Gia Lai: “Mê hồn trận” giống cây hồ tiêu

Một vườn ươm tiêu giống tại TP. Pleiku.
Một vườn ươm tiêu giống tại TP. Pleiku.

Trong khi các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, điều… đều cho thu nhập bấp bênh thì cây hồ tiêu vốn được mệnh danh là “cây tỷ phú” lại càng có cơ hội để nổi lên và hấp dẫn nhà nông hơn bao giờ hết. Nhà nhà đua nhau trồng tiêu khiến cho thị trường cây hồ tiêu giống trở nên phức tạp.

Là chủ một trại cây giống khá lớn ở TP. Pleiku nhưng anh H. chưa từng trải qua bất cứ một lớp đào tạo hay tập huấn nào liên quan đến kỹ thuật ươm cây giống. Xuất thân là thợ cơ khí nhưng do làm ăn không hanh thông, anh cùng vợ chuyển hướng qua sản xuất cây giống. Tất cả số vốn nghề có được nhờ học hỏi qua mấy người đi trước, rồi họ chỉ kinh nghiệm lại cho. Khu vườn ươm nhà anh ươm đủ các loại cây giống, từ hồ tiêu, cà phê, keo, tràm, bời lời…

“Năm nay tôi ươm hơn 1 vạn bầu tiêu. Thời tiết khắc nghiệt quá nên tiêu lên không đẹp lắm. Với lại, hồi đầu vụ ươm nhà nào cũng đổ xô đi lùng mua tiêu lươn khiến giá tiêu lươn bị đẩy lên cao ngất, nhiều nhà vườn còn cắt cả dây tiêu non để bán nên mình đem về ươm chết nhiều”-anh H. cho biết.

Sát bên vườn ươm của hộ ông T. cũng trưng biển quảng cáo trại ươm giống hoành tráng với nhiều loại cây giống phổ biến kèm theo lời cam kết uy tín, chất lượng… nhưng khi hỏi chủ vườn, ông T. thừa nhận chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo nào về nghiệp vụ kỹ thuật sản xuất cây giống. Cơ sở của ông thậm chí còn chưa có cả giấy phép đăng ký kinh doanh. “Ở đây bà con chủ yếu làm theo kinh nghiệm, người đi trước bày cho người đi sau, chứ có ai học trường lớp ra đâu. Vậy mà bao năm nay họ vẫn làm, người ta vẫn kéo đến mua. Uy tín là nhờ thế”-ông T. phân trần.

Theo ông T., anh H., để làm cây tiêu giống hay bất cứ loại cây giống nào khác đều không khó. Chỉ cần trộn đất với phân chuồng, thêm ít phân vi sinh rồi đóng bầu và tưới liên tục nhiều lần cho nước thấm đều hết đất trong bầu. Nếu cà phê thì ươm cho nảy mầm rồi nhổ lên, đặt vào bầu. Hồ tiêu thì mua dây lươn về, chọn vùng mắt phù hợp rồi giâm vào bầu đất. “Cái khó của nghề ươm tiêu giống là điều chỉnh độ ẩm phù hợp, chế độ chăm sóc sao cho mầm tiêu phát triển xanh tốt, mập mạp; rễ tiêu ra đều, khỏe. Cái đó cứ quan sát hàng ngày và tự điều chỉnh. Dây tiêu lươn thì về huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông… vùng nào cũng có để cắt”-ông T. nói.

Hậu quả khôn lường

Cây giống là yếu tố tác động đầu tiên đến sự thành bại của nhà nông trong việc đầu tư. Với cây hồ tiêu, loại cây có thể đem lại nguồn thu bạc tỷ mỗi ha trong một năm nhưng cũng có thể biến người giàu thành con nợ chỉ sau vài đợt đổ bệnh. Vài năm gần đây, do nhu cầu tiêu giống quá cao nên không ít cơ sở sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, ươm các dây giống không đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nông dân. Trong khi, sự ràng buộc giữa người mua-người bán hầu hết chỉ là những thỏa thuận bằng miệng, nếu xảy ra sự cố cũng rất khó lấy căn cứ xác định để yêu cầu trách nhiệm vì hồ tiêu vốn là loại cây quá nhạy cảm. Lúc ấy, tiền đã giao, “được ăn lỗ chịu”, người nông dân chỉ biết trông chờ vào may rủi…

“Người “tay mơ” mới trồng tiêu hay bị đánh lừa vì chỉ biết căn cứ theo hình thức bên ngoài của cây tiêu giống, tức là cây mầm lá xanh tốt, ngọn mập mạp, nhìn khỏe khoắn là được. Người tinh ý hơn thì chọn cây có rễ khỏe khoắn, vì với cây tiêu bộ rễ rất quan trọng. Nhưng cả hai thứ này, người ươm tiêu giống đều có thể dùng “chiêu” như thuốc kích thích, phân bón lá mạnh tay để tạo ra”-ông T. cho biết.

