Phân lân, những điều cần biết
Trên một số loại đất ở nước ta, lân trở thành yếu tố gây hạn chế năng suất cây trồng. Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, thiếu lân không những làm cho năng suất cây trồng giảm mà còn hạn chế hiệu quả của phân đạm.
>> Phân đạm, những điều cần biết
>> Hiểu biết về chất điều hòa sinh trưởng thực vật
Hiệu suất của phân lân khá cao. Trên một số loại đất ở Tây Nguyên, bón 1 kg cho hiệu quả thu được 4,3 – 7,5 kg cà phê nhân. Ở các vùng đất phèn mới khai hoang, hiệu suất của phân lân càng cao hơn, 1 kg P mang lại 90 kg thóc, ở mức bón 40 – 60 kg/ha.
Bón quá nhiều phân lân trong nhiều trường hợp có thể làm cho cây bị thiếu một số nguyên tố vi lượng. Vì vậy, cần bón thêm phân vi lượng, nhất là Zn.
* Phôtphat nội địa
Là loại bột mịn, màu nâu thẫm hoặc đôi khi có màu nâu nhạt. Tỷ lệ lân nguyên chất trong phân thay đổi rất nhiều, từ 15% đến 25%. Loại phân thường có trên thị trường có tỷ lệ là 15 – 18%.
Trong phân phôtphat nội địa, phần lớn các hợp chất lân nằm ở dạng khó tiêu đối với cây trồng. Phân có tỷ lệ vôi cao, cho nên có khả năng khử chua.
Vì lân ở dạng khó tiêu, cho nên phân chỉ dùng có hiệu quả ở các chân đất chua. Ở đất không chua, hiệu lực của loại phân này thấp ; dùng bón cho cây phân xanh có thể phát huy được hiệu lực. Chỉ nên dùng để bón lót, không dùng để bón thúc.
Khi sử dụng có thể trộn với phân đạm để bón, nhưng trộn xong phải đem bón ngay, không được để lâu. Dùng để ủ với phân chuồng rất tốt.
Phân phôtphat nội địa ít hút ẩm, ít bị biến chất, cho nên có thể cất giữ được lâu. Vì vậy, bảo quản tương đối dễ dàng.
* Phân apatit
Là loại bột mịn, màu nâu đất hoặc màu xám nâu. Tỷ lệ lân nguyên chất trong phân thay đổi nhiều.
Thường chia thành 3 loại: loại apatit giàu có trên 38% lân; loại phân apatit trung bình có 17 – 38% lân ; loại phân apatit nghèo có dưới 17% lân.
Loại apatit giàu thường được sử dụng để chế biến thành các loại phân lân khác, còn loại trung bình và loại nghèo mới được đem nghiền thành bột để bón cho cây. Phần lớn lân trong phân apatit ở dưới dạng cây khó sử dụng.
Tỷ lệ vôi cao nên có khả năng khử chua cho đất, được sử dụng tương tự như phôtphat nội địa. Sử dụng và bảo quản tương đối dễ dàng vì phân ít hút ẩm và ít biến chất.
* Supe lân
Là loại bột mịn màu trắng, vàng xám hoặc màu xám thiếc. Một số trường hợp supe lân được sản xuất dưới dạng viên.
Trong supe lân có 16 – 20% lân nguyên chất. Ngoài ra còn có chứa một lượng lớn thạch cao, một lượng khá lớn axit, vì vậy phân có phản ứng chua.
Phân dễ hoà tan trong nước cho nên cây dễ sử dụng, thường phát huy hiệu quả nhanh, ít bị rửa trôi. Có thể dùng để bón lót hoặc bón thúc đều được.
Phân này có thể sử dụng để bón ở các loại đất trung tính, đất kiềm, đất chua đều được. Tuy nhiên, ở các loại đất chua nên bón vôi khử chua trước khi bón supe lân. Có thể dùng để ủ với phân chuồng.
Nếu supe lân quá chua, cần trung hoà bớt độ chua trước khi sử dụng bằng phôtphat nội địa hoặc apatit. Đất chua nhiều dùng 15 – 20% apatit để trung hoà, đất chua ít dùng 10 – 15%. Nếu dùng tro bếp để trung hoà độ chua của supe lân thì dùng 10 – 15%, còn dùng vôi thì tỷ lệ là 5 – 10%.
