Đăk Lăk: Nông dân lo lắng vì hồ tiêu chết

, Nông nghiệp, 33

Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk. Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, cộng với nhiều diện tích nhiễm bệnh và ngập úng chết, khiến cho người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh này gặp khó khăn.

Ông Trần Văn Hải (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) bên vườn tiêu chết do nhiễm bệnh.

Nhìn vườn tiêu đang cho thu hoạch héo lá, rụng đốt chết, chỉ trơ lại trụ, ông Trần Văn Hải (trú tại thôn 6, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) không khỏi lo lắng khi nguồn thu nhập chính của gia đình bị cắt giảm. Ông Hải cho biết: để trồng 1 ha hồ tiêu từ mua giống đến xây trụ gạch, gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Do dịch bệnh nên hồ tiêu gia đình ông đã chết 80%, từ 1.000 trụ đến nay chỉ còn 200 trụ.

Cũng vay vốn đầu tư 1,7 ha hồ tiêu, thế nhưng đến nay vườn hồ tiêu của gia đình ông Vũ Đức Trịnh, hàng xóm ông Hải cũng đã chết gần hết. Ông Trịnh cho biết, với những diện tích tiêu đã chết, ông cho thu dọn trụ tiêu, thuê máy cày xới đất để chuyển sang cây trồng khác. Còn một số diện tích mới trồng cho thu bói thì ông đang cố gắng cứu chữa, nhưng tiêu vẫn chết.

Xã Xuân Phú là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của huyện Ea Kar. Toàn xã có gần 1.000 ha hồ tiêu, thế nhưng đến nay diện tích hồ tiêu của người dân trên địa bàn xã đã chết hơn 600 ha. Số diện tích hồ tiêu còn lại đang tiếp tục chết chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân của tiêu chết là do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, đồng thời nhiều diện tích do người dân trồng ở các vùng đất thấp không phù hợp khiến cây tiêu bị ngập úng chết.

Theo ông Phạm Xuân Toàn – cán bộ khuyến nông xã Xuân Phú, qua thống kê, hiện người dân trên địa bàn xã sau khi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng tiêu đến nay dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Thống kê của các ngân hàng cho thấy, tổng số dư nợ của người dân trên địa bàn xã Xuân Phú ước đạt trên 300 tỷ đồng, chia bình quân đầu người thì mỗi hộ nợ từ 200 đến 300 triệu đồng. Diện tích cây tiêu ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, đời sống của người dân. Bây giờ một số người dân, tiêu chết thì không có khả năng trả nợ phải đi làm ăn xa, tạo thêm nguồn thu nhập để trả lãi ngân hàng. Không chỉ ở xã Xuân Phú mà hiện trên địa bàn huyện Ea Kar có hơn 1.500 ha hồ tiêu của người dân bị chết do ngập úng và nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, hiện diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là hơn 38.600 ha. Tính đến nay, đã có trên 3.800 ha hồ tiêu bị ngập úng chết, nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm và các loại sâu bệnh hại khác. Tại nhiều nơi, người dân đã phá bỏ vườn tiêu, thu gom trụ, cày xới đất chuyển sang cây trồng khác.

Bà Vũ Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV, cho biết mặc dù hiện nay diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh và giá tiêu đang giảm mạnh, tuy nhiên người dân không nên buông xuôi mà cần phải duy trì những diện tích hồ tiêu còn cho sản lượng để chờ giá cả ổn định. Bà Bình khuyến cáo người dân ở những diện tích tiêu bị chết do ngập úng, đất đai không phù hợp hoặc diện tích tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm thì bà con không trồng lại tiêu, mà nên chuyển diện tích đó sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đọc thêm: >> Ứng dụng xạ khuẩn Streptomyces sp trong nông nghiệp

>> Phòng trừ dịch bệnh gây hại hồ tiêu khi thời tiết thay đổi

Báo Giá cà phê qua điện thoại
33 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bà con nông dân mình có thói quen rất kỳ quặc là cứ để những dây tiêu chết lòng thòng vậy mà ngắm, không ai chịu kéo xuống để tiêu hũy sạch mầm bệnh. Tránh sao được bệnh không lây lan…!
    Chắc chắn không lâu nữa, 200 gốc tiêu của ông Hải sẽ không còn trụ nào nếu cứ để vậy.

