Kiêu như… tiêu
Cầm vài trăm triệu đồng tiền lãi sau một vụ tiêu, Nguyễn Ngọc Hoàn mới thấy quyết định về quê Gia Lai làm nông nghiệp là đúng đắn. Trước đây, cứ vào mùa thu hoạch là người nông dân lại bán ồ ạt khiến giá tiêu thấp lại càng thấp hơn. Giờ mọi chuyện đã khác.
Nông dân tiêu sành điệu
Nông dân trồng tiêu giờ đã lên mạng xem tin tức thị trường tiêu thế giới, dùng điện thoại di động nhắn tin, trao đổi về giá tiêu thế giới. Chính vì vậy, họ biết phải bán với giá bao nhiêu cho doanh nghiệp để không bị thua thiệt.
Thậm chí, nông dân ngành tiêu còn biết cách găm hàng khi giá xuống và bán vào thời điểm phù hợp. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, doanh nghiệp không thể bắt chẹt người trồng tiêu được nữa vì họ nắm rất rõ giá thị trường.
Hiện nay, tiêu Việt Nam chiếm 50% thị trường thế giới, đã 3 năm liên tục chi phối giá quốc tế và giá ngày càng tăng cao. “Trước đây, hội nghị tiêu thế giới có thể thiếu Việt Nam, nhưng hiện nay tiếng nói của ngành tiêu Việt Nam lại mang tính quyết định về giá và hướng đi của thị trường”, ông Nam cho biết.
Người trồng tiêu ở Việt Nam được coi là có cung cách làm việc tiên tiến và giàu có nhất so với nông dân trồng các loại cây khác. Trong khi nhiều ngành nông sản khác như cà phê, điều, lúa… vẫn loay hoay với những khó khăn thì ngành tiêu lại ung dung vì có được sự ổn định về giá, sản lượng và nhất là chi phối giá trên thị trường thế giới. Câu chuyện của người trồng tiêu tại Chư Sê, Gia Lai là một điển hình.
Thấy được những vướng mắc của việc trồng tiêu, nông dân trồng tiêu tại Chư Sê đã bàn với nhau cùng hợp tác. Với kinh phí đóng góp hằng năm 1 kg tiêu/1 hội viên, các nông dân thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã có một Tổng đài thông tin tự động từ năm 2006. Với tổng đài này, 1.500 hội viên của Hiệp hội muốn tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, phân bón đến giá tiêu trong nước và thế giới vào bất kỳ thời gian nào cũng có thể gọi điện đến tổng đài để tham khảo ý kiến. Đây chính là lý do khiến người nông dân trồng tiêu của huyện đều thu được lợi nhuận lớn trong các mùa vụ gần đây.
Đến lúc nâng cao giá trị hạt tiêu
Với mục tiêu phát triển mạnh ngành tiêu cả về chất và lượng, Hiệp hội Hồ tiêu đã chọn 2 vùng đất để quảng bá sản phẩm là Phú Quốc và Chư Sê. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tuyên truyền để nông dân không tăng diện tích tùy tiện mà tập trung chọn giống mới giúp tăng năng suất và giá trị gia tăng. Song song đó, Hiệp hội cũng mở rộng chương trình quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để thừa thắng xông lên, ngành tiêu Việt Nam còn nhiều việc phải làm. So với Ấn Độ, Brazil, Indonesia, giá tiêu của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Ấn Độ có trồng tiêu song cũng nhập khẩu tiêu của Việt Nam để chế biến rồi tái xuất khẩu với giá cao. Tại sao Việt Nam lại không tăng thêm được giá trị cho sản phẩm tiêu? Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chi phí máy móc thiết bị chế biến tiêu còn quá cao nên rất khó để doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, tiêu Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô trong khi hầu hết các nước xuất khẩu tiêu đã chuyển sang chế biến cho ra sản phẩm chất lượng cao để tăng giá trị.
Ông Nam cho biết, Chính phủ Malaysia đã đầu tư xây dựng hẳn một nhà máy chế biến hồ tiêu với công nghệ tiên tiến nhất. Sau đó, Chính phủ chuyển giao toàn bộ cho các doanh nghiệp. Hiện giờ, Malaysia là nước duy nhất trên thế giới bán được tiêu cho Nhật, một thị trường cực kỳ khó tính. Câu chuyện này cho thấy với sản lượng chỉ bằng 1/5 của Việt Nam nhưng với chất lượng cao, uy tín và thương hiệu của Malaysia sẽ mang lại giá trị cao trong sản phẩm xuất khẩu.
Nếu Việt Nam có được sự hỗ trợ như Malaysia cùng với những gì ngành tiêu đã đạt được thì việc nâng cao giá trị cho tiêu sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều. Lúc đó, ngành tiêu sẽ phát triển về chất lượng, giá trị lẫn thương hiệu. Như vậy, không chỉ có nông dân mà chính các doanh nghiệp cũng được lợi.
Những nông dân như anh Hoàn ở Gia Lai đang rất mong chờ ngày đó.
2 phản hồi cho bài "Kiêu như… tiêu"
Tôi là Nguyễn Thanh Hà, ở Phú Thiện và có một rẫy tiêu ở xã H’bông, Chư Sê. Anh Hoàn có thể cho tôi biết địa chỉ hoặc số điện thoại (địa chỉ e-mail cũng được) để tôi tham khảo kinh nghiệm của anh được không?
Rất cảm ơn anh!
Có trời mới biết anh Nguyễn Ngọc Hoàn trong bài báo này ở đâu !