Giá tiêu thế giới ổn định, giá tiêu trong nước xuống thấp kỷ lục

(23/03) – Giá tiêu giảm do nguồn cung dồi dào cùng với việc thiếu nhân công thu hái đã góp phần kéo giá tiêu ngay trong mùa thu hoạch rơi xuống chạm đáy.

Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã ước báo năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh, có thể lên tới 30% do thời tiết không thuận lợi và nhiều diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh các loại làm mất trắng hoặc cho thu hoạch không đáng kể.

Năng suất giảm, giá xuống thấp kỷ lục không chỉ khiến cho chủ vườn chán nản mà nhân công thu hái cũng xuất hiện tâm lý uể oải, tiêu cực khi nhìn thấy hiệu quả ngày công thấp nên đã tìm kiếm việc làm khác để có hứng thú lao động hơn. Vào lúc này, tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm ở Tây nguyên, để thu hút và động viên nhân công, chủ vườn đã áp dụng biện pháp ăn chia sản phẩm thu hoạch thay vì trả tiền lương. Khá phổ biến là mức ăn chia giữa chủ vườn và công hái lên tới 50/50.

Một Thương nhân địa phương cho biết, nếu các năm trước chủ vườn chỉ cần bán một lượng nhỏ hạt tiêu là đủ để thanh toán tiền công hái thì năm nay phải bán nhiều hơn gấp hai ba lần. Người dân hái tiêu cũng không có nhu cầu cất trữ nên số tiêu được chia cũng được họ bán ngay. Không chỉ vì thế nguồn cung hạt tiêu trong nước đã tăng mạnh làm giá tiêu rớt thảm mà còn một lượng hạt tiêu không nhỏ từ Campuchia được các nhà kinh doanh xuất khẩu ở phía Nam mua qua đường biên mậu cũng góp phần làm giá tiêu trong nước giảm sâu.

Tuy nhiên, hiện tượng ăn chia nói trên chỉ xảy ra phổ biến ở những vườn tiêu có diện tích nhỏ, năng suất thấp, ít chăm bón, trồng theo phong trào. Còn những vườn tiêu có diện tích lớn, chủ vườn có tiềm lực tài chính, được đầu tư cẩn thận vẫn tương đối ổn định. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo sản lượng vụ tiêu năm nay sẽ trong khoảng 180.000 – 200.000 tấn và cho biết giới thương mại không vội mua tiêu như mọi năm nên sức ép nguồn cung tiếp tục làm giá giảm sâu hơn.

Báo cáo thị trường của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) tuần vừa qua cho thấy hầu hết giá chào bán tiêu đen xuất khẩu ở các nước sản xuất tiêu tương đối ổn định trong khi giá tiêu trắng giảm nhẹ.

Tại Ấn Độ, hôm qua giá tiêu giao ngay tăng nhẹ 100 Rupi lên 38.000 Rupi/tạ (tương đương 5.828 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 40.000 Rupi/tạ (tương đương 6.134 USD/tấn) cho loại tiêu đã sơ chế.

Trong khi giá tiêu trên sàn NCDEX – Kochi giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng Tư giảm 55 Rupi, xuống ở 40.190 Rupi/tạ và giao tháng Năm giảm 50 Rupi xuống mức 40.410 Rupi/tạ (tương đương 6.164 USD/tấn và 6.197 USD/tấn).

Theo các nguồn tin thị trường, tiêu Việt Nam xuất khẩu vẫn chào bán với giá ổn định, trong khi thị trường nội địa đã xuất hiện lực mua đầu cơ nhỏ lẽ cũng góp phần giúp đà giảm chững lại.

Sáng nay thứ Sáu ngày 23/03, giá tiêu xô ở khu vực Tây nguyên vẫn dao động trong khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua, giá tiêu xô tại Bà Rịa – Vũng tàu tăng nhẹ 1.000 đồng lên ở mức 54.000 đồng/kg.

Dự kiến giá tiêu trong nước sẽ ổn định qua tới đầu tuần sau.

*Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2018 đạt 11.892 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 43,75 triệu USD, giảm 12,82 % về lượng và giảm 46,78 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.679 USD/tấn, giảm 1,34 % so với giá xuất khẩu bình quân tháng 2/2018. 

*Tỷ giá : 1 USD = 65,2056 Rupi.

Anh Văn

Nguồn Trí thức trẻ/CafeF

23 phản hồi cho bài "Giá tiêu thế giới ổn định, giá tiêu trong nước xuống thấp kỷ lục"

Hữu Thịnh

Quan trọng là tổng sản lượng tăng hay giảm thì không thấy phân tích, dẫn chứng…. toàn nói năng suất

Ngok

Oh ! Hay thật…
Tổng sản lượng khoảng 180 – 200 ngàn tấn, theo VPA dự báo.
Có thể giảm tới 30%.
Thấy dòng nào nói năng suất ?

Thanh Hà

Có thể bạn chưa chú ý trọng tâm của bài báo này nên bạn thắc mắc. Nhưng một bài viết không thể bao hàm hết mọi vấn đề.
Bạn chịu khó đọc nhiều hơn sẽ tìm thấy những gì mình quan tâm.

Phi Pham

Nói thật thì mình không tin giá tiêu sẽ tăng cao đâu, cùng lắm lên 80.000- 100.000 là hết. Vì sao giá tiêu trên thị trường thế giới ổn định còn chỉ riêng Việt Nam là giảm, các doanh nghiệp không xuất khẩu được vì sao vẫn còn có khả năng bám trụ trên thị trường cơ chứ, khả năng cao nhất là giá thấp thế này mục đích để người dân chặt hết tới 1 mức độ nhất định và cần thiết thì giá sẽ ổn định lại thôi, còn nếu không có quy hoạch thì sớm muộn tiêu cũng đi theo cà phê.

Senca

Ai bảo tiêu không XK được ? Muốn biết thì đọc cẩn thận, trong bài có thông tin XK nửa đầu tháng 3 của Hải Quan đó…
Ai nói giá tiêu tăng cao mà tin ? Tăng tới 200% thì chỉ đột biến thôi nhé.
Bán được hay không là chuyện của nhà XK, không tới lượt mình lo cho họ. Họ mua 9 bán 10 thì mắc gì không bán được ?
Mình cũng rất hoan nghênh nếu bạn xung phong chặt trước, nhớ làm clip cho bà con xem với nhé !
Đọc tin thì hời hợt… thua là phải !

An Bình

Hy vọng giá tiêu sớm đảo chiều…
Năm nay chắc giá lên tới 75-80k là hết cỡ nhỉ ?!

Thien bao

Đồng tình với @ Phi Pham, hiện nay ở chổ mình người dân chặt bỏ tiêu để chuyển đổi cây trồng rất nhiều. Năm ngoái là đua nhau trồng bưởi, bơ. Năm nay mất mùa kèm mất giá nên chán nản. Phần lớn thu hoạch xong là dân chúng chặt hết, đua nhau trồng chuối mô. Nông dân Việt Nam ta nói chung xưa nay phần lớn là làm theo phong trào.

Hoang mong

@ Thien bao. Dân mình chủ yếu trồng theo phong trào, cứ cây trồng gì đắt là bu vô cấy. Khi nguồn cung dồi dào ắt giá phải giảm thôi theo quy luật cung cầu. Bây giờ dân Tây nguyên trồng bơ, sầu riêng rất nhiều. Khoảng 3 đến 4 năm nữa thôi là trái cây cũng rẻ bèo thôi.

Nguyễn Thanh Tuấn

Các bác ơi tiêu có hạ thấp cỡ nào thì mình cố gắng chắc chiu cũng có thể kiếm gạo qua ngày để chờ cơ hội. Các bác đừng có cau có nhau nhiều như vậy. Báo chí chỉ có mang tính tham khảo mà thôi.

Senca

Đúng là không nên cau có nhau.
Nhưng mà nhiều người nói có vẻ không suy nghĩ cặn kẻ, theo kiểu nói cho có…
Ở vùng tôi cũng vậy. Bà con sợ giá rớt mà lại cứ bán ra ào ạt. Không lẻ mình biết sợ giá rớt nên mình bán. Còn người mua không sợ giá rớt hay sao mà cứ mua ?! Đau cả đầu…

Longhoang

Mỗi nhà 1kg tiêu cả năm dùng không hết. Trong khi đó cà phê ta lại dùng hàng ngày. Tôi dự báo giá tiêu giảm thấp hơn cà phê củng là chuyện bình thường.

Thien bao

Theo tôi nghỉ giá tiêu như bây giờ nhà vườn vẫn không lỗ vốn. Chỉ là không có lợi nhuận thôi. Cứ vừa tìm việc khác để làm kiếm gạo vừa chăm vườn tiêu đợi giá cả phục hồi là ổn thôi. Đúng không các bác.