Phân supe lân thương phát huy hiệu quả nhanh, cho nên để tăng hiệu lực của phân, người ta thường bón tập trung, bón theo hốc, hoặc sản xuất thành dạng viên để bón cho cây. Đặc biệt, có thể dùng supe lân để kích thích cây ra rễ.
Supe lân ít hút ẩm, nhưng nếu cất giữ không cẩn thận phân có thể bị nhão và vón thành từng cục. Phân có tính axit nên dễ làm hỏng bao bì và dụng cụ đong đựng bằng sắt.
* Tecmô phôtphat (phân lân nung chảy, lân Văn Điển):
Phân có dạng bột màu xanh nhạt, gần như màu tro, có óng ánh.
Tỷ lệ lân nguyên chất trong tecmô phôtphat là 15 – 20%. Ngoài ra trong phân còn có canxi 30%, một ít thành phần kiềm, chủ yếu là magiê 12 – 13%, có khi có cả kali.
Tecmô phôtphat có phản ứng kiềm, cho nên không nên trộn lẫn với phân đạm vì dễ làm cho đạm bị mất.
Phân không tan trong nước, nhưng tan được trong axit yếu. Cây sử dụng dễ dàng. Có thể sử dụng để bón lót hoặc bón thúc đều tốt.
Tecmô phôtphat phát huy hiệu lực tốt ở các vùng đất chua, vì phân có phản ứng kiềm. Sử dụng có hiệu quả trên các vùng đất cát nghèo, đất bạc màu vì phân chứa nhiều vôi, có các nguyên tố vi lượng và một ít kali. Thường được bón rải, ít khi bón tập trung và ít được sản xuất dưới dạng viên.
Tecmô phôtphat ít hút ẩm, luôn ở trong trạng thái tơi rời và không làm hỏng dụng cụ đong đựng.
* Phân lân kết tủa
Phân có dạng bột trắng, nhẹ, xốp trong giống như vôi bột. Phân có tỷ lệ lân nguyên chất tương đối cao, đến 27 – 31%. Ngoài ra trong thành phần của phân có một ít canxi.
Phân này được sử dụng tương tự như tecmô phôtphat. Phân ít hút ẩm cho nên bảo quản dễ dàng.
61 phản hồi cho bài "Phân lân, những điều cần biết"
Để bón lân đạt hiệu quả cao bà con nên kiểm tra độ pH trước khi bón. Độ pH từ 7 trở lên nên bón super lân. Độ pH dưới 5,5 bà con nên bón lân nung chảy. Vì lân ko tan trong nước bón cho caphe kinh doanh tôi thường bón vào tầm tháng 7 âm lịch. Liều lượng trên bao bì nhà sản suất có hướng dân. 1 hec caphe nhà tôi 3 năm đều cho năng suất 3 tấn nhân trở lên. Quả chín rất đồng đều
Trên một số loại đất ở nước ta, lân trở thành yếu tố gây hạn chế năng suất cây trồng. Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, thiếu lân không những làm cho năng suất cây trồng giảm mà còn hạn chế hiệu quả của phân đạm. Cháu thấy đoạn này mâu thuẩn quá
Chào diễn đàn. Tiêu nhà mình trồng năm ngoái bây giờ đã đôn rồi, khi trồng mới mình đã bón lót 0,5kg lân Văn điển và khi đôn mình cũng bón lót thêm 0,5 kg lân Văn điển. Bây giờ tiêu phát triển bình thường nhưng khi tiêu ra lá non thì có màu trắng hoặc vàng gân lá màu xanh, lá ko biến dạng hoặc xoăn gì hết, mình đang nghi ngờ là cây thừa lân nên thiếu trung vi lượng. Mọi người có ai biết thiếu trung vi lượng gì ko giúp mình với.
Chuyện đơn giản, phun biosol 2 lần liên tiếp sẽ hết ngay !
Đầu mùa mưa bổ sung phân sinh học, phân hữu cơ ủ hoai thật nhiều tiêu sẽ phát ào ào.
2 lần liên tiếp cách nhau bao lâu hả bạn Trung Anh
Cách nhau 7-10 ngày là được bạn.
Tiêu nhà em trồng mùa mưa năm ngoái, em trồng dây ác, đến nay cao trung bình 1,2m. Gần đây tự nhiên thấy chững lại không phát, ngọn đang màu tím chuyển sang màu xanh. Lá non, ngọn nhỏ đi và có màu trắng bạc. Em mới bón NPK 20-5-5 cách đây 20 ngày, mỗi cây khoảng 80 gam và tưới nước. (lần này là lần đầu tiên em bón phân hóa học, trước đó em chỉ bón lân và hữu cơ vi sinh). Em đang rất lo, xin nhờ các chuyên gia, và các bác có kinh nghiệm chỉ giúp em cách khắc phục bệnh này. Em xin chân thành cảm ơn!
– Đất của bạn bị dư acid, độ pH thấp làm cây không hấp thu được phân bón, đặc biệt là các chất trung vi lượng. Đo để xác định độ pH, dùng bón vôi+lân điều chỉnh về mức 5,6 – 6,5 độ.
– Khẩn cấp cung cấp trung vi lượng bằng phân bón lá sinh học biosol, phun liên tiếp 2 lần, cách 1 tuần. Sau đó dùng các loại phân hữu cơ, sinh học, thường xuyên hơn sẽ bền vững.
Bệnh chủ yếu thuộc về dinh dưỡng, bón phân đầy đủ, chăm sóc cẩn thận sẽ khỏi.
Chào diễn đàn, cho cháu hỏi. Hiện nay ở chỗ cháu trời có mưa rải rác. Ba cháu bảo tranh thủ mưa để bón phân kali và đổ gốc biogel + đạm bánh dầu… làm chắc hạt và tăng dung trọng tiêu. Cháu muốn hỏi kinh nghiệm bón phân như vậy đã đúng chưa? hay cần bổ sung điều chỉnh phân thuốc gì nữa không?
Xin cộng đồng cho ý kiến tham khảo ạ. Cháu xin cảm ơn.
Lúc này tiêu chỉ cần ít đạm. Khi bón phân làm chắc hạt nhớ kết hợp bổ sung nấm tricho phòng bệnh cuối mùa mưa. Chuẩn bị lân Văn Điển và phân chuồng ủ hoai để bón lần cuối trước thu hoạch. Duy trì phun phân bón lá biosol theo định kỳ… như vậy là được.
Bệnh chết nhanh thường xuất hiện vào thời điểm cuối mùa mưa. Chú ý theo dõi để có biện pháp phòng chống kịp thời.
Chào bạn Chi Mai,
Mùa nắng thì nên bón gì cho tiêu, thời tiết năm nay chắc lượng mưa không còn nữa. Cây giờ đã lớn trái, nếu bón thì có bị cháy rể hay không, hay chỉ bơm phân bón lá. Giờ dùng phân đổ gốc sợ không đủ ẩm và nắng bốc hơn, cây không hấp thu được dinh dưỡng là bao… Thời gian này dùng Biogel được không bạn hay có mưa, ẩm nhiều mới dùng…
Chào Hiền, thời tiết khô hạn thế này thì phải tưới giữ ẩm rồi mới bón phân chứ. Có thể lấy cỏ hoặc rơm tủ gốc giữ ẩm cho tiêu. Tăng cường bón phân biogel khi đất đủ âm là được rồi. Tích cực phun biosol nhiều lần hơn bình thường, khoảng 15-20 ngày lần. vậy là ok. Chứ giờ bạn đợi có mưa chắc tiêu còn trụ không quá…
Thân
Tôi chia sẻ thêm về bón phân cho tiêu để các bạn rõ.
Cây trồng nói chung luôn luôn cần ăn để sinh trưởng, nên bón phân là việc phải làm thường xuyên. Không bón phân thì cây sẽ suy, có thể rụng lá, rụng chuỗi, teo đọt non… Nhưng bón phân trong lúc cây đang thiếu ẩm, đất khô hạn, thì cây trồng sẽ không hấp thụ được phân nên cần phải tưới nước. Tưới bao nhiêu thì tùy theo độ ẩm của đất, mưa nhiều thì tưới ít và ngược lại.
Thiếu ẩm sẽ làm tiêu cháy rễ tơ, không hấp thụ được phân. Lúc này bón phân hóa học thì khác gì bức tử cây tiêu. Nên cần phải bón các loại phân hữu cơ, sinh học,… để các acid hữu cơ kích thích cho tiêu nhanh chóng tái sinh rễ tơ. Còn khi tiêu chưa có rễ tơ thì phun phân bón lá là lựa chọn duy nhất. Đôi lời chia sẻ.
Thân
Xin chào tất cả mọi người tham gia diễn đàn.
Thời gian mùa nắng này bón phân lân Văn Điển có ổn không các bác, lân Văn Điển cũng được coi là phân vô cơ. Em hơi ngại nhưng nếu cứ dựa hoàn toàn vào Biogel, Biosol, Amino… trên thị trường lỡ không may trúng 1 đợt phân giả thì mình cũng có 1 kế sách phòng thủ khác cho vườn tiêu của mình. Mình không nói Gel+ Sol là không tốt, nhưng đây là hàng nhập khẩu, trong nước chưa có loại nào ngang tầm thay thế, thậm chí trong 1 tỉnh chỉ có vài Đại lý bán phân này, mỗi lần đi mua cũng rất cực.
Cuộc sống cũng vậy, không nên dựa vào 1 cái gì là hoàn toàn, củng như làm nông không thể chỉ trồng tiêu không thôi là đủ, cần phải có cà phê phòng thủ vậy, mọi người nghỉ sao…?
Mùa nào bón phân cũng ổn cả, nếu khô hạn thì bạn phải tưới nước cung cấp đủ ẩm cho đất. Cây hấp thụ được các loại phân bón chỉ khi đất đủ ẩm mà thôi.
Xin chào cộng đồng giatieu. Xin hỏi mọi người là em có thể dùng lân Văn điển để tưới gốc cho tiêu tơ không ạ. Liều lượng mỗi gốc là 0.5 kg.
Lân Văn Điển là loại phân khó tiêu, cây trồng không hấp thụ trực tiếp được nên chỉ dùng để bón chứ không dùng để tưới. Bạn nên đợi vào mùa mưa rồi bón. Lúc này các EM có sẵn trong đất sẽ chuyển hóa thành thức ăn cho tiêu. Tưới Văn Điển mùa khô sẽ dễ làm đất bị chai cứng, đóng váng bề mặt…
Xin cám ơn chú Trung Anh
Cho cháu xin hỏi thêm 1 vấn đề nữa là vườn nhà cháu có độ pH là 6, như vậy có thể dùng supper lân để bón lót cho tiêu được không ạ. Vì cháu sợ dùng super lân sẽ làm cho đất bị chua.
Không sao cả ! Rải thêm vài lạng vôi bột để cân bằng.
Chào anh Hoàng. Cho em hỏi.
Nhà em ở Đak Lak, em bây giờ mới tập trồng tiêu nên chưa biết rõ lắm. Tiêu nhà em trồng trên đất cafe nên e nghĩ độ pH < 7 ( em cũng không đo mà em nghĩ vậy vì đất làm cafe thường hay bị chua). Nên em bây giờ bón lót xuống hố thì chỉ cần dùng lân Văn Điển ko cần dùng vôi có được không ạ. Mà không dùng supper lân+vôi phải không ạ.
Cho em hỏi luôn là lượng dùng như thế nào vậy? Em xin cảm ơn nhiều.
Bón lót hố chỉ cải thiện pH trong thời gian ngắn, trong phạm vi nhỏ, rồi đâu lại vào đấy do sự thấm thấu, lan tỏa các chất trong đất. Bạn cẩn cải thiện độ pH cho cả vườn mới hợp lý. Xem bài này để hiểu: >> http://www.giatieu.com/tu-do-do-ph-cua-dat-voi-hop-dung-cu-ph-efs/2987/
Mới tập trồng tiêu thì cần phải học nhiều. Kiến thức, kinh nghiệm trên giatieu.com sẽ giúp bạn chăm sóc tiêu hiệu quả nếu dành thời gian hợp lý để tự đọc.
Chào cộng đồng cho mình hỏi là tiêu 1 năm ta bón mấy kg phân Lân Văn Điển là hợp lý. Cảm ơn mong được chia sẻ.
Thân
Lân Văn Điển là loại khó tiêu. Đất cần phải giàu EM mới giúp phân giải được lân này cho cây hấp thụ tốt. Lượng bón hàng năm tùy vào các loại phân hỗn hợp khác đã bón để cân đối.
Nhà mình thường bón 2 lần/năm, mỗi lần khoảng 3-4 lạng, bón đầu mùa mưa và cuối mùa mưa khi thúc hạt.
Tiêu em mới trồng tháng 7 tới giờ. Em bón lót cùng phân chuồng 2 lạng supe lân lúc trồng rồi, giờ em muốn bỏ lân Văn Điển cho tiêu nhưng cũng hết mùa mưa rồi. Trời bắt đầu nắng, em đang phân vân mong diễn đàn cho em lời khuyên.
Cảm ơn diễn đàn !
Không sao cả, mùa này vẫn bón lân Văn Điển bình thường !
Dạ em cảm ơn @Ngok vậy chờ 3 ngày nữa em tưới tiêu rồi bón lân luôn. Mình lấy rác tủ gốc tiêu che lân lại luôn được không ạ. Em tính bón 1 cây 2 lạng Văn Điển như vậy tiêu con có ít không ạ.
Không có căn cứ nào để cho rằng bón như vậy là ít hoặc nhiều vì không rõ mỗi năm bón mấy lần, kết hợp lân trong các loại phân bón khác ra sao nữa bạn à…
Dạ cảm ơn @Thanh Điền
Cho cháu hỏi sau thu hoạch mình có bón phân lân không ạ. Bọn loại phân lân nào ạ.
Nếu hòa phân lân với đạm tưới theo tỷ lệ 100g lân + 100 g đạm, tưới cho cây hoa cảnh có được không ạ.
Sao bạn không dùng phân DAP cho tiện, cây cũng dễ hấp thụ hơn…
Cho em hỏi, em muốn bón lân cho cà phê vào thời điểm nào là tốt nhất ạ. Em xin cám ơn.
Bạn tham khảo bài viết này để vận dụng. Chúc thành công !
> http://giacaphe.com/7173/chia-lam-nhieu-dot-bon-phan-cho-ca-phe/
Mình bón phân lân Văn Điển trời nắng 36 độ không tưới kịp có sao không ạ…
Không vấn đề gì ! Vì lân Văn Điển là loại khó tiêu, cây cũng không hấp thụ được ngay.
Cần có vi khuẩn phân giải lân trong đất giúp chuyển hóa sang lân dễ tiêu thì cây mới hấp thụ được.
Vậy là bón lân Văn Điển không cần độ ẩm phải không bạn.
Các bác trong diễn đàn cho cháu hỏi là mình có thể trộn lân Văn Điển với vôi bột để bón 1 lần cho tiện không ạ. Hay phải bón riêng lẻ. Cháu cám ơn.
Bạn yên tâm, có thể trộn chung lân Văn Điển với vôi bột bón cho lợi công.
chào @Ngok
theo tìm hiểu và hiểu biết của Đăng thì phản hồi của @Ngok 27/04/2017 lúc 08:05 Đăng nghĩ chưa hợp lý lắm vì nếu bón chung vôi + lân nó sẽ xảy ra phản ứng hóa học cũng như trong diễn đàn giatieu.com cũng có bài viết về việc bón vôi và lân, theo ý kiến thì mình nên rãi vôi khoảng 2 tuần sau thì vào lân.
Bạn @ Đăng CĐ nói đúng. Khi kết hợp các chất bất kỳ thường xảy ra phản ứng hóa học. Vôi+lân cũng không ngoại lệ, sẽ kết tủa thành quặng phosphat khó tiêu. Tuy nhiên vi khuẩn phân giải lân sẽ giúp giải quyết điều này nếu đất nhà bạn giàu EM. Trong trường hợp này mất chất không đáng kể bằng lợi công bạn ạ.
Nhà mình 3 năm nay ko bỏ phân lân nữa. Toàn dùng DAP để thay thế. Cà phê, tiêu ko thấy vấn đề gì. Thấy tốt hơn hay sao ý.
Tất nhiên phân hóa học sẽ giúp cây bốc nhanh hơn. Nhưng trong phân lân có những trung vi lượng khác nữa mà chắc chắn DAP không thể có, cần phải bổ sung trước khi đất kiệt quệ.
Chào diễn đàn. Em có trồng cây và khi trồng có bón lót phân lân nhưng trong khi công nhân trồng đã không giám sát được nhân công và để hiện tượng phân đóng cục và chết dưới đất giờ cây không phát triển được. Xin chuyên gia tư vấn giùm em. Em xin chân thành cảm ơn.
Xin chào diễn đàn
Cho em hỏi phân lân Văn Điển ủ phân chuồng được không?
Tỷ lệ là bao nhiêu %?
Xin cảm ơn
Phân lân Văn Điển đưa vào ủ nhằm cung cấp thức ăn cho vi sinh vật và nâng độ pH của đống phân chuồng được ủ.