  2. Nói mãi cũng vậy thôi anh @Hoàng ơi !
    Ai cũng sợ tiêu mình chết vì bị nấm bệnh chết nhanh chết chậm tấn công.
    Nhưng không ai chịu hiểu bào tử nấm bệnh lây lan bằng cách nào, lây lan như thế nào?
    Đơn giản là vì bào tử nấm bệnh “đầu cua tai nheo” ra sao thì chưa ai thấy !

  3. Nhện đỏ, loại côn trùng gây hại đáng kể trên cây hồ tiêu không thể phun thuốc diệt trừ được nếu trồng tiêu bằng trụ gạch. Ban ngày nhện đỏ chui vào bên trong thân trụ hoặc chui vào các lỗ gạch trú ẩn, ban đêm mới mò ra đi chích hút… Không thuốc nào có thể đụng tới được nó, cứ vậy kéo dài dai dẳng…
    Xử lý bào tử nấm bệnh rơi vãi cũng vô cùng khó khăn.
    Xưa nay tôi không ủng hộ cách trồng tiêu trên trụ gạch là vì vậy…!

  4. Lâu lắm rồi mới được nhìn thấy tiêu leo lên trụ gạch, tưởng không còn ai làm như vậy nữa chứ, hoá ra vẫn còn.

  5. Vùng nhà tôi cũng bị dịch chết nhanh rải rác, bắt đầu thấy có trụ chết.
    Tôi có 600 trụ tiêu, hơn 10 trụ đã bị héo rũ chắc không cứu được nữa. Khoảng hơn 100 trụ có dấu hiệu xuống sắc, hơi ngả sang màu vàng nhạt. Bây giờ tôi phải xử lý như thế nào, mong cộng đồng tư vấn giúp. Tôi xin cám ơn nhiều !

    • Tiêu ở trong vùng dịch không loại trừ chưa nhiễm bệnh, chỉ là chưa bùng phát bệnh mà thôi.
      Theo tôi, không nên xử lý những trụ xuống sắc mà cần xử lý tất cả. Để xuống sắc, cây yếu sức càng thêm tốn kém hơn nữa.
      Có thể chọn cách xử lý bằng hóa học hoặc sinh học theo bài viết này: http://www.giatieu.com/phong-tru-dich-benh-gay-hai-ho-tieu-khi-thoi-tiet-thay-doi/8516/
      Mong bạn sáng suốt lựa chọn !

    • Xin nhắc bạn và bà con.
      Hiện nay tiêu đang bùng phát nấm bệnh, bà con tuyệt đối ngưng tất cả các loại phân bón.
      Cho ăn phân sẽ làm bệnh bùng phát mạnh hơn, khó chữa.
      Đợi xử lý bệnh xong rồi tính chuyện bón loại phân gì sau…

    • Tâm lý ngại tốn kém, không muốn xử lý những trụ tiêu chưa thấy có dấu hiệu bệnh bên ngoài… Nhiều bà con đã phải trả giá quá đắt, vì khi bệnh bùng phát thì trở tay không còn kịp nữa rồi !

    • Biết sao giờ… Nông dân mới là người quyết định mọi việc trên mảnh vườn của mình.
      Bón phân gì… Phun thuốc gì… Không ai có thể quyết định thay mình được !

  6. Chào mọi người, chào giatieu.com
    Mong diễn đàn mình luôn luôn là chỗ dựa cho những nông dân trồng tiêu nói riêng và mọi người nông dân nói chung. Bản thân tôi mong diễn đàn luôn phát triển để những người nông dân trao đổi và học hỏi được nhiều hơn.
    Hôm nay tôi có việc nhờ tất cả mọi người, ai có kinh nghiệm tư vấn giúp với nhé. Tôi đang gặp khó khăn do lúc trước trồng cây trụ sống là cây cẩm lai, song không hiểu sao năm nay cây trụ sống chết gần hết. Tôi đang muốn bứng cây lồng mức về để thả, bà con anh em nào có kinh nghiệm trồng cây lồng mức đánh từ rừng về trồng xin chỉ dùm tôi rất cần. Xin chân thành cảm ơn.

    • Cây trồng bị chết thường do các bệnh về nấm là chính.
      Đã xử lý đất và tàn dư nấm bệnh chưa mà trồng cây khác vào ?
      Có tí hy vọng sống nào không, hay sẽ làm mồi cho nấm bệnh xơi tiếp ?
      Cây rừng còn sống không được nữa thì đất đai thoái hóa tới cỡ nào rồi ?

  7. Cho cháu hỏi về thuốc có mấy hoạt chất kháng sinh này có dùng để trị bệnh chết nhanh chết chậm hồ tiêu hiệu quả không? Trên bao gì có ghi thuốc dùng để diệt nấm sát khuẩn ạ.
    (cháu xin gửi kèm hình ảnh gói thuốc)

    • Chào cháu @thuanhanh
      Bàn về 1 sản phẩm cụ thể là vi phạm nguyên tắc gửi phản hồi của Giatieu.com đề ra.
      Trong sản phẩm cháu hỏi có các hoạt chất kháng sinh dưới dạng sunfat (SO4), chỉ qua thực nghiệm mới đánh giá hiệu quả được. Chất lượng còn tùy theo nguồn gốc xuất xứ.
      Sản phẩm Giatieu.com giới thiệu là ứng dụng xạ khuẩn Streptomyces vào nông nghiệp, chứ không phải các hoạt chất chiết xuất được từ việc nuôi cấy xạ khuẩn.
      Thân

  8. Cám ơn bác đã phản hồi cho cháu.
    Cháu cũng biết các sản phẩm này qua sử dụng mới đánh giá được hiệu quả cụ thể. Nhưng tiêu nhà cháu đang bị bệnh, cháu sợ thời gian thực nghiệm sẽ làm mất thời gian “vàng” như cộng đồng chia sẻ. Thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong khi VN chưa sản xuất các hoạt chất này được. Khó thật bác ạ !

  9. Hôm trước mình đi chơi nhà cậu, ngang qua một vườn tiêu khá tốt nhưng có vài trụ có hiện tượng vàng lá. Mình dừng lại xem kỹ và xác định vườn này đã nhiễm bệnh chết chậm. Tình cờ chủ vườn cũng có mặt nên mình góp ý luôn.
    Sáng nay đi ngang qua đã thấy bệnh lan ra khá nhiều. Mình hỏi “đã phun thuốc gì mà bệnh không thấy dừng?”. Chủ vườn bảo “bận quá nên chưa phun được” làm mình cũng… bó tay !
    Có thể vườn này sẽ được thanh lý, chuyển đổi cây trồng sau thu hoạch vụ này chăng ?!

    • Không hẳn đâu… Tâm lý phổ biến của bà con nông dân là vậy. Tôi gặp nhiều rồi !

  10. Giá tiêu như 2 năm trước thì mùi thuốc sâu sẽ bay nồng nặc.
    Còn giá tiêu như năm nay thì thôi kệ, tới đâu hay đó…

    • Giá hạ, có xu hướng bỏ bê, chuyển sang quảng canh, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu !
      Điều này cũng có lý. Chỉ lo là dịch bệnh có chừa ra không…?

    • Nhà nông tự tay chăm bón, lấy công làm lời thì mức giá này vẫn còn trụ được.
      Chỉ bỏ vốn ra đầu tư, công xá thuê mượn toàn bộ thì thua lỗ là cái chắc !

  11. Ai đã có tiêu từ 2013 trở về trước thì với giá này vẫn còn sống được vì đã thu hồi hết khấu hao đầu tư cơ bản từ những năm trước.

    Trồng 2014 thì đang hòa vốn vì chỉ vừa khấu hao xong, chưa lời được xu nào, chỉ lỗ công và chi phí cơ hội.

    Trồng năm 2015,2016 thì giờ đang vã vì với giá này không thể khấu hao được chi phí kiến thiết cơ bản.

    Trồng 2017 thì chưa thu nên giá có bao nhiêu cũng chả ảnh hưởng gì, đã có hạt tiêu nào đâu mà bon chen giá bao nhiêu để làm gì?

