Đăk Lăk: Phát triển chứng nhận “Hồ Tiêu Cư Kuin” cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Hồ tiêu xuất khẩu của Cty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur

Cư Kuin là huyện đầu tiên trong tỉnh xây dựng thành công nhãn hiệu  Hồ tiêu Cư Kuin, tuy nhiên sau gần 1 năm được cấp chứng nhận, việc phát triển nhãn hiệu này gần như “dẫm chân tại chỗ”.

So với nhiều địa phương khác, hồ tiêu Cư Kuin có lịch sử phát triển khá lâu, bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Khoảng 10 năm trở lại đây, cây tiêu đã thực sự trở thành cây công nghiệp hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có gần 4.000 ha hồ tiêu, trong đó có 2.518 ha tiêu kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,7 tấn/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 9.300 tấn. Điều đáng nói là sản phẩm hồ tiêu ở đây chất lượng tốt hơn so với các địa phương khác, tỷ lệ thu hồi hạt tiêu đen loại 1 và loại đặc biệt rất cao, được thị trường ưa chuộng, vì thế mà sản phẩm tiêu ở đây luôn được thương lái cộng thêm 10% vào giá mua. Với mong muốn làm tăng thêm chuỗi giá trị cho cây tiêu, cuối năm 2016, huyện Cư Kuin đã đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin (do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học – Công nghệ cấp tại Quyết định số 6442/QĐ-SHTT ngày 10-10-2016).

Đây là bước tiến lớn trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương. Tuy nhiên, sau khi đăng ký thành công thì việc phát triển nhãn hiệu này gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết, trên địa bàn Huyện chưa có quy hoạch phát triển cây tiêu, thêm vào đó, Tỉnh và Ngành nông nghiệp cũng chưa có định hướng cụ thể để hỗ trợ cho địa phương. Theo Phòng NN-PTNT huyện, sau khi Huyện đăng ký thành công nhãn hiệu, Phòng cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến tiêu theo hướng thực hành nông nghiệp tốt cho nông dân; từng bước thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ về sản xuất hồ tiêu bền vững để tiến tới thành lập các HTX về tiêu sạch… Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhưng do nhãn hiệu Hồ tiêu Cư Kuin còn mới, chưa được nhiều người biết đến, nên vẫn còn ít doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đứng ra làm “bà đỡ” trong phát triển theo chuỗi hàng hóa.

Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur tham gia vào việc phát triển nhãn hiệu Hồ tiêu Cư Kuin. Ông Trần Văn Tâm, Giám đốc công ty cho biết, là đơn vị có diện tích trồng tiêu tập trung cao nhất nước, với 1.000 ha, sản lượng trung bình từ 4.000-5.000 tấn/năm nên công ty có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin. Trước đó, khi huyện chưa đăng ký nhãn hiệu này thì công ty cũng đã làm tiêu sạch để xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ… với sản lượng 1.600 tấn/năm; đặc biệt, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được cộng thưởng đến 27.000 đồng/kg. Với những lợi thế trên, hiện công ty đã triển khai cho 200 hộ tham gia sản xuất tiêu bền vững mang nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích gần 100 ha. Để có sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác, công ty đã triển khai tập huấn cho từng hộ tham gia về kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, đồng thời cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ sinh học cho các hộ dân để bảo đảm chất lượng hạt tiêu đạt yêu cầu đặt ra. Với tham vọng sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn Cư Kuin, trong thời gian tới công ty sẽ tổ chức liên kết với các hộ nông dân làm tiêu sạch để xuất khẩu nhằm đưa thương hiệu Hồ tiêu Cư Kuin ra thị trường thế giới.

Sự tham gia của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc làm gia tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu. Tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc của nhiều DN, nhãn hiệu chứng nhận Hồ tiêu Cư Kuin sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, để nhãn hiệu Hồ tiêu Cư Kuin được nhiều DN biết đến và sử dụng, sắp tới Huyện sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn và một số DN xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng máy và thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm tiêu xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chí khắt khe trên thị trường thế giới.

