Hồ tiêu rớt giá: Có nên giảm diện tích?

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 29

Từ giữa năm 2016 và cả năm 2017, giá hồ tiêu được coi là “tụt dốc không phanh”. Cho tới 3 tháng đầu năm 2018, giá vẫn không lên khiến người trồng hồ tiêu gặp khó khăn. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm diện tích trồng hồ tiêu. Điều đó có nên?

Hồ tiêu vẫn mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Ý kiến trái chiều

Tây Nguyên là thủ phủ hồ tiêu cũng là nơi có diện tích nhiều loại cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Những năm qua, diện tích trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên liên tục được mở rộng, do “ăn nên làm ra”.

Thế nhưng, tới nay, người trồng hồ tiêu gặp khó do giá thị trường thế giới giảm sâu. Tại một hội nghị toàn quốc mới đây bàn giải pháp phát triển bền vững cây trồng này, nhiều giải pháp được đưa ra, tuy rằng chưa nhận được sự đồng thuận ở mức cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2018 đạt 11.892 tấn hạt tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 43,75 triệu USD, giảm 12,82 % về lượng và giảm 46,78 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.679 USD/tấn, giảm 1,34 % so với giá xuất khẩu bình quân tháng 2-2018.

Từ thực tế đó, ý kiến của nhà quản lý tại hội nghị hồ tiêu toàn quốc cho rằng cần giảm mạnh diện tích hồ tiêu. Được biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam vào thời điểm này là 243.600 tấn, chiếm tới 47,8% tổng sản lượng 510.000 tấn của thế giới, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới, theo giới chuyên môn chỉ khoảng 446.000 tấn.

Cả nước hiện có gần 153.000 ha hồ tiêu. Một khuyến nghị được nhà quản lý đưa ra là cần giảm diện tích hiện nay xuống còn 120.000 ha (tới năm 2020) và 100.000 ha (tới năm 2030) là “thuận theo lẽ tự nhiên”.

Tuy nhiên, ở một tính toán khác, giới chuyên gia đưa ra con số: Các kết quả tính toán từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) cho thấy, nếu Việt Nam khống chế được sản lượng như hiện tại, và phần còn lại của thế giới vẫn đạt nhịp độ tăng bình quân 2,91%/năm như trong 4 năm gần đây, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ lần lượt là 626.000, rồi 671.000 và rồi 736.000 tấn vào các thời điểm 2020, 2025 và 2030. Từ đó, có thể thấy không có lý do gì để giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tụt dốc trong trung hạn. Ngược lại, rất có thể sẽ tăng trở lại trong dài hạn.

Trong nhóm 7 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn hiện vẫn chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới, Việt Nam và Malaysia có năng suất cao gấp 2,6 – 2,7 lần năng suất bình quân của thế giới. Đó chính là thế mạnh cạnh tranh mặt hàng này của Việt Nam. Vì vậy, theo giới chuyên gia: có nhất thiết phải “hy sinh” 50.000 ha hồ tiêu của Việt Nam hay không?

Tại thời điểm cuối tháng 2, giá hồ tiêu xuất khẩu chỉ còn 3.661 USD/tấn, nhưng nếu dự báo giá xuất khẩu 4.370 USD/tấn trong trung và dài hạn của các nhà quản lý là đúng, tỷ suất lợi nhuận của hồ tiêu sẽ tăng lên 63,7%, tức là nông dân trồng hồ tiêu vẫn có thu nhập cao. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo chưa nên vội vã giảm mạnh diện tích trồng hồ tiêu. Thêm nữa, chính bản thân người trồng hồ tiêu vẫn không muốn giảm diện tích.

Lỗi thuộc về nông dân?

Những năm qua, cũng như cây cà phê, mắc-ca, điều, cao su… cây hồ tiêu cũng gặp khó khăn trong việc giảm hay tăng diện tích. Có thời điểm lợi nhuận từ trồng tiêu gấp 2-3 lần so với trồng cà phê, điều… nên đồng bào các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích. Cho tới trước năm 2016, giá hạt tiêu tăng cao, có lúc tăng lên trên 220.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Từ giữa năm 2016, giá hạt tiêu giảm xuống trong khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg, nhưng bà con vẫn “sống khỏe”; nếu so với giá hiện nay (ngày 22-3-2018) là từ 52.000 – 55.000 đồng/kg.

