Gia Lai: Năng suất, sản lượng hồ tiêu Chư Pưh giảm mạnh
Nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai hiện đã thu hoạch được hơn 70% diện tích cây trồng. Tuy nhiên, niên vụ hồ tiêu 2014 tiếp tục là một niên vụ buồn đối với nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện, bởi sản lượng tiêu giảm mạnh so với năm trước.
Chư Pưh là một trong 2 huyện có diện tích trồng tiêu và sản lượng tiêu lớn nhất Tỉnh. Tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn 2.567 ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 2.200 ha, với tổng sản lượng hàng năm dao động từ 7.000 tấn đến 9.000 tấn.
Tưởng chừng tình trạng mất mùa của niên vụ trước sẽ không lặp lại đối với vườn tiêu của mình trong niên vụ này, nhưng thực tế năng suất, sản lượng tiêu trong năm nay của gia đình chị Trần Thị Hoài (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) lại tiếp tục giảm mạnh hơn. Chị Hoài buồn bã cho biết: “Năm trước mặc dù mất mùa nhưng 3.000 trụ tiêu của gia đình tôi cũng thu hoạch được hơn 6 tấn, nhưng năm nay chắc chỉ thu được khoảng 3 tấn mà thôi, giảm tới gần một nửa”. Nguyên nhân chính dẫn đến việc sản lượng tiêu của gia đình chị Hoài giảm mạnh là do gần 1.000 trụ tiêu bị chết bởi bệnh chết nhanh chết chậm, cùng với đó là diện tích tiêu đã cho thu hoạch trên 10 năm nên cây tiêu bị suy kiệt.
Tương tự, sản lượng tiêu năm nay của gia đình ông Nguyễn Xuân Tám (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang) cũng giảm tương đối mạnh so với năm ngoái. Ông Tám cho biết: “Mặc dù mới thu được hơn 60% trên tổng diện tích gần 2 ha (gần 4.000 trụ tiêu) nhưng có thể khẳng định năng suất năm nay giảm khá mạnh. Với diện tích này, năm trước gia đình tôi thu được hơn 14 tấn tiêu thì năm nay ước chỉ khoảng gần 10 tấn thôi, giảm khoảng 30% sản lượng”. Không chỉ riêng gia đình chị Hoài, ông Tám, mà hầu như người dân trồng tiêu trên địa bàn các xã Ia Phang, Ia Dreng, Ia Le, thị trấn Nhơn Hòa… đều phải đối mặt với thực tế năng suất tiêu đều giảm mạnh so với niên vụ 2012-2013.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Luận-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản huyện Chư Pưh cho biết: Theo ước tính, năm nay năng suất, sản lượng tiêu trên địa bàn huyện đều giảm khoảng 10-20% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do mùa mưa đến sớm làm cho cây tiêu chỉ ra lá mà không ra nhiều bông. Cùng với đó, phần lớn diện tích tiêu đã già cỗi và suy kiệt. Đặc biệt, tình trạng tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm xảy ra rải rác ngay từ đầu mùa mưa đến nay (toàn huyện đã có trên 50 ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh) đã làm năng suất, cũng như sản lượng tiêu giảm mạnh…
Theo Quang Tấn (Báo Gia Lai điện tử)
12 phản hồi cho bài "Gia Lai: Năng suất, sản lượng hồ tiêu Chư Pưh giảm mạnh"
-Theo ước tính, năm nay năng suất, sản lượng tiêu trên địa bàn huyện đều giảm khoảng 10-20% so với niên vụ trước. Đây là trọng tâm của bài báo : Năng suất, sản lượng hồ tiêu Chư Pưh giảm mạnh
-Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu VPA mới khảo sát thì vụ tiêu năm 2014 toàn tỉnh Gia Lai ước giảm 25 30 % sản lượng.
Vậy thì mình nên đặt tít cho bài báo sắp tới thế nào đây nhỉ?
Giai đoạn hãm nước, làm bông cho cây tiêu.
Hiện nay đang vào giai đoạn hãm nước làm bông đúng thời vụ.
Bà con cần đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn tất việc thu hoạch tiêu ngay trong tháng 3 này.
Sau thu hoạch, bà con cần tiến hành hồi phục sức khỏe cho cây, chú ý những vườn cây vừa cho năng suất cao. Tuyệt đối không để tiêu suy khi vào hãm nước, dẫn đến phân hóa mầm hoa không triệt để nên sẽ cho năng suất kém sau này.
Đối với những vườn duy trì được việc tưới nước giữ ẩm, áp dụng bón phân gốc và phun bón lá để hồi phục với liều trung bình. Với những vườn không tưới giữ ẩm được thì bà con không bón gốc mà tăng số lần phun bón lá lên.
Khi vừa cắt nước, sử dụng các loại thuốc gốc đồng như Coc 85, Norshield, boocdo 1%, Coper … để rửa cây, vừa diệt nấm bênh, vừa cung cấp thêm vi lượng cho tiêu, có thể phun thêm thuốc trừ sâu rầy các loại nếu thấy cần. Nhớ phải sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
Đồng thời bà con cần chuẩn bị sẵn các loại phân theo nhu cầu, nhất là phân bón lá + đổ gốc sinh học, phân chuồng + vi sinh ủ hoai bình quân ít nhất khoảng 5 kg/cây, phân lân nung chảy + vôi + NPK… để bón đầu mùa mưa.
Thân
Thân chào chú.
Cây tiêu trâu từ đầu mùa khô đến hiện tại không tưới nước lần nào nhưng vẫn ko thấy héo, mà lại còn rất xanh hiện tại ra hoa rất rất nhiều đợt, làm sao để cây héo? Cháu nghe mọi người nói là cuốc quanh gốc làm đức rễ thì cây sẽ héo, như vậy có được ko? Mùa trước có dùng xả lá nhưng cũng ko thấy hiệu quả, tiêu rất xanh nhưng rất ít trái.
Chào @tran hung
Không rõ tiêu trồng xen cà phê hay tiêu đám để trả lời cho chính xác.
Cuốc đứt rễ là tạo cơ hội cho nấm bệnh thâm nhập, không nên làm.
Nếu không hãm nước thì tiêu sẽ bung hoa không đều. Cháu có thể dùng thuốc có chất GA3 để kích thích, hoặc dùng phân Biosol phun với số lần dày hơn (3 lần liên tiếp) và đổ gốc Biogel thì tiêu sẽ bung hoa đồng loạt hơn. Hiện nay chưa vào mưa mà đang ra hoa, là do cháu tưới cà?
Chú mong rằng lần sau cháu cung cấp dữ liệu rõ hơn khi hỏi. Đề chú cứ đoán thế này thì…
Thân
Chào diễn đàn.
Tôi thấy có những nguyên nhân dẫn đến tiêu ở Chư Pưh bị giảm sản lượng và bị chết rất nhiều:
– Người trồng tiêu không có kiến thức hệ thống về kỹ thuật trồng hồ tiêu (bị hội chứng loạn kiến thức do các công ty kinh doanh thuốc và phân bón chuyển tải)
– Người trồng tiêu vẫn nghỉ trồng tiêu rất dễ như trước kia việc (như trồng dây lang, trồng theo kinh nghiệm của mình). Từ đó có sự chủ quan trong việc phòng trừ dịch bệnh cho hồ tiêu, đến khi đại dịch xảy ra thì không trở tay kịp
– Trồng tiêu ở Chư Pưh chủ yếu trồng âm, không có hệ thống thoát nước (nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bị chết nhanh hàng loạt)
– Chọn giống tiêu để trồng không qua sự chọn lọc, giống bị lây nhiễm bệnh, hầu hết giống được trồng đều bị nhiễm virus nặng (hiện tượng bị tiêu điên bị xoăn lá, gây lùn cây, … bị rất nhiều ở Chư Pưh). Hiện tại nông dân ở Chư Pưh không dám trồng dây thân nữa mà chọn dây lươn để trồng.
– Nông dân trồng tiêu không chú trọng biện pháp canh tác (chọn giống, xử lý đất, thiết kết hệ thống thoát nước, ủ phân chuồng, cách bón phân – lạm dụng phân hóa học, vườn không xây dựng hệ thống bảo vệ để nguồn dịch bệnh lây nhiễm mang vào…). Nông dân rất chú trọng cái đầu tiên khi gặp các công ty và các nhà kỹ thuật là thuốc gì, phân gì.
– Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng một nguyên nhân sâu xa là nông dân thiết kiến thức về kỹ thuật trồng tiêu. Nếu không có kỹ thuật thì chưa nên trồng.
Đừng thấy lợi nhuận trước mắt mà bất chấp tất cả để trồng.
Chào anh Vịnh, chào diễn đàn.
Hiện trạng hồ tiêu Chư Pứh đang diễn ra rất phức tạp, năng suất giảm, chết nhanh chết chậm âm ĩ ở tất cả các vườn tiêu. Mùa mưa 2014 sắp gần kề, diễn đàn cũng như anh Vịnh thường khuyến cáo bà con thu dọn tàn dư lá, thân cành chết đưa đi tiêu hũy, phun thuốc rữa vườn sau thu hoạch… nhưng chỗ tôi ít ai làm, lọt thỏm một bên là cao su, ký chủ nấm Phytopthora, xung quanh tiêu chết chỗ nhiều chỗ ít, một mình phòng chống đông, tây, nam, bắc chắc không xuể. Điệp khúc chết rồi lại trồng, không xử lý đất, giống thì dây lươn cắt mỗi vườn một ít, sống thì chăm chết lại trồng tiếp, nói ra thật là buồn…
Ở đây tôi muốn nói khâu chọn giống ít ai để ý vì mầm bệnh đã lây lan rộng. giống nhiều năm đã thoái hóa, không còn đặc tính giống cây mẹ. Trồng xong cứ quăn quéo, thuốc nầy thuốc nọ cũng không phát triển nỗi. Rất tốn kém cho nhà nông.
Tôi nghĩ lúc nầy phải kêu cứu các Trung tâm, các Viện nghiên cứu cho ra đời giống tiêu mới bằng phương pháp invitro để loại bỏ virus nấm bệnh với giá phải chăng giúp cho bà con trồng mới giống tiêu sạch bệnh, như viện Ea K’Mat đã từng làm cây cà phê. Tôi cho rằng các cơ quan chuyên môn làm được.
Mong anh Vịnh giúp làm cầu nối giữa các nhà nghiên cứu khoa học và nông dân. Chỉ có thế mới hy vọng Việt Nam luôn dẫn đầu sản lượng hồ tiêu thế giới trong vài năm tới.
Chúc anh Vịnh và diễn đàn sức khỏe.
Chào @Tiêu suy chư pưh
-Biết làm sao giờ, không bảo thủ cực đoan thì không phải là nông dân. Mà nông dân thì chủ nghĩa kinh nghiệm là trên hết.
Con vi sinh vật đầu cua tai nheo ra sao? hình thù thế nào? có ai thấy chưa?… mà bắt bà con phải nghe !
Dịch bệnh tràn lan, tiêu chết khắp nơi… ngành khuyến nông, chính quyền cơ sở phòng chống ra sao? có động thái nào cụ thể và quyết liệt chưa?… còn bà con là nông dân mà. Cán bộ đi trước, làng nước mới theo sau chứ !
Đã về sống cạnh nông dân, làm nông dân, gần gũi với bà con rồi. Giờ phải chứng minh rằng mình là nông dân có khoa học, có tri thức ! Khi đã có hiệu quả cụ thể, rõ ràng ai cũng thấy được thì bà con sẽ tin và nghe theo. Mà cũng khó thật, một mình vùng vẫy rồi cuối cùng cũng như… Từ Hải thôi !
Với cây tiêu, chưa cần thiết làm theo Invitro mà cần quản lý tốt khâu giống trước đã. Đừng chạy đi lấy nước xa mà cứu lửa gần.
Chỉ mới có Hiệp hội Hồ tiêu mà chưa có hiệp hội của nông dân trồng tiêu nên còn ngổn ngang bề bộn lắm. Nhưng không lẽ không làm, nên ráng mà cố lên nhé! Phải hy vọng vào tương lai.
Thân
Xin cho tôi hỏi. Vừa rồi tôi có ủ phân bò để sắp tới xuống tiêu. Có người bảo nên ủ cùng với Lân vôi + Tricoderma; có người nói nên ủ với lân (Văn Điển) + Tricoderma. vậy cho tôi hỏi phân ủ cùng với Lân vôi có mất chất đạm của phân không? mong diễn đàn hãy cho tôi lời khuyên. xin chân thành cảm ơn
Chào bạn @Hải Ngô
-Hình như bạn đang phân biệt giữa lân vôi với lân Văn Điển?
Trong trường này lân vôi nhằm nâng độ pH lên và cung cấp một số chất cần để giúp vi sinh vật phân giải mạnh hơn.
-Chất đạm mất do sự phân hũy và bốc hơi là có, nhưng là điều tất yếu trong khi ủ, không cần lo lắng.
Về nguyên tắc vôi có khả năng diệt nấm, vậy ủ vôi với trico thì có được không chắc không cần nói nhiều, còn lân bạn không cần phải ủ, bạn nên bón trực tiếp thì tốt hơn. Trico ủ với phân bò là để phân bò nhanh phân hủy, đồng thời diệt vi khuẩn có hại trong phân bò, tăng vi các chủng vi khuẩn có lợi. Tóm lại bạn chỉ nên ủ trico với phân bò hặc trico với các loại xác thực vật như vỏ cafe, các loại lá, cỏ để làm phân hữu cơ.
Bạn nói đúng, nhưng lượng vôi bỏ thêm khi ủ phân vi sinh cũng chưa đủ để diệt nấm như bạn nói đâu.
Nếu vôi thực sự diệt sạch nấm bệnh với lượng nhỏ như vậy thì nhà nông quá vui mừng !
Mục đích việc bỏ thêm vôi, lân, ure, DAP, gỉ mật … vào đống ủ để làm thức ăn cho nấm hoạt hóa mạnh hơn.
Theo như mình nghĩ. Cách tốt nhất nên bỏ vôi tương đối nhiều một chút, sau một tháng ta mới bắt đầu tiến hành ủ với trico + với các chất nêu trên. Làm như vậy sẽ đảm bảo hơn. Nên lưu ý khi ủ ta phải bỏ chất độn nhiều, 50/50 làm như vậy đống phân sẽ tơi xốp, dễ dàng cho việc cân đối độ ẩm của khối ủ và còn giữ được các chất trong đống phân. Đống phân ủ chất lượng là đống phân đã hoai mục hoàn toàn và có độ ẩm nhất định, khi mang ra bón cho cây thì cũng nên duy trì độ ẩm, tránh trường hợp phân bị ánh nắng trực tiếp hay bị khô. Ta có thể phủ lên trên một lớp rơm rạ hay cỏ khô chẳng hạn. Tưới nước duy trì độ ẩm cho cây và phân. Sẽ hiệu quả hơn nếu bỏ thêm trico. Làm được như vậy vườn tiêu của mình sẽ phát triển tốt hơn.