Hãy chia sẻ lợi nhuận với nông dân
Nước ta dù công nghiệp có tiến bộ đến đâu vẫn là một nước có nền kinh tế nông nghiệp giữ vị trí chủ đạo. Vì thế, nhà nước đã rất quan tâm chú trọng đến chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp vững mạnh. Nền tảng cho sự vững mạnh là việc kết hợp của 4 nhà, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ để tồn tại mang tính sống còn. Nhưng càng ngày chiến lược kết hợp đó càng tỏ ra lỏng lẻo, có nguy cơ tan vỡ vì các bên chưa có tiếng nói chung trong quyền lợi cũng như nghĩa vụ. Thậm chí còn có người khẳng định, đã kết hợp bao giờ đâu mà tan vỡ. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tác giả xin đề cập đến sự kết hợp của hai nhà mà xưa nay mọi người đều khẳng định khó lòng đặt họ ngồi vào một mâm.
Xin dẫn chứng bằng 2 sự việc nổi cộm trong thời gian gần đây. Đầu tiên là việc các thương nhân nước ngoài vào tranh mua nông sản với các doanh nghiệp trong nước.
Việc thương nhân nước ngoài vào thu mua nông sản không phải là chuyện mới. Nhưng chính thức lên tiếng phản đối và kêu cứu thì có thể xem Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) như đơn vị đầu tiên, khi các doanh nghiệp hội viên của Vicofa không mua được cà phê dự trữ trong vụ vừa qua vì cho là doanh nghiệp nước ngoài đẩy giá lên cao. Sự việc đúng sai thế nào đã có cơ quan chức năng xem xét. Đứng về phía lợi ích của nông dân thì đây là điều đáng mừng vì một lẽ đơn giản là khách ngoại mua giá cao hơn khách nội, lợi nhuận đưa về cho nông dân nhiều hơn. Khi được hỏi thì hầu hết người trồng cà phê đều phấn khởi vì bán được giá cao và còn cho rằng bấy lâu nay họ bị các doanh nghiệp trong nước ép giá.
Sự việc còn đang xem xét thì lại rộ lên chuyện thương nhân nước ngoài vào các vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu như Chư Sê, Gia Lai và Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu cạnh tranh thu mua hạt tiêu với thương nhân trong nước một cách công khai. Mặc dầu những người không mua được lên tiếng phản đối cho rằng đây là hoạt động thu mua trái phép, nhưng ai cũng thấy mua bán như thế là có lợi cho nông dân nên không ai ngăn cản.
Một chuyện khác rất nóng cũng từ báo chí khi đưa tin cổ đông của một công ty cổ phần chế biến hàng nông sản xuất khẩu, chủ yếu là xuất khẩu hạt điều nhân, có niêm yết trên sàn chứng khoán, phản đối lãnh đạo công ty khi chỉ mới trong 6 tháng đầu năm mà đã hoàn thành kế hoạch cả năm, đạt lợi nhuận lên đến 60 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vượt gần 20% so với kế hoạch 50,19 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2011. Kinh doanh có lãi là chuyện bình thường, nhưng mức lãi cao như thế với một ngành hàng nông sản và để cho cổ đông phản đối là chuyện rất đáng ngạc nhiên.
Xin không lạm bàn chuyện kế hoạch của công ty nọ nhưng trên góc độ là người viết về cây điều và hơn một lần trên báo Đại biểu nhân dân đã lên tiếng kêu gọi Hãy giữ lấy cây điều vì khắp nơi bà con nông dân đang chặt bỏ cây điều để nói lên sự ngạc nhiên.
