Phát triển nóng, sản xuất không sạch, bế tắc đầu ra cùng với các rào cản thương mại mà đối tác đặt ra đang khiến ngành hồ tiêu đối mặt với một năm đầy rủi ro, có nguy cơ mất mùa, mất luôn cả vị trí thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới.
Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 1/2018 đến nay, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Hiện giá hạt tiêu trung bình từ 61.000 – 64.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu tháng và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017.
Giá hạt tiêu giảm mạnh trong hai năm vừa qua do diện tích trồng tăng mạnh. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha hạt tiêu; năm 2014 tăng lên 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152.668 ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016, vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Giá lao dốc, nhiều rào cản
Về xuất khẩu (XK), theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2018, lượng hạt tiêu XK đạt 6.654 tấn, trị giá 28,16 triệu USD, tăng 71% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá XK hạt tiêu trung bình trong kỳ ở mức 4.232 USD/tấn, giảm 41,3% so với mức giá XK trung bình cùng kỳ năm 2017.
Theo ước tính, tháng 1/2018, lượng hạt tiêu XK đạt 12 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, tăng 43,5% về lượng, nhưng giảm 17,5% về trị giá so với tháng 1/2017. Giá XK hạt tiêu trung bình tháng 1/2018 ở mức 4.250 USD/tấn, giảm 42,5% so với mức giá XK trung bình tháng 1/2017.
Trước đó, năm 2017, lượng hạt tiêu XK đạt 214.855 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 20,9% về lượng nhưng giảm 21,8% về trị giá so với năm 2016. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường XK hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 với lượng đạt 38.861 tấn, trị giá 221,2 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với năm 2016.
Liên minh châu Âu (EU), thị trường XK hạt tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, trong năm 2017 nhập từ Việt Nam 25.739 tấn, trị giá 156,5 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 39,9% về trị giá so với năm 2016.
Lượng hạt tiêu XK sang Ấn Độ năm 2017 đạt 16.262 tấn, trị giá 78,8 triệu USD, tăng 46,3% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với năm 2016.
Bộ Công Thương dự báo, năm 2018, XK hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cung đang vượt cầu. Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác đã làm sản lượng toàn cầu tăng mạnh. Sản lượng tiêu thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn.
Năng suất hạt tiêu năm 2018 cũng giảm mạnh do mưa kéo dài trong năm 2017, dẫn đến việc không thể tiến hành cắt nước, kích hoa cho hồ tiêu và khiến nhiều vườn tiêu dễ bị sâu bệnh. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản lượng hồ tiêu chỉ đạt 60-70%.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2018, năng suất hạt tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng.
Bên cạnh đó, XK hạt tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRLs một số hoạt chất gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… đối với hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Tương tự, cuối năm 2016, Uỷ ban châu Âu (EC) đã dự kiến nâng mức MRLs Metalaxyl đối với hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm. Tuy nhiên, trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, EC đã giữ nguyên mức MRLs Metalaxyl ở mức 0,1ppm đến hết năm 2018. Do đó, nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Vừa qua, để bảo hộ sản xuất của nông dân trồng tiêu trong nước, Ấn Độ đã áp dụng thuế tối thiểu cho tiêu nhập khẩu. Trước đây, một tấn tiêu XK của Việt Nam sang Ấn Độ có giá 5.000 USD, giờ tăng lên 8.000 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam
Làm gì để quyết định giá?
Như vậy, năm 2018 là một năm ngành hồ tiêu Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt nên để cạnh tranh thành công thì phải có lợi thế. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, ngành này vẫn còn nhiều bất cập do phát triển quá nóng.
Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước chỉ khoảng 50 nghìn ha nhưng đến năm 2017, diện tích thực tế hồ tiêu cả nước ước đã lên 120-130 nghìn ha.
Về giá hồ tiêu, nhiều nước hiện nay đang nhập khẩu hồ tiêu từ các nước Nam Mỹ vì giá rẻ hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu của Brazil rất rẻ, do vậy nhiều khách hàng đang tập trung mua hồ tiêu Brazil. Như thế cũng có nghĩa rằng hồ tiêu Việt Nam đang gặp khó trước các thị trường Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật lại không đảm bảo, người nông dân trồng bất cứ chỗ nào mà không cần biết vùng thổ nhưỡng đó có thích hợp không. Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc trừ sâu hoá chất rất phổ biến. Dù được đánh giá là ngành XK tỷ đô nhưng chưa có giống đạt tiêu chuẩn, thiếu chú trọng công tác chế biến và xây dựng thương hiệu.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT cho rằng việc đầu tiên phải làm là tái cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất sạch, hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, hoá chất, việc này là cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu trong thời gian tới.
Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ NN&PTN yêu cầu các đơn vị chỉ đạo của Bộ phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của DN, thị trường.
Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh làm sao hiệp hội và các địa phương phải nắm “đằng cán” được thị trường, chủ động ra được giá về ngành hồ tiêu trên thị trường quốc tế.
“Chúng ta đang ở vị thế là thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa thể hiện được vị thế này. Vì thế, từ năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu”, ông Doanh khẳng định.
Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Trên thực tế, đã có nhiều DN đưa sản phẩm cuối cùng của hồ tiêu vào các siêu thị và nhà hàng nhưng sức tiêu thụ nội địa khó tăng mạnh do ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong nước chưa phát triển. Bởi vậy, chỉ có một con đường là cần phát triển theo hướng sản xuất bền vững. Ở đây, nông dân trồng hồ tiêu cần sự kết hợp và hỗ trợ không thể thiếu của các DN xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Ngành hồ tiêu đang phát triển quá nhanh, dẫn đến tái cơ cấu còn hạn chế. Nếu không sớm hành động, nguy cơ tụt hậu là rất rõ, ngành hồ tiêu nhất trí không tăng mà phải giảm diện tích, vì sản xuất để hiệu quả chứ không phải chạy đua năng suất. Đề nghị các địa phương cùng với các cơ quan khuyến nông phải kiên quyết tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không nên trồng nếu thấy không hợp, tiêu đã chết thì không trồng lại, nhường diện tích cho các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Các vị quan chức, ai muốn làm thủ lĩnh thì xin mời…! Bà con chỉ cầu mong khỏe mạnh để làm người nông dân cày sâu cuốc bẩm kiếm ăn hàng ngày, đủ để nuôi vợ con là mừng rồi.
Nghe thì cũng nói hay đó nhưng thực hiện có đến nơi đến chốn không hay chỉ đánh trông bỏ dùi. Quản lý phân thuốc việc này đáng lý không phải nói, mà phải làm thường xuyên dân mới được nhờ. Nhà nước cũng nên quản lý chặt chẽ hơn phân hóa học và sinh học, nếu không nông dân mà dùng phân vi sinh dỏm thì cũng khổ cho dân. Thiệt thòi luôn về người nông dân, nói chung có thể nói là dân Việt vẫn là nước nông nghiệp trồng được nhiều cây có thế mạnh nhưng vẩn bán hàng thô. Việc này hỏi thử do nông dân hay doanh nghiệp, chả lẽ nông dân sản xuất ra không bán hàng thô thì Việt Nam đã trở thành nước công nghiệp rồi.
Muốn các mặt hàng nông sản như tiêu, cà phê, điều, trà… xuất khẩu mạnh, chi phối được giá cả thị trường thì phải có chuẩn chung. Trong khi nông dân ta sản xuất theo cá thể, nhỏ lẽ, mạnh ai nấy làm, chẳng ai thèm nghe ai…
Việt Nam ta có “đặc thù riêng” không cần phải theo chuẩn chung của thế giới. Mình thích thì mình làm thôi. Không riêng gì lĩnh vực nông nghiệp đâu.
Sâo lại không có chuẩn chung của hạt tiêu Việt Nam. Có lẽ do mọi người chưa quan tâm.
Tài liệu đây nè : http://www.giatieu.com/?p=8969&preview=true
Theo đà này tiêu sē xuống giá nữa rồi..!
Chỉ khi nào người nông dân nước ta ý thức được nếu mình cho ra hàng hóa nông sản có dư lượng phân bón thuốc sâu hóa học quá mức cho phép, thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Khi đó giá cả nông sản Việt Nam được nhiều thị trường thế giới chấp nhận hơn, ưa chuộng hơn và nông dân sẽ yên tâm chăm lo sản xuất, không có cảnh trả hàng về hay bị ép giá như hiện nay.