Em bỏ 700g lân Văn Điển bón thúc thanh long, cây đang xanh tốt tự nhiên chuyển ngã vàng gần hết, xin chỉ cách khắc phục.
Muốn thúc thì phải bón phân hỗn hợp nhiều thành phần chứ bón 1 lần 700g lân thì quá nhiều mà không đủ chất, có thể làm nóng cháy rễ tơ.
Chỉ còn cách tưới thật đẫm nước. Nếu cây còn yếu, phun bón lá sinh học biosol để trợ sức.
Chào anh @Hoàng. Anh cho em hỏi nắng nóng có nên bón lân Văn Điển cho cà phê được không ạ. Sau bao lâu mới bỏ kali và đạm ure cho cà tơ được ạ.
Lân Văn Điển rải đều trên mặt đất, bất kể mưa nắng. Khi nhìn không thấy gì nữa, hay sau vài cơn mưa lớn hoặc vừa, có thể bón đạm và kali, với lượng đạm có thể gấp đôi vì cà tơ chưa cần kali nhiều… Nên bón đạm SA.
Cho em hỏi tại sao sử dụng phân supe lân thì trên đất trung tính mới tốt nhất ạ.
Bởi vì supe lân có độ pH thấp, tồn dư sẽ làm đất chua (dư acid) !
Bón phân hóa học nhiều, lâu ngày đất bị tồn dư axit quá mức. Cây sẽ không hấp thụ trung vi lượng, lá ngả sang màu vàng, không mướt. Bón lân super càng làm đất xấu hơn. Phần lớn đất Tây nguyên cần bón vôi, nâng pH lên trên 5 độ mới có năng suất.
Mọi người cho tôi hỏi khi bón lân Văn Điển xong thì bao lâu có thể bón được Trichoderma?
Sau khoảng 2 tuần vào mùa nắng hoặc 1 tuần vào mùa mưa.
Để lân bớt mùi magiê hăng nồng thì trichoderma sẽ phát triển tốt…
Bác @ Thắng lợi nói đúng. Trước đây tôi đã từng bón supe lân nhưng hiệu quả kém, cây hay bị vàng nên tôi chuyển sang bón phân nung chảy bón hiệu quả đem lại rất tốt. Và bà con chỗ tôi ít bón supe lân, đa phần là dùng vi sinh hay nung chảy.
Thế nếu tiêu nhà em bị rụng lá và chuỗi nhiều? (Cách đây 5 ngày thì không bị dụng nữa rồi, Lá trên cây vẫn bình thường, lá bị rụng cũng bình thường, không có biểu hiện của bệnh, theo em nghĩ có vẻ như thiếu dinh dưỡng, hoa tiêu cũng đậu nhiều”). Nếu tình hình như vậy em định bây giờ phun biosol xong 1 tuần nữa bỏ lân Văn Điển rồi 10 ngày sau thả Trichoderma xuống thì có được không anh Thắng Lợi và mọi người?
Phun biosol nếu không phải bị bệnh mà do thiếu dinh dưỡng để chống rụng bông non là đúng. Nhưng tại sao không bỏ lân Văn Điển ngay mà phải 1 tuần sau? Nay đang có nhiều mưa, chỉ cần sau vài cơn mưa là bỏ trichoderma. Về nguyên tắc, bỏ càng sớm càng tốt nhưng chú ý thời gian cách ly cần thiết để khỏi gây hại cho tricho.
Cám ơn anh Hoàng nhé.
chào anh,
cho em hỏi khi mà mình ủ phân thì thường người ta ít lân lên lớp xếp ạ. Nhưng không biết làm như vậy ạ? Em tra mạng thì thấy nó gữi đạm cho đống phân ủ ạ? Như vậy có phải không ạ ? và tại sao như vậy? Mong anh giải đáp thắc mắc của em với ạ.
Em cảm ơn anh
Không hiểu bạn nói gì luôn?
Bạn nên tham khảo bài này và những bài có liên quan :
http://www.giatieu.com/u-xac-ba-thuc-vat-phan-chuong-bang-che-pham-trichoderma/3792/
Đa số gói nấm Tricho dùng để ủ phân hay bón gốc phòng ngừa bệnh hiện nay đều có bổ sung vi khuẩn cố định đạm, bạn không phải lo !