Hồ tiêu Tây Nguyên chết hàng loạt, người trồng rơi vào vòng xoáy nợ nần

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 7

Hơn 10.200 ha hồ tiêu tại Tây Nguyên chết, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng cùng ngồi lại bàn giải pháp để người dân vượt qua nguy khó…

Vườn tiêu chết khô của ông Nguyễn Văn Khôi ở Chư Pưh.

Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thống đốc Đào Mạnh Tú vừa có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai và đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh này để bàn về việc tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn trồng hồ tiêu tại Gia Lai hôm 10/5.

Nông dân trồng tiêu cuốn vào vòng xoáy nợ nần

Theo thống kê của Cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – thì đến hết năm 2018, diện tích hồ tiêu toàn vùng là hơn 89.000ha, thấp hơn năm 2017 khoảng 3.000ha (gần 92.000ha). Trong đó hồ tiêu tập trung chủ yếu ở tỉnh Gia Lai gần 16.300ha, Đắk Nông hơn 34.000ha và Đắk Lắk hơn 36.600ha.

Tính đến hết tháng 12/2018, toàn vùng Tây Nguyên đã có gần 10.200ha hồ tiêu bị chết. Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu chết nhiều nhất toàn vùng Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 5.500ha.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Quyện – Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Thời gian từ năm 2010 -2015, với giá cả hồ tiêu tăng cao nên người dân trồng ồ ạt giống cây này dẫn đến diện tích tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch.

Sau khi giá tiêu lên ở mức đỉnh điểm thì sụt dần đến chạm đáy. Thực tế ở một số địa phương cho thấy diện tích hồ tiêu chết tăng cao trong những năm gần đây. Nguyên nhân gây chết đó là sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như: thời tiết mưa nhiều; một số vườn tiêu chết không được thu gom tiêu hủy theo hướng dẫn đã làm nấm bệnh lây lan; nhiều vườn tiêu trồng trên điều kiện đất đai không phù hợp, hệ thống thoát nước không đảm bảo; vườn tiêu trồng dãi nắng không có hệ thống cây che bóng, chắn gió để bảo vệ vườn tiêu.

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai cho hay: Người dân trong tỉnh vay khoảng 4.000 tỷ đồng để trồng hồ tiêu. Trong đó, huyện Chư Pưh là nơi thất bại nhất đối với việc trồng cây hồ tiêu. Cuộc sống của người dân trồng hồ tiêu sau “bão giá” trở nên điêu đứng. Khi hồ tiêu mất giá, nhiều người trồng tiêu vay vốn không thể trả được nợ đã rời bỏ địa phương để đi nơi khác làm ăn nên xảy ra tình trạng khó xử lý đối với các khoản nợ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà các ngân hàng đề xuất là một vấn đề nan giải, bởi người dân Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã quen với việc trồng hồ tiêu, cà phê, cao su. Chuyển đổi cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, song do diện tích còn ít, nếu mở rộng, không có nhà máy chế biến hoặc đầu ra đảm bảo thì người nông dân sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng.

“Nếu công bố được thiên tai, chúng ta mới tiến thêm một bước nữa là khoanh nợ. Bởi nếu không thể khoanh nợ, chúng ta không thể kêu gọi bà con về, mà nếu bà con không về, thì khả năng thu hồi số nợ này cũng không có. Và khi đó, một vùng đất bazan màu mỡ ở Gia Lai sẽ bị hoang hóa một thời gian”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Nông dân trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn buộc phải treo bảng bán vườn

Kêu gọi người dân liên kết sản xuất

Thạc sĩ Nguyễn Trần Quyện – Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, cho biết có 2 nhóm giải pháp chính đó là giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể: Đối với giải pháp trước mắt: cần thực hiện các biện pháp vệ sinh vườn, xử lý cây bệnh vườn bệnh bị chết để giảm lây lan; chú ý các biện pháp thoát nước trong mùa mưa; phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học; bón phân cân đối và hợp lý để tăng sức khỏe cho cây và tăng độ phì đất; người trồng tiêu nên tham khảo các tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia biên soạn để bổ sung các kiến thức và kinh nghiệm hay về kỹ thuật trên cây hồ tiêu.

Đối với các giải pháp lâu dài cần lưu ý một số vấn đề như sau: Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết sản xuất giữa 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Việc thực hiện liên kết sản xuất không những giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu mà còn đảm bảo được các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm từ hồ tiêu có giá trị gia tăng cao; Đối với nhóm giải pháp kỹ thuật cần quan tâm nghiên cứu đến công tác nghiên cứu giống hồ tiêu có khả năng chống chịu nấm bệnh và tuyến trùng; nghiên cứu chuyên sâu hơn về nhu cầu dinh dưỡng và nước tưới của cây hồ tiêu để có những khuyến cáo cụ thể hơn cho sản xuất.

Gỡ nợ xấu bằng cách nào?

Trước tình hình khó khăn của các hộ dân trồng tiêu tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế của khách hàng vay vốn để cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và tiếp tục cho vay chuyển đổi giống cây trồng cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã kiểm tra, rà soát tình hình vay vốn thực tế của các hộ dân để có biện pháp hỗ trợ. Nhờ đó, đến nay đã có trên 6.000 khách hàng được các tổ chức tín dụng hỗ trợ với các biện pháp như: cơ cấu lại nợ 337 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất 706 tỷ đồng, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 816 tỷ đồng, cho vay chuyển đổi cây trồng 118 tỷ đồng, đề nghị khoanh nợ khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 107 triệu đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Mạnh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ; đồng thời tiếp tục đánh giá thực trạng dư nợ, nợ xấu, khả năng xử lý nợ, khả năng thu hồi vốn tại địa phương. Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đề nghị tỉnh cùng phối hợp với các tổ chức tín dụng tháo gỡ các khó khăn cho nông dân trồng hồ tiêu.

“Chúng ta cần sử dụng tất cả các cơ chế, chính sách hiện nay, tạo điều kiện cho người vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ bà con nông dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng; tạo sự đồng thuận trong chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ của ngân hàng với bà con. Khoanh nợ thế nào, kéo giãn thời hạn trả nợ, tái cơ cấu nợ thế nào thì cơ chế Ngân hàng nhà nước đã có, nhưng cần cụ thể và thống nhất mới giải quyết được vấn đề. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh cùng ngành ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại, có chỉ đạo truyền thông tới bà con, cùng phối hợp với ngành ngân hàng khắc phục khó khăn”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Mạnh Tú nhấn mạnh.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
7 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Vườn chết khô, nấm bệnh tùm lum không ai xử lý, có dám mua không ?
    Mua rồi xử lý vườn mình, bào tử nấm bệnh vườn hàng xóm bay sang thì sao? Khó lắm…!

  2. Năm nay hạn hán, tiêu lại rẻ hầu hết nông dân chán bỏ mặc hết rồi. Tôi thấy Long Khánh, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu tiêu chết gần hết rồi. Khổ cho nông dân lại bỏ tiêu trồng mít và sầu riêng, mai mốt tàu không ăn lại chặt tiếp

  3. Nông dân trồng tiêu thời đại này rồi mà không chịu tham khảo thông tin để áp dụng KHKT.
    Tới thăm các nông hộ trồng tiêu, hỏi bà con phòng bệnh như thế nào ? Ai cũng nói mua thuốc hóa học trị nấm chết nhanh chết chậm vài tuần phun 1 lượt mà tiêu chết vẫn cứ chết. Còn dùng nấm trichoderma hay các chế phẩm sinh học khác để phòng bệnh thì không bao giờ. Như vậy thì tiền đổ hết vào phân thuốc, lấy đâu ra lợi nhuận nữa !

  4. Cho em xin ý kiến. Em đã tham khảo bạn bè, người quen và ý kiến của bác sĩ cây trồng và đã bón, phun nhiều loại phân thuốc rồi nhưng tiêu nhà em vẫn chưa thấy hiệu quả gì rõ rệt.
    Em xin gửi mấy tấm hình, mong cộng đồng góp ý. Xin cám ơn !
    http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2019/07/tanhoa1.jpg
    http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2019/07/tanhoa2.jpg
    http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2019/07/tanhoa3.jpg

    • Rất nhiều vườn hồ tiêu giai đoạn này đều bị sâu bệnh như vậy. Không xử lý sớm sẽ chết cây hoặc không chết thì cũng suy cây, mất năng suất. Xử lý theo 2 bước sau:
      1. Dùng xạ khuẩn trong Forge SP phun liên tiếp 2 lần và đổ gốc 1 lần để diệt các bệnh nấm.
      2. Phun thuốc trừ nhện đỏ, kết hợp với phân bón lá sinh học tổng hợp để hồi phục cây.

Gửi phản hồi mới

(?)