Đắng lòng… cỏ ngọt

Loay hoay tìm đầu ra ổn định cho cây cỏ ngọt…

Năm ngoái, để được nghỉ trưa, chúng tôi phải đóng cổng để “trốn” những người thu mua cỏ. Nhưng năm nay, mở cổng cả ngày vẫn chẳng thấy ai đến hỏi, buồn lắm…, đó là lời tâm sự của không ít người dân xã An Vỹ (Khoái Châu – Hưng Yên) khi cây cỏ ngọt rơi vào tình trạng ế ẩm, giá giảm liên tục.

Gần 10 năm nay, cây cỏ ngọt trở thành nguồn thu nhập chính của không ít hộ dân xã An Vỹ, với khoảng 70-80 mẫu ruộng chuyên trồng cỏ ngọt. Bình quân một năm, bà con thu hoạch 5 – 6 lứa, lứa đầu thời gian trồng 2 tháng, các lứa tiếp theo thu hoạch sau 30-40 ngày. Năm ngoái, giá cỏ ngọt có lúc đạt kỷ lục, lên tới 60.000 – 65.000 đồng/kg cỏ khô, lúc bình thường cũng đạt 30.000 – 40.000 đồng/kg, vì thế, nhiều hộ dân ở An Vỹ thu lãi 14 – 16 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Tuy nhiên, sang năm nay, giá cỏ ngọt bỗng dưng giảm liên tục, chỉ còn 22.000 – 25.000 đồng/kg, việc tiêu thụ cũng rất chậm, khiến nhiều hộ chán nản, phải “cắt bớt” diện tích trồng loại cây này. Hiện, diện tích cỏ ngọt tại đây chỉ còn 10 mẫu.

Gia đình anh Đàm Văn Báu, một trong những hộ thu mua cỏ ngọt lâu năm trong xã than thở: “Năm ngoái, tôi chạy hàng liên tục, nhưng sang năm nay, lâu lâu chúng tôi mới có chuyến hàng, không hiểu sao giá giảm sâu đến vậy. Năm ngoái 1 sào cỏ ngọt chúng tôi lãi 20 triệu đồng, nhưng năm nay chẳng được mấy đồng”.

Chị Đàm Thị Oanh, người chuyên thu mua, đồng thời cũng trồng nhiều cỏ ngọt nhất xã An Vỹ buồn rầu nói: “Năm ngoái, vợ chồng tôi vừa trồng cỏ, vừa đi thu mua tất bật suốt ngày, thu nhập cũng khá. Còn năm nay, chỉ mình tôi đi thu mua nhưng hôm đi, hôm nghỉ. Giờ cỏ ngọt thành “cỏ đắng” rồi!”.

Để tìm hiểu nguyên nhân khiến cây cỏ ngọt hóa… cỏ đắng, chúng tôi tìm đến HTX Nông nghiệp An Vỹ. Phó chủ nhiệm HTX Nguyễn Trọng Giang cho biết: “Nguyên nhân chính khiến cỏ ngọt giảm giá là do đầu ra không ổn định, người trồng phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Vì họ cung cấp chủ yếu cho các cơ sở nhỏ lẻ nên khi các cơ sở không mua nữa, hoặc chuyển sang mua những vùng khác thì người dân không biết bán cho ai”.

Theo ông Giang, mấy năm trước, Công ty Chè Kim Anh, Viện Nghiên cứu giống cây trồng Trung ương cũng xuống thu mua, nhưng chỉ được một thời gian, phần do nhiều nơi khác bắt đầu trồng cỏ, phần do người dân ở đây không thống nhất được giá cả. Hiện xã đang nghiên cứu tìm mối tiêu thụ ổn định, sau đó tiến hành quy hoạch khu chuyên trồng cỏ ngọt, thay cho việc trồng manh mún, tự phát trước đây…

Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt là chất phụ gia điều vị để sản xuất bánh mứt kẹo, rượu màu và nước giải khát cho người ăn kiêng. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang đề nghị thay thế 30% đường mía bằng loại đường từ cỏ ngọt. Tại Việt Nam, Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án phát triển cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao. Theo đó, cây cỏ ngọt được đưa vào trồng tại các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng…

Nguồn Báo Kinh tế Nông thôn điện tử

3 phản hồi cho bài "Đắng lòng… cỏ ngọt"

Huỳnh Nghĩa Hiệp

Hiện tại em muốn mua cỏ ngọt số lương lớn thì em có thể với HTX Nông nghiệp An Vỹ bằng cách nào vậy ạ.

Đỗ Quỳnh Dương

Hiện tại tôi trồng cỏ ngọt rất nhiều, ai thụ mua xin liên hệ với tôi, sđt của tôi là. 0964953918

Đỗ thị kiều

Bác Hiệp ơi. Cho em tham khảo giá cỏ ngọt hiện tại dao động là bao nhiêu 1 kg ạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *