước khi nó đổ bệnh.
Chẳng có thuốc nào ngừa được bệnh chết héo trên hành hiệu quả hơn dùng vi nấm đối kháng trichoderma trộn vào đất ngay trước khi trồng.
Dùng Mancozeb, pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì, phun liên tiếp 2-3 lần, cách nhau 5-6 ngày.
Bác cho cháu hỏi là: muốn quả vải có mẫu mã đẹp không bị chàm hay bị khô vằn thì nên sử dụng thuốc gì ạ… Cháu xin cảm ơn bác
Có thể sử dụng thuốc trừ nấm có hoạt chất Difenoconazole hay hoạt chất Hexaconazole đều được.
Hầu hết các loại thuốc trừ nấm đều dùng tốt, trừ thuốc gốc đồng, gốc nhôm có thể làm cho trái bị chai, không phát triển.
Cho con hỏi làm sao để đăng kí vào diễn đàn của bác ạ?
Chào các bác.
Em trồng dưa lưới nhưng hay bị héo xanh, thối góc giai đoạn cây khoảng 40 đến thu hoạch. xin hỏi bác biện phòng và điều trị là như thế nào ạ?
Các bệnh do nấm gây ra, bạn nên dùng Forge SP !
http://www.giatieu.com/ung-dung-xa-khuan-streptomyces-sp-trong-nong-nghiep/9372/
chào bác! quýt nhà em đang mang trái bằng trái chanh thì bị vàng đít từ dưới lên rồi rụng. nhờ bác tư vấn giúp em
Bệnh do 1 loại vi khuẩn gây ra.
Dùng xạ khuẩn Streptomyces có trong sản phẩm Forge SP của Mỹ nhập khẩu để xử lý.
Sản phẩm có giới thiệu trên trang giatieu.com
Bị bệnh do vi khuẩn gây ra, thường gọi là bệnh Tristeza. Các loại thuốc trị sâu bệnh thông thường giúp giảm bớt thiệt hại, nhưng bệnh vẫn còn dai dẳng. Hiện nay chỉ sử dụng sản phẩm xạ khuẩn kháng sinh streptomyces mới có hiệu quả trực tiếp. Phòng bệnh này cho cam quýt bằng phân sinh học Neem hạt của Ấn Độ là chắc chắn hơn cả.
Xin chào mọi người. Tôi thấy thị trường bán loại thuốc trị bệnh cho cây trồng nông nghiệp trong đó có chất streptomycin. Tôi có thể dùng để trị bệnh cho cây sầu riêng, cây bơ của nhà tôi được không?
Cũng tùy loại, tùy nguồn gốc xuất xứ.
Tốt nhất là bạn nên dùng thử với diện tích nhỏ nếu chưa tìm được loại đáng tin cậy !
Bạn cần phân biệt xạ khuẩn streptomyces khác với chất kháng sinh streptomycin chiết xuất được do nuôi cấy xạ khuẩn. Các dòng xạ khuẩn có trong Forge SP được lựa chọn để trị các loại nấm bệnh và xử lý cải tạo đất.
Công nghệ nuôi cấy chiết xuất khác nhau chắc chắn kết quả thu được có chất lượng khác nhau. Đây là điều cần biết để dùng đúng thuốc và lựa chọn sản phẩm tin cậy !
Xa khuẩn streptomyces , nếu dùng với Biosol kết quả có mạnh và nhanh hơn không?
Streptomyces cần có dinh dưỡng để hoạt hoá , nhưng có tăng sinh số lượng ko?
Có vẻ bạn đã nhầm xạ khuẩn streptomyces (vi khuẩn) với các loại vi nấm.
Bạn nhầm lẫn vi khuẩn với vi nấm rồi…
Vi nấm, như tricho chẳng hạn, có thể cần hoạt hóa trước khi dùng. Tức là phải kích hoạt cho (cây) nấm nẩy mầm, thường mất khoảng 24/48 giờ mới đưa ra môi trường để nấm phát triển và làm việc, giúp nấm nhanh chóng hoạt động ngay.
(con) Vi khuẩn thì không cần. Quá trình pha chế, phối trộn chính là đã kích hoạt.
Nói thêm chỗ này: Nếu pha chế, phối trộn (tức là đã kích hoạt) làm vi khuẩn thức dậy và tiết độc tố để kháng sinh mà chưa sử dụng ngay thì độc tố cũng bị giảm hiệu lực theo tự nhiên. Nhất thiết phải sử dụng ngay, không để quá lâu !
Em thấy trên một số trang họ dùng từ nấm khuẩn là để chỉ loại nào? Có gì khác với vi nấm và vi khuẩn không ạ…
Để hiểu thêm về vi nấm, vi khuẩn bạn có thể tìm kiếm trên Google.
Có thể họ muốn gọi chung các vi sinh vật, hoặc không phân biệt tác hại của từng loại !
Xin mọi người giúp đỡ ạ.
Cà phê nhà mình đang xanh tốt bình thường, khoảng gần tháng nay cây có hiện tượng đứng cây, không bung phun đợt, xoăn mép lá rồi héo rũ, xuất hiện ở tầng lá trên rồi lan rộng dần cả cây, bị cả vườn. Trước đó mình có bón phân NPK Hà Lan humax cho cây. Không biết cà phê nhà mình bị gì ạ. Xin mọi người giúp đỡ. Cảm ơn mọi người.
