Đăk Lăk: Nông dân trồng tiêu thiệt hại hàng tỷ đồng vì phân bón “rởm”

, Giao Thương, Thị trường hạt tiêu, 29

Gần đây, nông dân Đăk Lăk phải hứng chịu “quả đắng” vì hàng nghìn trụ hồ tiêu đang thu hoạch bỗng nhiên cháy lá, rụng đốt, rụng quả, gây thiệt hại nặng nề. Các hộ dân cho rằng, hiện tượng này xảy ra sau khi họ dùng phân “có vấn đề” bón cho cây tiêu.

Đọc thêm: >> Đăk Lăk : Vườn hồ tiêu bị cháy lá sau khi bón phân

Tiêu bị cháy lá rụng quả sau khi bón phân Humic

Thiệt hại nặng nề

Cách đây mấy tháng, ông Ma Văn Phú (thôn 2 Bình Hòa, xã Bình Thuận, TX Buôn Hồ) qua giới thiệu của chi hội nông dân thôn Bình Hòa 2, đã mua 5 tấn phân hữu cơ của Công ty Phân bón Humic Quảng Ngãi, giá trên 5,5 triệu đồng/tấn. Ngay buổi trưa, vợ chồng ông đem 13 bao phân bón liền một mạch cho 1.000 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Ngày hôm sau, thấy lá tiêu cháy trụi như bị lửa đốt, trái non rụng xuống, nên gọi điện báo công ty.

Nhân viên thị trường xuống kiểm tra, nói tiêu cháy là do gia đình ông Phú bỏ sai quy trình. Một tuần sau, đại diện công ty gồm phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh xuống lấy 1 bao phân kiểm nghiệm trước sự chứng kiến của chi hội nông dân thôn Bình Hòa 2. Gia đình ông Phú bỏ 1 bao, khoảng 30 phút sau toàn bộ trụ tiêu do cả hai bên bón phân đều bị cháy lá nên lập biên bản ghi nhận, rồi ai nấy… ra về.

Hôm sau phía công ty thông báo sẽ thu hồi, hoàn tiền lại số phân ông Phú đã mua, chấp nhận hỗ trợ 7 triệu đồng để phục hồi vườn tiêu nhưng ông không đồng ý. Công ty tiếp tục tăng mức hỗ trợ lên 14 triệu đồng, 50 triệu và chốt lại ở con số 70 triệu nhưng ông Phú vẫn không… gật, nhân viên công ty quay sang thách thức. Ông Phú  đã làm đơn gửi cơ quan chức năng.

Ông cho biết: “Sản lượng 1.000 trụ tiêu 10 năm tuổi của gia đình mất trắng vụ này do phân Humic tương đương 600 triệu. Chúng tôi yêu cầu Humic phải bồi thường 600 triệu, hoặc chúng tôi đồng ý nhận 70 triệu, nhưng công ty phải hỗ trợ gia đình tôi phục hồi vườn tiêu trong 5 năm, trụ tiêu nào chết không hồi phục được thì công ty đền 5 triệu đồng/trụ, nhưng phía công ty không nghe”.

Phân bón Humic Quảng Ngãi nhà ông Phú sử dụng

Cũng vì một nhẽ “dẹp sạch nạn phân bón giả, kém chất lượng để nông dân yên tâm SX” mà hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Thỉnh, trú thôn Thanh Ba, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, gửi đơn đi khắp các cơ quan trong tỉnh lẫn ngoài Trung ương đòi quyền lợi cho gia đình và những người nông dân bị thiệt hại vì mua phải phân giả, kém chất lượng.

Sự việc bắt đầu khi ngày 23/9/2016, ông Thỉnh mua 2 tấn của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Sau khi mua, ông đem 1,2 tấn phân bỏ cho 780 trụ tiêu. 10 ngày sau toàn bộ gốc tiêu được bỏ phân vàng lá, rụng lá, quả rồi chết 200 trụ, số còn lại sống “ngáp ngáp”, chậm phát triển.

Ông Thỉnh báo công ty, công ty 5 lần xuống làm việc, xem hiện trường rồi hứa hỗ trợ… bằng miệng. Sau đó công ty cử nhân viên xuống lấy mẫu tiêu gửi đi kiểm tra, gửi cho gia đình kết quả là tiêu chết do bị bệnh. Điều lạ là ngày nhận mẫu xét nghiệm là 10/11 trong khi ngày lấy mẫu là 11/11. “Họ đưa kết quả như vậy thể hiện sự không tôn trọng người dân, phủi tránh trách nhiệm. Tôi làm đơn nhờ Phòng NN- PTNT huyện Ea Kar lấy mẫu đi xét nghiệm để làm rõ trắng đen”.

Khi có kết quả của Trung tâm Kiểm nghiệm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 công bố hàm lượng ghi trên bao bì không đúng với kiểm nghiệm thực tế, công ty cứng họng nhưng chỉ chịu hỗ trợ 100 triệu đồng, gia đình ông Thỉnh không nghe, công ty cũng im lặng, bỏ đi bặt tăm luôn.

Ông Thỉnh cho biết: “Nguồn sống trông nhờ vào cây trồng, nhưng tình trạng loạn phân bón như hiện nay, chúng tôi như lạc vào ma trận. Một năm qua, tôi không dám mua bất kỳ loại phân nào về bón vì sợ lại mua trúng phân giả. Một năm nay tôi gửi đơn kêu cứu không chỉ để đòi quyền lợi cho mình mà cả những người dân đang ngày đêm thấp thỏm, thiệt hại vì nạn phân bón giả, kém chất lượng nhưng sự việc đến giờ vẫn dậm chân tại chỗ”.

200 trụ tiêu của ông Thỉnh chết trắng

Quả bóng trách nhiệm

Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận 2 vụ việc của ông Ma Văn Phú và Nguyễn Văn Thỉnh. Vụ việc ông Phú, sau khi đoàn liên ngành 389 xuống kiểm tra, lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM phân tích, kết quả sau 2 lần đều đạt chất lượng, riêng nguyên nhân gây cháy, rụng lá thì chưa tìm ra. Chi cục yêu cầu trung tâm làm thực nghiệm vườn tiêu để tìm nguyên nhân nhưng trung tâm nói không đủ thiết bị, máy móc.

Còn vụ việc xử lý đơn của ông Thỉnh, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Ea Kar. Sau khi Phòng NN- PTNT huyện lấy mẫu đi xét nghiệm, đã có kết quả thì căn cứ vào đó để giải quyết. Theo kết quả phân tích, ¾ thành phần các chất có trong phân bón ghi trên bao bì thấp hơn so với thực tế kiểm tra. Huyện Ea Kar cần yêu cầu công ty cung cấp giấy phép SX, công bố hợp quy, hợp chuẩn… trên cơ sở đó kết luận, xử lý. Vừa qua, UBND huyện có mở cuộc họp mời Sở Công thương, Sở NN- PTNT, Chi cục QLTT… xuống dự nhưng đành ra về vì không mời được công ty.

Không riêng 2 hộ ông Phú, ông Thỉnh mà nhiều hộ dân các huyện Cư M’gar, Cư Kuin cũng “khóc ròng” khi mua phải phân bón kém chất lượng về bón cây trồng chết hàng loạt, thiệt hại tiền tỷ. Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay trước nạn “loạn phân bón” thì nông dân cũng quay quắt trước “ma trận” phân bón. Giữa một rừng thương hiệu, công ty SX, kinh doanh phân bón, nông dân không biết chọn loại nào. Người dân nói, thà để cây trồng sống cầm chừng, thu được bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không dám “đánh đổi miếng cơm” của mình với phân bón.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
29 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Mình không hiểu đã bón loại humic gì. Hóa ra là phân hữu cơ của công ty tên là Humic ở QN…
    Ma trận phân bón kiểu này mà nông dân lơ mơ nữa là chết chắc !

  2. Hunmic là 1 loại acid dưỡng chất có trong phân bón hữu cơ mà lại lấy đặt làm tên của công ty. Không ai cấm nhưng rõ ràng là không minh bạch, có ý đồ.

  3. Đang quá buồn vì giá tiêu ngày càng xuống thấp, mà gặp thêm phân bón kiểu này thì quá đắng…
    Biết bao nhiều vụ rồi chứ mới mẻ gì… Thấy mấy vị Nông hội tham gia vào thì hãy tránh xa ra !

  4. Không ai muốn mua nhầm phân kém chất lượng hết. Mà cũng chẳng ai có khả năng kiểm định trước khi mua cả. Cái quan trọng là ở các nhà chức trách. Thử hỏi ai ký vào giấy phép sản xuất, ai đã kiểm định chất lượng, ai cấp chứng nhận hợp quy… Khi có vấn đề ai cũng trốn tránh trách nhiệm. Nói chung chỉ nông dân là thiệt thòi.

