Đồng Nai hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch
Đồng Nai là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng hạt tiêu. Thế nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất tiêu sạch.
Toàn tỉnh Đồng Nai có gần 8 ngàn hécta tiêu, trong đó hơn 6.250 hécta đang cho thu hoạch. Cây tiêu được trồng nhiều ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú và Trảng Bom. Tuy ở một số địa phương đã nhen nhóm hình thành các vùng chuyên canh cây tiêu, nhưng mỗi hộ vẫn áp dụng một cách sản xuất khác nhau.
Mỗi người một quy trình
Năm 2011, tổng sản lượng hồ tiêu của Đồng Nai trên 13.300 tấn, năng suất bình quân 2,1 tấn/hécta/năm. Giống tiêu được trồng nhiều ở Đồng Nai là tiêu Sẻ và tiêu Vĩnh Linh. Diện tích cây tiêu nhiều, nhưng mỗi hộ sản xuất theo một quy trình nên năng suất và chất lượng khác nhau. Một số nhà vườn đẩy năng suất lên 5-8 tấn/hécta/năm, thu lợi nhuận 300-500 triệu đồng/hécta/năm, nhưng cũng có hộ năng suất chỉ đạt trên 1 tấn/hécta, thu lời chỉ 40-50 triệu đồng/hécta/năm. Kể cả những hộ có năng suất vượt trội, quá trình chăm sóc cũng không giống nhau.
Ông Hoàng Văn Lập ở ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), cho hay: “Vườn tiêu của tôi nhờ áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, năng suất đạt 7-8 tấn/hécta/năm. Quy trình này bắt buộc bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai mục, bón đúng, đủ lượng phân hóa học và ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh”. Ông Trần Hữu Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), người có năng suất tiêu cao nhất tỉnh, nhận định: “Sở dĩ cây tiêu của tôi có năng suất 10 tấn/hécta/năm là nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Được tưới nước, bón phân đầy đủ, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, đỡ phun xịt thuốc hóa học”.
Cả 2 mô hình tiêu ở trên đều cho năng suất cao, mỗi mô hình theo một quy trình riêng. Đây chính là điểm yếu khiến hồ tiêu trong tỉnh xuất khẩu luôn có giá thấp hơn giá tiêu của một số nước từ 200-400 USD/tấn.
Sẽ có vùng chuyên canh lớn
Để có vùng chuyên canh lớn sản xuất theo hướng hàng hóa, Đồng Nai chọn cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nhằm có những chính sách hỗ trợ phát triển. Với những diện tích trồng mới, tỉnh sẽ hỗ trợ giống và một phần phân bón trong 4 năm liền, các vườn tiêu thâm canh được hỗ trợ kinh phí mua vật tư nông nghiệp trong 3 năm liền…
Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Vì cây tiêu là cây chủ lực nên hàng năm, trung tâm đều phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình thí điểm cho năng suất cao. Sau đó, trung tâm tổ chức hội thảo mời nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng. Hiện nay, ở một số huyện đang từng bước hình thành vùng chuyên canh tiêu cho năng suất cao và số hộ có năng suất tiêu đạt 5-7 tấn/hécta/năm ngày càng nhiều”.
Tuy một số huyện đã bắt đầu nhen nhóm hình thành các vùng chuyên canh tiêu, như: Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc); Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom); Lâm San (huyện Cẩm Mỹ)… Nhưng để thực sự trở thành các vùng chuyên canh hồ tiêu lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa thì cần có quy hoạch. Trong các vùng chuyên canh, đòi hỏi nông dân làm cùng một quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn.
3 phản hồi cho bài "Đồng Nai hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch"
Thân gởi anhTừ nghĩa Dương và anh Phan Phát!
Qua giatieu.com chúng ta đã gặp nhau, tình cảm của hai anh dành cho tôi như cứ như là một người bạn cũ, không chút sượng sùng, khách sáo, chân tình và cởi mở, cùng chia sẻ với nhau về cây hồ tiêu.
Vườn tiêu của anh Phát quá tuyệt vời rồi, riêng vườn tiêu của anh Dương tôi xin góp ý với anh cách sử dụng thuốc siêu amino số 1 và super trico dùng để đổ gốc, sau khi hòa 2 loại thuốc vào thùng, anh có thể dùng máy phun thuốc để phun dưới gốc, anh điều chỉnh béc phun lớn hơn khi dùng cho phun lá, rồi anh phun vào cái xô để đo lường, thường thì tôi đếm từ 1 đến 70 thì đủ lượng thuốc để phun cho 1 gốc khoảng 3 lít thuốc, lượng thuốc có thể nhiều hoặc ít hơn một tí, điều đó không quan trọng lắm, vấn đề là đừng có cứng ngắc quá trong công việc, phải uyển chuyển trong các thao tác để không phải phát sinh tâm lý chán nản.
Xong phần phun thuốc anh phải tưới nước chung quanh gốc cho lượng thuốc tan đều, và cho vi nấm hoạt đông tốt hơn, điều này vô cùng quan trọng vì nó quyết định hiệu quả của thuốc và sự sống còn của vi nấm.(phần tưới gốc anh có thể làm cả ngày không ngại trời nắng) Vườn tiêu của anh mà không bị bịnh thì riêng cách làm cho ra trái của anh cũng khiến nhiều người phải học tập.
Chúc hai anh cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc.
Đừng vì siêu lợi nhuận mà trồng tiêu tự phát theo phong trào. Trồng tiêu trên vùng đất trũng, úng nước trong mùa khô, tiêu sẽ thối rễ chết sạch. Trồng tiêu mà không lo mua phân chuồng ủ hoai bón mỗi gốc 15-20 kg/năm, mà lại bón toàn phân hóa học NPK, DAP, Urê… không loại trừ loại kém chất lượng, giả, xịt đủ các loại thuốc trừ sâu thì trước mắt thấy tiêu tốt đấy. Nhưng sau vài năm đất sẽ thoái hóa ô nhiễm, các vi sinh vật hữu ích bị tiêu diệt, vườn tiêu chết hàng loạt. Bài học này Ấn Độ đã trả giá quá đắt…
Quá lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, một số vườn tiêu ở Tây Nguyên cũng đã bắt đầu thoái hóa, năng suất thấp và có nơi chết cả vườn vài ba ha. Canh tác tiêu theo con đường hữu cơ là duy nhất đúng không bàn cãi.
Tôi đồng quan điểm với anh Hoàng Lân. Đa số người nông dân thấy trước mắt ko thấy cái lâu dài, thường có tư tưởng: “Năm nay trúng mùa năm tới tính sau”. Hết về ngoại xin ăn… Lợi bất cập hại… Tất cả đều do: “Cái khó nó bó cái khôn”. Khổ lắm! Biết rồi nói mãi. Ở gần vườn tôi, nói đến phân chuồng, phân vi sinh, chế phẩm sinh học, nấm trechoderma thì bà con hay nói: “Thuốc tây và thuốc đông y trị bệnh cái nào tốt hơn”. Nhưng ở đây tôi muốn nói người nông dân cầm máy tính như chúng ta cần phát huy, cần phát động đến bà con, con đường phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chúng ta. Nói thế có điều gì ko hay mong các bác bỏ qua. Thân chào.