Không loại trừ bị phân đểu làm cây ngộ độc. Cách tốt nhất là bạn chụp vài tấm hình gửi qua email của bác Nguyễn Vịnh để xem xét rõ ràng, cụ thể hơn.
Xin hỏi thuốc trừ rầy xanh trên cây đậu bắp.
Có thể dùng các thuốc trừ sâu rầy có hoạt chất Abamectin hay Azadirachtin, hoặc thuốc hỗn hợp có các hoạt chất này.
Nhiều phản hồi trao đổi hiện nay đều đồng tình chuyển sang sử dụng phân thuốc sinh học là hợp lý. Nhưng chung quanh thôn xóm vẫn còn nhiều bà con sử dụng hóa học đến mức lạm dụng, vì hóa học đạt hiệu quả thực tế mau chóng hơn.
Còn vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây bệnh ung thư cho người dùng cũng đã trông thấy. Nhưng ai cũng tắc lưỡi cho qua, tự an ủi mình bằng lí lẽ “trời lêu ai nấy dạ”… thì đành bó tay. Biết làm sao đây !
Tôi đã chia sẻ, vận động nhiều… nhưng thực sự nản…
Cho cháu hỏi về cơ chế trị bệnh của thuốc xạ khuẩn Forge SP. Cháu cám ơn.
Chào cháu @Hai Duong
-Xạ khuẩn streptomyces là vi khuẩn tiết độc tố kháng sinh, được ứng dụng trong nông nghiệp để chữa các loại bệnh tùy theo dòng. Trong sản phẩm Forge SP là dòng xạ khuẩn được NSX phân lập, dùng để tiêu diệt các loại nấm bệnh bất kỳ và các vi sinh vật khác như tuyến trùng đất. Sản phẩm đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ và được công nhận là sản phẩm dùng cho ngành nông nghiệp hữu cơ. Chủ yếu được dùng để xử lý nấm bệnh trong đất sau thu hoạch.
Bác chỉ nói ngắn gọn về Forge SP. Cháu tìm hiểu trên Net sẽ đầy đủ, chi tiết hơn về vi khuẩn Streptomyces. Hoặc cháu có thể gửi email cho bác nhé !
Thân
Đã sử dụng Forge sp cho sầu riêng mới trồng, công dụng rất tốt , bà con nên sử dụng.
Cây mới mua về trồng bị nhiễm bệnh rất nặng, rễ thúi , lá vàng , nhưng qua vài lần phun gốc xử lý thì cây đã hồi phục rất mạnh.
Trân trọng cảm ơn diễn đàn đã giới thiệu sản phẩm chất lượng tuyệt vời
Bác cho cháu hỏi 2 hoạt chất metalaxyl và hexaconazole có hỗn hợp được với nhau không ạ
Bạn không nên dùng các thuốc có hoạt chất riêng rẽ để pha chung với nhau, sẽ gây ra các phản ứng hóa học làm giảm hiệu lực, không có lợi.
Lưu ý, Metalaxyl đã được khuyến cáo hạn chế dùng trên cây hồ tiêu !
Chào chú Vịnh và các bạn.
Cho con hỏi nhà có 2 ha xoài Đài Loan, thường làm bông vụ nghịch hoa nở vào những tháng mưa nhiều làm bông xoài bị đen mặc dù con đã phun rất nhiêu loại thuốc trừ nấm (nativo, amista, amista top, score, ridomil) nhưng hiện tại bông vẫn bị đen không đậu trái được, có đậu thì trái vẫn bị nám đen. Con có phun kèm với các loại thuốc khuẩn có thành phần kháng sinh và hữu cơ nhưng vẫn không hiệu quả.
Chú tư vấn giúp con có phương pháp hay sử dụng thuốc bvtv nào giúp bảo vệ bông khi nở không ạ. Con chân thành cảm ơn!
Bông non thường bị cháy khi phun phân thuốc hóa học. Bạn nên chọn thuốc sinh học, hàng chuẩn chứ không phải hàng nhái hoặc đội lốt sinh học. Để trừ nấm, sao bạn không chọn thuốc Forge SP chứa xạ khuẩn streptomyces phun vô tư khi ra bông lẫn nuôi trái, thuốc của Công ty TNHH Innolite nhập khẩu từ Mỹ, có giới thiệu trên trang này.
Xin nhắc bạn, chỉ phun thuốc sinh học lúc chiều muộn khi xoài đang nở bông. Còn thuốc hóa học chỉ phun sau khi bông đã nở hoặc đã thụ phấn, để không làm cháy bông.
Cho con hỏi Forge SP có trừ được vi khuẩn xanthomonas gây hại trên xoài không vậy ?
Xạ khuẩn Streptomyces trong Forge SP còn dùng để chiết xuất chất kháng sinh streptomycin trị bệnh cho người. Nó đối kháng với tất cả các loại vi sinh vật có hại !
Cảm ơn bài viết hay quá.
Các nhóm thuốc này áp dụng cho tất cả các loại cây kể cả rau à bác?
Chắn chắn rồi, vì các loại rau và cây trồng đều là thực vật !