Vấn đề là người Việt Nam làm xuất khẩu hàng hóa thường hay lừa đảo. Tiêu thì trộn tiêu lép, tiêu cám…tùm lum. Việt Nam không có uy tín trên thị trường thế giới. Việc này là do nhà nước quản lý lỏng lẻo và không có nhiều luật quy định. Do vậy người dân Việt Nam làm gì củng bị ép giá. Uy tín của Việt Nam trên thương trường về nông sản còn tệ hơn Campuchia nữa…
Trời ạ ! Ra thương trường mà bạn lừa được người ta thì hay quá.
Có chiêu nào hay bày mình với. Chỉ sợ chưa lừa được họ thì đã thua trước rồi !
Thương trường phải lấy chữ tín làm đầu. Một lần bất tín thì vạn lần cũng sẽ không ai tin…
Tôi thường không thích bàn luận với những ý kiến rất chủ quan như của @ Long Hoàng. Vì thực tế những ý kiến có nội dung tương tự phần lớn do bà con nông dân nói ra mà bà con thì không hiểu hết những điều khoản ràng buộc khi ký kết hợp đồng xuất khẩu. Còn các bạn trẻ, hay được gọi là nông dân @ vì các bạn biết cách lên net tìm kiếm thông tin, nhất là để nâng cao hiểu biết. Tôi chỉ xin nêu một số ý thấy cần trao đổi.
-Khi ký hợp đồng XK, có các điều khoản ghi rõ chi tiết: tiêu loại gì (đen, trắng), dung trọng (vd: 480, 500, 520 hay 550 gr/l…), tạp chất ( % được phép và không được phép), độ ẩm ( % thủy phần)… Nói chung, tiêu VN thường dựa trên TCVN qui định cụ thể, chi tiết theo văn bản này: http://www.giatieu.com/?p=8969&preview=true
Không biết đọc xong văn bản TCVN, bạn có thích trộn tùm lum nữa không.
-Khi hàng nhập vào cảng bên mua, cty mua sẽ báo cáo Hải Quan của họ, HQ sẽ kiểm tra tất cả thủ tục loại hàng được phép, áp mức thuế, căn cứ trên hợp đồng mua bán. Kiểm tra để tránh hàng lậu, hàng cấm trộn lẫn để nhập chui hoặc hàng không đúng chuẩn theo điều khoản hợp đồng hai bên đã ký, HQ sẽ ách lại không cho phép thông quan (ở đây ta chưa bàn về VSATTP nhé!). Hoặc bên mua từ chối nhận vì hàng không đúng chuẩn theo hợp đồng và giấy phép đăng ký nhập khẩu, hàng sẽ được chuyển lên tàu trả về nơi xuất xứ…
-Bạn có thể khôn khi độn thêm tùm lum, nhưng tôi e bên mua khôn hơn bạn. Bởi vì đã có trường hợp hàng có lỗi nhẹ do bên bán cố ý, có thể châm chước cho qua. Nhưng bên mua vẫn vin vào đó làm cớ từ chối nhận hàng, bên bán buộc phải giảm giá để bán. Nếu không giảm thì vui lòng nhận hàng về và phải chịu thêm phí tổn vận chuyển hàng về nữa…
Bận việc quá, tôi chỉ trao đổi vài ý đã nhé !
Bác Long Hoàng nói cũng có lý. Sau cùng mọi việc mọi trách nhiệm đổ lên đầu nông dân là xong.
Không phải ai cũng thông hiểu mọi sự. Đáng buồn là không biết thì hỏi để những người hiểu biết chia sẻ, giúp đỡ. Nhiều bạn cứ nói theo cảm tính mà không biết rằng mình chẳng biết điều gì…
Khó mà thoát nghèo !
Theo tôi, có hai vấn đề chính mà chúng ta cần làm lúc này. Thứ nhất là doanh nghiệp và nông dân phải đoàn kết nhau lại, cùng ngồi lại nói chuyện và tìm ra giải pháp cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Thứ hai là chúng ta phải nâng cao chất lượng hạt tiêu Việt Nam để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Muốn làm được việc thứ hai theo tôi nghĩ chúng ta cần : cho người dân biết thị trường đang cần loại tiêu gì, cách làm như thế nào để tạo ra loại tiêu đó, quản lý được chất lượng phân bón. Người dân rất là khổ, chúng ta cần giúp nông dân tiếp cận, thị trường, khoa học công nghệ là thấp. Các ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình.
