Đăk Lăk: Tiêu chết hàng loạt ở Cư M’Gar
Từ giữa tháng 7 năm 2011 đến nay, người trồng tiêu trên địa bàn huyện Cư M’gar luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu khi hàng nghìn trụ tiêu mắc bệnh rồi chết không rõ nguyên nhân.
Nông dân thôn 1, xã Ea M’droh bất lực nhìn vườn tiêu chết khô.
Chỉ vào những trụ tiêu đã chết và những trụ đang có dấu hiệu bệnh, ông Nguyễn Hữu Chân ở thôn 1 (xã Ea M’droh) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 400 trụ tiêu, trong đó hơn 200 trụ bước vào thời kỳ kinh doanh, vụ tiêu năm 2011 thu được hơn 1 tấn, với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 70 triệu đồng. Nhưng năm nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết 120 trụ và nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá”. Gần đấy, vườn tiêu hơn 700 trụ của gia đình chị Nguyễn Thị Nam cũng đã chết trên 200 trụ với triệu chứng tương tự. Theo chị Nam, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình đã “đổ” vào đấy gần 4 triệu đồng tiền thuốc nhưng vẫn không có hiệu quả. Ông Lê Cảnh Hương, Trưởng thôn 1 cho biết: “Thôn 1 có 130 hộ trồng hồ tiêu đều bị như vậy, nhà ít cũng 5 hoặc 7 trụ nhiều thì 200-300 trụ, thậm chí có vườn tiêu đang tươi tốt bỗng dưng đổ bệnh chết gần hết”.
Ông Luân Văn Khoay ở thôn Hiệp Đạt (xã Quảng Hiệp) buồn rầu kể: “Thời gian qua, tôi đã đổ biết bao công sức, tiền của để cứu hơn 300 trụ tiêu kinh doanh nhưng rồi cũng bất lực nhìn cây chết khô từng ngày, đến nay 300 trụ tiêu mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng chỉ còn lại 5 trụ. Nhìn vườn tiêu bị bệnh không thể cứu chữa mà ruột gan tôi như xát muối ”. Tuy chưa rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh hại, nhưng gia đình ông vẫn đầu tư trồng lại với hy vọng những trụ tiêu mới sẽ vượt qua.
Tại vườn tiêu của 4 gia đình ở 2 xã Ea M’droh và Quảng Hiệp, chúng tôi thống kê sơ bộ có khoảng 1.200 trụ tiêu chết, thời gian tới chắc con số này còn cao hơn khi rất nhiều trụ đang có hiện tượng rụng lá, rụng trái. Theo nhiều nông dân trồng tiêu cho biết, đây không phải là năm đầu tiên xuất hiện bệnh, song kiểu chết hàng loạt chỉ mới xuất hiện sau mùa mưa năm ngoái khiến người trồng phải đôn đáo tìm cách chữa trị, mỗi gia đình một kiểu nhưng xem ra chẳng đem lại hiệu quả, bởi bệnh này lây lan rất nhanh và cây tiêu ở độ tuổi nào cũng mắc bệnh. Trong tổng số 644 ha tiêu trên địa bàn huyện (tiêu kinh doanh 524 ha) đến nay 65 ha bị nhiễm bệnh và chết, một số diện tích còn lại đang có hiện tượng vàng lá. Một số xã có diện tích tiêu chết nhiều như Quảng Tiến trên 30 ha, Quảng Hiệp gần 20 ha… ở nhiều xã khác số tiêu chết chiếm khoảng 10% diện tích. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bảy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Khi nghe bà con phản ánh, chúng tôi đã xuống từng thôn, buôn kiểm tra. Bước đầu nhận định cây tiêu mắc chứng bệnh chết nhanh còn được gọi là bệnh chết yểu, chết đột tử do nấm Phytophthora gây ra. Hiện Trạm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn người dân sử dụng một số thuốc kháng nấm để phòng, chữa và cứu vườn tiêu”. Tuy nhiên theo chị Đặng Thị Bích Lệ, thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp và một số người dân, mặc dù đã tuân thủ các quy trình phòng trừ bệnh do Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện chỉ dẫn nhưng vườn tiêu vẫn không khỏi bệnh mà tiếp tục bị chết.
Có thể nói, hiện tượng hồ tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân một phần do nhiều hộ dân đã đổ xô trồng tiêu bởi giá cả tăng cao trong khi chưa nắm đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho loại cây khó tính này. Phần nữa nhiều người dân vẫn duy trì cách canh tác không đúng kỹ thuật, bón phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều khiến cây tiêu kiệt sức; khi nấm bệnh đã ủ lâu ngày thì cây không đủ sức kháng bệnh dẫn đến chết nhanh chóng và chết trên diện rộng. Trước thực trạng này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn để kiểm tra tìm ra nguyên nhân đồng thời có biện pháp giúp bà con xử lý bệnh hại trên cây hồ tiêu nhằm khôi phục và phát triển vườn cây.
Tuấn Anh