Khâu giống, khó để phát triển hồ tiêu bền vững

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 2

Hội nghị đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất hồ tiêu năm 2011 và định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Gia Lai.

Gia Lai là tỉnh chiếm 1/6 sản lượng tiêu toàn quốc. Đây là địa phương được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xếp vào danh sách 6 tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của cả nước.

Với tổng diện tích hồ tiêu đạt 7.310 ha, trong đó đưa vào kinh doanh là 5.440 ha, tổng sản lượng tiêu năm 2011 đạt gần 17 ngàn tấn, vị thế cây tiêu của Gia Lai đã được xác định. Song thực tế phát triển hồ tiêu còn thiếu điều kiện đảm bảo sự sinh trưởng ổn định cũng như sản lượng và chất lượng hạt tiêu. Nguyên nhân, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT là do giống tiêu đưa vào trồng hiện nay đang mất dần khả năng kháng bệnh. Biểu hiện cụ thể là tình trạng sâu bệnh hại trên cây tiêu.

Cách nay chưa lâu, tại xã Ia Vê (huyện Chư Prông) có trên 50 ha tiêu gần đến thời kỳ thu hoạch bỗng dưng vàng lá, thân khô mà hệ quả là nhiều hộ trồng tiêu thất thu hàng trăm triệu đồng. Tại vùng trọng điểm cây hồ tiêu như Chư Pưh, Chư Sê, sâu bệnh hại tiêu năm nào cũng xảy ra ở mức độ khác nhau gây mất mùa, thất thu và chất lượng hạt tiêu giảm.

Khảo sát của cơ quan chuyên môn thì các giống tiêu: Lộc Ninh, Vĩnh Linh, Sẽ Mỡ, Tiêu Trâu, Lada Belangtoeng, Ấn Độ, Phú Quốc đang giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu giống tiêu trên địa bàn tỉnh hiện nay; trong đó giống tiêu Lộc Ninh, Vĩnh Linh chiếm tỷ lệ 50-70% vì nhờ ưu thế chín tập trung, năng suất tương đối ổn định. Thế nhưng, hầu hết giống tiêu hiện tại đều nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; rệp sáp gốc, thối thân; vàng lá, thối rễ tơ theo hướng tăng dần diện tích bị nhiễm bệnh và cấp độ nhiễm bệnh.

Ước tính năm 2010, tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh trên 2.763 ha, mức độ nhiễm ở thể nhẹ; đến năm 2011 diện tích đã tăng lên 3.546 ha. Năm 2012 diện tích tiêu bị nhiễm bệnh gần 3.543 ha, trong đó có trên 602 ha tiêu bị nhiễm bệnh thối gốc, thối thân ở thể nặng.

Cũng theo tính toán của cơ quan chuyên môn, tiêu nhiễm bệnh ở thể nhẹ, năng suất giảm 5-10%; thể trung bình giảm 10-20%; thể nặng giảm 20-70%. Nếu tính năng suất tiêu bình quân 42-45 tạ/ha thì đủ thấy sản lượng tiêu trên địa bàn tỉnh bị mất do tác động sâu bệnh hại mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đối mặt với vấn nạn sâu bệnh hại tiêu gia tăng hàng năm, cơ quan chuyên môn tích cực vào cuộc hướng dẫn người trồng tiêu cách phòng ngừa, chữa trị; trồng cây chắn gió; cách bón phân… Tuy nhiên, vẫn chưa loại trừ tận gốc dịch bệnh vì cơ cấu giống tiêu còn hạn chế, không có nguồn gốc rõ ràng. Đa phần giống tiêu đưa vào trồng do các cơ sở nhỏ lẻ và người dân tự ươm, chưa có cơ sở sản xuất giống đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, quy trình nghiên cứu, tìm các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại tiêu chưa có kết quả cụ thể vì kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này quá ít so với nhu cầu. Cũng do khó khăn về kinh phí, việc xây dựng mô hình thí điểm trồng tiêu có khả năng kháng bệnh, tăng năng suất, chất lượng hạt tiêu cũng rất hạn chế. Đến nay, mới có huyện Chư Sê hỗ trợ kinh phí cho Trạm Bảo vệ Thực vật huyện xây dựng 2 mô hình IPM trên cây tiêu từ năm 2010.

Hiện trạng phát triển cây tiêu đang gặp khó ở khâu giống kéo theo chất lượng và sản lượng bấp bênh là thực tế đã được xác định. Vì vậy, việc sớm xác định các giải pháp hữu hiệu để khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho cây tiêu phát triển bền vững trên đất Gia Lai càng trở nên cấp thiết. Theo ông Lưu Trung Nghĩa  Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, có đến 90% nông dân trồng tiêu không nắm bắt được các quy trình kỹ thuật trồng tiêu, nên cần mở các lớp tập huấn để giúp họ có kỹ năng trồng loại cây này.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực nghiệm để tìm ra bộ giống tiêu phù hợp với từng vùng. Tại Hội nghị đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất hồ tiêu năm 2011 và định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Gia Lai mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Để giúp nông dân xác định đúng hướng và phát triển cây hồ tiêu hợp lý, đảm bảo hiệu quả sản xuất, Bộ NN&PTNT cần xem xét, hỗ trợ kinh phí, giúp các địa phương trồng tiêu tuyển chọn giống tốt, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, cung cấp kịp thời để nông dân cải tạo vườn tiêu hoặc tái canh, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp và biện pháp quản lý dịch hại, tiến tới xây dựng quy trình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GAP.

2 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Trong sản xuất tiêu bền vững theo tôi giống chỉ đóng vai trò thứ yếu, biện pháp canh tác mới là chủ yếu. Thâm canh không đúng cách, dùng quá nhiều thuốc BVTV và phân hóa học để mong năng suất vườn cây của mình luôn đạt cao hơn thì lấy đâu bền vững.

  2. Bài viết có nhiều ý hay, nhưng có làm được không mới là quan trọng. Ông bà mình có câu : nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Theo tôi bộ tứ trên đều cần thiết cả nếu thiếu một khâu thì không bao giờ đạt được năng suất cao. Tôi mong một ngày gần đây trong đại gia đình giatiêu.com có người nghiên cứu lai tạo ra giống tiêu mới vừa đạt năng suất cao vừa chống chịu lại được dịch bệnh dể cho bà con làm nông nghiệp tránh xa bớt những chất hóa học độc hại và sản phẩm của chúng ta là sản phẩm sạch.

Gửi phản hồi mới

(?)