  5. Các loại phân hữu cơ vinh sinh nguyên liệu đâu ra sạch để sản xuất ra số lượng lớn, chỉ có tận dụng các loại rác thải môi trường chứa nhiều chất độc hại đối với cây trồng. Việc nông dân nghe tư vấn hay nên đem về bón hậu quả thật đáng buồn. Tôi đi hội thảo phân vi sinh được tặng 100 kg nhưng về tôi chỉ thử bón 1 trụ lớn 2 trụ nhỏ, bón cách gốc khoảng 60cm một thời gian sau tôi cũng thấy những trụ không bón vẫn phát triển tốt hơn trụ bón. Nên tôi thường tư làm phân hữu cơ để bón cho tiêu, sẽ an toàn hơn là mua phân nói hay về bón lại chẳng hay tý nào.

  6. Vụ này mấy tháng rồi.. Nhưng xử lý của cơ quan chức năng có vẻ bất lực, lúng túng… làm mọi người không khỏi nghĩ rằng “nén bạc đâm toạt tờ giấy”!

  7. Phân hữu cơ giá đắc, mỗi vụ bón đầu tư phân hữu cơ thì giá cao hơn hẳn. Nhiều công ty được bộ nông nghiệp cấp phép cho lưu hành sản phẩm để làm ra nông sản sạch nhưng giá nông sản thì lại thấp…

  8. Các bạn tính thử xem sao. Ông Phú mua 5 tấn phân với giá hơn 5,5 triệu đồng thì một bao chỉ có giá hơn 55.000 đồng, chưa bằng một bao phân bò. Mua về chưa qua xử lý thì chất lượng như thế nào. Nếu phân bò đã xử lý thì giá thành cho một bao 50 kg phải gấp 3 lần giá thành bao phân vi sinh này thì biết được chất lượng của nó…

  9. Năng lực, máy móc thiết bị kiểm định phân thuốc của mình quá kém. Đó mới là lỗ hổng chết người của không riêng ngành nông nghiệp… Đơn cử, việc uống cà phê có lợi hay có hại cho sk phải hơn 20 năm WHO mới có câu trả lời chính thức. Hoặc DDT được ngành Y tế cho như là thần dược vào những năm 60 thì nay cả thế giới cấm sản xuất. Thử so sánh đi thì bạn sẽ biết…

  10. @ Thom cho rằng máy móc, thiết bị của ta quá kém theo tôi có cái gì đó hơi chủ quan. Thực tế máy móc, thiết bị hầu hết ta đều nhập từ các nước tiên tiến, riêng năng lực có kém hay không cần xem xét lại. Có một điều chúng ta cần phải lưu ý, hầu hết các sản phẩm của chúng ta đều có in nhãn mác và có kiểm định cũng như giấy phép hẳn hoi. Vậy khi có hàng giả thì ai là người kiểm định, ai là người cấp phép lưu hành. Theo tôi để người nông dân chúng ta không phải chịu thiệt thòi thì trước tiên những nhãn mác, thương hiệu này ai cấp phép, đặc biệt hơn là những sản phẩm được cơ quan chức năng (UBND xã) cho quản bá thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tiếp theo nếu những đơn vị sản xuất phân này qua mặt cơ quan chức năng thì phải xử trảm ngay vì họ không phải chỉ hại 1 người nông dân mà cả 1 gia đình nông dân dẫn đến cả 1 xã hội. Tóm lại, cái kém ở đây chính là sự quản lí lỏng lẻo của cơ quan chức năng, cũng như sự trừng phạt quá nhẹ đối với loại tội phạm này.

    • Ý kiến này của bạn không còn hơi chủ quan nữa mà là hết sức chủ quan.

  11. Cơ quan chức năng nên vào cuộc… Đơn vị nào ký cấp chứng nhận hợp quy phải chịu trách nhiệm.
    Tội này còn nguy hiểm hơn tham ô…

    • Vấn đề là khi kiểm nghiệm thì chất lượng phân thuốc khác, nhưng khi sản xuất thì cho ra sản phẩm chất lượng khác. 2 năm sau mới kiểm nghiệm lại thì… no béo quá rồi, đổi thương hiệu khác để làm lại !

  12. Tốt nhất cứ phân chuồng các loại trộn với xác bả nông sản như vỏ cà phê, vỏ điều, bả mía, vỏ cùi bắp… mình tự ủ lấy là chất lượng bảo đảm hơn cả.
    Nói hoài vụ phân giả này cũng chẳng cơ quan nào giải quyết được gì, nông dân thì tiền mất tật mang !

  13. Đứng trước một ma trận phân bón giả thật lẫn lộn, người nông dân phải tự bảo vệ mình tránh mua hàng giả hàng nhái là chính, chứ mua nhầm hàng đểu không những không có lợi mà còn bị thiệt hại nặng không thể khắc phục được lúc này biết kêu ai. Nhà quản lý, nhà sản xuất… Chỉ có nông dân lãnh đủ. Theo tôi cứ những thương hiệu lớn mà dùng… Chớ nghe nào là công nghệ Đức, Mỹ… Thật dễ dính đạn.

