Làm gì ngăn chặn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất?
Thực tế những năm qua cho thấy do tình hình khí hậu và thời tiết nước ta có nhiều biến đổi, dịch hại cây trồng diễn biến phức tạp, đặc biệt diện tích trừ cỏ dại bằng thuốc hóa học ngày một gia tăng ở nhiều tỉnh, một phần do thiếu nhân lực nông thôn và chi phí công làm cỏ bằng tay cao vì vậy nhu cầu về số lượng thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp nước ta thực tế không giảm thông qua số lượng thuốc BVTV nhập khẩu hàng năm vào nước ta có xu hướng tăng. Từ 51.764 tấn (năm 2005) với tổng giá trị nhập khẩu thuốc BVTV là 50 triệu USD, đến năm 2015, tổng khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào nước ta đã tăng lên 127.728 tấn với tổng giá trị là 786 triệu USD, đó là chưa kể nhập khẩu dạng tiểu ngạch.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, thuốc BVTV mua bán tràn lan, nông dân mua sử dụng dễ dàng khắp các cửa hàng. Các đài truyền hình có quá nhiều quảng cáo thuốc BVTV nên đã ăn sâu vào tập quán sản xuất của nông dân là trồng cây phải phun thuốc. Nông dân quen dùng thuốc và dùng thuốc không tuân thủ quy trình như “4 đúng” thì đẩy nông sản Việt Nam đến mức không an toàn, tồn dư thuốc lượng độc hại…
Theo Cục BVTV, thuốc BVTV được phép sử dụng có 1.717 hoạt chất (đa phần là hoạt chất hỗn hợp) với 4.080 tên thương phẩm, trong đó có nhiều hoạt chất thuốc BVTV thuộc nhóm độc 2 cần phải từng bước đưa dần ra khỏi danh mục cho phép sử dụng vì tính độc hại của chúng đối với con người và môi trường. Theo số liệu của Viện tài nguyên môi trường quốc tế, khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1 ha cây trồng/năm ở Việt Nam còn cao hơn một số nước trong khu vực. Việt Nam là 2 kg/ha, trong khi Thái Lan 1,8 kg/ha, Bangladesh 1,1 kg/ha, Senegan 0,2 kg/ha.
PGS.TS. Nguyễn Kim Vân cho biết, hầu hết các thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chưa kể lượng thuốc BVTV nhập lậu qua đường biên chưa kiểm soát được. Mặt khác, các loại thuốc BVTV nước ta hiện đang sử dụng có độ độc còn cao. Một số thuốc nhóm thuốc clor hữu cơ và thuốc lân hữu cơ… tuy có độ độc cấp tính thấp nhưng lại tồn lưu lâu dài trong cơ thể sinh vật và môi trường. Thuốc trừ cỏ Paraquat là thuốc có nhiều tác động xấu đến môi trường, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do có độ độc cao và không có thuốc giải độc.
Yêu cầu cấp bách ngành nông nghiệp là kiểm tra, rà soát để loại bỏ dần khỏi danh mục được phép sử dụng những hoạt chất và thuốc BVTV quá cũ, có độ độc cao, chậm phân hủy, kể cả các thuốc nhóm độc II, thuốc có thời gian cách ly dài; tăng cường các loại thuốc tiên tiến, ít độc hại với con người, động vật nuôi và môi trường là điều rất cần thiết hiện nay. Theo TS. Nghĩa, cần chấn chỉnh lại mạng lưới sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở nước ta hiện cũng rất lớn, chỉ tính đến năm 2015 cả nước đã có 230 doanh nghiệp và 129 cơ sở sản xuất, sang chai đóng gói thuốc BVTV với 32.649 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên cả nước.
Đặc biệt có hai vấn đề chủ yếu của thuốc BVTV liên quan trực tiếp, có nguy cơ gây mất an toàn nông sản thực phẩm là những vi phạm trong việc kinh doanh thuốc và việc sử dụng thái quá thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Tình trạng sản xuất, buôn bán kinh doanh thuốc BVTV bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, thuốc giả… diễn ra nhiều nơi. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, Cục BVTV cần có biện pháp mạnh, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, nhất là nhập khẩu thuốc BVTV nhóm độc hại. Tăng mức xử phạt hoặc truy tố hành vi kinh doanh thuốc BVTV trong danh mục cấm, nhập lậu qua biên giới, siết chặt quảng cáo tràn lan thuốc BVTV… Bên cạnh đó, tập huấn cán bộ khuyến nông, nông dân, ban hành quy chế sử dụng thuốc BVTV, khuyến khích các giải pháp sinh học, an toàn, từng bước để người dân thay đổi thói quen tránh dùng thuốc BVTV tràn lan như hiện nay.
10 phản hồi cho bài "Làm gì ngăn chặn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất?"
Hóa chất có nguồn gốc từ TQ thật kinh khủng, nó là nguyên nhân của mọi thứ UNG, và hệ lụy cuối cùng làm suy kiệt giống nòi.
Tất cả thuốc bảo vệ thực vật đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Nông dân Việt Nam 30% là theo hữu cơ vi sinh còn lại vẫn bảo thủ giữ quan điểm phân và thuốc hóa học. 1 năm chỉ cho cây 1 ít phân chuồng và làm thật sạch cỏ. Buồn cho ngành Nông nghiệp
Bây giờ thuốc BVTV dùng nhiều là đúng. Chẳng riêng ngành hồ tiêu mà mấy năm nay các công ty trồng cao su cũng sử dụng phun phải hàng ngàn tấn thuốc các loại, dùng các loại máy phun hú ngày đêm ô nhiểm cả vùng lớn. Chẳng máy phun thuốc nào lớn hơn máy phun cho cao su cả.