Anh Lâm-một người dân ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai) chia sẻ rằng, trước đây bạn anh từng mua phải giống tiêu “rởm” từ các xe ô tô chở về trung tâm thị trấn Ia Kha để bán. Tiêu giống nhìn rất xanh tốt, rễ lộ ra xung quanh bầu ươm. Nhìn đẹp mắt, anh bạn này mua về nhưng chưa kịp đem ra vườn trồng, toàn bộ số tiêu giống đã chết sạch. Khi mở các bầu ươm ra thì thấy có hạt bắp lẫn trong đất. Thì ra bắp được chủ nhân bẻ mầm và nhét vào bầu ươm tiêu để bộ rễ phát triển, giả làm rễ tiêu ăn ra. Đến khi phát hiện ra sự thật thì chiếc xe bán cây giống đã không một lần quay trở lại, cả chục triệu đồng tiền giống của gia đình anh này đi tong.

Để phân biệt được giống tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh hay Phú Quốc cũng là điều không nhiều người làm được, vì dây tiêu giống non rất khó phân biệt, chỉ những người làm tiêu quen mới nhận biết được, người mới thì chỉ nghe theo lời người bán thôi. “Với lại, khi chọn mua tiêu giống cũng… hên xui lắm, nếu nhà vườn ươm kỹ tính, cẩn thận chọn dây lươn trong những vườn tiêu khỏe mạnh, sạch mầm bệnh thì sau này người trồng được nhờ, còn không thì ngược lại”-anh H. cho hay.

Nguồn Baogialai.com.vn

7 phản hồi cho bài "Gia Lai: “Mê hồn trận” giống cây hồ tiêu"

Nguyễn Thành Duy

Cái này bà con nên mua giống tiếu có nguồn có rõ ràng, tốt nhất là đến tận vườn cắt về tự ươm là chắc ăn nhất.
Đến thời điểm trồng tiêu bà con có thể đi tham quan vườn hoặc nhờ người quen biết xem hộ đồng thời giá cả ra sao rồi đến mua tận nơi.
Chúc bà con trồng tiêu ngày một phát triển.

Nguyen tu doan

Kiếm ít chỗ đất trống, chục bị tiêu giống mình ưng ý nhất trồng xuống, thả cho bò giống như khoai lang bón phân tro thuốc men đầy đủ. Lâu lâu ngắt đọt một lần. Đến sang năm ta tha hồ có giống tiêu để trồng. Không phải lo giống đểu. Còn kỷ thuật ươm thì vào mạng là có.

pham thanh liem

Bà con đang chuẩn bị trồng thì nên đến những cơ sở sản suất cây giống nhỏ lẻ quy mô gia đình, mình thăm quan vườn rồi quyết định mua. Tôi thấy ở những cơ sở sx cây giống kinh doanh hay thu gom dây từ khắp nơi về ươm, khó kiểm soát đc chất lượng. Trồng những loại tiêu giống kém chất lượng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều thứ bệnh sau này, đặc biệt là bệnh tiêu điên khi cắt giống. 5 6 năm về trước nhà tôi trồng giống mua ở những cơ sở nhỏ lẻ nơi mình quen biễt về trồng.
Tiêu khi cắt giống hay bi tiêu điên có lẽ do giống kém chất lượng chăng !
Mong bà con thận trọng khi quyết định mua tiêu giống.

duong phan

Chào cộng đồng giatieu, chào các chú các bác! Con có chút ít thắc mắc mong được giải đáp, con có trồng khoảng 500 trụ tiêu lươn cách đây 12 ngày, mà từ lúc trồng đến giờ ngày nào cũng có mưa, vừa rồi thì con có bỏ 1 ít ure cho tiêu mau bén rễ (con nghe hàng xóm nói) mà chẳng hiểu sao những lá tiêu thứ 2, 3, 4 từ ngọn xuống thì lại hơi vàng và nhợt nhạt, con kiểm tra dây lươn thì không bị úng nước, không biết đó là hiện tượng gì ạ, con chỉ mới trồng tiêu năm đầu kinh nghiệm còn yếu kém nên hơi lo lắng. Mong ai có kinh nghiệm chỉ giúp con với.

Ngok

Mưa dầm đã thối rễ tơ mà còn bỏ ure nữa, không chết mới là lạ. Điều này anh Minh Vịnh đã đề cập trong bài chăm sóc tiêu con, phần I. Bạn nói nghe trên mạng cũng hơi sợ chắc bạn đã không đọc những bài này mà đi nghe hàng xóm cho chắc ăn thì sao còn lên đây để hỏi. Muốn có kinh nghiệm thì bạn tự tìm tòi, thu thập, trên trang giatieu.com này không thiếu. Chỉ cho bạn mà bạn không có niềm tin thì e cũng khó lòng bạn nhỉ.

Châu Phong

Tiêu bị u rễ là do tuyến trùng làm tổ cư trú trên rễ và chích hút, cạnh tranh dinh dưỡng làm cho tiêu suy yếu, vàng lá.
Đổ thuốc có hoạt chất carbosulfan hay Fipronil để diệt tuyến trùng và phun bón lá biosol để trợ sức, xử lý kép. Sau đó, tăng cường bón các loại phân hữu cơ, sinh học, giàu amino… để hồi phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *