Nuôi chim trĩ ở Ðắk R’lấp
Việc nuôi chim trĩ không khó, chỉ cần chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Bên trong chuồng trải cát mịn để chim tắm cát và làm ổ đẻ, lắp đặt giàn cây khô để chim bay nhảy vận động,…
Ðầu năm 2011, sau khi tham quan một số mô hình nuôi chim trĩ ở tỉnh An Giang, chị Ðỗ Dư Ngọc, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Ðắk R’lấp) đã mạnh dạn mua 14 con giống về nuôi thử nghiệm.
Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ đăng ký tại cơ quan chức năng, chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại với các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lưới sắt. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chị cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc, điều tiết thành phần dinh dưỡng thức ăn hàng ngày cho chim. Vậy là chị tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều nguồn tài liệu để học hỏi thêm cách làm chuồng theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật chăm sóc chim.
Nhờ vậy, việc nuôi chim trĩ của gia đình chị đã dần đi vào ổn định, từ 14 con giống ban đầu, hiện tại đã tăng lên hơn 50 con, với trọng lượng khoảng 1,3 kg/con, chia làm hai loại sinh sản và nuôi thịt. Bình quân mỗi ngày, đàn chim trĩ mẹ đẻ khoảng 15 trứng. Do đó, chị đã trang bị lò ấp trứng để bán chim non, với giá khoảng 200.000 đồng/ con giống 1 tháng tuổi. Từ việc bán trứng, con giống và chim thịt, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị cũng có thu nhập trên chục triệu đồng.
Theo chị Ngọc thì việc nuôi chim trĩ không khó, chỉ cần chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Bên trong chuồng trải cát mịn để chim tắm cát và làm ổ đẻ, lắp đặt giàn cây khô để chim bay nhảy vận động, nhất là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thay nước sạch.
Chim trĩ có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, ăn các loại ngũ cốc. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi, không nên nhốt hai con trống cùng chuồng, tránh tình trạng chúng mổ lẫn nhau. Khi thời tiết chuyển mùa cần trộn thuốc kháng sinh trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho chim để đề phòng bênh tật. Khi chim đẻ cần bổ sung cám đậm đặc để vỏ trứng dày, hạn chế bị dập vỡ. Muốn có con giống tốt thì phải lựa chọn những trứng không bị thiếu trống, đảm bảo khi ấp có tỷ lệ nở cao.
6 phản hồi cho bài "Nuôi chim trĩ ở Ðắk R’lấp"
Chào bà con, chào các bạn !
Đây là cô em gái mình, ở nhà mình thường gọi là Nhàn. Cô ấy muốn được chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cùng bà con, bà con có thắc mắc gì xin liên hệ đt 0979286544. Thân.
Con chim trĩ này có triển vọng phát triển, mọi người nên tìm hiểu.
Giá bán thịt bao nhiêu một kg vậy chị? Nếu em mua giống về nuôi thì bán ở đâu được vậy chị vì em ra ngoài chợ chẳng thấy ai bán loại này cả. Nếu bao tiêu được sản phẩm thì tốt quá nhỉ.
Bữa nay phong trào nuôi động vật hoang dã mạnh quá nên sợ nuôi rồi không biết bán cho ai, vd: như con nhím chẳng hạn. Em ở Cư Jut muốn nuôi thử mà chưa biết đầu ra thế nào nên còn băn khoăn quá.
Chào bạn !
Cần gì bạn cứ gọi ĐT , chứ cô ấy có xài vi tính đâu mà …!
Chắc chắn là triển vọng với những người đi đầu. Ai nuôi cũng thu nhập chính từ tiền bán giống thì phải cân nhắc kĩ. Nông dân VN mình thích chạy theo thời đại, ít kiên nhẫn …
@kinhvu; theo em được biết giá ở ngoài bắc như thế này, con giống nở được gần 1 tháng là từ 60-100k, ở đây chị Nhàn bán mắc hơn ngoài bắc. Giống bố mẹ (1 trống 3 mái) là 2 triệu, giá thương phẩm là 250k, có thể trong nam mình mắc hơn ngoài bắc.
Đầu ra thì anh cứ đến nhà hàng quán nhậu mà chào hàng, dân mình ai dám xài loại này mắc mà! Chúc anh thành công, có điều kiện nên nuôi chồn nhung đen nữa anh à?