Gia Lai: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật – lập lờ đánh lận con đen

Nhiều đơn vị sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ghi khống hàm lượng, quảng cáo sai sự thật trên bao bì, đặc biệt có doanh nghiệp còn cho rằng phân bón có thể thay thế chức năng của thuốc BVTV. Cùng với đó, nhiều loại thuốc BVTV được ghi thêm đối tượng phòng trừ nhằm thu hút khách hàng.

Nhiều chiêu thức đánh lừa nông dân

Theo thống kê, trên thị trường Gia Lai hiện có khoảng 200 loại phân bón. Bên cạnh những công ty có uy tín lâu nay luôn đảm bảo đủ hàm lượng như công bố trên bao bì thì một số doanh nghiệp nhỏ sản xuất phân bón đã tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp thiệt hại của nông dân.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hơn 62 triệu đồng đối với một số cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm về nhãn mác hàng hóa. Ông Hoàng Văn Hoan-Phó Trưởng đoàn cho biết: Sản phẩm Siêu phân bón rễ của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Vật tư Nam Phương (địa chỉ 36/120 Lê Thị Hồng Gấm, phường 17, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) trên bao bì công bố thành phần có CaCo3 hàm lượng 60%, nhưng thành phần này là đá vôi, cây trồng không thể hấp thụ. Đặc biệt, đơn vị này còn khuyến cáo sản phẩm tăng cường đạm và nấm Trichoderma song trên bao bì không công bố thành phần đạm và tỷ lệ là bao nhiêu. Nhiều nhà khoa học cho rằng nấm Trichoderma không thể tồn tại trong môi trường có vôi.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón.

Tương tự là sản phẩm phân bón SH-Super canxi lân của Công ty Sinh hóa Cần Thơ (địa chỉ 2/23 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Đơn vị này công bố thành phần như: CaO: 30%, MgO:1,5%, SiO2: 2,8%, thành phần nguyên liệu Super lân 16% và bổ sung vi sinh vật có ích. Đặc biệt, nhãn hiệu hàng hóa thì ghi là phân bón SH-Super canxi lân, nhưng thành phần dinh dưỡng công bố lại không có lân.

Sản phẩm phân bón Super lân Philip của Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Sản xuất Thuận Điền Việt Nam (địa chỉ B2/18 quốc lộ 50, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) nhãn hiệu hàng hóa ghi là Super  lân nhưng thành phần dinh dưỡng công bố không có lân. Cùng với đó, đơn vị này còn ghi thành phần phụ  P2O5 là 16x102ppb nhưng nhìn công thức này các cơ quan chuyên môn đều không tính được hàm lượng thành phần phụ là bao nhiêu.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn “mạnh tay” hơn khi ghi tác dụng của phân bón có thể phòng trừ, hạn chế các loại sâu bệnh trên một số cây trồng. Năm 2015, Đoàn kiểm liên ngành huyện Chư Pưh đã xử phạt sản phẩm phân bón Ong Biển OBi màu đỏ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (địa chỉ 57 Ngô Đức Kế, phường 7, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vì vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Thế nhưng, năm nay đơn vị này tiếp tục vi phạm khi ghi trên bao bì là: “Sử dụng phân bón OBi Ong Biển này thì không nên hoặc không sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trừ các bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên, tuyến trùng”.

Vi phạm nhãn mác hàng hóa

Trên thực tế, nhiều sản phẩm khi người dân sử dụng không đem lại hiệu quả như nhà sản xuất quảng bá.

Mới đây, trong vai người mua hàng, chúng tôi đến cửa hàng thuốc BVTV tại huyện Chư Prông để mua một chai thuốc Topol 450EC của Công ty TNHH Hóa chất Quốc tế (có địa chỉ tổ 3, khối 8, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Nhân viên bán hàng cho biết loại thuốc này có thể dùng để trị bệnh rệp sáp, rệp vảy, mọt đục cành, sâu đục quả cà phê. Tuy nhiên khi mang chai thuốc này đối chiếu với danh mục thuốc BVTV được sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam năm 2016 thì đối tượng phòng trừ mà loại thuốc này đăng ký là rệp sáp hại cà phê.

Tương tự, chúng tôi tìm đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại huyện Đức Cơ mua chai thuốc Inip 650EC của Công ty cổ phần Hóa chất Nông nghiệp Hà Long (địa chỉ lô 20A, Khu Công nghiệp Thái Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ngoài bao bì của sản phẩm này ghi đặc trị: rầy, rệp sáp hại cà phê, rệp sáp hại rễ tiêu, mọt đục cành, sâu đục quả. Tiếp tục đối chiếu với danh mục được cấp phép thì sản phẩm này chỉ cho phép sử dụng để trị duy nhất bệnh bọ trĩ hại lúa. Trong trường hợp này, nhà sản xuất đã không ghi đối tượng phòng trừ đăng ký mà ghi thêm 7 đối tượng phòng trừ mới.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc ghi sai đối tượng phòng trừ. Các doanh nghiệp khi sản xuất thuốc BVTV thường nhắm đến đối tượng phòng trừ là một bệnh trên một vùng chuyên canh nhất định, nhưng khi mở rộng thị trường kinh doanh, họ “lách luật” bằng cách ghi tăng đối tượng phòng trừ.

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng 70.000-100.000 tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng thuốc nhập khẩu này chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, sau đó về các doanh nghiệp mới pha chế, sang chiết và đóng gói bán ra thị trường. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi ít nhất 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc.

Nguồn Baogialai.com.vn

34 phản hồi cho bài "Gia Lai: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật – lập lờ đánh lận con đen"

thành luân

Bêu tên cho xấu mặt, xem còn dám lừa dối nhà nông nữa không. Phân bón mà làm như thuốc bvtt “chống chết nhanh chết chậm, tiêu điên, hạn chế hoặc không nên sử dụng thuốc bvtt” mua về dùng mới vài lần tiêu bệnh thì càng bệnh, tiêu không bệnh cũng bệnh chết mà quảng cáo đủ kiểu. lủ khốn

Ngok

Khi mua phân muốn tìm cho được loại vừa chữa bệnh vừa bón cho cây, mua nấm tricho thì vừa đổ gốc vừa xịt lá được… Thích thì chìu. Nếu không hiệu quả thì cứ đổ cho tại dùng không đung cách, tại pha trộn kết hợp lung tung…
Nông nghiệp ngày nay dựa vào tiến bộ của khoa học hiện đại. Không theo kịp là đã thua rồi. Quản lý chức năng nhà nước hiện đã buông lỏng, phân thuốc kém chất lượng tràn lan thì bà con phải tự trang bị kiến thức chứ biết sao giờ !

Hoàng Văn Lập

Hỡi các bạn dùng phân ong biển – Các bạn đã bị “OBI Ong Biển” chích chưa ?
Cách đây mấy tháng, tôi tham dự hội thảo của cty “Ong Biển” do Ô Nam giám đốc, một người cực kỳ lợi khẩu thao thao trong 3 tiếng đồng hồ về phân vi sinh Ong Biển và chỉ có 1 người duy nhất được hỏi về tuyến trùng ai trong những người trồng tiêu mà không biết – lẽ ra sau đó là tới tôi đặt câu hỏi, nhưng ông Nam phải ra về vì có “khách” nào đó đợi ở nhà từ sáng đến giờ…(lúc đó quá 19g tối). Chúc các bạn ngon miệng (vì có khoảng 70 bàn tiệc ngon như đám cưới tại chỗ).
Rất may cho ông, tôi tính sẽ vạch trần tất cả những sai lầm trầm trọng của ông : Phân của OBi không còn cần bất cứ một loại thuốc BVTV – không cần dùng bất cứ phân bón lá hay NPK nào nữa, đào lỗ trồng tiêu 0,5 vuông sâu 9m (chín mét) muôn đời không chết và nhiều thứ khác nữa: bón OBI sẽ có giun sau 5 ngày : kiến sẽ ăn giun – rệp sáp tới, kiến sẽ ăn rệp sáp : hết !? Các kỹ sư tiến sĩ nông nghiệp chỉ ăn cắp công nghệ… Và bây giờ người đang sử dụng OBI hỏi tôi cứu sao đây.
Dù Ô Nam đọc được bài này, tôi sẵn sàng tiếp Ông. Lâu rồi tôi không lên đây – nhưng bây giờ trong bài báo có nói tới Cty nên có thêm ý kiến – và còn có thể …

Hoàng

Ông giám đốc OBI này nói liều thật bác Hoàng Văn Lập nhỉ !
Chẳng hiểu vì sao bà con nông dân mình dễ tin vào những lời ông ây nói. Không lẽ tin vào bữa tiệc công ty mời sau buổi hội thảo hay quà cáp mang về !

Hoàng

Nhiều người mua phân bón lá mà cứ hỏi loại phân nào chữa được bệnh cho tiêu để cho lợi. Không biết muốn lợi gì nữa…

Haihang

Bán cho bà con nông dân nợ gần nửa tiền nhưng phân tốt quá nên một đi không trở lại..!

Trịnh Văn Ba

Anh Lập ơi !
Túm được đuôi con tê tê đã là giỏi rồi đó anh !
Túm đuôi kéo nó ra khỏi ụ mối – cần hơn 20 Lý Đức !
Chúc anh khỏe !

Phuc Do

Chào anh Ba. Ở chỗ em Krông Pẳc họ chỉ nghe kỹ sư thôi. Mình tư vấn họ cười nhạo. Có kỹ sư bảo tuyển trùng không ăn thua. Anh xem thử ăn hay là thua… Chào anh.

Trịnh Văn Ba

Chào @ Phuc Do !
Xã hội ta trước đây sính ngoại, bây giờ sính bằng cấp.
Bằng cấp để dễ bề tiến thân và kiếm thật nhiều tiền. Vì muốn kiếm thật nhiều tiền nên kỹ sư đã “ngớ ngẩn” kê toa, dùng thuốc gốc đồng cho tiêu đang mang trái !
Vì nghe lời kỹ sư nên bên cạnh tôi khối nhà trồng tiêu khốn khổ.
“Gần lửa rát mặt”, không tiện nêu tên !

muoi

Đây là hậu quả của hàng trăm loại phân bón được cấp phép sản xuất nhưng có vi phạm trong công tác kiểm nghiệm của các Trung Tâm như báo chí đã phản ánh. Nghĩ buồn cho nông dân phải chịu…!

NGUYỄN ĐĂC NHÀN

Dân Việt Nam đang chịu sự dối trá trong nhiều loại hàng giả chẳng riêng gì phân bón giả. Nộp phạt rồi lại sản xuất tiếp đâu có thấy giảm tí nào.

Trung

Bác Vịnh ơi, sáng nay nhà cháu có 2 trụ tiêu có vẻ hơi héo héo là bị gì vậy bác. Giờ cháu phải làm sao, xin bác tư vấn giúp. Cháu cám ơn.
À, cháu mới đổ humic và tricho mua chỗ chú Ri được khoảng 3 tuần rồi đó bác.

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @Trung
Có dấu hiệu chớm héo rũ là nguy cơ bệnh chết nhanh rất cao.
Trước tiên, cháu bươi nhẹ gốc tiêu ra kiểm tra xem nếu rễ tơ bị thối kèm theo dấu hiệu cây buồn buồn, muốn héo rũ, có thể rụng vài lá xanh nữa, chắc chắn tiêu đã bị bệnh HÉO CHẾT NHANH. Lúc này vẫn chữa trị được. Chỉ khi lá xanh bắt đầu rụng hàng loạt mới khó hơn và tốn kém nhiều hơn. Cháu có thể áp dụng các loại thuốc trị bệnh héo chết nhanh như trên diễn đàn có trao đổi. Tuy nhiên chất lượng, hiệu quả của thuốc còn tùy thuộc vào rất nhiều vấn đề khác nữa… Vì tế nhị, bác sẽ tư vấn thêm cho cháu qua email.
Cháu phải đổ vi nấm đối kháng trichoderma trước khi cây bị nhiễm mới gọi là phòng. Còn khi cây bị nhiễm rồi thì phải trị cho sạch bệnh trước đã.
Cháu có biết cây nhiễm bệnh lúc nào không? Bị ngay trong hom giống hay khi mới trồng do đất có sẵn mầm bệnh. Hoặc lây nhiễm từ những vườn cây bùng phát bệnh ở địa phương. Không loại trừ lây nhiễm mầm bệnh qua giày dép của khách tới thăm vườn mình. Nhanh thì năm sau, chậm thì ba năm sau, khi tiêu bắt đầu cho bói, bệnh mới phát…
Thân

NgaThanh

Bác có thể “tiết lộ” cho cháu thuốc gì được không bác. Cháu xin cám ơn bác nhiều !

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @NgaThanh
Có gì bí mật đâu mà yêu cầu bác “bật mí” !
Với bệnh chết nhanh chết chậm thì dùng thuốc có 2 hoạt chất Mancozeb+Melataxyl phun và đổ gốc, xử lý kép. Nếu chưa an tâm thì cháu dùng thêm thuốc hoạt chất Hexaconazole phun nhắc lại và đổ thuốc gốc đồng, gốc nhôm 1 lần nữa nếu là tiêu chưa mang bông nuôi trái.
Sau đó tiến hành chăm sóc, bón phân để phục hồi tiêu.
Vấn đề quan trọng là cháu mua được thuốc có chất lượng thì xử lý mới hiệu quả.
Thân

Truongsv

Tricho chỉ có thể bón thôi, không phun được do người khuyến cáo sai. Còn vấn đề dùng phân bón có thể trị được bệnh chết nhanh chết chậm là sai hoàn toàn. Bản chất của phân vi sinh là dùng để phân hủy các chất hữu cơ trong đất giúp cải tạo đất và duy trì pH trong đất. Nó chỉ làm giảm sự phát triển của tuyến trùng gây bệnh chết chậm thôi chứ không trừ được.
Tuyến trùng là loài phát triển mạnh ở pH từ 4 – 5. Bà con mình dùng phân hóa học nhiều, vô tình làm tăng tính axit của đất làm cho tuyến trùng phát triển mạnh gây hại bộ rể tiêu.
Còn phân vi sinh hữu cơ dùng có hiệu quả rất chậm mà nó bền, khi bà con sử dụng loại phân này thì không nên phun thuốc thuốc trừ cỏ trong vườn mà chịu khó làm cỏ bằng tay. Không tin các bác dùng các loại phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc rõ ràng, uy tín trộn với phân chuồng ủ hoai sẽ thấy bộ rễ tiêu dài hơn so với các cây không dùng, với điều kiện không phun thuốc cỏ mà làm cỏ bằng tay nhá. Các bác trộn với phân chuồng rồi bón lấp cách gốc tiêu khoảng 60cm.
Khi tiêu đang bệnh chết nhanh chết chậm thì ko nên bón phân. Dùng thuốc BVTV xử lý nấm bệnh xong đi rồi bón, khi thấy tiêu xuất hiện rễ non thì bón. Đang bị bệnh mà bón phân vào là chết ngay, nhất là các loại phân hóa học có hàm lượng đạm cao. Chào các bác.

Ngok

Tôi đồng ý với bạn. Khi tiêu đang bệnh cần tập trung chữa cho dứt điểm. Bón phân lúc này sẽ làm tiêu chết ngay, vô phương cứu chữa. Nhiều bà con mua cả đống thuốc về pha trộn lung tung khác gì thúc cho tiêu chết nhanh hơn. Thuốc càng hiệu quả càng hạn chế phối trộn. Chữa các bệnh nấm trước, xử lý tuyến trùng sau…

Truongsv

Chào bác Vịnh. Con có ý kiến thế này, chết nhanh dùng 3 hoạt chất trên con đồng ý, chết chậm là do tuyến trùng. Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác nhưng không đáng kể, nên khi dùng thuốc 3 hoạt chất trên không trừ được tuyến trùng chỉ diệt được nấm thôi.

Hoàng

Thuốc nấm thì diệt nấm chứ sao lại diệt tuyến trùng.
Chết chậm không hoàn toàn do tuyến trùng, mà tuyến trùng chỉ là một trong những tác nhân góp phần gây ra bệnh chết chậm…
Quan điểm của bác Nguyễn Vịnh là tách tuyến trùng ra xử lý cách ly để tránh thuốc gây phản ứng không mong muốn. Theo bác khuyến cáo khi cây bắt đầu hồi phục, nếu kiểm tra rễ có nốt sần của tuyến trùng làm tổ mới đổ thuốc xử lý chứ không nhất thiết phải đổ cùng 1 lần.

Thanh Điền

Nên xử lý riêng rẽ nấm bệnh trước, tuyến trùng sau.
Xử lý kết hợp có hiệu quả thấp vì thuốc kết hợp được thường tác dụng yếu.

Phạm Bá Khương

Tôi đồng quan điểm với @Hoàng, tuyến trùng chỉ là một trong những tác nhân gây chết chậm, chết nhanh, thuốc bệnh có các hoạt chất như chú Vịnh đã nêu là để xử lí nấm bệnh là hoàn toàn đúng. Còn tuyến trùng cho dù dùng thuốc có hoạt chất sinh học hay hóa học chỉ làm giảm mật độ, hạn chế sinh trưởng của tuyến trùng chứ không thể triệt để, đồng thời dùng các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học bổ sung các loại vi nấm đối kháng hữu ích cũng như bón phân cân đối thì rễ cây tiêu khỏe sẽ hạn chế được các bệnh hại.

Tranvantuan

Cũng không thể đơn thân lên tiếng, việc này rất cần sự can thiệp mạnh của chính quyền.
Nhưng hỡi ơi, bao đời lãnh đạo mà mèo vẫn hoàn mèo. Người dân chúng ta phải tự cứu nhau thôi.

Hoàng giờ

Tôi có ít cây tiêu trồng 6 năm rồi, năm nay tôi thấy tiêu có dấu hiệu chết. Một trụ thương hay chết một giây hoặc hai dây, như vậy tiêu nhà tôi có phải bệnh chết chậm không và loại thuốc gì để trị bệnh. Có một số thì không phát triển là cứ vàng mà trước giờ tôi chỉ dùng phân chuồng và phân vi sinh, thuốc bệnh nghe nói có thuốc giả nên tôi cũng ít phun. Các bác có cách khắc phục xin giới thiệu cho tôi. Xin cảm ơn

Trung

Bác ơi ! Năm ngoái cháu cầu cứu bác muộn quá nên chỉ cứu được nửa vườn.
Năm nay tiêu bắt đầu lên đường nữa bác ạ, mới 1 tuần mà ra đi 6 trụ rồi.
Giờ cháu phải làm gì đây bác ?!

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @ Trung.
Bác nhớ năm ngoái đã nói với cháu nếu tiêu bị bệnh thì cũng như người, phải khẩn trương cứu chữa. Chứ không phải để cuối tuần cháu rảnh cháu sẽ đi mua thuốc, thì bệnh càng nặng thêm có khi không thể cứu được nữa.
Quan trọng nữa là phải chữa đúng liều, chữa cho dứt bệnh. Chứ không phải thấy bệnh tạm dừng đã vội ngưng thuốc, hay là sợ tốn kém..? Sau đó cháu phải tiến hành sử dụng nấm tricho để phòng bệnh định kỳ cho tiêu như trên giatieu đã khuyến cáo.
Sai lầm của cháu dẫn tới năm nay bệnh bùng phát lại, đã thấy tai hại chưa?
Cháu lên chú Ri mua thuốc ngay, Bác mong cháu sẽ không lặp lại sai lầm này nữa.
Nhớ là phải ngưng mọi phân thuốc bất kỳ trong thời gian trị bệnh.
Thân

Bích Hằng

Giá cả kiểu này mà phải đầu tư phân thuốc nữa, nản quá bác ơi !

Nguyễn Vịnh

Chào cháu. Bác thấy bình thường, chẳng qua là do giá tăng vọt kéo dài 4-5 năm nên mọi người đã quen. Nay giá giảm làm mình có cảm giác hụt hẫng. So với nhiều cây trồng nông nghiệp khác, mức giá này vẫn còn khá hơn chứ.
Ngày xưa bác trồng tiêu khi giá tiêu chỉ bằng 1,3 – 1,4 giá cà phê, mà cũng có năm thấp hơn…
Thân

Ngô đình hoàng

Bác Vịnh cho cháu hỏi : Cháu trồng tiêu được hơn 1 năm rồi, tiêu cháu giờ thấy rệp hay rầy gì đó bám trắng hết rễ và thân ngầm, cháu phải điều trị sao đây bác ?

Ngok

Không còn cách nào hơn là dùng thuốc trừ sâu có hoạt chất carbosulfan đổ gốc, theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì.

Thanh Hà

Hầu như rất nhiều bạn không quan tâm xử lý hố kỹ càng trước khi trồng. Ngay sau khi trồng cũng không dùng vi nấm đối kháng trichoderma để phòng ngừa sâu bệnh và cải thiện đất đai luôn. Đổ thuốc xong khoảng 10 ngày, nhớ đổ nấm tricho để phòng sâu bệnh nhé…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *