Hồi sinh một xứ chè
Đã từ lâu, chè là cây trồng chủ đạo trong đời sống nông nghiệp của cư dân Hạ Hòa, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, đồng thời, cây chè gắn bó “thủy chung” cùng người dân phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Sức sống bền lâu
Trong đời sống nông nghiệp của người dân Hạ Hòa từ cuối những năm 80, cây chè đã được các địa phương trong huyện quan tâm, đưa vào gieo trồng trên các triền đồi thấp, lấy chè là cây trồng cho thu nhập chính.
Ông Lê Thiết Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hạ Hòa cho biết: “Hạ Hòa là huyện có nhiều đồi núi thấp, đất đai màu mỡ nên rất thuận lợi cho việc trồng cây chè theo hướng thâm canh”.
Vào đầu những năm 90, cây chè Hạ Hòa đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách dưới tác động của sự biến đổi kinh tế và những thay đổi trong đời sống của người dân. Hầu hết các diện tích chè già bị chặt bỏ, thay vào đó là giống cây cà phê từ miền Nam mang ra. Việc đầu tư cho diện tích chè còn lại chưa được quan tâm đúng mức. Người dân mới dừng lại ở phương pháp thủ công như ủ phân ngay ở gốc cây chè hay xới cỏ… chứ chưa đầu tư vốn để tăng cường phân bón thường xuyên.
Công nghệ thu hái chè ở Hạ Hòa đã được cải tiến so với trước.
Vì vậy, hậu quả là cây chè thoái hóa, già cỗi và sâu bệnh ngày càng nhiều. Cùng với đó là nhận thức trong hành trình thoát nghèo, chưa coi cây chè là cây xóa đói trên vùng đất Trung du còn nhiều gian khó nên việc trồng, chăm sóc và thu hái cũng như chế biến chè còn ở dạng thủ công.
Việc trồng và chế biến đã khó lại cộng với giá cả thu mua liên tục biến đổi làm cho cây chè và người dân trở nên lao đao. Biến động giá cả khiến cho đa số nông dân Hạ Hòa lúng túng và phân tán tư tưởng trong trồng và chăm sóc chè. Có những thời điểm hàng trăm ha chè bị bỏ hoang không người chăm sóc thu hái, có những hộ gia đình chặt bỏ cây chè không thương tiếc, thay vào đó là trồng cây lâm nghiệp như bạch đàn, bồ đề và cây ngắn ngày như sắn lấy củ. Cây chè vùng Trung du Hạ Hòa đứng trước bờ vực nguy cơ gần như bị xóa sổ trong đời sống kinh tế nông nghiệp của người dân.
Cây chè hồi sinh nhờ thay đổi tư duy
Vào đầu năm 2009, xác định không thể thay thế các giống cây khác vào vị trí cây chè trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân Hạ Hòa, Ban Thường vụ Huyện ủy Hạ Hòa đã ra Nghị quyết số 08/NQ-HU về sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chỉ đạo bốn chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, có chính sách hỗ trợ cây chè. Từ đó, huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển cây chè, thâm canh, chăm sóc diện tích chè sản xuất, chuyển đổi diện tích chè cằn cỗi, diện tích đất cọ kém hiệu quả sang trồng các giống chè mới cho năng suất cao.
Chè Hạ Hòa được thâm canh mang lại sản lượng búp tươi khá cao.
Đồng thời, huyện còn dùng ngân sách hỗ trợ vốn vay ngân hàng, với mức lãi suất 8,3% cho các hộ trồng mới, trồng lại, trồng dặm cây chè và hỗ trợ toàn bộ giống chè cho diện tích trồng mới trên đất cọ. Năm 2011, Hạ Hòa đã hỗ trợ 385.221.000 đồng cho các gia đình tham gia chương trình phát triển cây chè. Trong đó, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 321 hộ là 210.423.000 đồng, hỗ trợ trồng chè trên đất cọ là 57.530.000 đồng; hỗ trợ đầu tư trồng lại, thay thế diện tích chè cằn xấu 108.600.000 đồng; hỗ trợ công tác khuyến nông 8.668.000 đồng. Vận động để các hộ dân trồng lại các giống chè mới có năng suất cao. Đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp IPM trong sản xuất, chế biến chè. Năm 2011, toàn huyện trồng 30 ha chè và sản lượng chè búp tươi 16.000 tấn trở lên.
Cũng vào thời điểm này, giá cả thu mua chè tươi và chè khô tiếp tục tăng theo hướng ổn định. Mặc dù có những thời điểm biến động của thị trường trong nước và thế giới, giá chè có hạ song vẫn đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững của cây chè. Hiện nay, giá chè tươi thu mua tại nương đồi là 2.800 – 3.000 đồng/kg chè búp. Sự nỗ lực và những đổi thay trong tư duy kinh tế của người dân địa phương đã giúp cây chè có chỗ đứng vững chắc trong đời sống kinh tế. Việc đầu tư phân bón và thuốc trừ sâu được hỗ trợ thêm bằng dự án của nhà nước đã tạo điều kiện cho cây chè phát triển rộng khắp. Khắp nơi trên nương đồi của Hạ Hòa đều thấy màu xanh của cây chè. Chị Nguyễn Thị Chung một nông dân trồng chè vui mừng cho biết: “ Hiện nay cây chè là nguồn thu nhập chính của chúng tôi, mỗi tháng tiền bán chè tươi cũng được 2-3 triệu đồng”.
Đồng loạt các địa phương trong huyện cùng chung tay nỗ lực để phát triển và thâm canh cây chè. Xã Ấm Hạ đã trồng được 202,8 ha chè, cho sản lượng chè búp tươi 6 tháng cuối năm 2011 đạt 400,9 tấn, mang lại thu nhập cao và thường xuyên cho người dân. Là một xã nghèo, trong những năm qua, người dân Phương Viên đã luôn coi cây chè là người bạn đồng hành để thoát nghèo. Năm 2011, nhân dân Phương Viên đã trồng chè theo hướng đầu tư cây chè hàng hóa với diện tích trồng mới là 2,1 ha, đưa tổng diện tích chè của xã lên 138,5 ha, cho sản lượng chè búp tươi là 631 tấn, tăng 9,7 % so với năm trước.
Cùng với việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đời sống người dân, đến nay, việc thu mua chè cũng tương đối thuận lợi, đuợc tiến hành ngay tại nương đồi và những điểm thu mua ở các xã.
Trồng chè gắn với chế biến tại chỗ
Việc chế biến chè cũng được cải tiến nhiều so với phương thức chế biến thủ công trước đây. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hạ Hòa, ở đâu có diện tích chè lớn thì ở đó mọc lên các cơ sở chế biến chè tại chỗ. Sức hút và hiệu quả của các doanh nghiệp chế biến chè ở Hạ Hòa ngày càng được nâng cao. Ông Lê Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: “Nằm trong chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, các mô hình chế biến chè tại chỗ ở Hạ Hòa ra đời nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, kích thích người sản xuất”.
Chế biến chè đen tại chỗ, hướng đi hiệu quả ở Hạ Hòa.
Đến nay, toàn huyện có tới gần 20 xưởng chế biến chè lớn nhỏ được dựng lên ở những xã có diện tích chè lớn, đường giao thông thuận lợi và thị trường tiêu thụ dồi dào. Hầu hết các xưởng chế biến chè ở Hạ Hòa đều tiến hành theo hình thức sơ chế chè búp tươi thành sản phẩm chè đen và sau đó bán ra thị trường.
Ngoài nhà máy chế biến chè liên doanh với nước ngoài như Công ty Chè Phú Bền, đa số xưởng chế biến chè tư nhân được dựng lên có sự quản lý của nhà nước. Hơn nữa, căn cứ vào tình hình sản xuất ở địa phương, huyện còn cho phép các xã thành lập nên làng chè theo hướng quy hoạch. Tại xã Ấm Hạ, từ năm 2008, xã đã thành lập Làng chè Chu Hưng với liên hoàn các khâu như sản xuất, chăm sóc và chế biến tại chỗ. Nguồn thu từ mô hình chế biến chè tại chỗ tăng đáng kể, người dân có thu nhập cao. Ông Nguyễn Thành Vinh Trưởng làng chè Chu Hưng cho biết: “Hiện nay cả làng có 75 ha chè, năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi năm 2011 đạt 600 tấn”. Ông Vinh còn cho biết thêm, hầu hết các xưởng chế biến chè còn tạo việc làm tại chỗ và thu nhập chính đáng cho hàng trăm nông dân. Hiện nay, Hạ Hòa vẫn mong đợi sự đầu tư, quy hoạch và công nghệ chế biến hiện đại để tạo nên thương hiệu bền vững cho sản phẩm chè ở vùng núi xa xôi này.