Phản đối quy định mới về dư lượng Metalaxyl trên hạt tiêu

, Khuyến cáo, Thị trường hạt tiêu, 20

Ủy ban Châu Âu (EC) liên tục kiến nghị áp dụng quy định mới về dư lượng tối đa cho phép của hoạt chất Metalaxyl trên cây hồ tiêu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thư phản đối lần thứ hai lên Uỷ ban Châu Âu (EC) về vấn đề dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoạt chất Metalaxyl – một chất diệt nấm bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng trong đó có cây hồ tiêu.

Ngày 12/12/2016 vừa qua, EC lần thứ hai kiến nghị WTO cho áp dụng mức quy định mới MRLs với Metalaxyl là 0,05ppm. Trước tình hình đó, ngày 8/2/2017, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp gửi thư kiến nghị lần hai lên EC, đề nghị không áp dụng mức quy định này.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, dư lượng tối đa đối với Metalaxyl cho phép tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào Châu Âu từ nhiều năm nay vẫn là 0,1ppm, căn cứ trên các kết quả nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA). Ngày 2/4/2015, EFSA vẫn tiếp tục công bố là mức MRLs 0,1 ppm của Metalaxyl không có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đề xuất mới lại tăng mức MRLs của Metalaxyl từ 0,1 ppm lên 0,05ppm đối với hạt tiêu là mặt hàng gia vị, sử dụng như một thực phẩm thêm, với lượng dùng rất ít trong các bữa ăn. Trong khi mức MRLs của Metalaxyl áp dụng trên các loại nông sản khác như quả táo hay quả lê lại vẫn giữ là 1ppm; với quả nho lại còn tới 2 ppm.

Như vậy, việc đề xuất áp dụng quy định mới nâng MRLs lên 0,05 ppm của Metalaxyl trên hạt tiêu không phải là để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, do đó là hoàn toàn phi lý, SPS Việt Nam lập luận.

Theo VPA, vấn đề dư lượng Metalaxyl đã được EC đề cập lần đầu vào tháng 4/2016. Lúc đó EC đệ trình lên WTO, trong đó có Việt Nam là thành viên, đề nghị WTO thay đổi mức MRLs cho phép đối với Metalaxyl tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào Châu Âu lên 0,01 ppm.

Tháng 9/2016, Văn phòng SPS Việt Nam đã thống nhất trình Thư kiến nghị gửi EC đề nghị giữ nguyên mức MRLs đối với Metalaxyl là 0,1ppm. Ngay sau đó EC đã có thư phản hồi dừng xem xét việc này, giữ nguyên mức 0,1ppm. Quyết định đó đã giúp hạt tiêu Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường Châu Âu.

SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

20 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tôi nghe nói đây chỉ là hình thức dùng rào cản kỹ thuật để ép giá.
    Sau khi đưa ra phiếu kiểm định đề làm cớ từ chối lô hàng, nhưng nhà nhập khẩu lại đưa tiếp đề nghị giảm giá mà không muốn lô hàng bị thu hồi, với những lô hàng có dư lượng thấp như trước đây.
    Chuyện này là sao?

  2. @ CHÂU HUẾ nói đúng lắm. Chỉ người dân là khổ thôi. Giá thấp, đó cũng là chiêu trò của đầu nậu ép giá thị trường.

  3. Việt Nam cần đoàn kết để tạo tiếng nói trên thương trường quốc tế, vì nước nhỏ nên hay bị ép. Nếu Mỹ sản xuất được hồ tiêu có dư lượng 0,1 ppm như Việt Nam (mức an toàn theo nghiên cứu) chắc chắn giá sẽ cao hơn mức Việt Nam được nhận rất nhiều. Vấn đề nằm ở tiếng nói của cả đất nước không nằm ở hạt tiêu. Người nông dân chỉ biết làm ra hạt tiêu đừng đòi hỏi họ phải làm tăng giá mà nhọc óc và không thể, chỉ có bộ Công Thương làm được việc này. Ngoài ra nếu bị ép chúng ta thà chết chung chứ nhất quyết không bán rẻ. Dám làm điều đó thì việc ép giá không còn.

