“Phù phép” thuốc bảo vệ thực vật rẻ tiền thành “hàng hiệu”
Ngày 20/8, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC 46), Công an thành phố Cần Thơ cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Điệp, 30 tuổi, ngụ xã Đức Long, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.
Trước đó, vào trưa 20/7, lực lượng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Cần Thơ tiến hành kiểm tra căn nhà không số nằm trên đường Nguyễn Văn Huy, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Cần Thơ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Điệp chuẩn bị mang đi tiêu thụ 3 bao tải thuốc bảo vệ thực vật giả, gồm: 190 chai thuốc trừ bệnh Amistar Top 325SC 250ml, 40 chai thuốc trừ bệnh Tilt Super 300EC 250ml thành phẩm.
Ông Điệp đã khai nhận toàn bộ số thuốc thực vật trên do ông sản xuất và chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ thì bị phát hiện.
Tiến hành kiểm tra, khám xét căn nhà trên, Công an thành phố Cần Thơ phát hiện thêm 288 chai thuốc bảo vệ thực vật giả thành phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như: Amistar Top 325SC 250ml; Amistar Top 325SC lOOml; Amistar 250SC 250 ml; Filia 525SE 250ml; Tilt Super 300EC 250ml…
Tất cả số thuốc bảo vệ thực vật giả này ông Điệp làm giả sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam đã đăng ký bảo hộ để trục lợi.
Ngoài ra, qua kiểm tra, Công an thành phố Cần Thơ còn phát hiện, thu giữ nhiều nguyên liệu để sản xuất thuốc thực vật giả như: vỏ chai, tem nhãn, nút chai, thẻ cào, bột màu, máy đóng nút chai và thuốc bảo vệ thực vật giả sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa Sinh Triệu Nông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chuyển giao công nghệ Hoa Kỳ Argo.
Tại cơ quan điều tra, ông Điệp khai nhận làm giả thuốc bảo vệ thực vật của các thương hiệu nổi tiếng trên để bán ra thị trường giá cao để trục lợi. Ông Điệp khai đã mua thuốc bảo vệ thực vật loại rẻ tiền trên thị trường về sau đó đem về đổ ra và thêm vào màu, hóa chất khác.
Tiếp đó, ông Điệp cho vào chai giả nhãn hiệu của các sản phẩm nổi tiếng rồi bán ra thị trường giá cao. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định ông Điệp đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng từ việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả thương hiệu.
Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Cần Thơ tiếp tục điều tra, làm rõ.
14 phản hồi cho bài "“Phù phép” thuốc bảo vệ thực vật rẻ tiền thành “hàng hiệu”"
Dạo này toàn sử dụng nguyên liệu hóa chất của Tàu nên chất lượng giảm sút trầm trọng, còn hơn ai nữa đâu mà hàng hiệu với hàng họ…
Đọc bài báo mà thấy thật bức xúc, một con người đúng chỉ biết kiếm lời bất chính ăn hớt của cải của nhân dân. Kính mong cơ quan nhà nước xử nghiêm loại tội phạm kiểu này và nên cho bóc lịch 20 năm trở lên, quy gây thiệt hại tài sản khi sử dụng thuốc dổm thì hậu quả rất lớn. Cứ một lít thuốc trừ nấm phun một trăm trụ tiêu, và cứ nhân lên thì thiệt hại sẽ là hàng tỉ đồng.
Thương hiệu này bị làm giả rất nhiều vì sản phẩm của họ đã có uy tín từ thời còn nhập hóa chất của Thụy Sĩ.
Cần xử phạt hành chính từ 3 đến 5 triệu đồng là xong !
Phạt mức đó thì khác gì khuyến khích tội phạm gia tăng.
Xin chào cộng đồng !
Trời mưa dầm hơn cả tháng nay, một số nọc tiêu nhà em bị vàng lá rải rác nhưng vẫn chưa thấy rụng. Trái lại một số nọc bị rụng lá nhưng lá vẫn còn màu xanh. Em lo quá !
Sáng nay em ra mua thuốc, đại lý bán cho 1 chai phân bón lá, 1 chai thuốc trừ sâu, 2 gói thuốc trị bệnh (1 gói đặc trị bệnh chết nhanh chết chậm, 1 gói đặc trị thán thư, móc sương). Đại lý hướng dẫn cho người nhà pha chung thành 2 phuy, phun đều lên tán lá rồi theo dõi. Nếu 4-5 ngày chưa thấy bệnh giảm thì sẽ đổi thuốc khác, nếu có phần giảm thì cũng phải phun thêm 1 lượt nữa. Xin cộng đồng cho ý kiến tham khảo và sử dụng. Em cám ơn. (em dự tính chờ trời bớt mưa khoảng vài tiếng là em sẽ phun)
Bệnh chết nhanh chết chậm, thán thư, móc sương… đều do nấm hại gây ra. Bạn chỉ cần dùng 1 loại thuốc trị nấm có hiệu quả nhất là được.
Lưu ý : tuyệt đối không sử dụng các thuốc gốc đồng khi cây trồng trong giai đoạn làm bông hay nuôi trái non, sẽ dẫn đến rụng bông rụng trái hàng loạt…
Việc pha trộn nhiều loại phân thuốc khá phức tạp, thường do phản ứng hóa học xảy, kết quả rất khó để xác định. Trên trang giatieu.com thường khuyên bà con nên sử dụng riêng rẻ, nhất là khi cây đang bị sâu bệnh tấn công. Tập trung dùng thuốc xử lý cho tới khi cây đã ổn định, bệnh giảm hẳn, cây cần tăng sức mới dùng phân bón. Đặc biệt khi cây bị các bệnh nấm, sử dụng phân bón lá sẽ làm bệnh bùng phát, nhất là loại phân hữu cơ tổng hợp giàu amino. Nhiều trường hợp dẫn đến vô phương cứu chữa…
Có thể pha trộn loại này với loại kia được, nhưng đa phần sẽ không tốt vì phản ứng. Chỉ nên pha chung 2 loại là tối đa, nhưng phải chú ý cách pha…
Theo NSX thuốc BVTV cho biết không nên pha lẫn lộn các loại thuốc của những NSX khác nhau.
Chỉ pha chung thuốc của cùng 1 NSX nhưng có tác động khác nhau về cùng 1 đối tượng.
Không pha thuốc có tính acid (gốc OH) với các thuốc có tính kiềm (gốc kim loại)
Không pha thuốc hóa học với thuốc sinh học, nhất là các thuốc có chưa vi sinh vật…
Khi pha chung, nên pha riêng rẻ từng dung dịch, xong rồi mới đổ vào chung để sử dụng !
Tôi cũng nghe nói pha chung 2 loại thuốc bvtv khác cty sản xuất dễ bị biến chất, gây phản ứng xấu làm hại cây, là do các chất phụ gia độc quyền họ được phép không công bố.
Ý bạn nói không pha trộn thuốc của hai cty khác nhau chắc là cũng từ lí do đó.
Thị trường bây giờ có nhiều loại phân thuốc sinh học kích bông, kích rễ hoặc để trừ sâu bệnh hay lắm. Thấy quảng cáo đầy trên mạng nhưng không biết hiệu quả thế nào ?
Sinh học là các chất hữu cơ được lên men vi sinh hoặc là các vi sinh vật thì kích kiểu gì ?
Chỉ có hóa học hoặc hóa học núp bóng sinh học mới kích…
Các loại phân bón hữu cơ sinh học giàu hàm lượng dinh dưỡng sẽ giúp cây tăng trưởng nhanh hơn, ra bông đậu trái nhiều hơn, sức đề kháng sâu bệnh cao hơn… là chuyện tất nhiên !
Có nghi vấn trộn thêm thuốc hóa học thì phải cơ quan chức năng kết luận.
Có ý kiến cho biết các loại thuốc này pha thêm một số chất hóa học để đạt hiệu quả cao hơn, như kiểu humic của tàu có pha thêm NPK vậy !