    • Bà con mình thường ngộ nhận giữa chất lượng và công nghệ.
      Đành rằng công nghệ của các nước Đức, Mỹ… là quy trình sản xuất và máy móc thiết bị tiên tiến. Nhưng nguyên liệu (đầu vào) mới là yếu tố quyết định chất lượng.
      Hổng lẽ nhà sản xuất bỏ nguyên liệu kém vào sẽ ra chất lượng Đức, Mỹ…?!

  14. Như thế mới khổ chứ. Bây giờ thử đi dạo một vòng khoảng 7 đến 10 đại lý xem, thấy mỗi đại lý đều có ít nhất 2 ; 3 loại phân độc quyền của riêng đại lý đó mà các đại lý khác không có. Các chủng loại này thường được giới thiệu rất mùi tai. Nếu người nông dân chúng ta chỉ cần nhẹ dạ chút xíu thì rất dễ nghe theo vì đánh đúng tâm lý mà. Các loại này ôi thôi giá cả cũng chẳng kiểm soát được, thông thường giá cao hơn giá trị thực của nó. Cẩn thận thì hơn. Tôi thì chỉ chọn những loại phổ biến ở đâu cũng có sẽ ít bị lầm trước hết là giá cả.

  15. @vylanhlung
    Hàng độc, nhập khẩu với số lượng có hạn thì lấy đâu ra để “đại lý nào cũng có”?
    Hàng phổ biến thường là hàng nội…
    Tất nhiên bà con cũng cần tìm hiểu thật cẩn thận khi quyết định chon mua.

  16. Nhà bạn em ở miền Tây Nam Bộ đã sử dụng phân sinh học biosol+biogel của Ấn Độ trên cây ăn trái và đánh giá là rất tốt. Em muốn sử dụng cho cây ăn trái nhưng nhà trồng xen canh trong rẫy cà phê vậy có tốt không? Em xin được tư vấn.
    Rẫy em có xen cây sầu riêng, bơ, mít, nhãn, cam, bưởi và vài loại cây ăn trái khác nữa…

    • Biogel+biosol là phân bón tổng hợp, bất kỳ cây trồng nào cũng sử dụng được. Đặc điểm nổi bật là nhờ gốc hữu cơ sinh học nên hỗ trợ cho cây tăng sinh, đề kháng sâu bệnh và tăng hương vị riêng của từng loại nông sản. Bạn nào sử dụng rồi sẽ thấy trái cây thơm ngon hơn rất nhiều. Có thể dùng trong bất kỳ giai đoạn nào của tuổi cây hoặc mùa vụ…
      Nếu sử dụng thường xuyên thì 3-4 tuần phun biosol/1 lần và 6-8 tuần đổ biogel/1 lần. Kết hợp tốt với các sản phẩm hữu cơ khác, nhưng nên hạn chế kết hợp vói hóa học.
      Nếu có vướng mắc khi sử dụng thì nên trao đổi chi tiết, cụ thể hơn để đạt hiệu quả, tránh lãng phí.

    • Bạn hãy nghe tôi, tốt nhất là dùng thử với 1 diện tích nhất định qua vài lần là tự mình có thể đánh giá được.
      Tôi đã làm thử theo bạn bè khuyên dùng, kết quả là nhiều năm nay tôi thường xuyên dùng biogel+biosol.
      Khi có vấn đề, tôi thường email nhờ chú Nguyễn Vịnh giải đáp, hỗ trợ…

  17. Các bác các chú cho cháu hỏi là khi đổ thuốc trị tuyến trùng amitage dạng nước có kết hợp với humic và phân sinh học được không và khi đổ thuốc mà đất đủ ẩm thì có cần tưới theo không ạ.

    • Còn tùy vào loại humic và phân sinh học cụ thể bạn đã mua !
      Nói chung, hóa học nên hạn chế, thận trọng khi kết hợp với sinh học.

  18. Chào @ trần phúc !
    Thuốc này nó lưu dẫn, nên rất cần nước. Nước sẽ đưa thuốc khắp nơi trong những bộ phận còn sống của cây hồ tiêu, không đủ nước sẽ mất tác dụng của thuốc. Có thể phối trộn/nhưng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
    Cẩn thận, thuốc ấy 2 năm nay tôi đã không còn sử dụng vì chất lượng không được vừa ý !
    Thân.

Gửi phản hồi mới

(?)