Đăk Nông: Để hồ tiêu không lao đao

Giá cả liên tục lao dốc và dịch bệnh bùng phát mạnh đã khiến cho nông dân sản xuất hồ tiêu tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn. Trong bối cảnh này, ngành chức năng đang khẩn trương triển khai các giải pháp để hỗ trợ, giúp người dân sớm thoát khỏi khủng hoảng…

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Đăk Nông đã có gần 7.000 ha hồ tiêu bị chết.

Tiếp tục khủng hoảng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh đã có 6.651 ha hồ tiêu bị chết, chiếm 19,2% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh  (34.552 ha). Hồ tiêu chết khiến nhiều nông dân  mất một khoản tiền lớn, chông chênh và không dễ chuyển đổi sản xuất.

Hiện nay, giá hồ tiêu đã ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua, với khoảng 37.000 đồng/kg. Với giá cả như hiện nay, những hộ gia đình độc canh cây hồ tiêu hoặc sản xuất hồ tiêu theo cách truyền thống đều gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thu không đủ chi.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song), phân tích: “Hiện nay, bình quân 1 ha hồ tiêu, người dân thu về khoảng 3 tấn hạt. Với giá cả như hiện nay, 3 tấn hồ tiêu mang lại cho người dân tầm 110 triệu đồng. Chi phí để sản xuất được 1 kg hồ tiêu tốn kém khoảng 32.000 đồng. Như vậy, 3 tấn hồ tiêu người dân tốn gần 100 triệu đồng chi phí đầu tư, công cán. Với 1ha đất sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê mướn chỉ thu về được hơn 10 triệu đồng lợi nhuận thì không bỏ bèn gì, thậm chí không đủ ăn”.

Với người vay ngân hàng đề trồng cây hồ tiêu thì hệ lụy còn nặng nề hơn. Anh Nguyễn Văn Thiện, ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Gia đình tôi vay 200 triệu đồng để phát triển cây hồ tiêu với lãi suất 10%/năm. Như năm nay gia đình tôi ước chừng thu về được hơn 3 tấn tiêu, với giá cả như hiện nay thì chỉ thu về được trên 110 triệu đồng. Chi phí đầu tư, phân bón chăm sóc cộng thêm tiền lãi ngân hàng nữa đã khiến cho gia đình thu không đủ chi. Để duy trì vườn tiêu vợ chồng tôi cố gắng lấy công làm lãi để có tiền trả nợ ngân hàng”.

Một số phương án “giải cứu”

Giá hồ tiêu hiện nay đã ở mức rất thấp, gần bằng với chi phí đầu tư sản xuất. Nguyên nhân là hạt tiêu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn mà cơ bản là do nguồn cung vượt quá so với cầu. Diện tích trồng tiêu hiện nay đã vượt quy hoạch. Nhiều diện tích tiêu được trồng ở các vùng không phù hợp, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Trong khi việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu đối với hạt tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành. Vì thế, các ngành chức năng khuyến cáo người dân nên giảm diện tích ở những nơi không phù hợp. Bên cạnh đó, đối với những hộ độc canh cây hồ tiêu cũng cần tính toán xen canh hoặc tiến hành thu hẹp diện tích để đa canh, đa cây nhằm ổn định sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông phù hợp với cây hồ tiêu. Hồ tiêu cũng là loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, có chu kỳ phát triển dài. Do đó, với vai trò của mình, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, đề xuất những phương án để ngành hồ tiêu thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.

Trước hết, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân các địa phương nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích tiêu hồ tiêu đã bị chết hoặc không có khả năng phục hồi để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Trước mắt, người dân nên trồng các loại cây ngắn ngày như: đậu, đỗ, ngô, khoai, các loại rau… để tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo đề xuất các bộ, ngành xem xét có chính sách đặc thù với tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ thiệt hại cho nông dân trồng hồ tiêu theo quy định.

Về lâu về dài, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã xây dựng phương án chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị chết hoặc trồng ở những nơi không phù hợp sang trồng các loại cây khác như cà phê, điều, cây dược liệu, cây ăn quả, chanh dây…

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, tiết kiệm chi phí sản xuất. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận.

Các địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Địa phương cũng cần kiên trì vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu liên kết với doanh nghiệp để đầu tư vật tư đầu vào, thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.

4 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng cần yêu cầu chủ vườn dở bỏ, tiêu hũy thật sạch tàn dư nấm bệnh còn trên các trụ tiêu chết… Để như trên hình thì hậu họa nấm bệnh lây lan sẽ còn kéo dài, nguy cơ xóa sổ cây hồ tiêu Đăk Nông là trông thấy.

    • Chủ quan, coi thường các bệnh nấm hồ tiêu, sẽ sớm nhận quả đắng !

    • Bà con ở chỗ cháu không chịu tiêu hũy mà còn kéo dây tiêu chết ra đầu ngã ba, ngã tư vứt tùm lum… Đáng sợ thật !

    • Khó nói với nông dân mình. Khi giá tăng thì… ào ào. Khi giá giảm thì… mặc kệ !

Gửi phản hồi mới

(?)