Theo tôi nghĩ sử dụng thuốc BVTV đúng cách thì chắc không có hạ mà còn đem lại lợi ích cho dù thuốc sản xuất ở nơi nào, miễn đừng giả là được. Hiện nay bà con ta sử dụng một cách ồ ạt, bất chấp nên mới có chuyện dư lượng thuốc. Bà con đừng đổ thừa do thuốc TQ nhập vào, nếu nhập vào mà ta không sử dụng thì có sao. Đừng nói chi cây tiêu mà kể cả các loại thức ăn nước uống hiện nay cũng toàn là hóa chất, phẩm màu, thuốc ướp… Vấn đề là ý thức của người dân là quan trọng nhất bà con ạ.
20 năm trước cao su lúc đất còn tốt và dinh dưỡng cao. Bây giờ trồng lại bằng giống ghép đã nhiễm bệnh và cấu trúc đất đã thay đổi kết hợp với biến đổi khi hậu nên cây ghép càng dễ bị bệnh hơn. Phun thuốc cao su chủ yếu là phun thuốc trị nấm, mà theo em biết thuốc diệt nấm là thuốc bvtv độc hại nhất.
Hôm trước chú Nguyễn Vịnh có nói về dư lượng thuốc mà hầu như ít người để ý là nhà nghiên cứu, sản xuất không bao giờ đưa ra kết quả bất lợi vì sẽ không bao giờ được cấp phép. Thuốc bvtv cũng vậy, sẽ bị phân hũy trong tự nhiên nhanh hay chậm sẽ tạo thành giá trị cơ bản bên cạnh các hiệu quả. Vấn đề là tồn lưu dư lượng thuốc bvtv hầu như do người dụng gây ra…
Tôi ví dụ, bà con thường pha chung thuốc mấm + tuyến trùng… tại sao ông A sử dụng tốt mà anh B lại chẳng thấy hiệu quả. Hay ông A phun thuốc nấm cùng lúc với anh B nhưng khi đưa nông sản đi kiểm định thì dư lượng ở anh B lại vượt mức cho phép còn ông A thì không vượt?…
Chú cám ơn @ Hoàng
Về vấn đề dư lượng thuốc BVTV, chú chỉ nói gọn vì liên quan đến chuyên môn vượt quá kiến thức phổ thông.
Xin có mấy lời khuyến cáo:
-Hạn chế, thậm chí không nên phối trộn thuốc của 2 nhà sản xuất khác nhau. Vì có thể gây phản ứng hóa học bất lợi từ các chất phụ gia được phép không công bố, mà chất phụ gia lại chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm. (tôi gọi đùa là “chính gia” vì tỷ trọng cao này)
-Không phối trộn thuốc với hầu hết phân bón lá, nhất là phân có các chất gốc hóa học, vì cả 2 có tính acid nên sẽ tạo ra chất thứ 3. Chất này làm phân thuốc giảm hiệu quả, hoặc sẽ bền chặt khó phân hũy. Dư lượng thuốc chủ yếu có trong nông sản theo cách này là điều không lường trước, gây bất ngờ với nhiều người. Cách tốt nhất là sử dụng riêng rẽ để phân thuốc khỏi mất chất, đạt hiệu quả cao hơn.
Làm nông ai cũng sợ tốn công là đương nhiên nhưng phải tiết kiệm công đi đôi với hiệu quả. Tiết kiệm công nhưng phân thuốc kém hiệu quả thì lợi bất cập hại.
Do vấn đề này thuộc về chuyên môn nhiều hơn, cần trao đổi thêm xin vui lòng qua email nguyenvinh@giatieu.com
Thân.
Bà con ở chỗ cháu thường cho 3-4 thứ thuốc vô pha chung với nhau để cho lợi công, còn nói là thuốc này không hiệu quả thì có thuốc khác, cứ pha chung cho chắc ăn.
Cháu cũng thấy trên bao bì sản phẩm ghi rõ có thể pha chung với nhau mà…
Cho dù biện minh cách gì đi nữa nhưng đã góp phần đưa thực phẩm bẩn, mất ATVS ra thị trường là có lỗi với người tiêu dùng, thậm chí còn không được phép !
Đừng hỏi tại sao hiện trạng của chúng ta hiện nay lại như vậy, giá cả về các mặt hàng nông sản đều xuống. Có thể nói như vầy, dư cung là một vấn đề nhưng ngoài ra còn vấn đề này nữa, giá tiêu hay cà phê ở các nước bạn (Thái Lan, Indo, Brazil…) được các thương lái thu mua cao hơn gấp đôi so với mặt hàng nông sản của mình. Vậy lý do là ở chổ nào? Tất cả nằm ở trong ý thức của người dân Việt Nam chúng ta, chỉ thấy được được lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi đi cái hậu sau này.
Mọi người à, sử dụng thuốc BVTV ko phải là cấm nhưng chúng ta nên sử dụng với mức vừa phải đúng với giới hạn quy chuẩn của tổ chức đề ra chứ đừng để dư lượng quá nhiều, nếu cứ tình trạng thế này ta sẽ không có thị trường mà ngược lại thị trường hiện có cũng sẽ dần mất đi.