Gia Lai: Tiêu chết hàng loạt ở Ia Vê

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 5

Hàng loạt vườn tiêu của nông dân xã Ia Vê (Chư Prông) chết khô. Đến giờ, người trồng tiêu Ia Vê chưa biết nguyên nhân vì sao tiêu chết, chính quyền thì loay hoay tìm giải pháp khắc phục và tìm cây trồng thay thế.

Vườn tiêu của anh Nguyễn Báu bỗng dưng rụng là chết khô…

Vườn tiêu 1.500 trụ, trong đó có 800 trụ kinh doanh của anh Nguyễn Báu, thôn Cát Mỹ, xã Ia Vê bỗng dưng rụng lá chết khô. Lặng nhìn vườn tiêu xơ xác, anh Báu nhớ đến thành công của vụ trước, khi đó mỗi trụ tiêu cho 7-8 kg/trụ hạt khô. Vụ này, tiêu tốt hơn, năng suất chắc chắn vượt trên 8 kg, nên anh mạnh dạn mua gỗ, thuê người vẽ thiết kế nhà đợi đến ngày thu hoạch tiêu bán lấy tiền là khởi công xây nhà. Khổ nỗi, trời cho thấy nhưng không cho hưởng nên giữa mùa mưa năm 2011, vườn tiêu nhà anh bỗng dưng chết dần. Khi tiết trời bước vào mùa khô, vườn tiêu bị bệnh vàng, khô lá và chết hàng loạt.

Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình đào mương thoát nước, trao đổi thông tin bệnh trên cây tiêu với các hộ trồng tiêu khác nhờ hướng dẫn chữa trị, thuê máy bơm nước tưới… tiêu tốn gần 10 triệu đồng nhưng không cứu vãn được, đành nhìn vườn tiêu tàn lụi dần. Đến nay, 800 trụ tiêu đang cho thu hoạch chỉ còn 70-80 trụ lay lắt.

Tiêu chết không chỉ xảy ra ở vườn tiêu nhà anh Báu mà đã lan đến rất nhiều gia đình trồng tiêu ở xã Ia Vê. Theo ông Giáp Hồng Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã thì trong 150 ha tiêu của xã (chưa tính diện tích tiêu trồng xen canh cây trồng khác) hiện đã có 51 ha tiêu bị chết; trong đó có 1/3 diện tích thuộc diện mới trồng. Tiêu chết xảy ra ở 11 thôn, làng với mức độ nặng nhẹ khác nhau, song nặng nhất là làng Doach với 15 ha gần như bị xóa sổ.

Nhiều gia đình thôn Phù Cát vì xót vườn tiêu chết dần đã bỏ tiền thuê kỹ sư về nghiên cứu để có giải pháp phòng trừ; song vẫn không có kết quả. Tiêu vẫn bị cháy gốc, rụng lá và chết. Tạm tính năng suất tiêu bình quân gần 7 tấn tiêu khô/ha nhân với giá 110 ngàn đồng/kg, đã thấy 51 ha tiêu bị chết làm nông dân trồng tiêu mất đi nguồn thu trên dưới 35 tỷ đồng. Điều lo ngại là hiện tại, cây tiêu vẫn tiếp tục chết, diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã Ia Vê có nguy cơ xóa sổ hoàn toàn.

Tiêu ở xã Ia Vê chết hàng loạt xảy ra kể từ tháng 8-2011. Cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, tìm giải pháp phòng-chống. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho rằng nguyên nhân tiêu chết là do nấm có tên khoa học là phytophthorasp gây hại. Theo đó, cơ quan này đã đưa giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa dịch bệnh phát tán trên cây hồ tiêu như hướng dẫn người trồng tiêu tiến hành vệ sinh vườn cây, dọn sạch những cây bụi, phát quang cây che bóng, chắn gió, thoát nước, chống ngập úng vườn tiêu, đồng thời sử dụng thuốc đặc hiệu chữa trị…

Trước đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã mở nhiều lớp tập huấn nhận biết và cách phòng ngừa dịch bệnh trên cây hồ tiêu cho nông dân trong xã. Thế nhưng, theo lời Chủ tịch UBND xã Ia Vê-ông Nguyễn Trúc thì tiêu vẫn cứ chết. Vườn tiêu không bị ngập úng cũng vẫn… chết.

Trước mắt, xã đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp nông dân trồng tiêu giảm thiệt hại. Ngân hàng xem xét giãn nợ, tiếp tục cho dân vay để tái đầu tư, cải tạo lại vườn cây.

Ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh: Nguyên nhân cây hồ tiêu tại xã Ia Vê chết hàng loạt là do hậu quả mưa nhiều. Đất đưa vào trồng tiêu phần lớn là vùng trũng, đất sét không phù hợp. Quá trình trồng, người dân đào bồn quá sâu nên tiêu bị ngập úng rễ tiêu bị thối, vườn tiêu lại không có rãnh thoát nước… Tình trạng cây tiêu chết không chỉ xảy ra ở huyện Chư Prông mà còn xuất hiện rải rác tại huyện Chư Pưh, Chư Sê và Mang Yang.

Quang Văn – Anh Khoa

Báo Giá cà phê qua điện thoại
5 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tôi đọc bài tiêu chết và xem hình vườn tiêu, thật là kinh khủng, không còn chỗ nào để nói. Mặc dù trong bài có nói các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đưa ra những phương cách khắc phục nhưng tiêu vẫn chết. Tuy nhiên, trong những phương cách khắc phục đó, tôi nghĩ có một phương cách hữu hiệu nhất, theo kinh nghiệm của tôi, là trước tiên DIỆT TUYẾN TRÙNG thì không thấy ngành chức năng nào nói đến cả… tiếc thay !
    Chắc các bạn biết tuyến trùng xâm nhập vào đầu rễ non và di chuyển lên… làm thành những vết thương trong bộ rễ. Và chính những vết thương này là nơi xâm nhập dễ dàng cho những nấm độc đi vào toàn bộ rễ, nhất là nấm gây bệnh chết nhanh Phytophthora !
    Vườn tiêu của tôi, mỗi năm tôi vãi thuốc trừ tuyến trùng trung bình 2 lần. Lần đầu vào lúc thu hoạch xong, vãi chung với phân DAP và tưới để phân tan cùng với thuốc. Sau đó khoảng 20 ngày vãi lần 2 và tưới. Lý do: vãi lần 1 tuyến trùng mẹ chết, nhưng trứng sẽ nở nên chúng ta phải diệt lần 2. Tiếp theo là thời kỳ hãm nước… Cũng có khi cuối mùa mưa tôi rãi thêm 1 lần nữa.
    1 ha tiêu của tôi trồng đã trên 10 năm. Những năm còn dùng hóa học, mỗi năm trên dưới 30 cây chết. Nhưng 5 năm nay tôi chuyển qua dùng sinh học, tự tay ủ phân chuồng và xác bả thực vật, nên chỉ 1-2 cây bị chết thôi, có năm không có cây nào bị chết… Còn những nguyên nhân về đất tôi không biết, và đất Đồng Nai khu tôi ở là đất bazan.
    Để biết bộ rễ có bị nhiễm tuyến trùng hay không chúng ta đào những cây chắc là chết rễ còn tươi lên sẽ thấy phần rễ non có thể có những u, cục hay rễ sần sùi không suôn thẳng, đó là đã bị nhiễm Phytoph. Chẽ đôi nhánh rễ đó, bên trong đã bị lấm tấm đen. Cắt đôi cục u, đưa vào kính hiển vi, sẽ nhìn thấy rất rõ con tuyến trùng tập trung nằm ở rễ, sẽ ngăn cản nước, chất dinh dưỡng… lên nuôi cây làm cho cây không phát triển.
    Kinh nghiệm của tôi là muốn biết cây nào bị nhiễm tuyến trùng, sau mỗi lần bỏ phân, tưới nước, những cây nào không phát triển, không tươi tốt như những cây khác đó là cây đã nhiễm. Tôi đưa Nocap xử lý riêng cây đó, cũng 2 lần như trên, thì thấy cây trở lại bình thường, còn nếu chưa bình thường sẽ làm thêm lần 3, tôi thấy kết quả tốt.
    Một vài kinh nghiệm, xin chia sẻ, trao đổi với bà con, hy vọng thành công. Thân chào.
    Lập cây gạo.

    • Vừơn tiêu của tôi năm ngoái cũng chết mấy chục trụ, tôi chăm kĩ lắm, bón phân hữu cơ tự mình ủ. Ra đại lý nghe nói có phân SANA phòng đựơc bệnh chết nhanh, các bác có ai dùng thử chưa, cho tôi ý kiến với

    • Theo theo tôi nghĩ vườn bác Minh đã chết vài chục trụ là điều rất đáng ngại. Bác nên đưa thêm nhiều thông tin, ví dụ : số chết đó tập trung theo chùm hay rải rác, cạnh lối đi, đất có bị chai không, có thoát nước tốt như những chỗ k chết k? những cây đó trước đây phát triển có bình thường không ? Bác đã dùng biện pháp gì để phòng trừ? biểu hiện chết của những cây này có giống nhau không , chết như thế nào ?… thì bà con sẽ dễ dàng tư vấn thêm cho bác.
      Nay ra thị trường thấy trên bao bì, nhãn mác loại nào cũng ghi là ngừa được chết nhanh chết chậm… nhưng thực ra chết lượng thì phải xem xét kỹ. Tôi cũng đã trả giá vì kiến thức nông cạn, chủ quan của mình. Hiện tượng của vườn bác là hiện tượng rất chung mà nhiều người gặp phải. Mong bác Minh đưa thêm nhiều thông tin để bà con sớm đóng góp. Giúp bác cũng như giúp mọi người có thêm kiến thức phòng trừ.
      Bài viết của bác Lập rất bổ ích. Tôi nghĩ bác có thể tham khảo kinh nghiệm của bác Lập rồi áp dụng sớm cho vườn của mình.

  2. Cảm ơn anh Lập đã chia sẻ kinh nghiệm của mình !
    Chúc anh sức khỏe và ngày càng nhiều bài viết trên diễn đàn !

  3. Tôi xin chia buồn với nhà vườn, mà đó cũng là bài học để người khác học hỏi, rút kinh nghiệm cho sau này !
    Theo tôi, trước khi muốn làm gì đó phải tìm hiểu và tham khảo cho thật kĩ những gì mình định làm. Phải nắm bắt ít nhất 50 – 60% nguyên lý, sự sống, sinh trưởng, cấu trúc của cây, đặc điểm… Ví dụ như rễ, thân, lá… giống cây gì, thuộc tầng lớp nào trong thưc vật? Nó thích cái gì và không thích gì? Đó mới là mấu chốt để trồng cây tiêu khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ít và hạn chế sâu bệnh.
    Đừng để như nhà vườn trên, khi tiêu sắp bị xóa sổ từng cây trong vườn rồi mới đi tìm thầy lang chửa bệnh ! Tui khẳng định rằng vườn tiêu đã bị bệnh như vậy rồi thì chỉ có xóa sổ hết cả vườn cho mà xem (xin lỗi nhà vườn!).
    Ý cuối cùng tôi khuyên với mọi người đang chuẩn bị canh tác mới cây hồ tiêu nữa là :
    Phải tìm hiểu kĩ về cây tiêu, cây trụ cho tiêu leo bám (tốt nhất là cây sống), và bước quan trọng nữa là phải chọn khu đất cho phù hợp, phải xử lí thật là kĩ trước khi trồng!
    Trên đây là đôi lời kinh nghiệm tôi tham khảo được từ diễn đàn giatieu.com !
    Tôi biết được gì thì tôi nói vậy, để mọi người bắt đầu tìm hiểu và trồng cây tiêu tham khảo thêm để có đường đi đúng, nhiều kinh nghiệm, sau này được bội thu …
    Chúc sức khỏe diễn dàn ! Thân

Gửi phản hồi mới

(?)