Kinh nghiệm trồng tiêu của một nông dân Bình Phước
Gia đình anh Nguyễn Trọng Thắng ở tổ 8, ấp 10, xã Minh Hưng (Chơn Thành) có 0,5 ha tiêu, với gần 1.000 nọc. Diện tích ít, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên vườn tiêu của anh luôn xanh tốt, cho năng suất cao. Mấy năm gần đây, hạt tiêu được giá đã đem lại nguồn thu lớn cho gia đình anh.
Vườn tiêu xanh tốt của gia đình anh Thắng
Anh Thắng cho biết, cây tiêu khỏe thì mới đề kháng được bệnh và cho năng suất cao. Vì vậy, quá trình chăm sóc cây tiêu được anh đặc biệt chú trọng. Nếu như phần lớn các gia đình chỉ cày xới đất trồng tiêu có độ sâu từ 30-40cm, thì vườn tiêu của anh được cày xới với độ sâu 70cm, để không bị trơ rễ và mùa khô cây tiêu giữ ẩm tốt hơn. Mỗi vụ bón phân 3 lần. Lần thứ nhất vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6), mỗi gốc tiêu 5kg phân hỗn hợp gồm: Phân chuồng hoai, phân lân trộn với vôi và 0,5kg NPK. Bón phân lần thứ hai vào tháng 7, mỗi gốc tiêu 3g NPK, 1g kali và bón lần thứ ba vào tháng 10, gồm phân NPK và kali, lượng phân kali nhiều hơn NPK.
Theo anh Thắng, đất mới trồng tiêu 1, 2 vụ thường ít bị bệnh do các mầm bệnh đang trong thời kỳ “ngủ đông”, có điều kiện là bùng phát. Để phòng chống, tốt nhất là xịt thuốc chống rầy, chống nấm thường xuyên; vườn tiêu phải thoát nước tốt, không để ngập úng. Vào mùa khô, giữ ẩm cho vườn bằng cách phủ cỏ khô hoặc lá cao su. Việc bón phân phải bảo đảm, không thể khi được giá thì bón phân đều đặn, khi tiêu mất giá thì bỏ bê, dẫn đến cây mất sức, không còn khả năng đề kháng các loại sâu bệnh. Chỉ đất đỏ bazan, sỏi cơm và có độ dốc (để thoát nước) là trồng tiêu tốt nhất.
Nhờ chăm sóc vườn tiêu đúng cách, nên trong khi các gia đình khác tiêu bị chết dần, dẫn đến xóa sổ, thì vườn tiêu của anh Thắng vẫn cho năng suất cao. Năm 2011, anh thu được 1,8 tấn, với giá trung bình 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, thu được 150 triệu đồng. Giá tiêu hiện nay là 150 ngàn đồng/kg, tuy ảnh hưởng thời tiết, năng suất không cao bằng năm trước, song được giá, nên dự kiến vụ tiêu này cũng cho gia đình anh thu không dưới 150 triệu đồng.
Nhật Hạ
1 phản hồi cho bài "Kinh nghiệm trồng tiêu của một nông dân Bình Phước"
Bài báo này nhập máy bị sai rồi. Làm sao mà bón thế này được? “mỗi gốc tiêu 3g NPK, 1g kali” .
Tôi vẫn thấy anh Thắng bón quá nhiều phân hóa học.
Nói chung, bài viết sơ sài quá! Không học được kinh nghiệm gì cả.