Nguyễn Thanh Tuấn

Vấn đề là hiện nay một số nước đang phát triển ngành hồ tiêu như CPC, BRZ, Indo… Nếu ta giảm diện tích thì liệu có kéo giảm được sản lượng hay không. Tôi vừa đọc bài báo có một độc giả cho rằng chắc đến lượt tiêu phải cần giải cứu, nhưng giải cứu thế nào được bởi vì một kg tiêu một gia đình dùng trong 1 năm mới hết, còn 1kg dưa hay 1kg thịt lợn thì có thể dùng trong 1 ngày. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ vốn cho bà con mà không tính lãi trong một thời gian để bà con cầm cự hoặc chuyển đổi cây trồng là tốt lắm rồi.

Ho Nga

Ai cũng kêu lỗ, riêng tui thấy không.
Để xác thực, các bác cứ tính chi phí đầu tư cụ thể cho 1 ha tiêu trong 1 năm thì ra ngay chứ khó gì.

Xuân Giao

Tôi làm 2,5 hecta thu 5 tấn =250, công hái 60 triệu, chi phí năm vừa rồi hết 150 triệu bằng 210 triệu. Còn 40 triệu. Chưa tính công nhà. Tái thiết đầu tư cho năm sau. 40 triệu đó không đủ chủ ăn. Phải đi vay để đầu tư tiếp theo. Vậy không lỗ sặc máu họng còn gì nữa Hồ Nga ?
Tính toán kiểu gì thì cũng không thể lời được. Lời chỉ khi nào bạn làm ít lấy công nhà làm lời, để tính thì còn lời.

Xuân Giao

Quy luật tất yếu thôi. Cung dư thừa thì giá giảm. Kêu la làm gì. Quan trọng là mình phải chuyển hướng khác để thu nhập, làm cái gì cũng vậy thôi. Có thịnh ắc có suy. Quan trọng khi suy mà vẫn bình thường như vại thì mới gọi là định cao của nghệ thuật sống.
Cách đây 5 năm nào là Đại gia đổ xô hàng đống tiền đi trồng tiêu; nào là sinh viên bỏ việc về trồng tiêu;… họ ca ngợi đủ điều về tiêu. Nay đã đến hồi kết thúc cho một sự ngu muội. Kiếm tiền không bao giờ dễ, càng không dễ để ta kiếm tiền nhiều trong 1 lúc.
Bởi vậy, ngay từ bây giờ, đặt biệt các bạn trẻ nên chuyển hướng kiếm việc. Dù là kiếm được ít nhưng tiền sinh ra hằng ngày vẫn là hạnh phúc nhất, lúc nào trong túi cũng có tiền.
Làm nông nghiệp trúng thì ngon; không trúng là ôm mặt thớt hết. Vã lại, nông nghiệp rất bấp bênh chi hằng ngày nhưng đến mùa mới thu. Thời điểm thu lại phụ thuộc vào giá cả thị trường. Khổ vô cùng.
Về giá tiêu lên nhanh nữa hay không còn phụ thuộc vào sản lượng cung toàn thế giới:
1. Giá tiêu thấp sẽ kéo dài phụ thuộc vào tiềm năng của mỗi gia đình muốn trụ lại cây tiêu (giá thấp để kéo diện tích tiêu nhà giàu giảm xuống)
2. Giá lên nhanh trừ khi giảm sản lượng đồng nghĩa giảm diện tích tiêu nhanh (cái này khó)
Vậy giá sẽ giảm và kéo dài thêm 3 năm nữa. Đồng nghĩa nó sẽ phá tan những hy vọng làm giàu về cây tiêu. 3 năm sau thời gian dài khủng kiếp để chờ đợi, buột phải chuyển đổi cây trồng nếu không muốn chết theo cây tiêu.
Giá bây giờ đã lỗ nặng rồi. Ai nói lời chắc chưa tính kỹ đó nhỉ?. Năng suất tiêu nó phụ thuộc thời tiết; tuổi tác của nó; và cách chăm bón. Trong đó yếu tố thời tiết quyết định năng xuất 60 đến 70 %.
Những ai làm diện tích nhỏ đừng đem so sánh lợi nhuận rồi từ đó nhân lên rồi suy ra diện tích lớn. Tính như vậy là sai béc.

Xuân Giao

Gửi anh @ Dan Viet.
Hôm trước anh có hỏi về năng suất thật sự của sản lượng tiêu/1 hecta.

Xin trả lời luôn với anh như sau. Làm gì làm bài toán thống kê mà nhà kinh doanh họ tính rất chính xác. Hiện tại năng suất bình quân của Việt Nam hình như đâu đó 2 đến 3 tấn 1 hecta.

Theo kinh nghiệm của tôi từ thực tế. Bình quân tiêu từ 2,5 đến 3 tấn/hecta là tiêu đã đẹp rồi. Điều kiện thời tiết thuận lợi có thể lên đến 5 tấn/hecta hoặc hơn 1 chút. Với chiều cao trụ 5 mét trở xuống. Thực tế, những vườn tiêu thu 5 tấn/hecta thường thì năm sau rơi vào mất mùa giảm xuống còn 2 đến 3 tấn.

Nông dân Việt Nam thường hay nổ như bom. Giá càng cao thì nổ càng mạnh. Nổ thể hiện mình là người giàu có mà.

Như tôi 2,5 tấn năm nay thu chỉ được 5 tấn, trước đó đã thu 7 tấn, 8 tấn.

Với giá 50k thì có 250 triệu, chi tiền hái hết 60 triệu, chi phân bón, điện nước, công năm vừa rồi hết 150 triệu. Công nhà chưa tính. Còn dư 40 triệu gọi là lời đó hả bạn @ Ho Nga.

Nguyễn Vịnh

Mong muốn giá cả nông sản ổn định chỉ là ảo tưởng.
-Tôi đã từng chứng kiến giá cà phê 41.000 đ/kg (1994) tuột xuống 4.000 đ/kg (2001), rồi đến hạt điều, ca cao, cao su, gạo… và hạt tiêu 215.000 đ/kg (2015) tuột xuống 50.000 đ/kg (hiện nay). Cho nên đổ xô vào đầu tư làm giàu trông nông nghiệp là chuyện không bao giờ dễ dàng.
-Tôi đã đọc nhiều bài báo, đại loại như “trồng thanh long thu tiền tỷ” hay “trồng bơ thu tiền tỷ”, thậm chí cả “trồng cam..”, “trồng mít…” loại nào cũng thu tiền tỷ. Nhưng đọc thật kỹ sẽ thấy diện tích trồng lên tới 5-7 ha hay tới hàng chục ha… thì có gì lạ. Với số diện tích đó trồng củ mì hay khoai lang cũng thu tiền tỷ vậy.
-Sản xuất nông nghiệp muốn bền vững phải tạo ra được thương hiệu, hay có chỉ dẫn địa lý. Nhưng phải tạo ra đặc sản, là đặc biệt, là quý hiếm… Như cà phê BMT, tiêu Chư Sê, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cư Kuin… sản lượng hàng ngàn, chục ngàn tấn thì có còn “đặc” nữa không?
Chợt nhớ 1kg hạt cà phê rang rồi từ Jamaica buôn lậu vào Mỹ có giá tương đương 10 triệu Vnd thì chắc là không có con số ngàn tấn.
Làm nông nghiệp chỉ mong bền vững được là tốt rồi !

Lão Nông

Em chỉ độc canh mỗi cà phê rô, cứ nhìn cảnh cà phê phải bán theo giá trừ lùi mà đau hết lòng.

Nguyễn Vịnh

Chào @ Lão Nông
Giá trừ lùi hay cộng tới (difference – chênh lệch) là do các DN XNK đưa ra (chủ yếu là DN có vốn FDI). Về nguyên tắc đây chỉ là giá chào dựa trên chất lượng, khi mua bán thực tế 2 bên còn đàm phán nữa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở cho đại lý tính toán để thu mua cà nhân xô.
Vì trừ lùi nhiều nên nhà nông làm hàng xô càng kém, càng kém nên càng bị trừ lùi nhiều hơn. Cũng như làm tiêu sạch. Ai cũng bảo tiêu mình sạch nhưng nhà XK tìm mua hàng sạch rất khó khăn, mà cũng chẳng thấy ai dám bảo đảm tiêu của mình sạch… Đúng là cái vòng lẩn quẩn.
Thân

Minh cường

Đôi khi làm phải chấp nhận rủi ro các bác ơi, quay qua làm cafe chắc ăn hơn !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *