Quảng Trị: Hàng trăm hecta hồ tiêu chết !

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, tính đến thời điểm hiện nay, mưa rét kéo dài đã khiến hàng trăm ha tiêu trên địa bàn bị ngập úng và dịch bệnh, chết.

Cây hồ tiêu tại Quảng Trị nhiễm nhiều loại bệnh thối gốc, vàng lá rồi chết dần.

Hiện hình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ tăng mạnh trong thời gian tới… Ông Trương Quang Thắng, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh – Quảng trị), chỉ vào vườn tiêu của mình rầu rĩ: “Gia đình tôi có 4 sào tiêu nhưng bây giờ hầu như vườn nào cũng bị bệnh, nặng nhất là vườn này. Cả vườn có 110 gốc tiêu bây giờ bị bệnh chết rụi gần hết. Dịch bệnh diễn ra rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, lá cây có hiện tượng úa vàng, héo rũ rồi chết khô”.  Rất nhiều hộ gia đình trồng tiêu khác trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do diễn biến dịch bệnh diễn ra khá nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Bên cạnh đó, thời tiết mưa lạnh kéo dài liên tục khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng và bùng phát trên diện rộng.

Theo UBND xã Vĩnh Giang, trên địa bàn có khoảng 50 ha tiêu bị dịch bệnh.  Ông Lê Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang cho biết, sau các cơn bão số 4, 10, 12 và đặc biệt là đợt rét đậm vừa qua, tình trạng tiêu chết ở xã rất lớn. Đặc biệt, tại một số hộ có 100% cây tiêu chết nhất là những vườn trồng mới, những vườn đất có mạch nước ngầm cao không thoát được.

Theo báo cáo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, hiện đã có 300 ha hồ tiêu bị ngập úng gây thối rễ, rụng lá và chết cây; hơn 223 ha bị bệnh chết nhanh, trong đó có 23,5 ha bị nặng và 282 ha tiêu bị bệnh chết chậm… Chủ yếu tập trung tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ với những xã bị nặng như: Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành…

Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị, hạn chế lớn nhất của người nông dân Quảng Trị vẫn sử dụng cách thức trồng tiêu “âm” dưới mặt đất. Bên cạnh đó, việc khơi thông cống rãnh, hệ thống mương thoát nước ở các vườn tiêu hầu như các hộ chưa quan tâm. Hầu hết các diện tích hồ tiêu khi mà có mưa lớn và ngập úng xảy ra thì đều không thoát được nước, đây chính là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh.

Nguồn Thanh Thủy (nongnghiep.vn)

8 phản hồi cho bài "Quảng Trị: Hàng trăm hecta hồ tiêu chết !"

Thái Thược

Tiêu năm nay không có quả vì mưa từ tháng 6 đến bây giờ, lại bị ảnh hưởng của 3 cơn bão, nay lại gặp rét nữa nên các vườn tiêu sẽ lại tiếp tục chết việc phun tưới quả thực quá khó khăn mình đã phòng rồi nhưng vẫn bị vài cây đang vàng lá. Vừa rồi tranh thủ được 2 ngày tạnh mình tiếp tục đổ trichco và phun biosol, đang chờ kết quả. Mong diễn đàn góp ý.

Hoàng

Muốn góp ý thì phải biết bạn ở đâu, dùng phân thuốc gì…? Tiêu đang bệnh thì phải ngưng phun bón lá, xử lý thuốc bệnh đã. Chỉ phun phân bón lá khi đã xác định đúng là thiếu dinh dưỡng.
Thận trọng, cho ăn phân lúc này có thể làm cho bệnh bùng phát, nặng thêm…

Thái Thược

Mình ở Vĩnh Linh QT, tiêu mình không bón phân và thuốc hóa học chỉ bón phân chuồng ủ, lân, đạm cá, đầu mùa mưa đã đỗ tricho phòng nấm bệnh, nói chung tiêu xanh, nhưng mưa rét nhiều quá sợ nắng lên tiêu bị thì không chữa kịp.

Thiên bảo

Dạo này sao ít thấy mọi người lên bình luận góp ý quá. Chắc do tiêu mất giá nên không còn hăng hái như xưa nữa rồi thì phải.

ducquangtri

Đến thời điểm này vườn chưa bệnh là quá tốt rồi, vườn em sau thu hoạch cũng rửa vườn, thoát nước, phân chuồng, nấm trico, thế mà vẫn đi vài cây. Năm nay chết nhanh em không trị, phát hiện sớm là cắt bỏ xử lí luôn, nên hạn chế lây lan rất tốt, khi trời nắng lên chăm sóc vườn sẽ dễ dàng hơn nhiều.

nongdanchandat

Theo bài báo thì chủ yếu do đất đai, địa hình không phù hợp và phần lớn bà con ta vẫn canh tác theo lối cũ. Những vùng phát triển ồ ạt về lâu dài hầu hết đều nhiễm bệnh.

Gia Lâm

Giá tiêu xuống 65.000/kg thế này thì đầu tư làm gì cho tốn kém. Người trồng tiêu và người hái công ăn chia nhau 50/50. Nhà tôi có 4 sào đã cho thu hoạch vài năm, giờ giá này có mong cũng chẳng chết bụi nào. Chán…

Bao Cong Ho

Nhìn vào mặt bằng chung mới thấy, trồng hồ tiêu thu nhập bình quân vẫn hơn nhiều loại cây trồng khác. Bà con nông dân hãy thực tế, đừng mơ mộng thái quá !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *