“Nổ” như quảng cáo phân bón lá, cái gì cũng “siêu to, siêu nở”
Có rất nhiều loại phân bón lá khi nhìn vào nhãn mác, bao bì với những hình ảnh bắt mắt, những dòng quảng cáo, giới thiệu rất có cánh… xem qua cứ như những loại “siêu phân bón”, một “thần dược” giải quyết mọi vấn đề cho cây trồng. Thế nhưng thực tế chưa hẳn vậy.
Phân bón lá là một trong những giải pháp kỹ thuật về dinh dưỡng cây trồng được nông dân sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây. Những lợi ích vượt trội mà loại phân bón này đem lại như: gọn nhẹ, dễ sử dụng, có thể cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây trồng trong những trường hợp cây cần nhu cầu các chất dinh dưỡng cấp thiết như khi cây suy yếu do bị tổn thương bộ rễ, trong các trường hợp thời tiết bất lợi hoặc các giai đoạn cây cần nhu cầu chuyên biệt như khi phân hóa mầm hoa, nuôi quả, nuôi củ, phát triển mạnh cành, lá, ra rễ…
Chính vì nhu cầu thực tế này mà hiện nay trên thị trường phân bón lá xuất hiện nhan nhản các loại nhãn hiệu khác nhau. Qua khảo sát tại một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ cũng bày bán hàng chục loại với tên gọi “rất kêu”.
Sự cạnh tranh giữa các sản phẩm phân bón lá rất khốc liệt, ngoài cạnh tranh về chất lượng, giá, chính sách bán hàng… còn có cạnh tranh về quảng cáo. Đặc biệt, do nắm được tâm lý nông dân thường quyết định mua sản phẩm dựa nhiều vào những gì quảng cáo, giới thiệu trên bao bì sản phẩm, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón lá không ngại tung ra những lời quảng cáo theo kiểu “nổ banh” cho sản phẩm của mình.
Một trong những từ được dùng phổ biến là “siêu”, cái gì cũng siêu, từ siêu các thành phần dinh dưỡng như: siêu lân, siêu Kali, siêu đồng, siêu kẽm, siêu Bo… cho đến “siêu” công dụng: siêu ra rễ, siêu to củ, siêu to trái, siêu bung đọt, siêu tăng trưởng, siêu ra hoa, siêu tạo mầm…
Nhiều sản phẩm lại liệt kê các nhu cầu, mong muốn cụ thể của từng loại cây. Chẳng hạn như sản phẩm bán chuyên cho cây thanh long được ghi là: bảng tai to, dài và dày, trái to căng tròn, nặng ký, màu sắc bóng đẹp, giữ tai xanh lâu hơn. Hoặc các sản phẩm chuyên cho cây lúa như siêu nở bụi, siêu to hạt, chín chắc tới cậy, siêu cứng cây. Có loại phân bón lá còn quảng cáo là có công dụng hạ phèn, cải tạo đất…
Trao đổi với PV, chị Ngô Ngọc Diệp, chủ 1 đại lý phân bón ở Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, hiện có rất nhiều loại phân bón cạnh tranh, công ty nào quảng cáo nghe cũng hay, nhiều nông dân nhìn vào quảng cáo, nhãn mác để mua hàng, thực tế có nhiều quảng cáo nói hơi quá, trong một sản phẩm mà đủ chức năng.
Do đó, khi chọn lựa sản phẩm để bán chỉ ưu tiên những công ty uy tín, chất lượng đã được chứng minh, kiểm chứng. Đề phòng các sản phẩm quảng cáo tung hô lên trời, sau khi nông dân sử dụng không hiệu quả như mong muốn thì công ty cũng đã thu đủ tiền và biến mất.
Thực tế là quá trình để đăng ký lưu hành các sản phẩm phân bón lá phải trải qua công đoạn khảo nghiệm theo quy định. Tuy nhiên, các yêu cầu khảo nghiệm cũng chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá hiệu lực nông học, cách sử dụng, hiệu quả kinh tế…
Các chỉ tiêu chuyên biệt như khả năng ra rễ, bung đọt, kích ra hoa… hoặc các chỉ tiêu về cảm quan như bóng trái, căng trái, đẹp tai, màu sắc đẹp nếu muốn công bố thì phải thực hiện theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu này nhưng thực tế rất ít các đơn vị thực hiện để có bằng chứng khoa học và được xác nhận mà chỉ tự công bố theo lý thuyết.
Dạng quảng cáo phổ biến khác là trên các nhãn phân bón lá ghi nguyên liệu sản xuất nhập khẩu và công nghệ sản xuất toàn những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, châu Âu nhưng không biết người tiêu dùng kiểm chứng bằng cách nào? Có những loại phân bón ghi là sản xuất tại công ty ở Việt Nam nhưng lại in hình cờ Mỹ, Đức, Thái, Israel, Ấn Độ… hoặc như ghi vài dòng chữ nước ngoài hay biểu tượng một quốc gia nào đó khiến nông dân lầm tưởng đây là hàng nhập khẩu.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân bón Miền Nam, một chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón: “Cơ quan chức năng nên cấm các loại “siêu”. Nếu muốn ghi siêu thì bắt buộc phải khảo nghiệm để xác định có quy chuẩn. Phân bón lá không được ghi hạ phèn, vì không có loại nào hạ được phèn. Giải độc phèn, giải độc hữu cơ thì phân bón lá có thể làm được”.
Cũng theo TS Đính, các loại phân sản xuất trong nước mà ghi công nghệ nước ngoài thì phải có minh chứng, nếu không sẽ phạm tội lừa dối, lừa đảo. Các loại phân bao bì ghi Mỹ, Anh, Nhật, Đức,… mà không thực sự nhập khẩu thì phải bắt xử lý ngay, phạt nặng, và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.
Được biết, theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, khi đăng ký lưu hành phân bón, các đơn vị có sản phẩm đăng ký phải nộp kèm mẫu nhãn phân bón và hành vi đặt tên phân bón gây hiểu nhầm, sai lệch bản chất phân bón là hành vi bị nghiêm cấm.
Đọc thêm : >> Đăk Nông: Hãy thận trọng khi mua phân bón của những cơ sở này!
>> Nếu không xử lý triệt để vụ phân bón Thuận Phong sẽ là tiền lệ xấu cho doanh nghiệp
21 phản hồi cho bài "“Nổ” như quảng cáo phân bón lá, cái gì cũng “siêu to, siêu nở”"
Tôi bán phân thuốc cho bà con trong xã và các xã lân cận cũng có. Tôi thấy hết 98% bà con hỏi mua sản phẩm phải thuộc loại siêu. Có lần tôi hỏi bên phía nhà sản xuất, họ nói do bà con thích siêu thì mình phải chìu chứ sao giờ… Không thêm chữ siêu, không “nổ” thì bà con không nua…!
Công nghệ của Mỹ, Nhật, Úc, Thái cũng chưa quan trọng…
NSX đã bỏ nguyên liệu gì vào để cho ra sản phẩm mới là quan trọng !
Không thể có việc sử dụng nguyên liệu dỏm, chất lượng thấp kém mà cho ra sản phẩm tốt được.
Thường khi đi mua phân thuốc tôi chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thông tin rõ ràng, không cần quan tâm công nghệ của nước nào…
Bàn chuyện phân thuốc cho vui chứ không ăn thua…
Sẽ cứ lấp lửng như bài báo mà không giải quyết được chuyện gì !
Nhìn vào vụ cty Thuận Phong mấy năm nay thì rõ ngay…
@Hoang Luong nói rất đúng. Tôi bán phân thuốc, mới đầu nghe “nổ” tôi rất khó chịu.
Nhưng bây giờ tôi cũng tham gia “nổ”, nếu không thì tôi sẽ không bán được hàng…
Bởi vì tâm lý nông dân thường luôn muốn các sản phẩm phân thuốc của mình sử dụng phải là loại siêu hơn hết tất cả !
Chú ơi, năm nay cháu muốn dùng xạ khuẩn streptomyces để rửa cây sau thu hoạch được không chú? Tại cháu thấy giới thiệu sản phẩm Forge SP trừ được nhiều loại sâu bệnh và hỗ trợ cây hồi phục.
Dường như mới chỉ mình bạn thấy được Forge SP là sản phẩm “3 in 1”: Vừa diệt nấm bệnh, vừa trị tuyến trùng, lại vừa cung cấp dinh dưỡng (phân bón hữu cơ) để hồi phục cây…
Ai thích nổ thì cứ nổ, chẳng sao cả !
Với tôi, bất kỳ phân thuốc gì cũng dùng thử trên diện tích nhỏ để xem xét hiệu quả thực tế trước đã.
Nhưng không nổ thì bà con nông dân ở chỗ tôi cho đó là hàng loại xoàng…
“…hành vi đặt tên phân bón gây hiểu nhầm, sai lệch bản chất phân bón là hành vi bị nghiêm cấm”.
Đọc câu kết này của bài báo mà không nhịn được cười.
Khi NSX đăng ký và được chấp nhận thì sản phẩm mới được phép lưu hành.
Vậy thì còn ai nghiêm cấm, nghiêm cấm ai, nghiêm cấm cái gì nữa đây ?!
Để hạn chế các rủi ro khi mua các sản phẩm “nổ” như: phân bón lá, các sản phẩm phân thuốc khác phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con có thể yêu cầu nhà sản xuất/phân phối cung cấp bằng chứng khảo nghiệm để khẳng định cho các công dụng của sản phẩm. Đây cũng là một trong những cách giảm rủi ro cho bà con.
@Nguyen Xuan Duy
Tưởng nông dân mình thích làm QLTT hả…
Hỏi ai ? Ai đưa bằng chứng khảo nghiệm cho mà xem khi cơ quan chức năng đã cấp phép lưu hành !
Cho em xin hỏi cộng đồng ai đã sử dụng sản phẩm xạ khuẩn Forge SP rồi, cho em xin ý kiến đánh giá ạ.
Em tính sử dụng nên muốn tham khảo thêm ý kiến của cộng đồng ạ.
@Bang Dona
Forge SP là sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, được giatieu.com lựa chọn để giới thiệu với bà con sử dụng nhằm bảo vệ cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học, giảm thiểu tác hại không mong muốn của hóa học.
Bạn tham khảo qua các phản hồi của cộng đồng hoặc có thể sử dụng với quy mô nhỏ để tự chính mình thử nghiệm đánh giá hiệu quả thực tế.
Chúc bạn thành công !
Cứ “nổ” cho lắm vào tới lúc nông sản VN không ai dám mua vì họ sợ dư lượng phân thuốc, nhất là các chất kích thích… Chỉ có nước rủ nhau … ngồi khóc !
Chuyện này cũng khá phức tạp lắm bạn @Loan ạ…
Trên các diễn đàn cứ tranh cãi nhau suốt, nhất là trên phây !
Mình thiết nghĩ do cơ quan chức năng của nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm…
Nếu là mình, mình sẽ bắt buộc thông tin về sản phẩm phải minh bạch, khảo nghiệm rõ ràng, khuyến cáo cụ thể, được hay không được… Chứ không có chuyện ỡm ờ theo kiểu ai nói sao cũng được !
@Senca: Người tiêu dùng thông thái thì nên biết cách tự bảo vệ mình tránh rủi ro cho mình. Tôi chỉ gợi ý một trong những cách có thể giúp bà con loại trừ bớt các rủi ro mua trúng hàng “nổ” thôi mà chứ không có ý nói nông dân mình thích làm QLTT gì đâu. Bất luận là nổ thế nào nhưng không cung cấp được bằng chứng đáng tin cậy thì chưa thể tin được, mặc dù đã được cấp phép. Chỉ có người trong cuộc mới biết được giá trị thực của cái gọi là cấp phép đó. Không ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình phải tự bảo vệ mình thôi.
Đòi hỏi của @Nguyen Xuan Duy không sai, nhưng để trở thành người tiêu dùng thông thái thì họ sẽ không còn là nông dân và báo chí cũng chẳng có chuyện để viết…
Không có đại lý bán hàng nào sẵn sàng đưa chứng từ hồ sơ hàng hóa cho nông dân xem khi có yêu cầu, vì họ không phải là QLTT. Ý tôi nói là ở điểm này !
Xin giatieu.com cho cháu hỏi một số hiện tượng bệnh trên cây sầu riêng được không?
Cháu cám ơn ạ !
Các bạn có thể gửi yêu cầu cần tư vấn kèm theo hình ảnh rõ ràng, cụ thể về cho diễn đàn.
Hoặc có thể gửi về email của bác Nguyễn Vịnh nếu muốn tư vấn riêng tư.
Lưu ý, không gửi yêu cầu đã đăng ở các diễn đàn khác theo nguyên tắc gửi phản hồi !