    • Bạn có thể chết chứ tui không dại mà chết. Vì tui với bà con tui đang làm tiêu sạch, không xài thuốc dỏm của tàu, có công ty tới hợp đồng đặt hàng rồi…

    • Tôi cũng có nghe nhiều vị nói về thuốc bvtv như vậy, nhưng làm sao để họ có thể khẳng định hay tuyên bố công khai cho bà con biết được đây ?

  4. Tiêu mình từ hồi ra bông tới giờ hiện đang thu hoạch mình chưa từng xịt bất cứ loại thuốc nào cả kể cả phân bón lá, trông mãi mới được thu nhưng khi được thu rồi giá giảm nhiều quá cứ nghĩ mà nản.

  5. Lên tiếng phản đối sự phi lý – muộn nhưng còn hơn không !
    Bố mẹ sinh con, đặt tên cho con ấy là tất yếu !
    Nông dân Việt đã tạo dựng sự nhất, nhì … trên quả đất. Lẽ ra theo cơ chế sẽ là chủ, là bố để đặt tên cho con. Tại sao có chuyện tai ngược này ? Dân trí thấp – giống như lời 1 số quan chức Việt nói !
    Dân trí thấp ? Tại sao lại có thuê bao Net, Đt thuộc tốp đầu ? Người mù chữ thấp nhất quả đất ?
    Quay lại chuyện giá tiêu ! Người trồng tiêu đã có truyền thống nhiều năm nay. Các sàn cứ ép xuống, ta không giao dịch, họ phải chào thua, không còn chiêu nào nên dùng kế sách này. Tiêu Việt Nam chỉ cần đóng băng vài tháng họ sẽ phải mua tiêu Ấn với giá kg tiêu = 1kg vàng – giống như giá của thời kỳ đầu Thực dân. Họ dám không ? Hồ tiêu không giống như gạo, cà phê, cao su, lúa mì, ngô, sắn…
    Cuộc chiến ép giá tiêu Việt đã rầm rộ nhiều năm nay nhưng không kết quả. Năm nay đã và sẽ khốc liệt – nhằm dìm bằng được đầu – kẻ cứng đầu !!!

  6. Chú Ba nói đúng nhưng cũng khó làm chú ah. Tiền đầu tư chăm sóc cho cây tiêu bà con thường đôi khi phải đi vay nợ đến lúc trả thì phải bán tiêu mà trả chứ biết sao giờ. Giá tiêu cao ngất ngưởng mấy năm nay nếu ai có tiêu thu thì họ đã giàu có lắm rồi, xuống mức giá này cháu nghĩ cũng chả thấm vào đâu với họ cả. Chỉ tội cho những người mới trồng tiêu thôi khi bước vào thu hoạch thì giá rớt.

  7. Vấn đề là quản lý ở tầm vĩ mô. Xăng dầu, máy móc, xe cộ, phân bón, thuốc men thì nhà nước bán bằng giá các nước giàu. Trong khi nông sản của nước sản xuất nông nghiệp thì bị tư thương ép giá, lủng đoạn, trộn tạp chất, chất bảo quản, …. Xem ra giá đầu tư cho nông nghiệp thì quá cao mà giá bán thì bằng nữa thế giới là điều tất yếu mà người nông dân phải chịu.

  8. Về cái metalaxyl hay carbendazim thì nhà nước cấm nhập là xong, đơn giản như trở tay vậy thôi sao lại cho bán tùm lum. Nông dân không biết tiệm bvtv bán thì họ mua thôi, giờ bảo họ đừng dùng thì sao được còn thay thế chất gì thì cho chất đó nhập khẩu.
    Về giá không cách này thì cách khác họ sẽ ép ta tới cùng, mình không có tiếng nói gì trên trường quốc tế cả. Vụ trả về tiêu nhập vào châu Âu không đạt chuẩn được họ tận dụng triệt để nhắc mãi tới tận bây giờ. Trên thế giới khó có nước nào trồng được tiêu, khó có người đủ trình độ trồng được tiêu. Việc còn lại gồm chất độc, giá cả… nhà nước phải lo, nông dân không đủ thẩm quyền để lo. Tiêu là cây dễ chết, nếu ép quá thì vài năm nữa năn nỉ mua cũng không có. Khó quá dân dẹp hết tiêu.

  9. Vì sao thuốc BVTV mà bà con thường phun lá hay đổ gốc khoảng 5 đến 7 ngày là phải lặp lại? Hầu hết giới chuyên môn đều cho biết sau thời gian này thuốc sẽ bị phân hũy trong tự nhiên nên mới cần lặp lại để kéo dài hiệu quả trừ sâu bệnh.
    Vậy thì tại sao thuốc tồn dư trong nông sản quá lâu như thông tin nói trên ? Câu trả lời duy nhất là do thuốc kém chất lượng, nhưng thuốc đó ở đâu ra ?

  10. Em rất đồng ý với bác Ba, lẽ ra mình hét giá chứ mình là nông dân cũng làm hết cách rồi tiêu ba tháng nay không dùng thuốc trừ nấm trận mưa cuối mùa sốt ruột mang nấm đối kháng rải gốc có đâu dư lượng thuốc bvtv. Nếu em là nhà nước tạm cắt kinh phí chỗ nào đó thu hết tiêu lại coi như ta mua của các con không cao tạm chưa giao dịch ko bán được tạm cất một năm, có hơn tỉ dola chứ mấy đất nước ta giàu và đẹp mà (cô giáo bảo thế)

  11. Ngok – Vùng của các bác liên kết với nhau làm tiêu sạch thì tốt rồi. Nhưng một số nông dân vùng khác cũng làm tiêu sạch, nhưng làm đơn lẻ nên sản lượng hạn chế (nhỏ hơn 10 tấn) thì làm cách nào kiếm đầu ra. Bác có thể cho số đt hoặc gmail để liên hệ trao đổi kiến thức được ko ? Thân !

    • Buôn có bạn, bán có phường là chuyện xưa nay rồi.
      Công ty kinh doanh xuất khẩu lấy đâu ra nhân viên để đi mua lẻ trực tiếp khắp mọi nơi.
      Công ty thu mua nội địa, đại lý, thương lái… do vậy mới tồn tại bạn à.

  12. Nếu vậy thì giá tiêu sẽ lên trong nay mai. Nhưng nông dân nợ ngập đầu mong đến mùa bán tiêu để trả nợ thì không biết có chờ nỗi không? Trước mắt thì “trăm dâu đổ đầu tằm” rồi !

  13. Làm tiêu chẳng ai nói mạnh được. Bệnh tật tùy vào vùng đất canh tác và nhờ may mắn vào thời tiết hết cả thôi. Cháu đã tìm hiểu bệnh từng giai đoạn và đi tham khảo các vùng tiêu bị chết. Nhờ kinh nghiệm của mọi người trên diễn đàn chia sẻ nên tiêu của cháu năm nay chỉ chết vài bụi thôi. Từ trước hái cà phê vài tháng rồi cháu chẳng nghĩ xịt thuốc để làm gì nữa. Tiêu của cháu mà bán thì 100% không còn thuốc gì lưu lại.

    • Bạn đã nghĩ đến 1 trường hợp thuốc carbendazim từ ngày phun đến ngày bên EU thí nghiệm hơn 14 tháng mà vẫn còn dư lượng quá mức chưa ? Giải thích thế nào đây ?

  14. Dù sao ta cũng rất ghen tỵ với thương nhân Trung Quốc ! Họ rất đồng lòng, nhanh, nhạy. Hàng nông sản của ta đã rất, rất nhiều phen lãnh đủ. Tại sao ?
    -Các hiệp hội của ta có đủ nhưng chỉ cho có, nói không ai nghe vì chưa đủ uy tín.
    -Nông dân và doanh nghiệp muốn đến với nhau đều phải đi qua Cầu khỉ. Nông dân thuộc tầng lớp yếu thế ắt bị rớt.
    Dù sao cũng có hy vọng – Chính phủ kỳ này là chính phủ kiến tạo – sẽ kiến tạo những cây cầu rộng rãi vững chắc thay cho những cây cầu khỉ đã tồn tại nhiều chục năm nay !

Gửi phản hồi mới

(?)