Chuyện ngạc nhiên là nông dân chặt bỏ cây điều vì lợi nhuận từ cây điều rất thấp, thấp nhất trong các loại cây trồng công nghiệp, thì sao một doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân lại có lãi to như vậy? Có điều gì đó khó hiểu giữa những nông dân đang chặt bỏ vì cây điều đưa lại thu nhập quá thấp với nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra cũng nhờ vào cây điều? Thiết nghĩ khi nhà nông đã chặt bỏ hết cây điều thì nhà doanh nghiệp lấy gì kinh doanh để có lãi nữa
Mới đây Bộ Tài chính đã ban hành chính sách giảm thuế cho việc nhập khẩu nguyên liệu điều thô xuống còn 3%. Như người viết đã cảnh báo, đây cũng là nhân tố thúc đẩy người dân đến việc chặt bỏ cây điều không thương tiếc. Sự thể không diễn ra như các nhà hoạch định chính sách mong muốn khi áp dụng mức thuế suất nhập khẩu điều thô mới là có phần đảm bảo lợi ích của người trồng điều. Tuy không ai dám cho rằng việc nhà nông chặt bỏ cây điều có liên quan đến chính sách thuế mới nhưng chính sách thuế mới lại góp phần khẳng định cho việc làm của nhà nông là đúng đắn.
Kể từ đây, các nhà doanh nghiệp chế biến điều sẽ chăm chăm vào việc nhập khẩu điều thô và thả nổi cây điều trong nước mặc cho ba nhà còn lại. Nói kể từ đây chỉ là một cách nói khẳng định chứ xưa nay đã có ai chỉ ra được mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông chung quanh cây điều chưa? Và nói rộng ra với tất cả các loại nông sản khác nước ta đang có thế mạnh trong xuất khẩu.
Xin được nhắc lại kết luận trong một bài viết trước trên báo Đại biểu nhân dân: Về phía các doanh nghiệp chế biến điều cần bắt tay với nông hộ để xây dựng khu nguyên liệu bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng điều, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và nhất là để cho nông dân sống được với cây điều. Đó mới là kế sách lâu dài trong việc kinh doanh chế biến xuất khẩu nông sản hiện nay.
Kể từ tháng 1.2012 sắp tới, lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ từng bước được thực thi. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có biến động sâu sắc khi sự kết hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đến khi đó sẽ không dễ xảy ra chuyện chơi trò cút bắt chạy quanh diễn biến của giá cả thị trường để phá bỏ cam kết với nhau giữa nhà nông với doanh nghiệp, tranh mua tranh bán vùng nguyên liệu của nhau giữa các nhà doanh nghiệp. Và doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có ít cơ hội để sửa sai, để xem lại chiến lược kinh doanh của chính mình trong việc kết hợp, hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hài hòa với nhà nông. Bởi một lẽ đơn giản, các nhà kinh doanh nông sản nước ngoài đang chuẩn bị một kế hoạch vô cùng mạnh mẽ và chặt chẽ để đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhất là giúp cho nhà nông an tâm (chỉ biết?) sản xuất.
Khi ấy có còn đủ thời gian và có còn cần thiết để ngồi lại bàn về sự kết hợp của các nhà nữa không?
3 phản hồi cho bài "Hãy chia sẻ lợi nhuận với nông dân"
Ui Za ! Cờ đến tay ai thì người nấy phất, nông dân phải tự lo cho mình chứ đừng ngồi chờ sung rụng các bác à!
Theo cháu, mình đừng có ảo tưởng trông chờ vào sự chia sẻ lợi nhuận hay sự cứu giúp của người khác, nhất là những người làm giàu nhờ vào những giọt mồ hôi của bà con nông dân mình.
Tôi nghĩ bài viết của anh Anh Văn, thật sâu sắc và có cơ sở. Tôi nhất trí với bài viết. Nếu nhà nông Việt Nam mà biết giao dịch trực tiếp với nước ngoài, chắc có lẻ chẳng có doanh nghiệp trong nước nào mà sống sót. Bởi lẻ, họ khống chế thị trường công khai mà!
Chủ trương thâu tóm vùng nguyên liệu giữa các DN đã hiển hiện rất rõ rồi.
Thua ngay trên sân nhà là điều các DNVN cần nhận thức kỹ càng hơn, nhất là ở các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của nước ta như cà phê, tiêu, điều… !
Cảm ơn bài viết sâu sắc của tác giả.