  12. 5 năm về trước, Dan Viet đã hình dung ra bức tranh về giá hồ tiêu và đã cảnh báo bà con ở đây:

    http://www.giatieu.com/binh-phuoc-canh-bao-viec-trong-tieu-o/6474/#comment-11662

    Giờ nhìn lại những gì đã và đang diễn ra thấy cũng không khác những gì được Dan Viet dự báo từ 5 năm trước nhiều lắm.

    Dẫu biết rằng có nhiều người nhắm mắt lao vào ngành tiêu mà không trang bị đầy đủ kiến thức canh tác, không nghiên cứu về quy luật chu kỳ giá tiêu và hậu quả là đang trả giá.
    Dẫu biết rằng những gì mình cảnh báo 5 năm về trước không giúp được gì nhiều cho đọc giả của diễn đàn này, mọi người vẫn nhắm mắt làm liều…
    Dẫu biết rằng mọi việc đã lỡ có thể nhiều người nghĩ rằng nhắc lại chuyện cũ chả ích lợi gì nhưng Dan Viet vẫn nhắc để nhấn mạnh rằng:

    – Dự báo xu hướng giá từ sớm là việc hoàn toàn có thể làm được một cách tương đối chính xác nếu có phương pháp tốt và cơ sở dữ liệu chính xác, đáng tin cậy.
    – Giấu diếm dữ liệu thật sự về nguồn cung (tiêu chết, mất mùa, nguồn cung khan hiếm….) tính đường dài có hại chứ không có lợi vì nó kích thích càng ngày càng nhiều người lao vào trồng tiêu.
    -Thiệt hại kinh tế hôm nay có thể tránh được nếu mọi người dùng lý trí, sự phân tích khách quan để can nhắc việc tham gia trồng tiêu hay không chứ không chạy theo số đông một cách cảm tính.

  13. Sức ép hàng vụ mới đang tăng dần nhưng bà con cũng không muốn bán ra…
    Tôi chỉ mua tiêu vụ cũ với giá cộng thêm để làm tiêu trắng theo hợp đồng với các công ty.

  14. Giá tiêu sẽ đi về đâu phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tài chính của nông dân trồng tiêu.

    Nếu nông dân đủ tiền để chi tiêu mà không cần bán tiêu, không cần vay mượn, giá sẽ từ đứng đến tăng.

    Nếu nợ bao vây, tiêu giá nào cũng phải bán. Giá sẽ còn xuống tiếp.

    • Tiêu bị bệnh nấm vàng lá chết chậm, bị côn trùng chích hút (nhện đỏ) khá nặng.
      Xử lý bệnh nấm, sau đó xử lý côn trùng chích hút và tăng cường phân bón để hồi phục cây.
      Nội dung không có gì khác lạ. Các bài viết và phần cộng đồng trao đổi, thảo luận đã có đầy đủ trên giatieu.com. Cố gắng tìm và đọc thật kỹ để xử lý cho phù hợp, tránh lãng phí tốn kém mà bệnh vẫn không khỏi.

    • Bạn tham khảo kỹ bài này và tự mình lựa chọn hóa học hay sinh học để xử lý nấm bệnh.
      Tuy nhiên, giatieu.com thường khuyến cáo cộng đồng chọn biện pháp xử lý bằng sinh học sẽ giúp cây trồng bền vững, góp phần giảm thiểu độc hại cho môi trường sống không chỉ riêng mình mà cả người thân xung quanh…
      >> http://www.giatieu.com/phong-tru-dich-benh-gay-hai-ho-tieu-khi-thoi-tiet-thay-doi-2/9557/

    • Cháu xin cám ơn cộng đồng đã tư vấn giúp cháu !
      Thuốc hóa học mancozeb+melataxyl 72 bán ở chỗ cháu nhiều thương hiệu lắm. Thuốc xạ khuẩn streptomyces cũng có nhưng bao gì ghi không rõ nguồn gốc, cháu băn khoăn không biết nên chọn loại nào.

    • Do không biết chắc thuốc trừ sâu sinh học của bạn như thế nào nên rất khó để tư vấn.
      Nếu cần thiết pha chung thì bạn nên pha loãng riêng rẽ từng loại rồi dăm phút sau mới đổ chung vào để phun hoặc đổ gốc.
      Lưu ý, trong thuốc Forge SP là vi khuẩn kháng sinh, cần xem xét kỹ…

Gửi phản hồi mới

(?)