Nguồn Minh Thuận (Báo Đăk Lăk điện tử)

9 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: Phát triển chứng nhận “Hồ Tiêu Cư Kuin” cần sự vào cuộc của doanh nghiệp"

Nguyễn Vịnh

Phát triển thương hiệu khi đã có “chứng nhận chỉ dẫn địa lý” là việc của các ban ngành chuyên môn và của cả nông dân trồng tiêu trên địa bàn. Sao lại trông chờ vào doanh nghiệp ? Bản thân doanh nghiệp ở nơi khác có thể đến cộng tác với địa phương sản xuất ra hàng hóa để xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho chính doanh nghiệp đó mà còn chưa xong nữa là…
Không gì khác hơn là Phòng Kinh tế hạ tầng kết hợp với Phòng Nông nghiệp và các phòng ban liên quan của Huyện từng bước xây dựng các tổ nhóm sản xuất hồ tiêu “sạch”, “bền vững”, rồi mở rộng thành các HTX trong một “Liên hiệp HTX Hồ tiêu Cư Kuin”. Lúc bấy giờ sẽ không thiếu các nhà kinh doanh hạt tiêu trong nước lẫn ngoài nước tìm tới ký kết mua hàng.
Qua bài báo, tôi cảm nhận có cái gì đó chưa ổn qua 1 DN cụ thể. Đó là 1 DN nghiệp lớn với 1.000 ha tiêu nhưng chỉ mới 100 ha tham gia sản xuất tiêu bền vững (?), còn 900 ha thì sao? bà con muốn gì, còn chờ gì?… Trong khi cái cần của Cư Kuin là chỉ dẫn địa lý cấp huyện, cần sự tham gia của nhiều xã trồng tiêu trọng điểm. Mà đặc trưng của thương hiệu hồ tiêu cần không phải ở số lượng mà là ở chất lượng, ở hương vị. Hồ tiêu là sản phẩm gia vị !
Theo tôi thấy, cần phải xây dựng Hiệp hội Hồ tiêu Cư Kuin (lâm thời) trước đã và từ đó Hiệp hội sẽ có trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển lâu dài để cho cây tiêu nói riêng và sản phẩm Hồ tiêu Cư Kuin nói chung vươn lên tầm cao…
Mong vậy thay !

Longhoang

Tiêu giảm giá 80.000 đ/kg thời gian gần đây không có gì lạ. Cán cân cây công nghiệp gồm tiêu, điều, cà phê, cao su đã có sự chênh lệch rõ. Chặt điều, cà phê, cao su để trồng tiêu ồ ạt. Cung vượt cầu, nhu cầu dùng hạt tiêu lại không tăng như cà phê. Giá cà phê sẽ còn tăng có khi cao hơn giá tiêu trong tương lai gần. Nhà nước chưa có kế hoạch quy hoạch vùng đất nào trồng cây gì thích hợp. Để nông dân trồng tùy thích thì tương lai giá cả còn bấp bênh lắm.

Phucdo

Các bạn nghĩ sao trong năm 2014/2015 giá tiêu như thế nào và giá cà phê ra sao, cao su nữa…
Thời điểm đó tổng thu nhập 1 ha cà phê chưa bằng 1 sào tiêu.
Giá tiêu 230k, giá cà phê 30-32k, giá cao su 6k/1 kg, hỏi bà con chọn loại nào ?
Không có cơ quan chức năng nào cản được… tự làm tự chịu… than vãn chẳng ích gì…

Ngọc Hân

Quy hoạch vùng Trung tâm huyện Cư Kuin không có lối thoát nước, mưa lớn làm ngập úng khắp nơi. Nhiều vườn tiêu của bà con mấy năm trước rất xanh đẹp thì năm nay bị chết quá thê thảm luôn.

Khắc Song

Em đi làm ngang qua ngã ba Cây Gòn với buôn M’tá thấy tiêu chết nhiều lắm…!

tran tam

Có bác ở trong buôn em mua hết mười mấy triệu tiền thuốc bvtv rồi mà tiêu vẫn cứ ra đi không hẹn ngày về…

NGUYÊN ĐĂC NHÀN

Việc sử dụng thuốc hóa học trị bệnh cho cây cần xác định đúng tình trạng bệnh của vườn mới hiệu quả được. Cây mới bị nhiểm ít thì chữa trị đúng liều và đủ thời gian cách li rồi xử lý lại, tưới và phun khoảng 3 lần rồi bổ sung nấm đối kháng để phòng bệnh và phục hồi cây. Lúc này những cây nhiểm nặng sẽ chết nên thiêu hủy, không nên chữa trị những trụ này mà tốn kém có đổ cả phi thuốc nó cũng ra đi thôi. Nhiều khi nếu xử lí thuốc một lần thấy đứng bệnh, mà không xử lý tiếp đúng quy trình là tiền mất mà không hiệu quả. Tiêu vẩn héo thôi…

nguyễn thanh tuấn

Giá tiêu thì ảm đạm, tiêu ngoài vườn thì đang có dấu hiệu chết, chắc bà con trồng tiêu chuyến này tiêu táng đường quá. Thật là buồn…

Nguyễn Văn Minh

Nhắn tin: Chú Nguyễn Vịnh đã gọi, nhưng số này không bắt máy !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *