Hiểu đúng trung, vi lượng trong phân bón
Thời gian gần đây, trên thị trường phân bón xuất hiện nhan nhản các sản phẩm NPK có ghi trên bao bì bổ sung các chất trung, vi lượng, mỗi nơi một phách. Nhằm hiểu rõ hơn về trung, vi lượng đối với cây trồng, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Tại (ảnh) – TGĐ Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, đơn vị có truyền thống SX phân đa yếu tố từ hàng chục năm qua.
Xu hướng thế giới
–Là DN tiên phong trong việc ứng dụng KHKT bổ sung các chất trung, vi lượng vào phân bón, vậy lí do của Văn Điển là gì thưa ông?
Phân nung chảy Văn Điển chứa khoảng 15-19% P2O5, 28-34% SiO2, 28-32% CaO, 15-18% MgO và các chất vi lượng như Fe, Cu, Zn, Mn, Mo… Như vậy, bản thân lân nung chảy Văn Điển nó đã chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng. Người Nhật nghiên cứu từ năm 1951, đến năm 1961 họ đã có tài liệu về trung, vi lượng. Nếu như khoảng năm 1961 họ chỉ sử dụng khoảng 30% phân nung chảy, còn lại là supe photphat và những loại phân khác, đến năm 1971 họ đã sử dụng trên 70% phân nung chảy, loại bỏ hẳn supe lân. Xu hướng của thế giới hiện nay là không sử dụng supe lân nữa. Năm 1998, tổ chức Jica (Nhật Bản) sang VN khảo sát, một chuyên gia phân bón thế giới đã nói rằng: xu hướng của thế giới là rút dần rồi loại bỏ hẳn bởi supe lân gây chua đất do chỉ có lân và lưu huỳnh; nó tan tốt trong nước nên hiệu quả rất thấp (do bị rửa trôi và kim loại trong đất cố định).
-Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm phân bón có ghi ngoài bao bì, nhãn mác là có trung, vi lượng song không thấy ghi rõ thành phần hàm lượng bao nhiêu, cách dùng như thế nào cho đúng và đủ?
Theo khoa học nghiên cứu, đến bây giờ có khoảng 16 nguyên tố dinh dưỡng: Đa lượng gồm N, P, K; trung lượng gồm Si, Ca, Mg, S; vi lượng gồm Zn, Cu, Fe, Bo, Mn… Ở nước ngoài, người ta đã có các nghiên cứu để xác định số lượng các chất trung, vi lượng cần bón cho cây. Tuy nhiên, ở VN hầu như không có nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta vẫn đang loay hoay với việc sử dụng N, P, K bón với tỉ lệ nào cho phù hợp? Đôi khi, ngay cả các nhà khoa học cũng chưa có quyết định cụ thể nhưng nhiều người lại khuyên nông dân hãy trở thành những nhà thông thái (!?).
Hiện nay, để hiểu về trung, vi lượng chúng ta chủ yếu phải sử dụng tài liệu của nước ngoài. Ví dụ, ở ĐH Floria (Mỹ) đã nghiên cứu thấy lúa, mía, dứa… sử dụng rất nhiều silic. Chúng sử dụng silic gấp 3-4 lần đạm. Vai trò của silic rất quan trọng trong việc chống lại các bệnh như đạo ôn, héo đầu lá, đốm nâu, héo cổ bông. Silic tạo hợp chất hữu cơ giúp thành tế bào cây vững chắc chống lại sự mất nước, không bị tổn thương bởi kiến, nhện, rệp và các côn trùng chích hút, nhai cắn. Đồng thời, giúp cây cứng cáp, không bị đổ, lá đứng tăng khả năng quang hợp của cây cũng như hạn chế sự héo sinh lí của cây.
Magie là thành phần của diệp lục (diệp lục có chức năng quang hợp) nên nó là thành phần rất quan trọng, đồng thời magie giúp cây chống lại bệnh tật khi ở trong vùng đất bị nhiễm mặn. Canxi cũng tương tự như magie, nó giúp khử độ chua, nâng độ pH lên. Đất của chúng ta trên 80% là chua, cùng với việc bị rửa trôi, bị xâm nhập mặn, canh tác độc canh, bón lạm dụng phân hóa học… làm cho đất càng ngày càng chua. Nếu được sống trong môi trường thích hợp, cây có thể sử dụng dinh dưỡng ngay trong đất, khi thiếu nó mới cần bổ sung phân bón. Nhưng nếu môi trường không tốt, độ pH thấp quá, cây nằm trên dinh dưỡng nhưng cũng không lấy được dinh dưỡng để sinh trưởng.
