Đăk Nông: Chấn chỉnh hoạt động sản xuất hồ tiêu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh, mới đây, Sở Nông nghiệp & PTNT Đăk Nông liên tiếp ra các văn bản gửi các địa phương, cơ quan chuyên môn trực thuộc rà soát, báo cáo tình hình và khuyến cáo người dân không mở rộng trồng tiêu ồ ạt. Đây là một động thái hết sức cần thiết của ngành Nông nghiệp Tỉnh này trước tình hình diện tích hồ tiêu ngày càng gia tăng với tốc độ “chóng mặt”.

Vườn tiêu 1 năm tuổi trồng trên cây sống ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp).
Vườn tiêu 1 năm tuổi trồng trên cây sống ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đăk R’lấp).

Những năm gần đây, do giá tiêu trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định, trong khi đó, giá cà phê, mủ cao su xuống thấp nên một bộ phận nông dân đã chặt hạ cao su hoặc phá bỏ cà phê để trồng tiêu. Theo quy hoạch của tỉnh Đăk Nông thì đến năm 2020, diện tích tiêu chỉ dừng lại ở mức khoảng trên dưới 10.000 ha. Thế nhưng, qua thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có đến 16.500 ha tiêu.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới đã lên đến trên dưới 2.500 ha. Điều đáng nói hơn, việc trồng tiêu một cách ồ ạt, không tuân theo quy trình kỹ thuật, không những phá vỡ quy hoạch mà còn dễ dẫn đến vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành hồ tiêu nói riêng.

Đơn cử như chuyện chặt cao su chuyển sang trồng tiêu cũng có nhiều điều đáng nói. Do sợ tốn kém đầu tư nên người dân chỉ bỏ phần ngọn và giữ lại thân cây cao su để làm trụ trồng tiêu. Trong khi đó, theo khuyến cáo, việc trồng tiêu xen trong vườn cao su là không đúng, do nền đất dưới gốc cây cao su thường bị chai cứng nên sẽ không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cây tiêu phát triển.

Trước thực trạng trên, Sở NN & PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã tăng cường khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, không chuyển đổi các cây trồng khác sang trồng tiêu mà chỉ nên tập trung đầu tư, chăm sóc tốt diện tích hiện có. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung phản ánh về những hậu quả xấu đã xảy và có thể xảy ra, những nguy cơ tiềm ẩn của việc phát triển tiêu ồ ạt.

Cụ thể như giá tiêu những năm tới có thể xuống thấp; dịch bệnh lây lan nhanh gây chết tiêu hàng loạt; những đối tượng dịch hại luôn tiềm ẩn trong vườn tiêu. Các cơ quan chuyên môn tăng cường việc theo dõi, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu và các loại cây trồng khác cho nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Việc theo dõi hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) phục vụ cho sản xuất cũng cần được tăng cường, nhất là việc nhân giống tiêu phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không để ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Sở NN & PTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất hồ tiêu trên địa bàn từ năm 2010-2015. Tập trung vào việc ước tính tổng diện tích hồ tiêu trồng thuần và trồng xen trong các cây trồng khác; cơ cấu giống tiêu và dự kiến chủng loại giống trong thời gian tới; áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hồ tiêu như tưới nước tiết kiệm, tiêu thoát nước, phân bón.

Các địa phương cũng cần tìm hiểu, đánh giá về cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tiêu; mô hình sản xuất tiêu năng suất cao, bền vững; mô hình trồng xen hồ tiêu với cây trồng khác hiệu quả cao; các cơ sở sơ chế hồ tiêu đảm bảo chất lượng; công tác quản lý giống hồ tiêu; đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trong thời gian tới…

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, không ít nông dân vẫn có tâm lý chạy theo phong trào và chịu nhiều hậu quả khi lâm vào tình cảnh “trồng-chặt”. Vì vậy, việc ngành Nông nghiệp triển khai rà soát, đánh giá lại hoạt động sản xuất hồ tiêu không gì ngoài mục đích nhằm tiếp tục có những biện pháp, quyết sách cần thiết để chấn chỉnh lại tình hình sản xuất cho đúng hướng hơn. Ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng, về phía nông dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, thận trọng trong việc trồng hồ tiêu, đừng để vì sự thiếu hiểu biết mà  “tiền mất tật mang”.

Nguồn Đăk Nông Online

10 phản hồi cho bài "Đăk Nông: Chấn chỉnh hoạt động sản xuất hồ tiêu"

DakSin

Hy vọng tỉnh Dăk Nông chỉ đạo làm sao cho bà con nông dân không mở rộng diện tích trồng tiêu để trồng những cây khác cho thu nhập như hò tiêu hay hơn nữa thì bà con nông dân vui mừng vô hạn.
Đừng như cây cao su hiện nay thì quá sức thê thảm !
Mong rằng các cơ quan chuyên môn sẽ làm được.

Thanh Hà

Bị côn trùng chích hút nhẹ. Phun bón lá loại nhiều trung – vi lượng để trợ sức và tăng cường che bóng giúp cho tiêu con không bị nắng gắt làm mất diệp lục.

duongtam

Theo em, tiêu này bị tổn thương rễ, thiếu dinh dưỡng và biểu hiện nấm. Anh có thề xử lý bằng thuốc gốc đồng, nhôm (xử lý kép) và phun biosol để bổ sung dinh dưỡng. Sau khi xử lý thuốc hóa học, anh bón humic + các loại phân hữu cơ sinh học để kích rể.
pH rất quan trọng, anh cũng nên kiêm tra thường xuyên để đưa về 5,5 – 6 thì cây sinh trưởng mới tốt.

Trịnh Văn Ba

Chào cháu ! Chú nói cháu đừng buồn. Cháu đang trồng tiêu theo kiểu :”Bán thủy canh”.
Đặc tính sinh lý của hồ tiêu không phải vậy ! Bài học vỡ lòng trước khi trồng tiêu là phải tìm đọc: “Đặc tính sinh lý của cây hồ tiêu”. Qua đó để biết cách mà chiều nó !
2 tối nay chú soi kỹ … Cháu đã làm sai ! Hiệu chỉnh lại cách làm.
Thân chào cháu !

daknongthanh

Bán thủy canh là sao vậy chú?
Vậy bây giờ cháu phải làm sao?

Trịnh Văn Ba

Có nước mới có sự sống ! Dư thừa sẽ là thảm họa : “Nhất thủy nhì hỏa”.
Chú nhắc lại là : hệ thống thoát nước phải tốt , đừng bao giờ làm bồn cho tiêu giống như cà phê. Các cấp rễ cuối cùng của tiêu nhà cháu bị hỏng gần hết ! Ta thường gọi là lông hút ; thứ này nó rất dễ thối , hỏng do phân và nước. Từ đó nó sinh ra rất nhiều loại bệnh ăn theo , cháu lưu ý !

daknongthanh

Mùa khô cháu mới để bồn. Có phải ý chú là bồn quá to phải không chú. Mùa mưa cháu có đào rảnh thoát nước.
Cháu làm bồn to để bón phân chuồng và tưới cho nhiều nước.
Có phải làm lại không chú.

nguyenbao

Cho cháu hỏi vì sao tiêu sẽ của cháu mùa này rụng dữ vậy? Cháu ở Lâm Đồng, tiêu qua tết mới hái.

Trịnh Văn Ba

Biến đổi khí hậu – thời tiết bất thường ! Mưa phùn , sương mù nhiều , nên sinh lắm bệnh. Dùng Tin + Can xi Bo. Can xi Bo nên dùng loại viên sủi !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *