Giá tiêu tăng cao, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu tiêu không được hưởng lợi

Hiện giá xuất khẩu hồ tiêu dao động từ 2.800 USD đến hơn 2.900 USD/ tấn, nhưng mức giá này doanh nghiệp Việt Nam không bán được là do đa phần đã ký bán xa với giá thấp khoảng 1.900 USD.

11 tháng năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 263 nghìn tấn, trị giá 596 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu giảm sâu do giá bán quá thấp

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 11/2020 ước đạt 2.543 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng 10/2020 và tăng 8,1% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt 2.268 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu hồ tiêu trong năm 2020, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu cho rằng, năm 2020 là một năm có quá nhiều khó khăn đối với ngành hồ tiêu Việt Nam, trong đó có 4 yếu tố chính đã tác động mạnh mẽ lên xuất khẩu hồ tiêu.

Thứ nhất, vào cuối tháng 5 giá tiêu tăng mạnh khiến doanh nghiệp không kịp mua vào cho những đơn hàng bán xa nên chịu thua lỗ rất nhiều. Đương nhiên, khi giá tiêu lên sẽ có một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu thu lợi nhưng phần lớn doanh nghiệp gặp khi giá tăng lên đột ngột, có khi tăng ảo phải chịu thiệt.

Thứ hai, đại dịch Covid-19 xảy ra nên nhiều cảng của các nước như Ấn Độ, Pakistan, Dubai… phong tỏa khiến cho lượng hàng hóa tồn đọng rất nhiều và bị trì trệ trong thanh toán, trong đó Nepal với lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu đã gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị xuất khẩu.

Thứ ba, kể từ tháng 7 đến nay giá cước tàu đã tăng lên từ 3 đến 4 lần, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị lỗ, không riêng gì đối ngành hồ tiêu mà hầu hết các ngành hàng xuất khẩu nếu bán hàng C&F đều bị lỗ rất nặng nề do cước tàu tăng.

Thứ tư, tình hình tỷ giá giữa VND và USD hầu như không hỗ trợ cho xuất khẩu do VND có vẻ mạnh lên so với USD, nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thiệt.

“Với nhận định xuất khẩu hồ tiêu năm nay có khó khăn nên có nhiều công ty chấp nhận lượng xuất khẩu giảm và Công ty Trân Châu cũng nằm trong xu hướng đó. Do tiên lượng tình hình này nên chúng tôi không dám bán xa, và khối lượng tiêu xuất khẩu của công ty năm nay dự kiến giảm hơn 20%. Tuy nhiên, có một số đơn vị vẫn tăng lượng xuất vấn đề này tùy theo nhận định của từng đơn vị mà có cách xử lý khác nhau.

11 tháng đầu năm xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chỉ giảm 1,7% về lượng nhưng giảm đến 11,7% về giá trị, do giá xuất khẩu hồ tiêu trong những tháng đầu năm 2020 rất thấp. Hiện giá xuất khẩu hồ tiêu dao động từ 2.800 USD đến hơn 2.900 USD/ tấn, nhưng mức giá này doanh nghiệp Việt Nam không bán được là do đa phần đã ký bán xa với giá thấp khoảng 1.900 USD đến 2.000 USD/tấn. Đây là mức giá bán thấp nhất so với các năm trước nên tính tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm rất nhiều”, ông Hiên chia sẻ.

Tín hiệu tích cực cho năm xuất khẩu mới

Trước khi bước vào vụ tiêu mới, có nhiều tín hiệu cho thấy là thị trường hồ tiêu năm 2021 sẽ khởi sắc hơn so với 2020, như việc giá tiêu trên thị trường đang trong xu hướng tăng giá, hầu hết các doanh nghiệp hồ tiêu đều biết và cẩn thận trước khi quyết định bán xa.

Các thị trường chính của xuất khẩu hồ tiêu là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc kế đến là Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Dubai.

Hiện nay, hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu đều mua với số lượng ít, riêng 2 thị trường Mỹ và châu Âu bị dịch Covid-19 rất nặng nề nên không mua nhiều, nhưng thực ra các nước vẫn sử dụng tiêu bình thường, có thể lượng tồn kho của họ còn nhiều nên giảm mua.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thời gian qua đã mua rất mạnh khiến cho giá tiêu trong nước có lúc đẩy lên khoảng 59.000 – 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, có nhiều dấu chỉ cho thấy trong năm 2021, thị trường chủ lực Trung Quốc nhập khẩu nhiều hồ tiêu của Việt Nam, thị trường châu Âu và Mỹ vẫn bình thường, trong năm 2020 tốc độ nhập khẩu của 2 thị trường này chậm hơn là do Covid-19 diễn biến quá nặng.

Thị trường Ấn Độ do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên đang mua rất ít vì Ấn Độ cũng là nước nhập tiêu về để tái xuất vào châu Âu, nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường châu Âu nên Ấn Độ mấy tháng đầu ra của Ấn Độ đang ngưng trệ rất nhiều, gần đây hầu như Ấn Độ không mua tiêu của Việt Nam, còn thị trường Nepal thì đã cấm hẳn. Đây là một thị trường lớn nên cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Cuối tháng 12/2020, tỉnh Đắk Nông sẽ sớm thu hoạch vụ tiêu mới, và sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 1/2021. Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh dẫn đầu trong cả nước có diện tích hồ tiêu lớn nhất với hơn 30 ngàn hecta, chiếm khoảng chiếm khoảng 25% diện tích trên cả nước, đến tháng 2/2021 Đắk Lắk và các tỉnh khác sẽ bắt đầu vào vụ mới.

Nguồn Nguyễn Huyền (CafeF)

13 phản hồi cho bài "Giá tiêu tăng cao, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu tiêu không được hưởng lợi"

Senca

Các nhà KDXK bán giao xa như bán lúa non, để rồi mua của nông dân chỉ bằng 2/3 giá thị trường. Hỏi sao nhà nông sản xuất không thua lỗ.
Tôi thề không bán tiêu vụ tới với giá bèo bọt, nhưng biết lấy tiền đâu để cả gia đình sống đây ? Có ai thấy được nổi khổ của nhà nông không ?!

Dương Lâm

Tôi thấy họ kêu ca như vậy chứ chả lỗ đâu, xuống thì ăn to, lên thì bảo nhau ép giá, chả thấm vào đâu với nỗi khổ nông dân.

Dan Viet

@Dương Lâm
Không phải lúc nào cty XNK cũng ép được đâu. Phát biểu của cty Trân Châu là nói thật đấy.

Dương Lâm

@Dan Viet
Khi giá 45-48k đứng im 2 tháng, sao họ không mua vào để giảm lỗ, giờ giá 55k lại kêu ca. Nay cơ hội mua dưới 50k không còn nên họ than thở như thế !

Dan Viet

Nguyên nhân là do dự báo sai !
Lúc giá 45-48 họ hy vọng giá về 38-40, lúc giá ở 38-40 họ lại hy vọng về 35-37.
Lúc giá xuống còn 35 thì họ hy vọng sẽ xuống 33…

Dương Lâm

@Dan Viet
Ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều đoàn đi khảo sát sản lượng, chả nhẽ mấy cty Xk đó không nắm được tình hình sản lượng giảm và mua luôn từ bây giờ đi. Họ thừa biết sản lượng giảm, tiêu nằm trong tay đầu cơ thì khó mà mua được giá rẻ.

Senca

Vấn đề ở chỗ tiềm lực của cty.
Vốn vài ngàn tỷ mới tính chuyện đầu cơ trên thị trường cà phê, hồ tiêu nhé !

Dan Viet

Hi hi, nhiều cty phải mất tiền thật nhiều mới bắt đầu rút kinh nghiệm.

Dung nguyen

Theo như bài báo thì cuối năm nay xuất khẩu giảm. Giá chắc khó tăng cao

Nguyễn Vịnh

Thông thường, khối lượng xuất khẩu tiêu tháng 12 chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng 1/2 mức trung bình tháng của năm đó.
Ví dụ :
-2017 Tháng 12 tấn 12,502
-2018 Tháng 12 tấn 12,576
-2019 Tháng 12 tấn 16,603


Thân

Tieu cay

@Dung Nguyen

Các kho hàng đã bán cạn, sẽ đón đầu vụ mới để mua lại. Nửa đầu tháng 12 các cty XNK chậm mua để tạo áp lực đè giá cho bớt lỗ (họ bán giá 48-50).
Kể từ tuần tới, giá như thế nào là do những người đang giữ hàng quyết định. Sợ, bán ra thì giá sẽ tạm thời rớt. Nếu lỳ, ôm luôn (theo kiểu nếu năm nay không đạt kỳ vọng thì ôm luôn đến hết vụ năm sau, chừng nào có giá 70 thì mới bán) thì tuần cuối cùng của tháng 12 giá sẽ tăng mạnh bất ngờ

do hong nhung

Tham thì thâm ! chỉ khổ nhà nông. Bao nhiêu tội vạ nông dân lĩnh hết.

Dương Lâm

Tiêu bắt đầu vào vụ rồi, giá có ảnh hưởng gì không các bác

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *