Đăk Nông: Phân bón Bioplant Flora – Cây trồng chết và 3 kết quả kiểm nghiệm khác nhau

, Giao Thương, Thị trường hạt tiêu, 16

Sản phẩm phân bón Bioplant Florra do ông Sơn mua ở đại lý Tuấn Hằng

Sản phẩm phân bón Bioplant Florra mua ở đại lý Tuấn Hằng

Khi dùng phân bón nhãn hiệu Bioplant Flora, cây trồng của người dân bị chết hàng loạt. Cơ quan chức năng đã kiểm nghiệm, phân tích và chỉ ra vi phạm về nhãn hàng hóa và nhiều thành phần có hàm lượng không đúng như công bố của sản phẩm này.

Thế nhưng, mới đây, Sở NN&PTNT Đăk Nông có văn bản, kết luận: Phân bón Bioplant Flora bảo đảm chất lượng.

Điêu đứng vì phân bón Bioplant Flora…

Ông Nguyễn Sơn, trú tại bon Choi, xã Đức Xuyên (Krông Nô) cho biết, năm 2009, ông và người em kết nghĩa là ông Kiều Duy Trình đã góp vốn để đầu tư trồng 1.200 cây quýt đường. Năm 2014, vườn quýt đã cho thu hoạch với sản lượng gần 25 tấn. Với giá cả thị trường lúc bấy giờ là 20.000 đồng/1kg, hai anh em ông Sơn thu về gần 500 triệu đồng.

Bước vào mùa vụ 2015, vườn quýt ông Sơn cho quả rất nhiều, sản lượng ước tính là trên 40 tấn. Để bồi bổ thêm cho vườn quýt, tháng 7/2015, ông Sơn đã đến đại lý thuốc BVTV Tuấn Hằng, do ông Nguyễn Anh Tuấn, trú tại thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir (Krông Nô) làm chủ, mua phân bón vi lượng để phun cho cây quýt.

Được ông Tuấn giới thiệu loại phân vi lượng có tên Bioplant Flora do Công ty Cổ phần Flora East (địa chỉ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhập khẩu từ Nga, có chất lượng tốt, nên ông Sơn mua 4 chai (loại chai 1 lít) về phun cho quýt. Thế nhưng, chỉ hai ngày sau khi phun, ông Sơn phát hiện hàng loạt cây quýt bị vàng lá, héo chồi, khô cành và rụng quả.

Nghi ngờ chất lượng của loại phân Bioplant Flora, ông Sơn liền đem phun thử lên cây cà ri, đậu xanh và kết quả là tất cả cùng bị héo úa và chết. Ngay lập tức, ông Sơn đã thông báo sự việc với ông Tuấn để kiểm tra, tìm biện pháp khắc phục. Thế nhưng, ông Tuấn cho rằng, vườn quýt bị bệnh, nên khuyên ông Sơn mua thuốc BVTV để phun, kết hợp với bón phân dưới gốc. Nghe theo lời ông Tuấn, ông Sơn đã bỏ thêm 20 triệu đồng để mua thuốc và phân về cứu vườn quýt, nhưng vẫn không có kết quả.

Ông Sơn đau xót cho biết: “Mùa quýt 2015 đã hoàn toàn mất trắng. Nghiêm trọng hơn là có gần một nửa vườn quýt bị chết hoặc tàn lụi, không thể tiếp tục ra quả”.

Qua tìm hiểu thì loại phân vi lượng nhãn hiệu “Bioplant Flora” được Công ty Cổ phần Flora East nhập khẩu từ Liên bang Nga và chỉ được chỉ định dùng cho cây hồ tiêu. Sau khi nhập khẩu về, không biết có bổ sung, điều chỉnh thành phần, hàm lượng hay không, nhưng Công ty Cổ phần Flora East còn chỉ định dùng thêm cho các loại cây khác như cà phê, lúa, bắp rau xanh, khoai tây… Trên nhãn mác và bao bì của loại phân Bioplant Flora không hề ghi thông tin, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất; không ghi thông tin cảnh báo về an toàn. Sản phẩm này có tên của đơn vị nhập khẩu, nhưng không ghi địa chỉ của đơn vị này.

Kể từ thời điểm vườn quýt bị hư hại, ông Sơn và ông Trình đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng để phản ánh sự việc và đề nghị làm rõ chất lượng sản phẩm phân Bioplant Flora để xử lý theo quy định.

Kể từ mùa vụ 2015, vườn quýt của 2 ông Sơn và Trình đã không còn trĩu quả

Kể từ mùa vụ 2015, vườn quýt của 2 ông Sơn và Trình đã không còn trĩu quả

Chuyện kiểm nghiệm…

Sau khi tiếp nhận được thông tin phản ánh của ông Sơn và ông Trình, Sở NN&PTNT đã tiến hành xác minh vụ việc. Ngày 23/5/2016, Sở NN&PTNT đã ban hành Kết luận số 605/KL-SNN về phân bón Bioplant Flora. Bản kết luận này khẳng định: Sản phẩm phân bón lá Bioplant Flora của Công ty Cổ phần Flora East được bán tại đại lý kinh doanh thuốc BVTV Tuấn Hằng là bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành. Hiện tượng rụng quả, vàng lá tại vườn quýt của ông Sơn và Kiều Duy Trình là do nhiều nguyên nhân như cây suy kiệt sau khi cho nhiều quả, chăm sóc không bảo đảm, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và do thời tiết…

Mặc dù vậy, bản kết luận có đề cập vấn đề: Trên nhãn mác và bao bì không ghi thông tin, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất; không ghi thông tin cảnh báo về an toàn; không ghi địa chỉ của đơn vị nhập khẩu… là vi phạm Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa.

Sở NN&PTNT đưa ra 3 kết quả kiểm nghiệm các thành phần của loại phân Bioplant Flora. Kết quả thứ nhất, kết luận sản phẩm phân Bioplant Flora không hề có các chất N và P2O5, trong khi hàm lượng công bố trên bao bì lần lượt là 0,015% và 0,002%. Còn chất K2O lại vượt 2.000 lần so với hàm lượng công bố, Cu vượt 11.800 lần, Mn vượt 314 lần, Zn và Mg đều vượt 117 lần…

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm lần 1, Công ty Cổ phần Flora East đã gửi văn bản xin phép được kiểm nghiệm lần 2 và được Sở NN&PTNT đồng ý. Sau đó, Công ty đã gửi mẫu phân từ Hà Nội vào để Sở NN&PTNT tiến hành kiểm nghiệm và cho kết quả rất khác với kết luận ban đầu. Các chất N và P2O5 từ chỗ không có trong lần kiểm nghiệm trước, thì nay tăng lên một cách đột biến khi vượt hàm lượng công bố lần lượt là 1.533,3 lần và 21.500 lần. Còn các chất như K2O, Mn, Zn, Mg có kết quả tương đương như lần thứ nhất. Chưa dừng lại ở đó, Sở NN&PTNT tiếp tục kiểm nghiệm lần thứ 3, kết quả, các chất N và P2O5 lại chỉ vượt mức công bố lần lượt là 933,3 lần và 14.350 lần. Các chất còn lại cũng có sự giao động so với 2 lần trước, nhưng không đáng kể.

Ở đây xin được lưu ý, tất cả mẫu phân Bioplant Flora được đưa đi kiểm nghiệm đều do Công ty Cổ phần Flora East chủ động cung cấp chứ không phải do Sở NN&PTNT lấy ngẫu nhiên tại đại lý Tuấn Hằng.

Tất cả đều hợp lý…!?

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông về vấn đề trên, ông Hồ Gấm, Phó GĐ Sở NN&PTNT thừa nhận việc không trực tiếp lấy mẫu kiểm nghiệm tại đại lý Tuấn Hằng là không đúng quy định. Nguyên nhân là do vào thời điểm đó, đại lý Tuấn Hằng không còn phân Bioplant Flora nữa, nên buộc phải lấy mẫu do Công ty Cổ phần Flora East cung cấp.

Ông Gấm giải thích thêm: “Mặc dù hàm lượng các thành phần của phân Bioplant Flora không đúng với mức công bố, nhưng lại ở mức cao hơn, nên vẫn được xem là… đạt chất lượng. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có quy định xử lý về việc nhà sản xuất phân bón cung cấp sản phẩm có hàm lượng các thành phần cao hơn mức công bố, nên việc kết luận về chất lượng phân Bioplant Flora như vậy theo tôi là hợp lý !”.

Hiện nay, Sở NN&PTNT chưa đưa ra bất kỳ kiến nghị nào về việc xử lý Công ty Cổ phần Flora East, kể cả vấn đề vi phạm quy định về nhãn mác. Còn về phía ông Sơn và ông Trình cho biết, họ chưa đồng ý với nhiều điểm trong bản Kết luận số 605, đặc biệt là việc kết luận phân Bioplant Flora bảo đảm chất lượng, trong khi hàm lượng các thành phần của loại phân này đều vượt trên mức công bố gấp hàng ngàn lần. Do đó, ông Sơn và ông Trình sẽ tiếp tục kiến nghị để được xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
16 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Vụ này từ năm ngoái. Phân bón công nghệ Nano siêu nhỏ như không có nên kiểm tra gần cả năm không ra là đúng rồi. Nhưng cũng khen cho Sở NN-PTNT Dak Nông kiểm tra được là giỏi…
    Kết luận : huề cả làng. Chỉ có 2 anh nông dân trồng cam bị thiệt hại tiền tỷ… Xót thật !

    • Nhãn mác không rõ ràng, thông tin về nhà sản xuất không cụ thể,… mà sao bà con mình cứ cả tin để mua được nhỉ !…

    • Lấy mẫu kiểm nghiệm do nhà sản xuất cung cấp chứ không phải từ chính lô hàng của cửa hàng BVTV đã gây tai họa. Chuyện thật như đùa !

  2. Hiện nay phân bón được quảng cáo công nghệ nano trên thị trường không biết chất lượng ra sao mà thấy công ty mở hội thảo rầm rộ lắm. Dùng để bón cho cây mà cây chết thế này thì người dân lãnh đủ thôi.

  3. Không hiểu sao tôi đã không còn tí lòng tin nào vào các sở, ban, ngành chức năng từ khi nào cũng không nhớ nữa. Chúng ta ai cũng có biết thức ăn vào miệng người mà còn không được quan tâm huống chi là thức ăn cho cây !

  4. Các chất vượt mấy chục nghìn lần so với công bố mà nói là không sao. Phun liều lượng theo quy định nhưng thành ra vượt mức quá liều cây chết là phải.

    • Cùng 1 loại phân sao lại có kết quả xét nghiệm không giống nhau? Phải chăng là có sự đối phó của nhà phân phối? (hay cũng là nhà sản xuất nhưng gắn mác nhập khẩu ?)
      Núp bóng phân sinh học để làm bông nên bổ sung lân, kali dưới dạng sunfat hóa học quá liều khiến đọt non, lá non, bông non… không cháy mới là lạ ! Bà con trồng tiêu cần cảnh giác, thận trọng với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tiền mất tật mang… Xót lắm !

  5. Gấp! Giúp cháu với.
    Chú Vịnh và mọi người trên diễn đàn giúp cháu với, tiêu tơ nhà cháu đang bị rụng đốt, bây giờ cháu phải xử lý thế nào để chữa cho những trụ đã bị và phòng cho cả vườn ạ? Cháu cảm ơn !?
    Cháu bổ sung thêm là chiều nay cháu mới xịt thuốc sâu + biosol thì cháu phát hiện một số trụ bị rụng đọt, vậy giờ cháu phải xử lý thế nào ạ? Cháu mới trồng tiêu được 1 năm chưa có kinh nghiệm nên cháu hoang mang quá, mọi người giúp cháu với.

    • Bệnh rụng đốt, tháo khớp, có nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là:
      -Do nhiễm nấm. Phun aliete hay các thuốc gốc đồng.
      -Do thiếu dinh dưỡng. Thiếu trung vi lượng, nhất là canxi, cần bổ sung.

  6. Vậy chiều qua em mới xit thuốc sâu + biosol thì chiều nay em xịt aliete được không a, em tính pha boocdo 1% để đổ cho những gốc đang bị rụng đốt được không ạ? Em cảm ơn.

    • Chắn chắn sẽ có phản ứng xảy ra, thường bất lợi hơn là có lợi. Nên cách ly tối thiểu vài ngày cho an toàn.
      Cần xem xét kỹ, nếu rụng lóng tháo khớp không phải do nấm bệnh mà do thiếu canxi như ý kiến @Ngok thì sao?

  7. Theo kinh nghiệm; từng trải nghiệm – tiêu bị bệnh do 2 nguyên chính : phân và nước
    – Mùa này mưa chưa nhiều ; vậy thì do bón phân không đúng cách – gốc , rễ bị tổn thương nặng! Biện pháp :
    – Giữ ẩm đều
    – Không bón và xịt bất cứ loại phân nào.
    – Dùng AMITAGE + AGRIFOS 400 +Thuốc dâm chiết cành (pha theo hướng dẫn trên bao bì) tưới gốc và xịt kỹ ; lần 2 cách lần 1 từ 5 dến 7 ngày. Lám ngay đi – Qua 3 tuần sẽ thấy kết quả tốt.

  8. Chào cộng đồng.
    Chào bác Trịnh Văn Ba
    Trước tiên xin cảm ơn chia sẻ của bác? Xin bác cho em biết sản phẩm thuốc dâm chiết cành mục đích là kích thích ra rễ, vậy phun xịt trên lá có ảnh hưởng gì không?
    Xun cảm ơn bác đã chia sẻ.

Gửi phản hồi mới

(?)