Được biết, vào thời điểm năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha hồ tiêu, thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000 ha và hiện nay là hơn 120.000 ha (trong tổng số 153.000 ha hồ tiêu của cả nước). Trong đó nhiều nhất là Đăk Lăk, kế đến là Đăk Nông, Gia Lai.

Một thực tế cho thấy, việc tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, lợi nhuận đã phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương vùng Tây Nguyên. Cùng đó việc cải tạo đất lại không được chú trọng, sử dụng các giống hồ tiêu không rõ nguồn gốc dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm, hậu quả người trồng phải hứng chịu.

Tại 3 tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đăk Lăk, Gia Lai và Đăk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp. Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155ha tiêu bị nhiễm bệnh…

Việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên được coi là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhưng trong câu chuyện này vẫn phải trở lại vai trò của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngành nông nghiệp. Biện minh cho vấn đề, bao giờ người ta cũng cho rằng đã khuyến cáo, đã tuyên truyền vận động, đã hướng dẫn… nhưng không ngăn được “phong trào” của nông dân. Vậy thì, những động thái mang tính trách nhiệm và nghĩa vụ đó của chính quyền địa phương, của ngành chức năng có ý nghĩa gì? Tới nay, khi giá hồ tiêu sụt giảm, lại đề xuất giảm mạnh diện tích, liệu có thực hiện được?

Những năm qua, nhiều loại nông phẩm ế thừa do tình trạng cung vượt cầu thực sự là một vấn nạn. Trong đó phải kể đến trái thanh long, cà phê, dưa hấu, rồi cả củ cải cũng rớt giá thê thảm, phải nhờ cộng đồng “giải cứu”. Nay lại đến cây hồ tiêu, dù rằng chưa phải “giải cứu” thì cũng đã cho thấy bất cập.

Nhưng nếu cứ đổ lỗi cho người trồng mà không có được giải pháp đúng từ phía cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thì vẫn không thể thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

29 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tác giả nêu vấn đề những chẳng giải quyết được chuyện gì…
    Quan trọng là nông dân trồng tiêu lấy gì sống để đợi giá tăng trở lại thì không thấy nói tới !

  2. Giật mình với con số : “sản lượng hồ tiêu Việt Nam vào thời điểm này là 243.600 tấn”.
    Không hiểu tác giả lấy con số này ở đâu ra mà cực kỳ chính xác vậy không biết ?!

  3. Ai quản lí được việc tăng hay giảm diện tích hồ tiêu? Thực tế cho thấy: Giá cao họ đua nhau trồng, khi cung vượt quá cầu giá thấp họ đua nhau chặt. Giảm diện tích hay tăng diện tích là do quy luật thị trường chi phối.

  4. Nội dung thực sự mơ hồ, chẳng giải quyết được vấn đề gì.
    Đọc xong bài báo như đứng “cuối đường hầm” chứ không phải “đứng ở cửa hầm”.
    Chẳng thấy chút ánh nào nào le lói cả… Thực sự bế tắt…!

  5. Xin đừng viết những bài viết mơ hồ thế này nữa. Chỉ dân là khổ chứ chẳng thấy có nhà quản lý nào hết.

  6. Vận động bà con nông dân nước mình không tăng diện tích hồ tiêu nữa nhưng ai cấm được các nước khác vẫn tăng ? Theo tôi cung cầu và giá cả sẽ quyết định.

  7. Như nhà tôi có 4ha đất, nhưng tôi chỉ trồng 0,5ha tiêu nên dù giá có thấp tôi vẫn duy trì nỗi. Vì tôi còn cây trồng khác. Riêng tôi nghĩ trồng tiêu số lượng ít sẽ an toàn hơn và cũng đỡ đau đầu…

  8. Theo Dan Viet nghĩ, giá này thì ai lỗ nên chuyển đổi càng sớm càng tốt, ai hoà vốn hay lời nhẹ thì giữ lại chơi tiếp.
    Cuộc chiến “Ai tồn tại” này còn kéo dài chứ không dễ ăn đâu.

  9. Theo em trong giai đoạn này không nên tăng diện tích, nên tập trung cải tạo lại vườn già cỗi năng suất thấp, vườn đã nhiễm bệnh, phải canh tác sạch, bền vững, chờ giá, đất nhiều nên chuyển đổi một vài loại cây ngắn ngày, lấy ngắn nuôi dài…

  10. Chúng ta giảm diện tích thì liệu rằng các nước khác có giảm không, hay họ sẽ tăng sản lượng để chiếm lĩnh thị trường.
    Theo tôi, chúng ta có nhiều lợi thế như địa lí, thổ nhưỡng, khí hậu, năng suất, nhân công rẻ… thì tại sao phải dừng lại ở con số 50% thị phần. Việc chúng ta cần làm là nâng cao sức cạnh tranh của tiêu Việt Nam để đánh bật các nước khác, điều tiết lại thì trường phân bón, thuốc BVTV thì lúc đó Việt Nam vô đối về mặt hàng hồ tiêu.

  11. Ngoài Việt Nam ta, cũng có rất nhiều nước mở rộng, trồng mới cây hồ tiêu.
    Ví dụ, ông hàng xóm Campuchia chẳng hạn. Diện tích đất mới (phát rẫy từ rừng hoang sơ rất nhiều). Trồng tiêu không tốn nhiều phân bón, không mất nhiều công chăm sóc lại ít bệnh tật. Giá cả có xuống thấp, họ vẫn có lãi …
    Còn Việt nam – đất chật người đông. Hơn phân nửa đất trống trọt đã bị bạc màu, chai sạn, ủ phía dưới nhiều dịch bệnh.
    Để cải tạo thành đất sạch, đất hữu cơ… tốn rất nhiều phân bón, công chăm sóc, canh tác… lại thêm nhiều thời gian phục hồi mới thành đất phì nhiêu được. Cứ bảo tại sao… ngày xưa, nền đất mới, trồng hồ tiêu dễ như trồng khoai lang.
    Thời thế đã thay đổi rồi các bạn ơi !

    • Bạn nói đúng. Nhận thức rất quan trọng, nhưng hành động mới là quan trọng hơn.
      Tôi đã gặp nhiều bạn, hầu như ai cũng có nhận thức về hữu cơ. Nhưng khi bắt tay vào làm thực tế thì hoàn toàn ngược lại, vẫn ngụp lặn trong hóa chất vô cơ. Vì sao ?!

  12. Giảm diện tích hồ tiêu thì chắc chắn rồi. Giá cả này ai mà trồng mới nữa, số đã trồng thì chết nhanh, chết chậm và giảm đầu tư nó tự giảm diện tích thôi. Nói chung là dân thấy có thu nhập cao thì trồng khi thấp thì chuyển đổi chẳng có ai quy với hoạch được cả. Số liệu mà các cấp chính quyền đưa ra báo cáo chỉ là cái số trời ơi. Khi tiêu được giá dân giàu ai cũng tranh công là vận động, quy hoạch tốt, bây giờ dân đói bảo tại phá quy hoạch. Tất cả đều do thị trường thế giới quyết định sự thành bại của việc sản xuất hàng hóa mà thôi.

  13. Lúc tiêu giá 200k 1 kg thì thấy đi đâu cũng hô hào nào là cây vàng đen đến khi còn 50k thì không thấy ai nói gì hết, nông dân mình hảy tự cứu lấy mình thôi. Giá này mà làm nhiều là chết chắc, nhắm hướng mà làm thôi các bác ơi. Chờ bao lâu nữa giá mới lên lúc đó thì tiêu luôn rồi các bác ơi, thân chào.

  14. Nếu mỗi nhà chỉ trồng 500 trụ tiêu thì giá sẽ rất cao, lợi nhuận nhiều, tự chăm sóc được. Nếu ai cũng trồng mấy ngàn thì cung vượt cầu, không có lời mà còn bị lỗ. Cái gì cũng có giới hạn của nó.

    • Ý kiến của bạn rất hay. Nhưng giá như bạn đêm chia bớt đất cho những người đang thiếu, chỉ cần giữ lại 1ha để trồng trọt thì càng hay hơn nữa.

  15. Nếu trồng tiêu có lãi thì cứ trồng, thua lỗ thì lo mà dẹp sớm.
    Chẳng có nhà nước nào động viên hay cấm cản nông dân trồng tiêu cả.
    Nông dân phải biết lựa chọn con đường sống cho mình và gia đình…!

  16. Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở sản lượng mà ở giá cả thị trường.
    Tiêu là mặt hàng gia vị, nếu giá rẻ thì tiêu dùng nhiều hơn còn giá mắc thì tiêu dùng ít lại.
    Quan trọng là ta phải tìm cách hạ giá thành, đầu tư phân thuốc hợp lý và đảm bảo năng suất ngày công lao động cao hơn nữa…
    Tôi nghe nhiều thông tin cho biết năng suất lao động của Việt Nam mình thấp nhất vùng Đông Nam Á, không biết có chính xác không ?
    Còn lao động ở quê tôi không biết từ bao giờ mà chỉ mới 16 giờ chiều là đã rửa tay và lo đi kiếm mồi rồi thì lấy đâu ra năng suất, đâu ra chuyện làm nông dân là phải một nắng hai sương nữa…!

  17. Bạn nói đúng. Công làm bây giờ chán lắm…
    Làm 1 ngày công nhưng năng suất chỉ bằng nửa ngày công trước đây thôi.
    Còn cà phê thuốc lá, ăn bữa lỡ nữa !

  18. Giảm diện tích hồ tiêu là đúng. Nhưng ai là người giảm diện tích đây? Thay vào đó nhà nước hỗ trợ gì? Trồng gi? Làm gì? cho người đi đầu giảm diện tích mới là vấn đề. Vd tôi có 50ha tôi giảm xuống còn 20ha vậy 30ha kia tôi thu nhập bằng gi? Vậy nên nông dân có thể giảm diện tích nhưng đổi lại nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ để cho nông dân chuyển đổi từ từ đấy mới là vấn đề.

  19. Nhà nước đang nợ nước ngoài như Chúa Chổm, bao nhiêu người dân chưa có nơi ăn ở, thiếu việc làm, không có đất đai canh tác… đã lo được gì chưa mà còn đòi hỏi nhà nước phải hỗ trợ cho người có hàng chục ha. Hãy thực tế đi, đừng có ảo tưởng !

  20. Đừng đổ lỗi cho nông dân. Vài năm trước khi Trung Quốc mua tiêu của VN thì độn tiêu lép, bụi tiêu, hạt gòn, hạt đu đủ. Giờ Trung Quốc cấm nhập tiêu Việt Nam triệt để chỉ nhập tiêu của Ấn Độ. Thị trường lớn nhất không mở cửa cho tiêu VN thì giá rớt là đều tất yếu. Hỏi ai hại ai đây

    • Thông tin TQ cấm nhập tiêu VN ở đâu ra vậy, sao mình không biết nhỉ ?!
      Bạn vui lòng cho biết nguồn cụ thể nhé. Cám ơn bạn.

    • Thông tin này khá nhạy cảm, mong cộng đồng có ý kiến để làm rõ hơn !

  21. Bây giờ mà cứ đòi nhà nước hỗ trợ thì xưa lắm rồi. Bửa 200k/kg bác có hổ trợ nhà nước không. Kinh tế thi trường mà lợi nhuận thì làm lỗ thì phải chạy…

  22. Mình theo dõi tin thị trường hồ tiêu khá nhiều mà chưa hề nghe có thông tin này…
    Trung Quốc vẫn mua tiêu ở Tây nguyên, chở về cảng Quy Nhơn để đưa lên tàu về Hải Nam…
    Theo mình, đây là tin vịt, nhưng không rõ là có ẩn ý gì. Mọi người cần cảnh giác, thận trọng !

  23. Không có chuyện TQ không nhập tiêu VN nhé.
    Sự thật là những bạn hàng TQ mấy năm trước trữ tiêu và giở trò bơm giá và đạp hàng ra, năm ngoái bị lỗ và phá sản gần hết rồi (do Dan Viet và các anh chị em VPA bóc mẽ, nếu bà con còn nhớ thì những lúc họ bơm giá ảo, Dan Viet khuyên bà con nên bán, kết quả là bà con bán được giá tốt và họ bị văng miểng bong bóng do chính họ bơm). Nên năm nay họ chỉ mua cho nhu cầu thật thôi chứ không dám đầu cơ nữa. Vì vậy mà tạm thời nhu cầu mua có ít đi, chỉ vậy thôi.

Gửi phản hồi mới

(?)