Cái gì có giá thì sản lượng sẽ tăng dẫn tới dư thừa và mất giá đó là quy luật.
Mình không tăng diện tích nhưng liệu các nước khác họ tăng diện tích thì sản lượng cũng sẽ tăng lên vậy thôi
Brazil vẫn đang tiếp tục trồng mới. Đất của họ rất rẻ, 1 ha chỉ 500 USD nên họ trồng thưa và thấp để cơ giới hoá việc chăm sóc và dễ thu hoạch (trụ chỉ cao 2 mét nên chỉ cần đứng lên cái ghế đẩu là hái được rồi).
Giữa hai hàng trụ xe máy cày có thể chạy được nên công chăm sóc rất dễ.
Nông nghiệp của họ là nông trường lớn, không có hình thức tiểu chủ, chỉ có chủ trang trại và công nhân nông nghiệp. Lương công nhân 450 USD nhưng một người chăm sóc 3 ha, kiêm luôn việc thu hoạch.
Họ cho ra bông quanh năm, một người có thể thu hoạch kịp chứ không tập trung như mình.
Họ lợi dụng tối đa việc đất rẻ để bù đắp cho công lao động mắc, cuối cùng thì chi phí trên đầu kg của họ chỉ khoảng 2 USD, giá này họ còn lời khá tốt.
Bài báo chỉ để chê bai chứ chẳng giúp ích gì cho ngành Hồ Tiêu Việt Nam…
Đó cũng là hệ quả tất yếu của lề lối làm ăn sản xuất cá thể mà nông dân nào cũng thấy.
Vấn đề quan trọng là định chuẩn, tuân thủ chuẩn để tạo ra hàng hóa chất lượng đồng đều hầu như người nông dân nước ta vẫn còn xa lạ, hoặc có biết cũng chẳng ai tuân theo mà vẫn tích làm theo mình muốn… thì lấy đâu ra !
Giá đất @Dan Viet nói ở Brazil so với Việt Nam thì trời vực, giá này ở Việt Nam cách đây gần 20 năm rồi. Việt Nam có tiểu chủ điền là vì đất nước dân chủ không thích làm thuê cuốc mướn muốn làm chủ mảnh đất của mình là niềm hạnh phúc của nông dân Việt. Làm nông dân ở Việt Nam mà không có đất đi làm công ăn lương chắc nghèo cả đời đó bạn…
Chia sẻ để mọi người cùng hiểu rõ mặt mạnh/yếu của đối thủ cạnh tranh để cùng nghĩ giải pháp cho mình.
Họ có thế mạnh nhờ quy mô sản xuất lớn, chuyên nghiệp nhưng không “lỳ đòn” nếu giá bán giảm về đến giá thành sản xuất, chắc chắn họ sẽ chặt nhưng dân mình có thể vẫn giữ nếu có công nhà chăm sóc để chờ “qua cơn hoạn nạn tới hồi thái lai”.
Nhà nông không quyết tâm chuyển hướng sang sản xuất tiêu sạch thì tự mình làm khó mình.
Biết kêu ai đây ?!
Theo báo cáo của ngành NN&PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 2/2018 ước đạt 15 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD…
Như vậy giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 2 chỉ hơn 3.700 USD/tấn, khá thấp nhỉ !
Giá rẻ nhưng lại xuất nhiều. Mình nghe nói giá nào cũng bán vi hàng tồn trong dân khá nhiều trong khi sức ép của vụ thu mới đè nặng thêm…
Trong tháng 3 năm ngoái, Việt Nam xuất 29.064 tấn tiêu. Ước tính năm nay, lượng hợp đồng ký giao tháng 3 khoảng ngoài 30.000 tấn. Từ tết đến giờ các Cty XNK im hơi lặng tiếng để chờ giá giảm về 60k nên lượng giao dịch khá ít.
Thông thường sau ngày 10 tây thì XNK sẽ không thể chờ thêm được nữa nên buộc phải mua hàng vì vậy mà giá tăng từ giữa cuối tháng trở đi, có khả năng bật lại cỡ 20%.
Năm nay, có lẽ tình huống cũng sẽ lặp lại tương tự.
Mất phòng tuyến 60k là thất thủ đấy và chúng ta sẽ chết chùm.
Dan Viet kêu gọi toàn dân kháng chiến, chỉ dân chúng ta bảo nhau thôi, chả cần thủ lĩnh gì chi cho mệt.
Tôi cũng sẽ không bao giờ bán nếu giá xuống dưới mức 60k
Anh @ Dan Viet nói đúng, nếu bà con nông dân không bán giá tiêu dưới 60 ngàn thì lấy gì để nhà XK bán với giá 3500-3700 Usd/tấn như hiện nay !
Ai có vốn dùng vốn, ai vay được thì vay, hãy chịu khó bỏ công nhà ra hái để bớt áp lực trả công.
Các chị bạn hàng, các anh em đại lý và nhà XNK không ai đứng ngoài cuộc cách mạng chống lại việc rớt giá này thì chúng ta sẽ thành công.
Nếu kháng chiến cũng không chắc 100% là chúng ta sẽ thắng, nhưng nếu không kháng cự, chắc chắn 100% là chúng ta sẽ thua. Các bác chọn đi: “hòa” hay “đánh”.
Bác nào chọn đánh hãy comment vào đây để khích lệ tinh thần.
Tôi cũng chưa bán hạt nào. Hy vọng giá sẽ tăng
Hy vọng là như vậy, thắng cùng thắng chết cùng chết. Bà con ta cùng đồng lòng là được 1 tạ tiêu có 6.000.000 không làm được cái gì các bạn ơi. Mà làm 1 tạ tiêu đâu phải là chuyện đơn giản, thân chào.
Cập nhật tin tức đến 14.00 giờ ngày 8/3.
Tin tức từ các nơi báo về cho thấy đà rơi đã chững lại. Ở các tỉnh đều xuất hiện lực mua, dấu hiệu để hy vọng gió sẽ đảo chiều sớm.
Đa số bà con hiện đang hoang mang không biết giá tiêu năm nay sẽ trôi về hướng nào. Ở chỗ tôi nhiều bà con phân vân không xác định được nên bán hay để trữ lại. Tất nhiên chỉ những nông hộ có kinh tế mạnh mới bận tâm điều này. Còn các nông hộ có diện tích nhỏ thì bán ngay không cần suy nghĩ vì bà con thường cho rằng trời cho ăn đến đâu thì biết đến đấy…
Biết sao được, sông có khúc người có lúc. Không chỉ ở nước ta mà ở nước ngoài cũng tăng diện tích tiêu … chóng mặt !
Thời nông dân trồng tiêu thành tỷ phú đã qua rồi, nay còn đâu ?!
@Thắng Lợi, Cáp Tuấn:
Hai bâc “hàng” hay “chiến”?
Dan Viet vừa tham gia “chiến” 10 tấn với bà con bằng tiền để dành của mình.
Hy vọng bà con không phụ lòng tin của Dan Viet.
Thời điểm nhạy cảm. Tây nguyên thu hoạch rộ. Thị trường sẽ xuất hiện nhiều suy đoán, đồn đại bất lợi cho người trồng tiêu. Bà con không vững vàng thì thua là phải !
Khi thị trường không ai mua hàng nữa mới đáng lo. Còn mình bán vẫn có người mua thì … bình thường !
Hoan hô bạn @ Dan Viet, với cách này chúng ta mới vực lại giá tiêu.
Trong kho của mình gần bằng số lượng của bạn.
Tiêu đắt thì đâu phải riêng Việt Nam trồng nhiều, mà cả thế giới người ta cũng đua nhau trồng. Vậy khi tiêu rẻ thì tất cả đua nhau chặt. Cho nên nó trở thành một phong trào. Vấn đề ở đây là làm sao để giá tiêu có rẻ thì nông dân vẫn giữ được vườn mà không lo chuyện đói.
Muốn làm được như vậy thì chỉ có chính sách quản lý của nhà nước như tạo ra một quỹ dự phòng. Khi tiêu xuống quá thấp thì trợ giá. Còn tiêu lên cao thì trích lợi nhuận bỏ vào ngân hàng để bù giá… Làm được như vậy nông dân mới có được sự ổn định.
Dan Viet tin là chúng ta sẽ lấy lại được phòng tuyến của mình trong tháng 4 này.
Những ý kiến của Dan Viet cũng cùng suy nghĩ với mình. Muốn được nói chuyện với Dan Viet thì liên lạc như thế nào ạ