–Thưa ông, vai trò của trung, vi lượng đã được nhiều nước chứng minh rồi, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng có đem lại hệ lụy gì không?
Cây cối cũng như con người, nếu dinh dưỡng được sử dụng đủ là tốt nhất, nếu lạm dụng nó, bón quá nhiều lại trở thành chất độc. Trung lượng, vi lượng cũng như đa lượng, nếu thiếu là không đủ dinh dưỡng nhưng thừa nó cũng gây ra bệnh tật. Ví dụ, đạm (N) bón quá nhiều lúa bị lốp, sâu bệnh, đạo ôn, khô vằn… Các chất khác cũng thế. Đa số các cây cần rất nhiều đạm ở giai đoạn đầu; giai đoạn giữa cần cả đạm, lân và kali; giai đoạn cuối lại cần nhiều kali hơn. Mình phải làm sao để biết đặc điểm sinh lí của cây, của đất để bón phân sao cho hợp lí, đúng mà đủ.
Tuy nhiên, gần đây do chính sách quản lí phân bón của chúng ta còn nhiều sơ hở nên đã có những biến tướng của việc SX phân bón, nhiều DN đang lợi dụng kẽ hở này. Định nghĩa phân bón và dinh dưỡng còn chưa hoàn chỉnh, rất chung chung. Người ta tính dinh dưỡng trong đạm bằng N tổng số. Vậy không khí chứa 78% nitơ có phải là phân bón không? Cát chứa nhiều silic nhưng cũng không ai gọi là phân silic. Ngay như quặng apatit có tới 32-33% P2O5 nhưng ta đâu thể bón trực tiếp, nếu bón trực tiếp cây sẽ chết. Trong đất sét có tới 60% SiO2 nhưng không thể trộn đất sét vào rồi nói phân có 60% silic được. Đặc biệt, các yếu tố vi lượng, nếu định lượng quá thấp nó chưa được gọi là phân bón, còn nếu nó quá cao lại là chất độc.
-Có nghĩa là trong các văn bản, nghị định, quy định về phân bón của ta đang có rất nhiều lỗ hổng và rất bất cập phải không?
Thật ra, chúng ta có Nghị định, văn bản rất nhiều về phân bón nhưng nó rất mơ hồ. Như các đơn vị SX NPK bây giờ thường ghi thêm + TE. Quy định về nhãn mác của ta là không sử dụng tiếng Anh, nếu sử dụng tiếng Anh thì không được viết tắt và chữ tiếng Anh phải bé hơn chữ tiếng Việt. Từ TE (trace elements) là sử dụng tiếng Anh. Trace elements nghĩa là các nguyên tố có vết, chỉ có thể định tính, không thể định lượng, ở đây lại không cho biết rõ là nguyên tố gì, định lượng bao nhiêu và lại còn viết tắt, sai lớn so với quy định pháp luật, nhưng không hiểu vì sao vẫn được một vài người cổ súy.
Cái yếu nữa của ta là khâu phân tích. Các nguyên tố đa lượng đã sai số rất lớn rồi. Cùng một phòng thí nghiệm phân tích một mẫu cho ra các kết quả sai số 10%, thậm chí 20%. Sai sót ngay từ khâu lấy mẫu, rồi đến khâu phân tích. Đa lượng đã vậy rồi trung lượng, vi lượng càng sai số. Bây giờ, phân tích cả phân thật và phân giả đều cho những sai số rất lớn như vậy, không có cũng thành có. Đó là tác động của chính sách không rõ ràng, nó không khuyến khích được những người làm ăn chân chính lại không diệt được những người làm ăn gian lận.
-Ông có lời khuyên gì với người nông dân khi chọn mua phân bón?
Tôi có lời khuyên chân thành, đúc kết cho những người nông dân trong việc sử dụng phân bón như sau:
Thứ 1, không ham rẻ, khuyến mại cao vì đã là DN họ đều cần lợi nhuận, không ai cho không ai cái gì, dù là nhà nước hay tư nhân. Nếu rẻ mà lại khuyến mại lớn chỉ có thể là chất lượng thấp hoặc rởm giả. Thứ 2, không sính ngoại, ta đã chứng minh được dinh dưỡng ngoại hay nội đều giống nhau, trong khi phân bón ngoại lại đắt hơn. Thứ 3, không mua phân bón bị vón cục, đóng rắn cứng ngắc hoặc chảy nước vì chúng đã bị biến đổi chất lượng. Thứ 4, chọn mua các loại phân của các DN uy tín. Thứ 5, chọn phân bón chứa nhiều loại dinh dưỡng khác nhau. Thứ 6, chọn phân bón phù hợp với cây trồng và đất, ruộng chua ta phải dùng loại phân kiềm, nếu độ pH thấp không nên mua supe, DAP, SA… Thứ 7, chọn phân bón phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây. Thứ 8, chọn loại phân phù hợp với đối tượng cây trồng, đất trồng. Thứ 9, chọn loại phân bón tan chậm trong đất để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Thứ 10, chọn phân có giá thành 1% đơn vị dinh dưỡng thấp nhất (chia giá thành 1kg phân bón cho tổng % dinh dưỡng ghi trên bao bì). Nếu DN uy tín mà bán phân bón đắt, hưởng nhiều lãi quá ta cũng không nên mua.
“Chúng ta nói nhiều đến những đặc sản của địa phương như gạo Séng Cù, nếp Tú Lệ, nếp nương Điện Biên, chè Tân Cương… ngoài việc có giống tốt còn là do đất ở những nơi đó có các nguyên tố trung vi lượng phù hợp, đặc thù nên chúng có hương vị riêng.
Tuy nhiên, nếu ta cứ lạm dụng đến một lúc nào đó chúng sẽ không còn các đặc sản đó nữa vì các chất đó bị sử dụng hết mà không được bổ sung. Cty Phân bón Văn Điển chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu bổ sung những chất đất hiếm đó để duy trì hương vị đang có và tạo ra ở những vùng khác hương vị ngon tương tự”. (Theo ông Hoàng Văn Tại.)
Có thể bạn quan tâm:
Hiểu đúng các thuật ngữ trên bao bì phân bón
Bà con nông dân không nên mua các loại phân ghi hàm lượng dinh dưỡng không rõ ràng, nhập nhèm, tỷ lệ % yếu tố dinh dưỡng quá thấp nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Giá phân bón mới nhất hôm nay
Giá phân bón UREA, Kali, phân lân, DAP mới nhất hôm nay của công ty phân bón Bình Điền, Phú Mỹ, ...
Những hiểu biết cơ bản về phân hữu cơ
Chất hữu cơ trong đất được coi là một tiêu chí để đánh giá độ phì nhiêu của đất. Cho nên đất nào có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn thì đất đó sẽ được đánh giá tốt hơn. (Bài đăng lại)
36 phản hồi cho bài "Hiểu đúng trung, vi lượng trong phân bón"
Cho tôi xin hỏi ý thứ 9 : phân bón tan chậm trong đất là loại phân gì?
Xin hãy giải thích kỹ hơn, để cho bà con dễ sử dụng
Xin chân thành cảm ơn.
Chậm tan có nghĩa lân này chưa tan nhanh có thể kéo dài vài tháng nhờ các vi sinh vật phân giải lân …> tốt lâu., lân Suppe (tan nhanh dễ bị rữa trôi). Tôi đã sử dụng phân này rất nhiều năm , khá lâu, khá hiệu quả. Thân!
@Huỳnh thanh tùng.
Về nguyên tắc, cây trồng sẽ hấp thu dinh dưỡng từ từ, không thể trong cùng một lúc mà hấp thu hết lượng phân được bón. Nên phân bón thường có 2 loại.
-Phân chậm tan là phân giải phóng dinh dưỡng chậm, thường dùng bón định kỳ và cây sẽ hấp thu dần, do đó hiệu quả về lâu dài mới thấy rõ. Chậm tan sẽ chống lại hiện tượng thất thoát do bay hơi, rửa trôi, trực di…
-Phân tan nhanh thường dùng bón cấp thời, cây hấp thu nhanh và biến chuyển rõ rệt, dùng để chống suy cây, cung cấp dinh dưỡng ngay khi phát hiện cây có nhu cầu. Tan nhanh thường gây ra lãng phí vì cây chưa kịp hấp thu mà đã bị thất thoát…
Tùy theo nhu cầu của cây mà bạn sử dụng loại nào cho phù hợp.
Lân nung chảy Văn Điển có được coi là phân sinh học ko hay là hoá học vậy các bác?
Chào @Hoàng đức.
Phân lân nung chảy Văn Điển có nguồn gốc là khoáng chất nên không thể coi là phân sinh học. Tuy nhiên được ưa chuộng vì ngoài lân còn có vôi, magiê, nhiều nguyên tố vi lượng khác, thậm chí cả kali. (xem bài báo)
Do lân Văn Điển có phản ứng kiềm nên không được trộn với đạm SA vì sẽ bay hơi. Với Urê thì trộn và bón ngay chứ không để lâu. Vì vậy, tuyệt đối không bón phân đạm trên đất có độ pH kiềm!
Phân sinh học là phân được sản xuất theo công nghệ sinh học (như quá trình lên men vi sinh) được phối trộn thêm một số hoạt chất khác để làm tăng độ hữu hiệu của phân hay tạo môi trường cho các loại vi sinh hoạt động khi bón vào đất.
Thân.
Như phân lân nung chảy này thì đầu mùa mưa mình bón cho 1 cây tiêu 5 lạng, nó có cung cấp đủ trung và vi lượng cho cây ko bác? Thiếu lưu hùnh mình bổ sung thêm sau, để cháu khỏi dùng các loại trung vi lượng khác. Mong bác giải đáp giùm cháu cám ơn.
Mến bác. Chúc bác nhìu sức khoẻ.
Chào @Hoàng đức
Phân lân có chứa 1 số vi lượng chứ không phải là bón lân Văn Điển thì khỏi bón vi lượng. Nếu thực sự nó thay thế đủ vi lượng thì chắc chắn nhà sản xuất sẽ bán với một giá khác. Thân
Dạ cháu cám ơn bác.
Cháu là nông dân, ít ăn học nên hiểu biết rất kém, mong chú Nguyễn Vịnh và bà con trên diễn đàn thông cảm. Chú Nguyễn Vịnh ơi cho cháu hỏi đất có độ pH kiềm là sao chú? Chúc chú vui khỏe
Chào cháu @Binh An
Chỉ số ion hydro hoạt động trong môi trường được đo bằng độ pH.
Đất thường có độ pH từ 3 đến 9. Căn cứ vào độ pH để chia đất thành : đất chua-axit (pH < 6,5), đất trung tính (pH = 6,6 - 7,5) và đất kiềm-bazơ (pH > 7,5). Xác định đất chua, đất trung tính và đất kiềm nhằm để bón phân, cải tạo và sử dụng đất hợp lí hơn. Thân
Chào chú Vịnh !…
Cháu thắc mắc chỗ này tí mong nhận được góp ý của chú là chú có cách nào chỉ cho bà con nông dân cách để nhận biết được độ pH của mình ko ạ.
Cám ơn chú. Chúc chú sức khỏe.
Chào cháu.
Mời cháu và bà con tham khảo bài viết và phần thảo luận theo link này.
Có gì thắc mắc thì hỏi thêm nhé ! Thân
>> http://www.giatieu.com/tu-do-do-ph-cua-dat-voi-hop-dung-cu-ph-efs/2987/
Chào bác Nguyễn Vịnh cho cháu hỏi bón phân chuồng cho hồ tiêu vào thời gian nào là thích hợp, nên bón mấy lần trong năm? cháu cảm ơn
Hợp lý nhất là bón 2 lần/năm. Lần đầu vào đầu mùa mưa, lần sau khi trời vừa dứt mưa dầm. Cần bổ sung thêm nấm đối kháng trichoderma vào phân chuồng để phòng bệnh cho tiêu luôn.
Cám ơn chú rất nhiều.
Chào Bác Vịnh cho cháu hỏi lân Văn Điển và lân Lâm Thao loại nào tốt hơn vầy
Chào cháu.
Mỗi loại có một cấu tạo chất khác nhau nên không thể so sánh tốt hơn vì chất gì mà tùy theo cháu sử dụng và cần cung cấp cho đất chất gì mới là quan trọng. Cháu hỏi vậy khiến tôi cứ nghĩ là cháu đang đùa, tựa như ăn bún và ăn phở món nào ngon hơn vậy.
Các bác ơi, cho cháu hỏi một trụ tiêu vào kinh doanh một năm bón khoảng bao nhiêu phân lả đủ? Cảm ơn các bác nhiều.
Chào cháu Trường Giang.
Định lượng phân bón chỉ mang tính tương đối. Thường là căn cứ vào nhu cầu và sức khỏe của cây theo thời điểm của mùa màng. Ví dụ tiêu KD năng suất 3-4 kg/trụ khác, 5-6 kg/trụ khác và trên nữa lại khác…khi ra hoa, khi làm hạt, khi chắc hạt lại khác…
Với chú thì bình quân 1 trụ bón 10 kg/năm phân chuồng ủ hoai hay vi sinh hữu cơ, khoảng 5-6 lạng phân NPK chia ra 3-4 lần/năm, phân đổ gốc khoảng 4-5 lần/năm và 7-8 lần/năm xịt phân bón lá. Chú nhấn mạnh: tùy thể trạng của cây mà cháu điều chỉnh tăng giảm số lượng và số lần cho hợp lí theo quan điểm cho cây ăn ít mà nhiều lần tốt hơn ăn nhiều mà ít lần.
Cháu tìm đọc thêm, có khá nhiều bài báo về qui trình trồng và chăm sóc tiêu trên trang giatieu.com này rồi. Thân
Cháu xin hỏi chú nguyễn Vịnh. Đất ở vườn tiêu nhà cháu có nồng độ pH thấp (pH=4,5) như vậy thì bón cái gì cho hợp lí hả chú ? Trong khi đó, đã bón tricoderma + humic 2 lần trong mùa mưa, xin chú trả lời giúp. Cảm ơn chú nhiều.
Chào @lê xuân tùng.
Cháu tham khảo ở bài này:
>> http://www.giatieu.com/tu-do-do-ph-cua-dat-voi-hop-dung-cu-ph-efs/2987/?preview=true&preview_id=2987&preview_nonce=f87cb6209d
Nếu vườn của cháu đang trồng tiêu thì nên chia số lượng vôi ra làm 2-3 lần bón cách nhau 15-20 ngày/lần để vi sinh vật hữu ích không bị vôi tiêu diệt và cây tiêu khỏi bị sốc! Thân
cho cháu hỏi: vì sao cần bón cho khối lượng phân bón hóa học phù hợp?
@phan thị kiều Trang ! Tôi xin chia sẻ với bạn. Những thành phần trong phân bón là dinh dưỡng nuôi cây, như con người ta cần cơm và thức ăn.
Con người ta, ăn quá nhiều ko được, ít thì đói, nhịn lâu, thiếu lâu ko đc bù đắp lại thì sinh bệnh.
Cây trồng cũng vậy, bạn phải tìm hiểu để nhận biết biểu hiện của cây khi những thành phần nào trong phân bón. Để bổ sung cho đúng và đủ, ko thể bón một thứ và một lúc đc.
Có lẽ tôi chưa giúp bạn đc nhiều. xin hẹn lần sau.
Thân chào bạn !
Chào anh Nguyễn Vịnh và bà con. Kỳ trước tôi đã nhờ anh tư vấn về cách bón phân cho hợp lí, tôi đã theo lời anh bón phân theo hướng sinh học cho tới nay tôi thấy có hiệu quả. Tiêu tôi bây giờ mới phủ trụ tính đến thời điểm này là 26 tháng, tôi thấy tiêu phát triển tốt và rất xanh nhưng thỉnh thoảng đôi trụ xuất hiện những lá già có đốm xám vàng úa. Xin hỏi đó là triệu chứng gì và cách khắc phục bằng thuốc gì!
Cách đây mấy hôm tôi có đổ phân biogel và nấm tricoderma, theo anh tôi có nên xịt thuốc phòng nấm hay tuyến trùng gì không và nếu có thì nên dùng nhưng thuốc gì? Anh chỉ cho tôi với! Vì thực sự tôi mới trồng tiêu nên chưa có kinh nghiệm tí nào. Chờ tin anh.
Chào @Văn Dũng
Nội dung phản ánh quá sơ lược nên chưa đủ cơ sở để kết luận tiêu bị bệnh gì. Chụp vài tấm hình thật rõ gửi qua email để tôi chẩn đoán chính xác hơn.
Kiểm tra rễ xem có nốt sần do tuyến trùng làm tổ không rồi tính. Chỉ khi có bệnh xuất hiện mới dùng thuốc hóa học. Dùng nấm đối kháng trichoderma phòng bệnh sẽ được lâu dài hơn.
Thân
Văn Dũng xin gửi mấy tấm hình tiêu bị bệnh, lá già có đốm xám vàng úa, nhờ cộng đồng tư vấn giúp.
Chào bạn @Văn Dũng.
Tiêu của bạn bị côn trùng chích hút, phun các loại thuốc diệt côn trùng đều có kết quả. Pha theo liều lượng được nhà sản xuất thuốc hướng dẫn trên bao bì, 1 tuần sau bạn phải phun nhắc lại để diệt hết ấu trùng mới nở.
Cây nho xanh đang thời kỳ mang trái chín có cần nhiều vi lượng ko ạ ?
Vi lượng là lượng rất ít, cực nhỏ, nhưng không thể thiếu được.
Nó giúp cho trái ngọt, chín mọng, thơm, tăng năng suất lẫn cảm quan… nói chung là gia tăng cả lượng và chất. Nếu cây thiếu vi lượng thì trái còi cọc, dễ bị rụng, năng suất thấp, phẩm chất kém… Với cây nho xanh bạn nên dùng phân sinh học biogel+biosol để tăng phẩm chất vì nó là trái cây thường được dùng để ăn tươi sống.
Mình đang chuẩn bị bón phân trung vi lượng tổng hợp cho cây trồng. Nhưng mình không biết phân trung vi lượng là loại phân vi sinh, hóa học hay phân hữu cơ. Có thể giúp mình không?
Chào bác @ Nguyễn Vịnh và cộng đồng giatieu.com
Tiêu nhà cháu vừa hạ được 2 tháng, nó bị côn trùng chích và rối loạn dinh dưỡng dẫn đến có hiện tượng xoắn lá, rụng đốt, mất sắc tố coi cọc và kém phát triển. Cháu rất lo lắng, mong bác và cộng đồng tư vấn cho cháu cách khắc phục hiệu quả. Cháu xin chân thành cảm ơn !
pH kiềm là sao bác ? Mong bác giải thích kỹ giúp cháu đi…
Độ pH là chỉ số hoạt động của ion hhydro trong dung dịch.
Hỗng lẽ bạn chưa học qua cấp 2.
Tham khảo trang này : https://vi.wikipedia.org/wiki/PH
Chào diễn đàn !
Cho tôi hỏi phân lân Văn Điển tôi dùng lượng nhỏ để bổ sung dinh dưỡng vào trong đất có đạt tiêu chí trồng hữu cơ không… Nếu có cách bổ sung trung vi lượng từ nguồn hữu cơ tự nhiên thì xin mọi người góp ý. Cảm ơn !
Bón phân là phải đáp ứng nhu cầu của cây cần cung cấp chứ không phải bón gì mà mình thích. Bạn cần tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu của cây tiêu và các tiêu chí cần thiết để trồng tiêu hữu cơ cũng như khả năng cung cấp những chất dinh dưỡng gì trong từng loại phân bón khác nhau có trên thị trường.
Vấn đề này khá rộng chứ không chỉ trong một câu hỏi và câu trả lời là đủ đâu bạn ơi !
Trồng tiêu hữu cơ là không lạm dụng những chất hóa học, vô cơ trong quá trình chăm bón để thúc đẩy năng suất. Nhưng có thể dùng ở mức độ hạn chế, tối thiểu, bổ sung, những khi cần thiết… Bên cạnh các loại lân, vôi, dilomit… thì các loại phân ủ hoai vẫn có trung vi lượng !