Mô hình nuôi dơi lấy phân

, Giao Thương, Nông nghiệp, 8

con doi2Những năm gần đây, một số vùng nông thôn thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang), người dân rất quan tâm đến việc thuần dưỡng các loài động vật hoang dã vì nó mang lại nguồn thu nhập khá cao. Một số nghề mới được bà con theo đuổi như: nuôi nhím, heo rừng, cua đinh, ba ba, gà sao,… Nghề nuôi dơi lấy phân cũng đã có từ lâu nhưng đã được bà con ứng dụng nhiều cách thức mới nhằm nâng cao hiệu quả.

Đến các xã Mỹ Lợi B và Mỹ Tân thuộc vùng sâu Đồng Tháp Mười, nhiều người thường nhìn thấy những căn chòi cao, đó chính là những chuồng dơi tự nhiên được nhân dân cất lên “dụ” dơi vào ở để lấy phân. Chuồng được thiết kế theo hình lục giác, 6 trụ cao từ 8 – 10 m trở lên, nền chuồng dài 7 – 10 m, ngang 3 – 5 m, nóc chuồng phải lợp bằng lá dừa nước, trên trần của chuồng phải lắp một cái sàn bằng cây để chịu từ 400 – 500 tàu lá thốt nốt (lá treo làm ổ cho dơi ở). Theo người nuôi dơi ở đây, chi phí cho một chuồng như vậy khoảng 6 triệu đồng. Trong quá trình nuôi dơi, người nuôi cần phải chăm sóc thường xuyên chuồng dơi, vào mùa mưa phải che kín bằng lá chầm bốn bên vách chuồng vừa làm ấm dơi vừa tránh được mưa tạt vào làm ướt dơi, ướt lá ổ. Vào mùa nắng nóng cần phải bỏ bớt lá thốt nốt trong ổ ra để dơi được thoáng mát. Dơi rất sợ rắn lục, rệp vì vậy cứ 5 – 6 tháng thì thay lá ổ một lần vào ban đêm lúc dơi rời ổ đi ăn, và mỗi lần thay lá như vậy không quá 30 phút. Nếu chậm trễ, dơi trở về biết có người trong chuồng chúng sẽ bỏ chuồng đi luôn.

Mô hình nuôi dơi lấy phân ở Tiền Giang

Mô hình nuôi dơi lấy phân ở Tiền Giang

Phân dơi tươi thường được bán cho nông dân trồng cây ăn trái và hoa màu với giá 170 ngàn đồng/giạ (một giạ khoảng 7 kg). Theo nhận định của nhiều nông dân, phân dơi rất thích hợp cho cây, khả năng cho đậu trái khi bón phân này chiếm tỷ lệ rất cao, lúc trái chín có màu sắc đẹp, khi ăn có cảm giác vị ngọt thanh ngon miệng.

Một trong những mô hình nuôi dơi lấy phân hiệu quả, phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lợi B. Năm 2007, ông đi đám nhà bà con ở Châu Đốc (An Giang) thấy mô hình nuôi dơi lấy phân có hiệu quả. Ông nhận thấy nuôi dơi rất phù hợp với điều kiện thiên nhiên nên ông mạnh dạn đầu tư hơn 32 triệu đồng xây dựng 6 chuồng nuôi dơi và mua vài chục con dơi ở An Giang về nhốt trong chuồng, một tuần sau khi chúng làm quen với môi trường sống, ông thả ra để ban đêm chúng đi tìm kiếm ăn mồi và thu hút thêm đàn dơi hoang vào trong chuồng và ông dùng mành lưới trải dưới đất lấy phân, mỗi ngày ông thu hơn 1 giạ phân dơi. Bình quân mỗi năm ông thu được hơn 60 triệu đồng từ mô hình này. Theo ông, kỹ thuật nuôi dơi cũng không khó lắm, chỉ cần xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng mát, phải vệ sinh chuồng sạch sẽ và thay lá trong chuồng và giữ yên tĩnh ban ngày cho chúng trú ẩn.

Anh Nguyễn Văn Hồng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lợi B xây dựng 7 chuồng nuôi dơi cho biết, tầm hoạt động của dơi trong phạm vi rộng, đi kiếm ăn khá xa nên muốn thu hút đàn dơi về ở thì điều trước tiên là phải đảm bảo độ an toàn ở khu vực bên trong và xung quanh chuồng dơi. Bởi dơi là loài động vật hoang dã, khó tính, thích sống tự do, rất nhạy cảm với hơi người lạ, cũng như những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại chúng, nếu động chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy, người nuôi phải biết khuyến dụ và bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng nuôi, chuồng phải đặt cặp bờ kênh, mương để dơi uống nước. Nhờ mô hình này, mỗi ngày anh Hồng thu nhập hàng trăm ngàn đồng.

Theo khoahocphothong.com.vn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
8 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Dơi bà con dưới miền Tây nuôi để lấy phân là loại dơi nhỏ, chỉ ăn côn trùng sâu bọ.
    Loại dơi lớn mới ăn trái cây, nhưng loại này phá phách những vùng trồng cây ăn trái ghê lắm, là loại có hại bà con mình lưu ý không nên nuôi.
    Có loại dơi nhỏ hút máu người và súc vật nữa, như ác quỷ Dracula, kinh lắm ! Cũng may là chúng chủ yếu sống ở vùng bản địa Trung Mỹ.

  2. Theo em được biết phân dơi ngoài giàu chất phospho ra còn có đủ các chất trung vi lượng.
    Sử dụng phân dơi để cải tạo đất bạc màu và trồng cây lấy củ thì trên cả tuyệt vời.

  3. Cho em hỏi khi bị dơi bình thường cắn thì có bị sao không? Và phải làm như thế nào? Mong các bác trả lời giúp em ạ. Cảm ơn các bác nhiều.

    • Không sao cả bạn à..
      Bị dơi bình thường cắn thì … bình thường ! nên bạn không cần phải làm gì cả.
      Chỉ sợ bị dơi không bình thường cắn thôi bạn ơi.

  4. Cho em hỏi cái. Khi mới xây chuồng nuôi mình cần có dơi mồi để dẫn dụ những con dơi khác về ở, vậy có bác nào biết cách luyện dơi mồi như thế nào không. Xin cảm ơn

  5. Tôi xin hỏi muốn mua lá thốt nốt để nuôi dơi nên mua ở đâu và bao nhiêu một lá. Xin cám ơn!

  6. Mình ở Gia Lai có nuôi dơi được không ạ. Buổi tối mình thấy dơi bay cũng nhiều.
    Nếu làm chuồng mình phải làm bằng lá cọ gì ạ… Xin được tư vấn…
    Xin cảm ơn rất nhiều…

    • Dơi thường ngủ trong hang đá, dưới tán cây rậm rạp, tránh xa tiếng ồn…
      Làm hang cho dơi ở phải kín đáo, yên tĩnh, ít ánh sáng, không được ẩm ướt…
      Vì dơi là động vật ăn đêm, ban ngày ngủ.
      Có thể sử dụng vật liệu bất kỳ để làm hang dơi. Chúc bạn thành công !

Gửi phản hồi mới

(?)