Nhập khẩu điều gây ra tác hại kép
Việt Nam nằm trong tốp đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Các nước thuộc khu vực châu Âu và Mỹ là 2 thị trường chủ lực nhập khẩu sản phẩm điều của Việt Nam.
Suốt thời gian dài trước đây toàn bộ điều xuất khẩu được khai thác trong nước, chủ yếu sản xuất tại các tỉnh phía Nam. Hiện thời ngoài việc nâng cao sản lượng điều trong nước, nhiều doanh nghiệp còn nhập khẩu hạt điều nguyên liệu dùng để chế biến xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm là cách làm năng động, phù hợp cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong kinh doanh thương mại không loại trừ những rủi ro do những biến động bất thường xảy ra trên thương trường. Nhập khẩu điều để chế biến xuất khẩu hiện đang “lâm” vào tình trạng đó.
Mấy năm gần đây, các nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, nhu cầu tiêu thụ điều trên thị trường thế giới giảm mạnh. Trong khi đó, chỉ vì dự báo sai, số lượng điều nhập khẩu của Việt Nam không những không giảm mà còn tăng. Cầu giảm mạnh nhưng nguồn nguyên liệu dự trữ lại tăng cao, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn vốn bị “đóng băng” trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng điều.
Niên vụ điều 2011, Việt Nam nhập khẩu 430.000 tấn hạt điều (chủ yếu có nguồn gốc từ châu Phi). Cho đến nay, phần lớn trong số đó vẫn “yên nghỉ” trong kho, trong khi thời hạn cất trữ sắp đi qua. Với hạt điều nguyên liệu, sau khi quá hạn tồn kho, không những “mất mùa” về khối lượng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Điều tồn kho khối lượng lớn, theo đó gây ra tác hại kép (đọng vốn, giảm chất lượng, giảm giá…). Tại thời điểm nhập khẩu, các doanh nghiệp mua điều với giá bình quân 35.000 đồng/kg. Hiện nay, sau thời gian dài ứ đọng trong kho, giá điều bán ra trên thị trường nội địa chỉ ở mức trên, dưới 10.000 đồng/kg. Mua 3 bán 1, chưa khi nào ngành điều bị lỗ nặng đến mức như thế. Giảm giá ở mức khủng nhưng tiêu thụ đâu phải dễ, giải quyết đầu ra vẫn đang là gánh nặng của ngành điều. Hàng trăm ngàn tấn điều đang bị tồn kho, mất giá hơn 70% so với giá nhập khẩu, khoản tiền bị thua lỗ không nhỏ chút nào.
Bao giờ khoản vốn nhập khẩu điều đang bị “đóng băng” được thu hồi, vấn đề này đang là ẩn số chưa có lời giải. Nhập khẩu do “quân ta” quyết định, trong khi xuất khẩu sản phẩm điều lại phụ thuộc thị trường thế giới.
Bá Tân